Lý trí và tình cảm
Với một người ưa thích những câu chuyện kịch tính tình huồng nhiều sự việc như mình có lẽ cuốn sách này mình sẽ ít để ý đến. Với văn phong của Jane Austen việc đọc mọt tác phẩm của bà có lẽ cần sự kiên nhẫn đến kì lạ. Tuy nhiên Sau Kiêu hãnh và định kiến, mình nhận ra cái mình cần đọc không phí hoài chính là tư duy sắc sảo của bà, một tư duy của một người phụ nữ nhạy bén. Tìm hiểu một tác phẩm của Jane Austen có lẽ khong dành cho những kẻ nông nổi.
Bằng sự từng trải, bằng văn học – lối tư tưởng mới mẻ, suy tư kín đáo và cẩn trọng cuốn sách tiếp tục là một cuốn một người phụ nữ từng trải hay thế hệ trước đang đối thoại và dạy cho mình. Mình đọc nó khi trải qua những diễn biến quá lớn về tình cảm, nếu đọc cuốn sách này cốt truyện đơn giản chỉ xoay mòng mòng quay những câu chuyện tình cảm của hai chị em Elinor và Marianne.
Lý trí và tình cảm có lẽ là hai yếu tố cốt lõi cho những mối quan hệ không riêng gì yêu đương. Lý trí cho ta sự tỉnh táo, mạnh mẽ; tịn cảm cho ta sự bao dung yêu đương cuồng say. Elinor giống như một mặt trăng, hiền lạnh, dịu dàng thấu đáo; ngược lại Marianne yêu bằng tất cả con tim của mình, tâm trí của mình. Tuy vậy hai người họ ít nhiều cũng trải qua những biến cố tình cảm như nhau, Marianne bằng sự cuồng si trái tim, sự thấp thỏm bồn chồn, trái tim đầy yêu thương của con gái khiến mọi thứ với cô đầy hi vọng. Còn Elinor cần sự chắc chắn, hơn hết truyện được kể qua góc nhìn của chinh cô – có lẽ đây là sự hóa thân của chính Jane Austen?
Elinor có thế giới của riêng mình để suy xét và quan sát cùng sự tỉnh táo của mình nhưng có lẽ cái gì nhiều quá cũng không tốt đôi khi lí trí lại khiến ta quá khắt khe đôi khi tiêu cực với người nào đó. Cùng sự chịu đựng của bản thân, lo lắng cho những người xung quanh khiến con tim luôn nặng nề. Elinor xứng đáng là người chị tốt, là chỗ dựa cho mẹ và em gái, là cầu nối vun vén là một cái gương công bằng để em gái cô soi chiếu và nhận ra những thiếu sót trong suy nghĩ. Tuy vậy sự lí trí đôi khi là một cái gì nặng nề khổ sở, Elinor cũng có lí trí và cũng có cảm xúc của mình, chôn giấu những cảm xúc lựa chọn thời điểm chỉ dành cho một người thực sự mạnh mẽ. Bên là mẹ là em, bên là tình yêu, bên là nghe những câu chuyện – với mình mình thấy rằng cần một góc để Elinor có thể giãi bày cho chính mình, mặc dù có khả năng vượt qua. Tình cảm – là một khái niệm mơ hồ, yêu, tha thứ, sẻ chia, giận hờn – những cung bậc luôn có của tình yêu. Để lý giải càng tìm sâu nguyên nhân đôi khi dẫn đến những bi kịch của con người, bởi nếu bới sâu tìm nguyên nhân có lẽ ta dành cho nhau sự trách cứ, dằn vặt. Bởi Marianne đã dằn vặt và bà Dashwood cũng vậy khi biết Elinor cũng trải qua những đau khổ. Người nào cũng có phần được chia sẻ, cảm thông; không phải người ta không nói thì không có nghĩa người ta không đau buồn. Tình cảm ta càng không nên đặt ai dành cho nhau nhiều hơn mà đó là sự bao dung tha thứ, mỉm cười nắm tay nhau đi tiếp.
Marianne như một cá thể trái ngược, yêu bằng sự điên cuồng của 1 cô gái trẻ, và mình cũng không ngạc nhiên điều đó. Đơn giản không chỉ mình và có lẽ chúng ta cũng vậy, tuổi trẻ chúng ta có sai lầm, có yêu bồng bột nhưng khi nhìn lại sẽ thấy chúng ta lớn hơn một chút. Nhưng soi chiếu Marianne, yêu nhiều đúng đấy nhưng để khỏa lấp sự tỉnh táo của con người là sai lầm. Bởi chỉ yêu người đó cùng sự đau khổ tột cùng cùng một nỗi ảo tưởng đôi khi ta chẳng còn ánh mắt bao dung với người thân túc trực lo lắng cho ta. Bằng chứng là cô bé đã nói với Elinor: “Chúng ta chằng có gì để nói cho nhau biết hết…” và Jane Austen cũng nói rằng “Trí tưởng tượng của mọi người thường đưa họ đi ra khỏi thực tế, mang lại những đánh giá sai lầm về tư cách của chúng ta rồi quyết định điều đó chỉ dựa trên hình thức bên ngoài, nên trong một chừng mực nào đó, hạnh phúc của người ta luôn bị chi phối bởi may rủi”, thực ra thì Elinor cũng không ngoại lệ với sự may rủi như thế này. Nhìn chung theo cách nào đó, chúng ta luôn có thế giới suy nghĩ tâm tư của bản thân đánh giá theo chủ quan, có sai đúng mới là cuộc sống. Nhưng hơn hết vẫn cần một điều chúng ta cần ngồi lại với nhau để thông cảm
Khi hết tình cảm? Có lẽ chúng ta hay an ủi nhau với lí do đó để nói về chia ly, có khi là sự mệt mỏi chúng ta nói những lời không nên nói để rồi sau chúng ta ân hận đến tột đỉnh vì những lúc ngu xuẩn của bản thân về lời nói cự tuyệt, đầy tổn thương cho chính đối phương – đó là Willoughby, ít nhất anh ta đã xin lỗi và ân hận. Anh ta cũng đã làm tổn thương hai người phụ nữ, một người chết trong sự quay quắt bệnh tật người thì đầy nước mắt, nhưng vết thương cứa vào lòng tin vết thương xé toạc những dịu dàng tôn trọng của những người từng theo anh ta không thể lành lại. Và cũng không thể quay lại như lúc ban đầu khi cự tuyệt bằng được rồi lại xin lỗi, lời xin lỗi đôi khi chỉ xoa dịu và có thể khiến tội nghiệp hơn. Ít nhiều cho dù anh ta có bỏ qua những vấn đề địa vị thì sự nghèo đói hay ăn chơi vẫn khiến anh ta đẩy đến mâu thuẫn, đơn giản với sự ích kỉ của mình. Hơn hết lời chia tay nói quá nhiều sẽ mất dần đi ý nghĩa của nó cũng như lời xin lỗi anh ta sẽ chỉ thấy anh ta là kẻ tội nghiệp. Và Marianne có lẽ cô cũng không thể hối hận và không cần thiết hối hận vì đã yêu hết mực, hi vọng hết mực.
Đại tá Bradon cũng đầy những dằn vặt và quá khứ nhưng hơn hết ông không để dằn vặt làm cho bản thân trở lên lạnh lùng, yêu bằng sự nhẫn nại lo lắng và yêu bằng hành động. Jane Austen chỉ ra lời nói chỉ là sự xoa dịu một lớp gai dày hời hợt chứ không hề thực tế, một người đàn ông như Bradon dẫu có những tổn thương nhất định, nhược điểm nhất định nhưng ông đã nỗ lực bằng lòng tốt sự cao thượng của mình
Trong thế giới đầy tình yêu kia cũng lấp ló những màu sắc của vật chất, bằng sự sắc sảo của mình Jane Austen dần chỉ ra những khiếm khuyết của con người, những thói thường lố bịch bộc lộ hẳn ra. Như John Dashwood, với thói lề tầm thường đánh giá bằng của cải tiền bạc, cũng không khác mấy một người nhu nhược một người chồng vì những lập luận của vợ mà bòn rút của cải của những đứa em mình, tôn trọng người khác nhờ cái áo lông, nhờ cỗ xe ngựa cùng sự đánh giá thiếu thấu đáo. Hay hợm hĩnh như Robert Ferras, cùng sự quỷ quyệt của Lucy Stele; sự nhẫn tâm của bà Ferras. Mỗi nhân vật của Jane Austen đều như tượng trưng cho một lớp người, Charlotte cùng sự yêu đương vụng về với lối suy nghĩ trẻ con, hay anh Palmer luôn muốn thể hiện bản thân mình không hề thấp kém – những nhân vật không chỉ tượng trưng một lớp người nhưng cũng có thể là một phần tính cách của chính chúng ta. Bà Dashwood là một người mẹ có lẽ mình nhìn nhận nhẹ nhàng hơn so với Kiêu hãnh và định kiến, nhưng ít nhiều bà đôi khi thiếu lí trí cùng sự vồn vã, lắng nghe nên đã thiếu công bằng (một chút) với Elinor, thực tế chúng ta cũng vậy, nhìn thấy mới hiểu.
Mình cũng khá muốn viết một đoạn riêng Lucy Stele, ban đầu với sự vồn vã thiếu suy đoán của mình, đã nghĩ rằng ít nhiều với sự trẻ con thiếu cẩn trọng nhưng yêu Edward thực lòng có thể sẽ thông cảm cho cô ấy, tuy nhiên cùng sự tráo trở khi viết lá thư như từ bỏ những ước hẹn ban dầu mình thấy cô ấy chỉ là người đáng để thương hại, có lẽ cô tìm một kẻ vùi lấp? cũng không biết sự chóng vánh của lá thư và quyết định với Robert chưa bao giờ khiến mình muốn bỏ qua và không tò mò
Nếu gọi cuốn sách này là chuyện tình có hậu, cũng được; hơn hết đến cuối họ cũng có được hạnh phúc nhưng cái mình muốn khi các bạn đọc hãy để ý rằng đã có một buổi mẹ con nhà Dashwood đã ngồi lại với nhau và tự soi lại mình, những người thân cùng sự bao dung kiên nhẫn mới có thể làm như vậy; ít nhất nhận ra rằng sự tồn tại mỗi người đều đáng được tôn trọng cảm thông, không ai là không có sự khổ sở của chính mình, cũng không ai đau khổ hơn ai. Nếu chúng ta so sánh thì khoảng cách sẽ chỉ là xa thêm, ít nhất chúng ta đến với nhau bản chất là thỏa mãn một phần nhu cầu của chúng ta, và mình chẳng thấy gì là hèn hạ, thứ khó có thể có được nhất là sự tỉnh táo, bao dung và không vội đưa ra những lời nói đầy tổn thương; tiếp nữa là cách chúng ta tha thứ về những tổn thương đó?
Nhận xét
Đăng nhận xét