Mắt biếc
Cuộc đời mỗi người giống như một
bức tranh, có mảng tối mảng sáng, mảng đậm mảng nhạt. Để bức tranh ấy rực rỡ có
lẽ không thể thiếu được gam màu của tình yêu. Chẳng ai có thể phụ nhận sự tồn tại
của tình yêu trên thế gian này, Xuân Diệu chẳng từng viết rằng: “Làm sao sống
được mà không yêu /Không nhớ, không thương một kẻ nào?” đấy thôi dù tình yêu ấy
có viên mãn, hay lỡ làng, hay khổ đau thì nó cũng sẽ là một kỉ niệm sâu trong
trái tim ta.
Người ta thường viết về tình yêu
của tuổi trẻ và Nguyễn Nhật Ánh cũng vậy. Cũng viết về tình yêu nhưng Nguyễn Nhật
Ánh có lối đi của riêng mình. Tuổi trẻ bồng bột dại khờ, yêu đắm say và cuồng
nhiệt bởi trái tim đầy sức sống nhất, nên Xuân Diệu cũng viết: “Hãy để tuổi trẻ
nói hộ tình yêu”. Mắt biếc ngay từ nhan đề đã gợn cho con người ta muốn mở cuốn
sách ngay, bởi nó gợi ra một sự nhẹ nhàng mênh mang thức tình trong ta một cảm
giác mơn man muốn chậm lại giữa thế gian vội vã để đọc để sống, để rồi gấp
trang sách lại ta day dứt không nguôi về tình yêu. Mắt biếc mọi người nói buồn,
đúng vậy, nó chưa thể làm mình rơi nước mắt nhưng nó làm mình day dứt, nó dấy
lên trong mình rất nhiều cảm xúc ngổn ngang.
Khi đọc cuốn sách này mình đã phần
nào đoán ra cái kết bởi vì mình từng đọc một chuyện tình yêu khác của Nguyễn Nhật
Ánh đó chính là cuốn “Ngày xưa có một chuyện tình”. Mình đã nghĩ hẳn là một
chuyện tình yêu thật đẹp nhưng nếu cuộc đời mà luôn theo ý ta muốn thì đã không
có nỗi buồn và nước mắt tồn tại.
Điều mình yêu thích ở tác phẩm đầu
tiên đó là Nguyễn Nhật Ánh viết về những ngôi làng rất đẹp, dường như đầu ngọn
bút tuôn ra trang giấy của Nguyễn Nhật Ánh ta thấy một thiên nhiên hiền hòa
trong vắt như một bức tranh. Có thể nói mình đọc mình thấy tính họa ở trong
ngòi bút miêu tả của Nguyễn Nhật Ánh, ngôi làng Đo Đo trong mắt biếc hiện ra
trong mình như một ngôi làng cổ tích với cây bàng già, khu chợ nhỏ, bầu trời đầy
những vì sao hay bông hoa phượng đỏ, rừng Sim, tất cả hiện lên trong mắt mình
là ngôi làng hiền hòa, mến khách, con người có lẽ cũng dung dị tốt bụng và đầy
yêu thương. Mình cứ tưởng tượng mãi về một bầu trời rộng lớn đầy sao cùng ngôi
làng nhỏ, tự dưng trong mình thấy yêu đất nước mình hơn, cảm giác bầu trời đầy
sao như một phép màu của trời cao ban tặng cho ngôi làng nhỏ Đo Đo mỗi tối. Mỗi
nhân vật đều có một câu chuyện riêng, nỗi niềm riêng nhưng hơn hết mình thấy ở
làng Đo Đo không hề có những định kiến, không hề có sự soi mói bởi khi Hà Lan lỡ
dại mình không hề thấy ánh mắt kì thị soi xét, không hề thấy bố mẹ Hà Lan trách
móc chỉ thấy trong họ là sự đượm buồn lo cho Hà Lan sau này. Mình thấy nơi đây
như sự ru vỗ, là bến bờ cho những bước chân mệt mỏi của tuổi trẻ khi đang vật lộn
với sự trưởng thành hay bước chân của sự già nua.
Tình yêu mang vị gì? Người ta hay
hỏi vậy, nếu nó mang vị đắng liệu chúng ta có tiếp tục không. Ta từng nghĩ tình
yêu không thể nói bằng lời chỉ đau đáu nhìn xa đã là tuyệt vọng, ta từng nghĩ
buông tay là đau lòng nhưng ám ảnh suốt những năm tháng dài rộng của cuộc đời về
một ánh mắt của người mình yêu mới thực khó quên.
Tuổi thơ của Ngạn không chỉ ngụp
lặn trong những trò nghịch ngợm bị ba đánh hay khoảng thời gian được bà yêu
thương mà còn ngụp lặn trong đôi mắt rất đẹp của Hà Lan. Đôi mắt sau này gợi ra
bầu trời và dòng sông, đến những giấc mơ dịu dàng của tình yêu và khi ấy cậu
cũng không thể đủ can đảm nhìn lâu vào đôi mắt Hà Lan như ngày xưa thơ dại. Kỉ
niệm tuổi thơ của Ngạn, từng mảng kí ức, từng sự vật ở ngôi làng Đo Đo đều gắn
với Hà Lan. Cậu luôn cố gắng làm cho cô bé vui bởi vì ở cô bé thức tỉnh mong muốn
muốn bảo vệ phái yếu trong cậu. Đó là khi cậu đã bỏ qua nỗi sợ với thằng Hòa mà
đánh nó vì nó dám đánh và cướp đồ của Hà Lan, cậu cũng đánh nhau với đứa khác
chỉ để giành cái dùi trống cho cô bé, cậu cũng chẳng hề sợ khi leo lên chiếc
thang chênh vênh lấy trứng chim mặc dù hệ quả bị ngã rất đau. Dường như cậu
chưa bao giờ từ chối làm bất cứ việc gì cho Hà Lan...Đầu óc khi ấy thơ ngây, cậu
chỉ đơn giản nghĩ, thích một ánh mắt nên muốn bên nhau cả đời. Cùng nhau lớn
lên, cùng nhau trải qua những kỉ niệm thời niên thiếu, cùng câu khẳng định như
kiên định của Ngạn sẽ cưới Hà Lan tưởng chừng sẽ có một cái kết viên mãn nhưng
hóa ra trớ trêu thay lại là một nỗi đau.
Đôi mắt của Hà Lan, Ngạn soi mình
vào trong đôi mắt trong veo kia là những kỉ niệm nhưng với Hà Lan, ở ngưỡng cửa
của tuổi mới lớn, thế giới của cô bé lại là sự háo hức, tò mò về thành thị. Đôi
chan của Hà Lan chạy theo những điều mới mẻ, đôi chân của Ngạn lại chậm rãi về
với những điều xưa cũ. Thế giới trong Hà Lan là thành thị đầy màu sắc thì Ngạn
lại là màn trời đầy sao của làng Đo Đo. Hà Lan muốn đến với sự ồn ào của thành
thị, Ngạn lại bỏ quên hồn mình ở làng. Hà Lan khám phá ánh sáng của đô thị, Ngạn
mơ màng ở đồi Sim. Thành phố đầy ánh điện, đầy hiện đại; làng Đo Đo nhỏ bé và
yên bình. Cứ thế dần dần với những trái ngược kia, hai người cứ ngày một xa
nhau, cảm giác như hai đường thẳng song song mà ngay từ điểm xuất phát đã trái
ngược nhau…, có lẽ Ngạn đủ thông minh để biết con đường của Hà Lan mong muốn
nhưng anh không thể khôn nguôi về những kỉ niệm ấy. Có lẽ khoảng thời gian gắn
bó thời xưa ấy đã quá lâu để rồi hình thành một thói quen khó bỏ, Hà Lan trong
Ngạn mãi là cô bé có đôi mắt đẹp thơ ngây, trong vắt như một tờ giấy đến nỗi
anh quên mất rằng người anh yêu đến đau lòng đã thay đổi. Đừng nói rằng tại sao
Ngạn không thay đổi bởi vì mỗi người một cách yêu…
Ngạn trải lòng mình với âm nhạc,
âm nhạc ở đây đã như một người bạn tri kỉ sưởi ấm trái tim của kẻ si tình. Âm
nhạc nói hộ nỗi lòng, Ngạn viết ra những bản nhạc và bản nhạc nào cũng đau đáu
về Hà Lan. Ngạn gửi tình yêu vào nhạc, gửi vào mùa hè nhưng mùa hè không giữ nổi.
Hoa phượng vẫn cứ đỏ, thời gian vẫn cứ trôi, cảnh vật vẫn thế chỉ là thiếu bóng
Hà Lan. Phượng đỏ rực góc trời như một đốm lửa nhỏ, nhưng có lẽ chưa đủ thiêu rụi
mà ánh mắt Hà Lan chỉ cần lướt qua đã đủ thiêu rụi cõi lòng. Tình yêu đơn
phương đau lòng nhưng con người ta vẫn sa chân vào dù cho tổn thương có như một
mũi kim cứ ngày một đâm dần vào con tim sâu hơn nhưng vẫn cứ yêu. Khoảng cách địa
lý đã xa, khoảng cách của tâm hồn lại càng xa hơn, khi Hà Lan phải lòng Dũng.
Khoảng cách của Hà Lan và Ngạn cứ ngày một xa xôi.
Có thể mọi người sẽ nghĩ Hà Lan
không xứng tình yêu của Ngạn, chúng ta có thể sẽ trách Hà Lan. Nhưng tình yêu
đâu thể dẫn dắt thẳng tắp như lý trí được, Ngạn đã chọn yêu đơn phương, là bóng
hình lặng thầm đứng sau Hà Lan, là bờ vai cho Hà Lan tựa vào khi mệt mỏi và khổ
đau. Ngạn đau lòng khi thấy nước mắt của Hà Lan, thật bất lực khi anh không thể
bước sâu thêm nữa vào cuộc đời cô, còn gì bi kịch khi người mình yêu cứ sa mãi
vào u tối mà mình chỉ có thể đứng sau. Ngạn đã chấp nhận hi sinh, Ngạn đã để
Dũng đến với Hà Lan mà không hề tranh đấu bởi anh đã để cô lựa chọn. Đó thực sự
là một sự hi sinh, một tình yêu đầy vị tha và trong trẻo. Tình yêu của Ngạn
không cuồng si mạnh mẽ nhưng nó nhẹ
nhàng day dứt. Chúng ta cứ hay nói về đúng người sai thời điểm, thực ra đó chỉ
là lời an ủi mà thôi bởi nếu sai thì tình yêu của Ngạn là sai hay sao...
Dũng mang hình thái phong trần, lịch
lãm và mới mẻ, như một làn gió mới thổi qua đời Hà Lan, Hà Lan đã yêu Dũng bằng
trái tim vô bờ của một người con gái. Dũng như đại diện cho thành thị, Ngạn đại
diện cho cội nguồn quê hương. Dũng mang những bụi bặm của thành phố, của sự ồn
ào nhộn nhịp, nhưng cái giá của Hà Lan phải trả như một lời nguyền từ đầu chuyện
trong lời nói của bà rằng đời cô bé sẽ khổ. Hà Lan đã lỡ dại...cái giá phải trả
là cô bé phải bỏ ngang chuyện học hành, đóng lại cánh cửa tương lại đang rất rộng
mở. Bạn bè trang lứa được đi học thì Hà Lan phải về nhà, với độ tuổi còn nhỏ
như vậy dĩ nhiên cảm xúc của Hà Lan là sợ hãi. Và một lần nữa Ngạn đã đến, Ngạn
lại là bờ vai vững chắc cho Hà Lan… Thật đau lòng và thật khó tin khi có một
con người vị tha yêu đến nao lòng như Ngạn.
Có lẽ mình hiểu cho Hà Lan khi
nói Ngạn quá tốt, vì xuyên suốt những kỉ niệm tuổi thơ cho đến mới lớn, Hà Lan
chưa làm được gì nhiều cho Ngạn. Bản thân mình cũng rất sợ khi có người đối xử
quá tốt vì thực lòng mình không thể nghĩ ra được làm thế nào để trả ơn họ, nếu
Hà Lan lấy Ngạn thì sẽ càng độc ác vì vốn dĩ tình cảm của Hà Lan với Ngạn chỉ
là sự cảm động, chỉ là người bạn tâm giao. Làm sao có thể chắc chắn Hà Lan lấy
Ngạn về bi kịch sẽ giảm đi? Khi không hề có tình cảm lấy về chỉ làm khổ nhau mà
thôi…
Trà Long con gái của Hà Lan như bản
sao của cô, tình yêu không thể mỉm cười với Hà Lan một lần nữa. Nhưng không thể
đổ lỗi cho Trà Long, sự có mặt của Trà Long không hề có lỗi bởi đó là kết quả của
sự lựa chọn cuộc sống của Hà Lan. Đã bao lần Trà Long muốn biết sự thật, đã bao
lần mình đã ngậm ngùi vì thấy Trà Long thiệt thòi nhưng ở đây trong trang sách
này thật vị tha biết bao khi con người ở làng Đo Đo đón nhận cô bé bằng yêu
thương vỗ về.
Trà Long như một chất keo gắn bó
Ngạn với đời với tình yêu, như một sự hóa thân của Hà Lan. Ngạn đã thu mình, Ngạn
đã để nỗi đau gặm nhấm mình mỗi ngày, thì Trà Long như một liều thuốc tâm hồn với
anh đưa anh ra khỏi sự khổ đau để lại yêu đời, yêu âm nhạc. Nhưng không thể lừa
mị mãi cảm giác được, khi tình yêu của anh với Hà Lan đã như một lời nguyền nhắc
anh rằng anh không thể quên được, tình yêu cũng không thể phai mờ dù năm tháng
đã qua, dù Trà Long đã đến. Anh không thể để Trà Long chỉ như một sự thay thế
được bởi vì anh hiểu cảm giác bị chà đạp lên tình cảm là như thế nào, anh hiểu
rằng anh không thể ở lại đây để càng sa vào bóng tối. Đôi khi ra đi là để cho mọi
thứ nhẹ nhàng hơn mặc dù anh yêu ngôi làng Đo Đo này như một phần của con tim bồi
hồi của mình….
“Mắt biếc” không chỉ viết về tình
yêu mà còn viết về tình yêu gia đình, thật thi vị khi Nguyễn Nhật Ánh viết rất
đẹp, rất hay về tình yêu của bà nội với Ngạn, Tuổi thơ Ngạn được ru vỗ bởi con
suối mát lành những câu chuyện cổ tích, những vuốt ve của bà. Rồi khi Hà Lan lầm
lỡ, cánh cửa gia đình vẫn đón cô bé về trong tình yêu. Thầy giáo Phu hưởng tuổi
già luôn mong ngóng con của mình, từng người của làng Đo Đo tuy nhỏ bé nhưng
mang tình yêu lớn lao như cây bàng già dù cho phong ba bão tố vẫn vững vàng...
Nhận xét
Đăng nhận xét