LỊCH SỬ LOÀI ONG



Lịch sử loài ong là câu chuyện vang vọng những đồng cảm với những kỳ vọng nhức nhối và mối quan hệ phức tạp điển hình giữa cha mẹ và con cái, đồng thời là khúc ca tụng nghệ thuật nuôi ong và là lời cảnh tỉnh cho thảm họa môi trường đang dần hiện hữu. Khi câu chuyện dần đến nút thắt, khi ba mảnh đời ở ba khoảng thời gian cùng trở thành câu chuyện duy nhất đau lòng, day dứt, ám ảnh nhưng vẫn lấp lánh hi vọng không chỉ về loài ong mà về chính chúng ta: loài người.
Một lần nữa mình cần ghi nhớ về việc không bao giờ đánh giá một cuốn sách quá chủ quan vì bìa sách hay tên của của sách. Bởi với nhan đề Lịch sử loài ong mình đã quá vội vàng nghĩ về một cuốn sách khoa học khô khan chăng? Một tập sách về những con số, lý thuyết chăng? Nhưng không đây là một câu chuyện…

Viết về khoa học viễn tưởng, viết về sự suy tàn của thế giới loài người đã là một chủ đề không hề mới trong giới cầm bút, một thế giới với những cuộc chiến tranh tàn sát, về những anh hùng...vấn đề môi trường lại đang ngày càng là chủ đề mà các nhà văn hiện đại đang say sưa viết. Nhưng Maja Lunde đã có hướng đi mới cho mình, một nhà văn thực thụ là vậy, họ sẽ có con mắt nghệ thuật khác là họ có thể nhìn thấy những thứ nhỏ bé và vô cùng tinh tế, Maja đã phát hiện ra một chủ đề thật mới mẻ đó là đi từ những con ong.

Những con ong trong những tập sách từ hồi chúng ta còn bé thơ là những loài vật hiền lành, đem hương sắc cho loài hoa, cây cỏ; những tập sách chúng ta đọc về sinh vật nhỏ bé thường là những câu chuyện cổ tích, khi nhắc về chúng sẽ là sự cần mẫn, chăm chỉ, bầy đàn của chúng. Chưa có quá nhiều tác phẩm xây dựng một cốt truyện mới mẻ sáng tạo đột phá đan cài giữa khao học viễn tưởng, kiến thức, tình yếu, đau khổ bác ái liên quan đến những chú ong này, nghe có vẻ thật chủ quan nhưng những bộ phim hay những cuốn sách mình đọc thường là những trận chiến vô cực cùng máy móc, vũ trụ, sự suy tàn của bệnh tật dịch bệnh, những tình tiết giật gân, nhịp điệu rất nhanh. Nhưng với tác phẩm này thì không, nó chậm rãi, kể cả việc Đào đi tìm con cùng nỗi lo lắng của người mẹ nhưng mình vẫn rất bình thản để đọc cuốn sách này. Cuốn sách đào sâu về tâm lý rất nhiều, về sự đấu tranh trong chính nội tâm con người, vào những suy nghĩ âu lo của người lớn. Kể cả phần giới thiệu có ghi là cuốn sách cho tuổi trưởng thành nhưng phảng phất xuyên suốt từ đầu cho đến những trang cuối của cuốn sách vẫn hiển hiện rõ bóng dáng của trẻ thơ và cô cậu tuổi mới lớn. Nó thức tỉnh gọi chúng ta trong cơn mê say của khoa học công nghệ, những vấn đề tồn tại, những vấn đề diệt vong của nhân loại hay ô nhiễm môi trường rằng cũng có sự giáo dục vì đây là những thế hệ tương lai sẽ tiếp tục những trang sách lịch sử tiếp tục tư tưởng của những thế hệ trước.Ba nhân vật, ba số phận nhưng không hề tách biệt không liên quan đến nhau: William, George, Đào. Nếu không để ý bìa cuối sách tóm tắt, mình sẽ vẫn nghĩ ba người sống trong cùng một thời nhưng không là ba khoảng thời gian. Cả ba đều có con, đều có những nỗi niềm của bậc làm cha làm mẹ. Điều mà mình chú ý, đầu tiên là cả ba đều có nỗi niềm với người con trai của mình, nhưng không có nghĩa chúng ta hiểu là đây là sự không công bằng khi ở câu chuyện này đặc biệt là William đã có con gái là Charlotte luôn bên cạnh và chính từ cô bé đã giúp người cha vực dậy. Thứ hai là hai ông bố và một người mẹ, đều là mang những tính cách suy nghĩ vô cùng chân thực trong đời sống bởi sự đời luôn có thay đổi, bố mẹ cũng trải qua nhiều hơn hết là cũng có lúc thất bại yếu đuối, trong khi trong mắt trẻ con bố mẹ luôn cố là những tấm gương tốt đẹp. Thứ ba là đoạn kết của mỗi nhân vật thường nằm trong lời kể của nhân vật ở khoảng thời gian sau nỳ, nhà văn không quá đào bới vào những đoạn kết khổ đau đó bởi dừng lại ở Đào - thế giới đã có hy vọng. Nếu cứ tiếp tục đay đi đay lại những bi kịch ấy thì thật khó để chúng ta có sự hy vọng và kết quả khi đọc đến những trang cuối cùng thì chỉ là sự mệt mỏi trong tâm can vì nó quá bi kịch và đau buồn bởi William và George đều có cái kết là sự mất mát nhưng vì để cái kết ở khoảng thời gian sau nên rất nhẹ nhàng day dứt và vẫn tạo dần cho người đọc về hy vọng tương lai.

Về William….
Năm 1852, một nhà tự nhiên học kiêm chủ cửa hàng hạt giống nuôi tham vọng thiết kế thùng nuôi ong tiên tiến.Cột chặt bản thân trên giường bệnh cùng ước mơ chôn vùi vào sự mệt mỏi, khát khao những cháy bỏng của tuổi trẻ, vùng vẫy của tuổi thanh niên dường như đã dập tắt trong anh, khi anh chỉ nằm đó cho những ngày tháng vô vị dần qua. Có lẽ tuổi trẻ chúng ta mơ ước rất nhiều nhưng anh đã tự giết nó, thầy của anh là một người đeo đuổi khoa học đích thực, dường như sự nhiệt huyết với ngành của mình luôn hiện hữu trong người thầy này. Thầy đã rất nghiêm khắc chất vấn anh rằng tại sao lại lấy vợ sinh con, thực ra không thể trách câu hỏi của thầy, vì sự thật là con người không thể cáng đáng quá nhiều thứ về sự nghiệp trong khi bản năng vẫn mong muốn một mái nhà, một gia đình, đó là hạnh phúc mong ước bản năng không hề đáng trách. Nhưng đáng buồn ở đây là William đã chôn vùi bản thân mình, đã để mình dấn sâu vào con dốc tuyệt vọng. Anh đã thất bại khi nói về khoa học với dân làng, những người vẫn tin tưởng vào Đức Tin của chúa hơn là những trang sách khoa học. Anh đã là trò cười, một nhà khoa học nực cười trong mắt họ, phải chăng vì đó mà William đã tự sợ hãi tự giam mình trong bức tường xấu hổ để rồi ham muốn về khoa học thui chột dần, lại còn có một tuổi thơ bị cho là thất bại trong mắt người cha của mình. Chúng ta luôn muốn con của mình làm những gì lớn lao nhưng lại ít nhận ra rằng thứ to lớn đều xuất phát từ những thứ nhỏ bé, muốn tìm thấy những thứ nhỏ bé cần có sự quan sát và niềm say mê cháy bỏng. Ước mơ nào cũng trân quý cả, không ước mơ nào là rác rưởi hết khi ước mơ đấy không nguy hại…William đã vực dậy chính mình khi nghe câu nói của con trai mình - Edmund, mặc dù cái kết là câu nói ấy không bắt nguồn từ Edmund, nhưng rốt cục anh đã bước ra khỏi giường đi được trên đôi chân của mình, cạo râu tươi mới lại bản thân, ra cửa hàng, bắt đầu sống lại một lần nữa…Anh bắt đầu đọc sách, nghiên cứu mặc dù những bước đầu thật khó khăn, nhờ cuốn sách của con trai anh đã muốn một lần nữa để con trai mình tự hào để trong mắt thằng bé không còn là người cha yếu đuối thất bại với giấc mơ chết yểu mà là một người cha tốt thực thụ, anh đã nghĩ về quá khứ về những lần phạt roi thằng bé dù không muốn nhưng vẫn là trách nhiệm, anh nghĩ vậy, anh mong nó nghĩ mong manh rằng trong anh là tình yêu với nó. Anh muốn nó nhận ra rằng sự xốc nổi dẫn đến hệ quả là những trận đòn roi nhưng có lẽ dần dần là không khi tương lai, Edmund ngập trong rượu chè sa đọa với ham muốn bản năng thô tục chứ không phải là hoài bão…Nhưng thất bại và gục ngã vẫn tiếp tục bám lấy William dai dẳng khi những phát hiện của anh đều chậm chân. Khi những phát minh chỉ chậm hơn một chút mặc dù anh đã rất cố gắng, anh đã ngã quỵ trước thất bại lần một nhưng Charlotte con gái anh đã bên cạnh, Maja Lunde đã cho thấy rằng người lớn thường vô tình bỏ qua những suy nghĩ của con trẻ, chúng ta cần lắng nghe chúng vì chưa biết rằng trong thân xác nhỏ bé là một tinh thần lớn hơn ta rất nhiều khi chính cô bé đã gợi ý cho chính William.Nhưng thất bại lại tiếp tục khi anh tiếp tục thất bại, anh muốn đốt trụi mọi thành quả của mình, muốn phá hủy đứa con tinh thần của mình, anh đã muốn chết...Cuộc đời là thế, ta không thể chậm chân mặc dù ta đang chạy thật mệt nhoài nhưng vẫn phải chạy vì có thể cơ hội sẽ biến mất. Cơ hội luôn đến với ta lúc ta không thể ngờ tới, chúng xuất hiện không có sự báo trước.Mặc dù thất bại nhưng ít nhất William đã sống lại một lần chính mình, một lần cố gắng, một lần được mọi người tán dương, một lần say mê nghiên cứu. Và hơn hết anh được gia đình luôn ở bên, người vợ Thilda luôn ở bên luôn hi sinh cho gia đình.

Về George...
Năm 2007 - Một nhà nuôi ong truyền thống và luôn kiên định trước ngành Công nghiệp thụ phấn hiện đại.Có thể chúng ta bảo sự không chịu thay đổi là sự bảo thủ nhưng nghề nuôi ong truyền thống đã là một sự tự hào với Charlotte là bà tổ của nghề nuôi ong, vậy là hậu thế đã tiếp tục với tổ ong của William…George ở nhân vật này luôn là một người đạt đến nghệ thuật nuôi ong, một sự đam mê kì lạ về những tổ ong. Mặc dù ong là loài mang đến thu nhập nhưng trong tay anh, trong con tim phập phồng yêu nghề yêu lao động của anh, trong con mắt say mê cháy bỏng của anh, ong giống như con người và anh trân trọng, anh biết rằng những cánh hoa sẽ chỉ là cánh hoa vô vị nếu không có ong. Thế giới sẽ bớt đẹp nếu thiếu đi loài ong và ta sẽ thấy điều này rõ ràng trong thế giới của Đào.Xuyên suốt câu chuyện này có lẽ là những câu chuyện du hành những chuyến đi di chuyển ong của anh, về đam mê bất diệt cùng những người đồng nghiệp. Trái ngược với anh có người luôn đặt tổ ong đặt sẵn nhưng với anh điều đó tổn hại đến loài ong, anh dùng đôi tay lao động của mình để tạo ra những mái ấm của loài ong. Một người lao động luôn có sự tinh tế trong nghề của mình, không phải là con mắt văn thơ mà là sự cảm nhận hơi thở của đời, của những gì mình đang tạo ra.Con anh, Tom, ban đầu chúng ta có thể nghĩ vội vàng đây là một người con không quan tâm đến gia đình, bỏ mặc vì ham những điều lạ lẫm ở Đại học nhưng Tom có ước mơ của mình đó là cầm bút. Chúng ta thường áp đặt ham muốn của chúng ta lên đôi vai con trẻ, mà chưa lắng nghe bình tĩnh về ước mơ của con mình. George chưa lắng nghe một cách thấu đáo nhất, nhưng anh luôn muốn gần con, đó là sự bất lực của người cha khi không thể thốt ra những lời dễ nghe nhất với con mình. Anh đã muốn tâm sự với con trai mình rất nhiều và có lẽ Tom cũng vậy…Thảm họa suy tàn đã gõ cửa rất nhiều gia đình và cuối cùng cũng lò dò chậm rãi gõ cửa nhà George, thảm họa đã rất chậm rãi ăn mòn thế giới không bỏ sót một ai… Nó đã cuốn đi những con ong, cuốn đi sự rực rỡ của hoa trái. Nó cuốn của George thật nhanh chóng, trong một phút giây trong đời George đã muốn theo ngành công nghiệp hàng loạt, Tom thực sự là chỗ dựa khi bên cạnh cha cùng làm việc để sau này viết một cuốn sách có tên Lịch sử loài ong, thời đại nào cũng cần một tay cầm bút đắc lực bởi khi ấy thế giới sẽ được ghi lại, tư tưởng của thời đại sẽ được ghi lại. Sự sụp đổ nhưng tồn tại một cách mạnh mẽ đó chính là gia đình, là tình yêu.

Về Đào…
Năm 2098, loài ong đã vắng bóng - một nữ công nhân thụ phấn bằng tay… Một cuộc sống luôn lặp đi lặp lại trong khi thâm tâm cô không hề phù hợp với ngành nghề này, trong khi trong quá khứ xa xôi Đào lại là người có niềm say mê học hỏi, say mê với những trang sách. Trong cuộc sống tưởng chừng bình yên nhưng không hề bình yên này, Đào ý thức được cuộc sống của mình “Một cuộc sống không ra sống”  Đào ý thức được cuộc sống này ngộp thở, đầy suy tàn chết chóc khi trẻ con phải dấn thân vào lao động khi ở tuổi phải đi học. Thế giới của cô đã đi ngược lại những tư tưởng tốt đẹp, những dự định của loài người là hướng đến giáo dục. Mình đã chú ý khi cô kể về tuổi thơ của mình, là đứa trẻ khác biệt khi có thể đọc sách, khi say mê nghiên cứu nhưng đã không đúng thời bởi khi ấy là những ham muốn tầm thường nhỏ bé của mọi người xung quanh đặc biệt là cha mẹ cô. Đáng lẽ với tài năng của Đào cần được trân trong nhưng rốt cục sự mưu sinh đã giết chết tài năng khi nó mới nảy mầm...Tai nạn bi thảm của con trai cô - Vi Văn - lại bị đưa đi mất một cách khó hiểu, cô sống trong sự dằn vặt đau khổ, ân hận bám lấy tâm can cô khiến cô đi đến quyết định lần theo những dấu vết lờ mờ để tìm con. Cô đã đi lên Bắc Kinh, bản năng và sự nhạy cảm của một người mẹ, cùng lòng yêu con mong mỏi nhớ con đã là một sức mạnh nâng những bước chân cô mặc dù xung quanh cô toàn sự đổ vỡ suy tàn của một thời đại, sự cũ kĩ chứ không phải là sự hiện đại. Sự chết chóc, cùng đôi mắt mờ đục sự sống chứ không phải sự tươi vui.
Thế giới cô đi qua, cô gặp những mảnh đời khác nhau, một cha con kiên định sự ở lại nhưng thực ra là sự chôn vùi thời gian ở nơi này khi bất lực không biết đi đâu. Khi những người già bị bỏ lại, những đứa trẻ vất vưởng trên đường phố, nhưng điểm chung trong họ vẫn muốn sống, họ vẫn ham sống mãnh liệt, họ vẫn hy vọng để sống. Khi cửa hàng ăn vẫn sáng đèn trên con đường tăm tối, ngụ ý rằng bóng tối không thể che lấp ánh sáng, ánh sáng dù bóng tối có thật đầy chết chóc nhưng vẫn mạnh mẽ dù chỉ là le lói nhưng điều đó nói rằng, hi vọng sống vẫn chưa hề chết.Cô đã lầm mò một cách kiên nhẫn, tuy mặc dù đến cái kết cô phải chấp nhận sự thật con trai mình chết. Lý Hạ trong đây đã không phải là một người đàn bà sắt đá, không phải người không biết lắng nghe mà ở đây bỏ qua quyền lực bà vẫn là một người mẹ mà người mẹ luôn muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình.

Cái kết có lẽ là đàn ong đang trở lại? và chúng ta có quyền về một tương lai mới mẻ, sáng sủa hơn về viễn cảnh một cánh đồng đầy hoa trái, những mảnh đất khô cằn sự chết chóc sẽ lùi dần nhường chỗ cho ánh bình minh hy vọng sống dậy.Điều làm nên sự hấp dẫn cho tác phẩm con là giọng văn biến hóa khôn lường tài tình của Maja Lunde khi viết về nhân vật ở ba châu lục nhưng văn phong vẫn không hề giống nhau, nổi bật về cách nói cách làm việc, suy nghĩ của từng người từng châu lục cho thấy sự hiểu biết và tài năng của bà. Và mình hi vọng cuốn sách sẽ in dấu chân của nó trên bản đồ những cuốn sách đáng đọc cho khoảng thời gian dài rộng sau này

Diệu Anh - Bookademy
Visit me: My Instagram / Facebook

___________________________
Bùi Thị Quỳnh Anh - Academy of Finance
Bút danh : Diệu Anh
Ảnh do mình tự chụp, bài viết sẽ được đăng tải trên Ybox - Bookademy

Rất mong các bạn ủng hộ các bài viết không chỉ mình mà còn các booreviewer khác trên Ybox của Bookademy. Mọi đóng góp xin gửi vào: Email: buiquynhanh.hvtc@gmail.com

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ