TAM QUỐC DIỄN NGHĨA - PHẦN 1


Tam Quốc Diễn nghĩa có lẽ là cái tên không quá xa lạ với mỗi người yêu thích văn học, những người thế hệ cũ và cả thế hệ mới. Sức truyền cảm của văn học, sức mạng của ngòi bút chính là tác phẩm đó sẽ mãi còn được ca tụng, được bàn luận sau này. Chừng nào khi chúng ta còn tư tưởng, suy nghĩ thì thế giới văn học sẽ vẫn song hành tồn tại. Thật không dễ gì khi thấy một kiệt tác cho đến giờ vẫn được bày bán, còn được xuất bản rất nhiều. Kể cả Tam Quốc đã ra đời rất lâu, nhưng đến giờ tư tưởng vẫn còn. “Tri kim, nhi bất tri cổ, vị chi manh cổ, tri cổ, nhi bất tri kim, vị tri lục trầm” Mình đọc một câu là như vậy, mình thấy dù rằng thời đại nào thì tư tưởng của một đệ nhất văn chương vẫn còn được tồn tại. Chắc chắn đã có rất nhiều bài nghiên cứu, phê bình lớn từ tác phẩm tuyệt tác này tuy nhiên mình vẫn viết ra. Những lời review từ mình sẽ đi từ chủ quan, thêm trải nghiệm sống còn nghèo nàn chắc chắn review có phần non tay so với các cuốn sách khác nhưng mình vẫn cố gắng viết hết sức mình. Bài viết của mình sẽ có nhiều phần, ở phần 1 này mình sẽ xoay quanh về lời bàn, sự ra đời cảm nhận dựa trên những tư liệu được cung cấp bởi cuốn sách mình đọc. Các phần từ phần 2 mình sẽ nêu một số cảm nhận chung từ một số hồi mà mình ấn tượng, sự kiện tiêu biểu với mình. Cũng lại nói lần nữa, thực sự Tam quốc là một tòa công trình, một Vạn lí trường thành khổng lồ, là thử thách cho mình viết về nó, mình sẽ cố hết sức mình, dĩ nhiên có sai sót xin mọi người lượng thứ. Mình cũng không biết mình sẽ viết mấy phần cho bộ sách này. 

Về bộ sách của mình, mình đọc là bản từ Đông A, dịch giả Phan Kế Bính, hiệu đính Bùi Kỷ, có lời bình của Mao Tôn Cương. Đông A theo quan điểm của mình, ít mà chất lượng, số sách mới ra không phải ồ ạt nhưng mình thấy những cuốn sách được ra chất lượng, hiếm và độc đáo. Tam quốc của Đông A có rất nhiều bản, bộ ba tập, bộ 6 tập và có Liên hoàn họa của Tam Quốc rất đẹp và chỉn chu. Mình đang đọc bộ 6 tập, mỗi cuốn đều có tranh minh họa, có bản đồ đi kèm. Bộ 6 tập có lời giới thiệu từ NXB, bài nghiên cứu bên Trung Quốc, bài viết về quá trình xuất bản của Tam Quốc Diễn Nghĩa tại Việt Nam. Bộ sách còn có bảng tên các nhân vật đi kèm với đại kiệt tác thì dĩ nhiên số lượng nhân vật phải lên con số hàng trăm nhưng được sắp xếp theo thứ tự chữ cái nên với số lượng sự kiện dày đặc thì việc tra lại tên nhân vật là điều gì đó hữu ích. 

Về sự chuẩn bị của mình với Tam Quốc?
Với các cuốn sách khác, đơn giản thì mình có thể đọc và nhớ luôn và đọc xong vẫn có thể viết y lại cảm xúc của mình, nhưng với bộ này thì khác, mình phải chuẩn bị giấy note, bút nhớ để nhớ các sự kiện lớn, nhân vật xuất hiện, mình cũng phải thảo qua vài dòng ngắn để ghi nhớ những gì bật ra trong đầu, bản thân mình sẽ coi mỗi hồi như một cuốn sách để đọc vì Mao Tôn Cương mỗi hồi một lời bình thì bản thân mình khi đọc cũng phải trong tư thế nghiêm túc nhất. 

Mình phải đọc lần lượt mỗi hồi vài lần, lần 1 hiểu qua, lần 2 nhớ qua, lần 3 rút ra kết luận. Tuy nhiên thì có những hồi mình chưa nhớ hết chưa hiểu hết thì số lần sẽ tăng lên. Có thể nói đây là lần đầu tiên mình đọc một tác phẩm đi đi lại lại thế này. Mình có động lực như vậy, vì người thân của mình rất thích tác phẩm này. Câu chuyện về Lưu Bị, Tào Tháo..luôn được em trai mình nói và xem nhiều. Dường như những câu chuyện ấy là sự kết nối giữa các thế hệ trong gia đình với nhau, nên chính điều đó khiến mình muốn kĩ lưỡng hơn nhiều với tác phẩm này.

Về Tác phẩm
Tam Quốc Diễn Nghĩa có 120 hồi, chỉ với 120 hồi đã làm sống lại một cách sống động chân thực cả 1 thời kỳ hỗn loạn, khoảng 100 năm lịch sử Trung Quốc, qua đây nhà văn làm sống dậy những nhân vật lịch sử điển hình như Lưu Bị, Tào Tháo, …một số chi tiết trong truyện đã thành một số điển tích sau này (ví dụ trong Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu có nhắc đến  thực ra là mượn Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng)

Do có ấn tượng trước về bộ Xuân Thu Chiến Quốc nên mình cũng không ngạc nhiên (thực ra mình mới đọc hồi 2) khi thấy lời văn ở đây bình dị, cô đọng ngắn gọn. Hai câu văn để tả một đao của Trương Phi, hành động của Quan Vũ, suy nghĩ của Lưu Bị. Chỉ hai câu ngắn để làm nên tính cách, phong thái nhân vật. Truyện Tam Quốc cũng được nhân dân ưa thích, vở chèo tuồng cổ soạn theo được diễn đi diễn lại nhiều lần. Bộ phim về Tam quốc cũng rất nhiều, mình có xem một phim chỉ riêng về trận Xích Bích. Giá trị của tác phẩm qua các thời đại có nhiều nhận xét tuy nhiên để khách quan tôn trọng thì bản thân chúng ta không nên áp đặt suy nghĩ hiện đại vào truyện. Như người bạn của mình có nói Tam Quốc giải trí thôi vì nó ảo, thực ra cái ảo của chúng ta hiện đại cũng có. Không phải ảo về tà ma, phép thuật ngoài mà ảo về chính lòng người chúng ta. Yêu ma yêu thuật thì cũng có cách trị về sau này (như Tây Du Ký), nếu chỉ chăm chăm bàn đến cái ảo của bộ sách thì là sai lầm. Nên mình đọc trong tư thế cố gắng khách quan nhất, cố gắng nhìn nhận dưới góc độ ôn hòa về lịch sử, về văn phong, phong cách viết. Bộ Xuân Thu Chiến Quốc mình từng đọc về phép thuật, thần tiên cũng bấm độn nhưng Tôn Tẫn bấm độn được vẫn về cứu nước dù biết ngày tàn. Tam Quốc là kiệt tác thật, được viết bởi người, mà người thì đâu phải ai cũng là hoàn hảo, là cái gì cũng đúng. Tác phẩm cũng là viết trên chủ quan người nên mổ xẻ nó, đánh giá nó dựa trên tiêu chuẩn không phù hợp về thời đại dẫn đến tranh cãi.
Về đánh giá ban đầu, như mình nói ở trên mình sẽ dựa trên bài được cung cấp trong sách, độc giả nào có tài liệu hay muốn chia sẻ mình rất sẵn lòng nhận để bồi bổ thêm hiểu biết. 

Tài liệu cung cấp của sách được chia làm một số phần
Giới thiệu La Quán Trung
- Hoàn cảnh sáng tác
- Tóm tắt lịch sử
- Ý nghĩa
- Điểm hạn chế
- Kết luận
….
Có thể thấy đây là bài viết khá công phu nên mình mới nói dựa vào đây. Hoàn cảnh sáng tác của Truyện được cho là xuất phát từ những câu chuyện trong nhân dân, từ nhu cầu về tinh thần sinh hoạt đời sống văn hóa của nhân dân. 
“Cuối đời Nguyên đầu đời Minh nhà tiểu thuyết La Quán Trung đã viết bộ Tam Quốc chí thông tục diễn nghĩa chính là dựa trên cơ sở sáng tác tập thể rất hùng hậu đó của nhân dân quần chúng” Dĩ nhiên viết tác giả cũng tham khảo tài liệu lịch sử khác, quan trọng mấu chốt là dù dựa trên những tài liệu quý báu nhưng ngòi bút thể hiện thể nghiệm cuộc sống phong phú của ông và tài năng văn học của ông. Trong bài viết cũng nêu ngắn gọn được thành 4 ý về điểm nổi bật của tác phẩm

(Đánh giá dựa trên những gì mình học về văn học) thì một yếu tố quan trọng cho một kiệt tác chính là xuất phát từ hiện thực, nhưng về hiện thực không có nghĩa là bê nguyên xi vào vì nếu chỉ đơn giản kể lại thì đơn thuần là sử học. Mà văn học cần có hồn, có ngôn từ, từ ngôn từ tỏa ra ánh sáng ấy mới đã. Hơn hết, cây cổ thụ cắm rễ sâu vào đất mới sống mạnh mẽ trước phong ba, nền tảng đạo đứa càng gắn với lòng dân càng sáng ngời, truyện đã đi từ nhân dân, từ những sự đồng cảm thấu hiểu những mong muốn tha thiết của dân để viết. Hiện thực bồi đắp cho kiệt tác những nét sơ khai, còn đâu cần có trải nghiệm (gần dân, đón nhận sự vang động của đời) cùng tài năng kiệt xuất (về ngôn từ) mới có thể tạo nên “Đệ nhất tài tử thu. Sức sáng tạo của văn học không phải xa lìa cái gốc, cái cũ mà phải đi từ cái cũ, phát triển

Về lịch sử có lẽ để lại tóm tắt cả chu trình thì đơn giản nhưng đọc Tam quốc để đọc về con người, về hoàn cảnh, nếu đơn giản cần biết sự việc 1 2 có gì, năm này có gì thì việc đọc sẽ không còn ý nghĩa. Mình sẽ đi vào phần mà bài viết viết về ý nghĩa và hạn chế

Bài viết nêu rõ quan điểm cần rạch ròi giữa tiểu thuyết và sử. Mượn sử để bàn chuyện đời nó khác, ghi chép sử nó khác. Do không học về sử Trung một cách sâu sắc nên khi người ta nhắc đến việc ngu dân thì mình cũng chỉ gật gù, về ngu dân này có nghĩa là nhân dân khó nắm bắt về lịch sử của chính mình, nên Tam Quốc ra đời thỏa với nhu cầu của thời đại, “người đọc ai ai cũng hiểu được’, để nhân dân thấu về sử nước nhà, tính nhân dân truyện là điều dễ hiểu. Một người có thể đứng ra ghi chép sử đối với mình đã không phải người thường vì sử học cần sự khách quan nhất định, nhưng người đứng ra viết sử đại chúng, một tiểu thuyết (cả yếu tố văn học) thì thật vĩ đại. “Văn không uẩn súc quá, lời nói không quê mùa quá, việc chép theo sụ thực cũng gần như sử” (người viết cũng nói rằng không nên coi là sử cải biên)

Như bộ Xuân thu Chiến quốc mình đã rất ngạc nhiên khi nhân vật tốt thì tốt hoàn chỉnh, xấu thì chả còn chân tơ nào đẹp từ ngoại hình đến phẩm giá, lúc ấy với suy nghĩ hiện đại mình đã áp đặt vào nó nhưng ngẫm ra thấy sao mà hời hợt quá. Xây dựng nhân vật điển hình cũng được xuất hiện trong Tam quốc, đến lúc này đọc thì mình không thắc mắc nữa. “Những người hát và kể chuyện Tam quốc…Tào Tháo “thiên thời”, Tôn Quyền “địa lợi”, Lưu Bị “Nhân hòa”…như thế với sụ rõ ràng kiểu này, khiến mình đơn giản hiểu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, lấy dân làm gốc là tư tưởng tiến bộ, với cách diễn đạt như thế này, sự sáng tạo điển hình thế này, nhân dân càng thấy rõ, càng nhận thức rõ ràng và phân biệt. Tuy nhiên nhân vật trong Tam Quốc cũng người này có khuyết điểm, nên cho thấy sự phong phú về tính cách con người cũng được đề cập đến trong tiểu thuyết này. Và mình rất thích câu kết luận này “Truyện Tam quốc đã sáng tạo ra hình tượng của rất nhiều nhân vật, lời nói, tư tưởng, hành động của họ đều sống trên mặt giấy”

 Bài viết cũng nêu một số hạn chế về tác phẩm, về việc thực ảo trong cuốn sách khiến cho nhân vật như Gia Cát Lượng bị kém toàn vẹn, hay viết về lối chính thống. Ngôn ngữ của nhân dân cũng bị giảm bớt nghiêng theo lối sĩ phu hay đưa ra quan điểm giặc hay anh hùng với quân Khăn Vàng. Tuy nhiên về quân Khăn Vàng đối với mình vẫn là một câu hỏi, dù đọc hồi 1 tư tưởng của mình đang là giặc nhưng vẫn chưa muốn kết luận ngay. Những gì cảm nhận về các hồi chắc sẽ viết vào bài Review các phần sau. 

Kết luận
Việc viết một cuốn sách đã không dễ dàng nữa là tiểu thuyết liên quan đến sử, đây là sự nghiệp phi thường của La Quán Trung mà chúng ta cần ghi nhận và mình tin nó vẫn sẽ được bàn ở nhiều thế hệ sau này nữa. 

Còn một bài viết về quá trình Tam quốc diễn nghĩa được đưa vào Việt Nam thì ngắn gọn ra mình ngẫm thấy dịch giả cũng là một công trình, người viết người chịu đưa tác phẩm về đất nước là những người tiên phong và mình thấy càng biết ơn những ai đã khổ công dịch, để tác phẩm gần với những người đọc sau này như mình, góp phần được tiếp cận văn chương thế giới…

Nhận xét

  1. Bài review rất hay. Thể hiện người viết rất am hiểu và có cái nhìn rất độc đáo về văn học nói chung và tác phẩm "Tam quốc diễn nghĩa" nói riêng. Rất mong chờ các phần tiếp theo của tác giả! Ủng hộ tác giả ạ!

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ