Bản chất của người

Khi mình đọc nhan đề là “Bản chất của người” của truyện, trong mình nổi lên một cảm giác run rẩy phần vì tò mò về tên nhan đề gây thu hút này, phần không biết đây sẽ là cuốn tâm lý học đào sâu một nhân vật những hỉ nộ ái ố, tình tiền chăng? Nhưng không, nó còn hơn thế, nó bỏ qua những ham muốn tầm thường để đi sâu hơn vào con người. Nó dường như rũ bỏ thân xác tồn tại của con người để tự hỏi về bản chất của người – thứ con người ta khó có thể có câu hỏi chính xác nhất. Ngay cả khi gấp lại cuốn sách nó vẫn là một câu hỏi mở day dứt trong tâm can chúng ta.

Điều mình thấy đặc biệt đầu tiên đó là, thông thường các tác giả sẽ thường viết gửi tặng một ai đó như một lời tri âm nhưng ở cuốn sách này mở đầu không có viết gửi ai cả, mà sẽ bắt đầu những câu chuyện luôn, thì mình đã nghĩ đây là cuốn tác giả muốn gửi tặng tất cả mọi người. Giữa một thế giới đang vấn nạn môi trường, giữa một thế giới vẫn còn những đau thương và nghèo đói, giữa thế giới vẫn còn sự thù hằn, giữa một thế giới người ta đang nói với nhau rằng chúng ta đang thờ ơ vì khoa học công nghệ thì cuốn sách tới như một vị thần đến từ quá khứ nhắc nhở chúng ta rằng: chúng ta đang cần xem lại chính mình, chúng ta cần xem lại tình yêu thuần khiết giữa chúng ta, xem lại lòng dũng cảm có đang thực sự chảy trong huyết quản chúng ta hay không hay chỉ là sự ngụy tạo yếu mềm. Một thế giới sẽ rất đau khổ nếu có những người xấu nhưng nó sẽ càng đau lòng hơn khi có sự im lặng của những người tốt, nhất là sự hèn nhát thì ở đây cuốn sách viết rất sâu lắng về sự dũng cảm.

Tiếp theo cuốn sách thường sẽ có cả lời cảm ơn ở cuối nhưng khi đọc cuốn này, lời cảm ơn mà mình muốn lại là từ chính mình đến với tác giả, thay vì những câu chuyện ngôn tình, những điều thi vị lãng mạn mà màn ảnh quê hương tác giả hay chiếu trên truyền hình thì tác giả đã hướng ngòi bút đến phần đen tối nhất, phần đáng sợ ám ảnh nhất. Đó thực sự là sự dũng cảm, mình cảm giác từ đầu ngọn bút tỏa ra tình yêu thương và cả nước mắt dù không muốn viết nhưng vẫn phải viết ra.

Điều đặc biệt nữa đó là những lời thoại của nhân vật không có dấu ngoặc kép hay bất cứ dầu nào phân biệt là lời thoại, mình đã tự hỏi đây là thế giới gì vậy khi con người sống tồn tại như một cái bóng vật vờ sau khi bị đau đớn hành hạ giày vò đến ám ảnh thì lay lắt sống không bằng chết như thế này. Một bức tranh nhiều màu sắc sau khi rũ bỏ gam màu chỉ còn lại đen trắng người ta sẽ có nhiều liên tưởng, như con người khi rũ bỏ những hào nhoáng chỉ còn lại phần yếu đuối nhất, ta tự hỏi liệu sau những cái chết, những lúc chứng kiến cảnh chết chóc đau khổ kia, sau khi bị vùi dập kia bản chất con người liệu có yếu ớt? Mình đã tự hỏi thế khi đọc phần đầu tiên của câu chuyện. Mình rất sợ đọc những truyện gam màu ảm đạm ngay từ đầu, hoặc ngay những trang đầu đã là cái chết vì mình sợ đối mặt nhưng mình nhớ rằng khi tác giả đã dũng cảm viết ra thì người đọc cần có tâm như một tri kỉ, nên mình đã tiếp tục đọc

Đó là thế giới đầy khổ đau và giật mình hơn lại là dựa trên bối cảnh có thật, (Phong trào dân chủ Gwangju (Hangul: 광주 민주화운동), hoặc Bạo loạn Gwangju hay Thảm sát Gwangju, là tên gọi của một cuộc nổi dậy quy mô lớn của dân chúng ở thành phố Gwangju, Hàn Quốc từ ngày 18 đến ngày 27 tháng 5, năm 1980. Trong suốt giai đoạn này, người dân Gwangju đã chống lại sự độc tài của tướng Chun Doo-hwan và nắm quyền kiểm soát thành phố. Tiếp theo đó họ chiến đấu để tự bảo vệ mình và cuối cùng thì bị dẹp tan bởi quân đội Hàn Quốc. Trong suốt thời kỳ Chun Doo-hwan cầm quyền, sự kiện "18 tháng 5" bị gán cho là cuộc phản loạn của những người ủng hộ và đi theo chủ nghĩa Cộng sản. Chỉ sau khi luật dân sự được tái lập, sự kiện này mới được coi là một nỗ lực phục hồi nền dân chủ trước quyền lực quân sự. Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức gửi lời xin lỗi và xây dựng một nghĩa trang quốc gia dành cho các nạn nhân), đọc những cảnh tả chân thực của tác giả, mình tự hỏi con người liệu có thể độc ác như dã thú như vậy sao, có thể cười một cách man rợ khi chém lưỡi lê khi xả súng và còn có thể đạp lên tôn nghiêm của người phụ nữ sao, con người có thể làm nhục nhau có thể nói một câu lạnh lẽo rằng đất nước khác chết 2 triệu người thì cần gì kiêng dè giết chết những người đồng mình? Giết chết và giẫm đạp lên xương máu của đồng bào không ghê tay? Tác giả đã mạnh mẽ chỉ ra sự lạnh lùng của người chỉ huy, tuyên bố xanh rờn của kẻ máu lạnh, mình đã phải dừng rất nhiều lần khi đọc cuốn này, có những đoạn đâm chém, miêu tả vết thương mình đã ngừng lại thở để đọc tiếp khi những quan lính vô hồn, mình đã tưởng tượng ra những cảnh van xin được tha mạng nhưng không được vì họ đã thành những cỗ máy giết người, chẳng cần một linh kiện điện tử hiện đại nào chính con người cũng đã thành một cỗ máy thiếu tình người. 

 



Những người dân yêu sự bình yên, họ đã rất dũng cảm, có thể hôm nay họ khóc đến phát ngất vì con họ ra đi nhưng mai họ vẫn có thể mạnh mẽ đập vỡ bức ảnh kẻ sát nhân cầm quyền để chiến đấu. Sự sống – cái chết luôn song hành trong cuốn sách này, bóng tối – ánh sáng những mảng đối lập luôn đồng hành cùng nhau. Mình đã rất chú ý anh Jin Soo vẫn nhận lời mang nến đến, những ngọn nến le lói nó cho thấy rằng mọi người vẫn tiếp tục đấu tranh, vẫn tiếp tục sống, họ chiến đấu cho người đã chết và chính họ. Ngay cả khi biết rằng quân lính hiếu chiến không ngại máu tanh họ vẫn ở lại và cầm súng, những người phụ nữ công nhân xuống đường biểu tình không ngần ngại bỏ tôn nghiêm để đòi sự bình yên.

6 câu chuyện và một đoạn kết tuy là một cuốn tiểu thuyết nhưng là 6 câu chuyện khác nhau – 6 nhân vật khác nhau mà những nhân vật từ chương 2 đều bước ra từ chương 1. Sáu mảnh đời, sáu câu chuyện khác nhau. Ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba chia đều cho mỗi chương chuyện như một ngụ ý sắp xếp của tác giả. Mình cảm thấy mỗi câu chuyện đều viết với giọng văn khá dửng dưng nhưng không hề vô tình, không quá viết sâu lên gân những nỗi đau mà chỉ cần vài dòng phác họa đã hiện ra một cái bóng vật vờ…Trong 6 câu chuyện chỉ duy nhất một chuyện trong vai là một linh hồn, thường khi nói cái chết ta sẽ nhắc tới Thần chết đến gọi chúng ta nhưng ở đây thần chết đưa ta đi nhanh nhất lại là con người, đó là một sự trớ trêu lạ lùng. Câu chuyện thứ nhất Dong Ho cậu đi tìm xác người bạn bị bắn của mình, cậu đã rất khổ sở nghĩ mình đã không dũng cảm cứu bạn nhưng cậu đã chứng kiến cảnh người ta cố vớt vát những cái xác thì bị bắn, cậu đã rất sợ hãi khi thấy dáng bạn ngã xuống mà không thể làm gì được, cậu đã phải trải qua một cơn giày vò để nghĩ cậu không hề cố ý.

Câu chuyện thứ hai về một linh hồn ra đi khi quá trẻ, nó đã tự hỏi rằng vì sao lại chết, nó muốn chạm đến các linh hồn khác, nó chứng kiến những thân xác bị đốt cháy, nó nhìn thấy thân xác mg màu áo bệnh viện, nó thấy những thân xác mặt trắng tưởng là sự sạch sẽ nhưng thực ra là lớp sơn ngặt nghèo giả dối che đi sự tàn ác man rợ. Những linh hồn vô định luẩn quẩn họ tự hỏi vì sao họ phải chết khi sự sống còn dài, đây là định mệnh an bài sao, sự sống họ được ban sao lại bị tước đi đau đớn và man dại đến mức mất xác như vậy. Ngọn lửa bùng cháy trên những cái xác như ngọn lửa của sự hủy diệt khiến người ta sợ hãi nhưng nó cũng là ngọn lửa sự sống nhen nhóm dai dẳng trong mỗi con người dù trả lại là sự kéo lê xác trên đường, những đòn hành hạ tra tấn thì họ vẫn muốn sống. Kể cả sau này những người thanh niên vẫn chọn cầm súng

Những câu chuyện chỉ có máu và rất ít nước mắt vì họ không thể để sự yếu đuối kéo dài, họ vẫn phủ quốc kì trên những quan tài, họ vẫn hát quốc ca dõng dạc. Sau chương hai những câu chuyện còn lại phần lớn đều là từ những người sống sót, họ bước ra từ những năm tháng ảm đạm. Họ nhiều người đều từ tù đày mà ra, với những hình phạt ta đọc có lẽ sẽ nhăn mặt kinh hãi nhưng tác giả vẫn viết một cách chân thực nhất, mình từng nghe một câu nói đại ý là: “ con hãy lắng nghe nỗi buồn của cành cây héo khô, của chim muông què quặt, của hành tinh lạnh ngắt. Nhưng trước hết con hãy lắng nghe nỗi buồn của con người”, Han Kang đã lăn nghe những sầu bi tráng lệ, lắng nghe những nỗi đau thầm kín để viết ra những dòng văn này và quả thực cuốn sách đạt danh hiệu cao quý mình cũng thấy thật xứng đáng.

Những người có thể sống sót, khi mọi thứ kinh khủng đã qua, khi bình yên đã hiện hữu thì bình yên dường như vẫn không thể tới khi quá khứ dày vò họ, khi màn đêm đến và những cơn ác mộng, họ vẫn cứ luẩn quẩn và thấy nhục nhã khi là người sống sót, có những người đã mất đi ý niệm về tình yêu, ham muốn tình cảm vốn có của mình. Có những người nhắc về quá khứ như vết nhơ dường như những năm tháng đó đã hút cạn sinh lực của họ để rồi trả lại thân xác thâm quầng, thân xác vẫn còn sống nhưng sự thực đã chết trong tâm hồn…nhưng có một điều mình thấy rằng tình yêu vẫn le lói, tình yêu bằng sức mạnh thần kì của nó luôn âm ỉ xuyên suốt quyển sách này. Mình nghĩ rằng nếu viết quá nhiều, viết lộ ra những câu chuyện sẽ là một tội ác, mình muốn rằng cuốn sách sẽ đến thật nhiều người hơn nữa vì nó đã có sức lay động nhân văn mãnh liệt, một ngòi bút đạt đến đỉnh cao khi đi sâu vào hiện thực khắc nghiệt vẫn có tình yêu thương. 

Phần kết câu chuyện nhẹ nhàng về một người may mắn nhưng đã không ngần ngại xem nhưng bức ảnh để đồng cảm với những nạn nhân ngã xuống, mình đã rất ám ảnh chi tiết ra đi tuổi 15, liệu mùa hạ đi qua có bình yên như với chính người may mắn không. Có lẽ là câu hỏi thừa chăng? Không không hề, người đó đang thắc mắc rằng những cậu thanh niên kia có kịp sống hết mình không như một sự ngậm ngùi xót xa, khi tuổi trẻ dang dở, khi bao hoài bão và ước mơ còn lại trong hư vô mà thôi

 

Bielinxki từng viết: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời cho những câu hỏi đó…”, tác phẩm đã viết về quá khứ u tối đó, về những con người đã ngã xuống bằng cách đau đớn nhất, mình đã nghĩ về những người chết khi vẫn còn hấp hối chưa chết ngay họ đã chết đau khổ nhất như vậy khi cái chết chậm rãi từ từ đáng sợ như vậy – một hình phạt họ không đáng phải nhận. Quá khứ u tối đến đau lòng đã qua, một quốc gia cũng sẽ có khoảng thời gian đau buồn, nhưng có thể vượt qua. Nhìn lại hiện tại, tác phẩm đặt ra câu hỏi rằng trong quá khứ chúng ta đã có quá khứ nhuốm máu như vậy nhưng đã qua thì vẫn có thể tin rằng cuộc sống đang tốt đẹp lên rất nhiều

Diệu Anh


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ