NỖI BUỒN CHIẾN TRANH
Đây
là bài dự thi của mình và cũng là lần cuối mình tham gia với tư cách là sinh
viên, hi vọng rằng cuộc thi nhận được nhiều ủng hộ từ HSSV
Trong
nhật kí Nguyễn Văn Thạc có viết: “Cuộc sống còn tuyệt vời biết bao trong thực tế
và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn
niềm sầu buồn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời”. Quả vậy, cuộc sống
thật muôn màu, nhiêu con người là bấy nhiêu số phận, bấy nhiêu số phận là với
bao nụ cười, bao nước mắt, bao đau thương, bao kỉ niệm và hồi ức. Và văn học
sinh ra là bắt nguồn từ con người, và nhà văn chính là người gieo những con chữ,
vương vấn ở đầu ngọn bút ấy là những tỉ mẩn, sự dũng cảm, lòng trắc ẩn thậm chí
vấn vương nước mắt về một thời đại đã qua, về những gương mặt người. Và “Nỗi buồn
chiến tranh” Bảo Ninh là câu chuyện như thế.
Điều
đặc biệt tôi thấy thường những cuốn sách thường sẽ có gửi tặng một ai đó như một
lời tri ân nhưng ở cuốn sách này mở đầu không có viết gửi ai cả, tôi nghĩ rằng tác giả muốn gửi đến tất cả mọi người. Tôi
không muốn gọi là một cuốn sách nữa, tôi muốn nó như một thực thể sống oẳn mình
chất chứa một kí ức về nhân loại đang thì thầm về câu chuyện một thời khói lửa
đạn bom ấy đã qua, tôi muốn lời thì thầm ấy chạm đến mọi người và đặc biệt chạm
đến những trái tim phập phồng nhịp đập của tuổi trẻ. “Nỗi buồn chiến tranh” của
Bảo Ninh xuất bản lần đầu vào năm 1990, và số phận của nó cũng thật nhiều biến
động thăng trầm, nhưng việc nó được dịch ra hơn hai chục thứ tiếng, được chạm
chân đến các nước bạn, được in dấu văn chương trong lòng những người nhân dân
khác trên thế giới là một điều xứng đáng. Một tác phẩm quảng đại là tác phẩm sẽ
không chết, sẽ còn sống mãi, sẽ còn day dứt trong lòng người đọc thật nhiều câu
hỏi, “mỗi dòng của cuốn tiểu thuyết tương đối ngắn này chất chứa vẻ đẹp thẩm mỹ
và chiều sâu tinh thần. Cuốn sách tràn đầy những suy tư thấu suốt về Việt Nam
cũng như tâm hồn con người. Đây là một trải nghiệm đọc không thể bỏ qua” (Leif
A. Torkelsen).
Nhan
đề của cuốn sách vỏn vẹn bốn chữ, không có chữ nào quá khó hiểu nhưng khi đọc
thành lời, nhan đề ấy giống như bản lề thời gian cùng con lốc xoáy chầm chậm
đưa người đọc đến thế giới xa xôi nào đó, đơn thuần cuốn sách là điều giết
chóc?, hay đơn giản nó là một chuyện tình trái ngang?, hay cũng đơn giản như những
cuốn sách đã đọc về một người u uất sau tàn cuộc. Không, cuốn sách không dừng ở
đó bởi bề sâu của nó chắc chắn sẽ khiến bạn giật mình, sẽ khiến bạn nhói đau…
Mở
đầu câu chuyện tác giả đưa ta đến không gian của núi no, rừng già nhưng nơi này
lại “bị hòa bình bỏ hoang”, và Kiên đang trên con đường thu nhặt hài cốt tử sĩ,
chính anh lại đang nằm cạnh những bộ hài cốt đó. Chiến tranh? Câu hỏi luôn thường
trực trong tim tôi khi còn thơ bé rằng, những người lính đứng trước họng súng họ
có sợ không và cái chết đến với họ sẽ như nào. Tôi từng nghe bà bình thản kể
ông nội đi chiến đấu khi bà chưa được ba mươi, bà chỉ nói đi rồi không thấy về
nữa, coi như đã mất rồi. Một số phận con người bỗng chốc nhẹ bẫng như thế trong
lời kể đều đều của bà tôi…không một lời tả nào của nhà văn, chỉ đơn giản một
câu “nước mưa rỉ xuống thong thả nhỏ rọt lên những bọc ni lông bao gói hài cốt
tử sĩ xếp lát trên sàn xe”, cùng tiếng thở than buồn thảm từ sông núi cô quạnh
gợi nhớ về quá khứ xa xôi vời vợi.
Và
từ câu văn tưởng chừng nhẹ nhàng ấy, nhà văn bất chợt kéo người đọc đến với cảnh
tiểu đoàn 27 xấu số, bị xóa sổ trong trận càn ấy. Chiến tranh không bỏ sót một
ai, nó theo gót khi từ từ, khi dữ dội, khi vội vàng và nhẹ nhàng nhấc ai đó đi
nhẹ tựa lông hồng. “Trên đầu trực thăng rà rạp ngọn cây và gần như thúc họng đại
liên vào gáy từng người một mà bắn. Máu tung xối, chảy tóe, ồng ộc, nhoe nhoét”
chẳng biết tiểu đoàn ấy có những ai, những người lính đến từ mảnh đất nào trên
dải đất Việt này, không rõ “quê hương anh nước mặn đồng chua” hay “nghèo đất
cày lên sỏi đá”, cũng không biết họ đang đi hành quân bộ hành ra sao, chỉ biết
hơi thở thần chết hòa cùng dòng máu đỏ tươi ấy. Tôi lại nghĩ bài thơ của Chế
Lan Viên trong tập thơ Điêu tàn rằng:
“Này
chiếc sọ người kia, mi hỡi!
Dưới
làn xương mỏng mảnh của đầu mi
Mi
nhớ gì, tưởng gì trong đêm tối?
Mi
trông mong ao ước những điều chi?
Mi
nhớ đến cảnh pháp trường ghê rợn
Sọ
muôn người lần lượt đuổi nhau rơi?
Hay
mi nhớ những đêm mờ rùng rợn
Hồn
mi bay trong đốm lửa ma trơi?”
Tôi
tự hỏi thân thể đau đớn khi ngã xuống, khi tự tay bắn vào đầu mình của người đại
đội trưởng tiểu đoàn 27 đã nghĩ gì, anh trông thấy gì, một chân trời tăm tối,
hay sự bất lực khi lần lượt cứ từng người, từng người đồng đội một cứ liên tục
ngã xuống, cứ liên tục đổ máu, bị chiếc súng vô hồn ấy nã vào da thịt, găm vào
xương. Họ khi ngã xuống trước đấy có mong muốn điều gì, trong thân thể gầy gầy
cũng bộ áo quân phục, cùng con súng vác trên vai họ đã kịp trăng trối điều gì
không. Tôi lại cứ quẩn quanh mãi cái xe chở đầy hài cốt tử sĩ, những bộ xương
người mục rữa ấy cũng từng là cơ thể sống, có lẽ cũng trải qua tuổi mười lăm,
mười bảy, hăm hở với đời. Tôi từng đọc câu chuyện về một linh hồn trong Bản chất
của người của Han Kang, về một linh hồn ra đi khi quá trẻ, nó đã tự hỏi rằng vì
sao lại chết, nó muốn chạm đến các linh hồn khác, nó chứng kiến những thân xác
bị đốt cháy, nó nhìn thấy thân xác mang màu áo bệnh viện, nó thấy những thân
xác mặt trắng tưởng là sự sạch sẽ nhưng thực ra là lớp sơn ngặt nghèo giả dối
che đi sự tàn ác man rợ. Những linh hồn vô định luẩn quẩn họ tự hỏi vì sao họ
phải chết khi sự sống còn dài, đây là định mệnh an bài sao, sự sống họ được ban
sao lại bị tước đi đau đớn và man dại đến mức mất xác như vậy. Ngọn lửa bùng
cháy trên những cái xác như ngọn lửa của sự hủy diệt khiến người ta sợ hãi
nhưng nó cũng là ngọn lửa sự sống nhen nhóm dai dẳng trong mỗi con người dù trả
lại là sự kéo lê xác trên đường, những đòn hành hạ tra tấn thì họ vẫn muốn sống.
Tôi – một người trẻ đang đọc về thế hệ cha anh mình đi trước đang hăm hở như thế
nào, liệu chính tôi bước ra ở vùng đại ngàn hùng vĩ cũng rợn ngợp ấy sẽ ra sao,
có thể mạnh mẽ không hay sẽ yếu đuối co quắp trong sự hèn nhát? Tiểu đoàn 27,
cùng cái Truông Gọi hồn, một cái tên thật chua xót, mảnh đất đau thương ấy đã
chứa bao xương thịt của các anh, mảnh đất mẹ đau đáu khi ôm xác những người con
ngã xuống. “Dù vô khối hồn ma ra đời trong trận bại von ấy hiện vẫn đang lang
thang khắp các xó xỉnh bụi bờ”, có lẽ họ còn vấn vương rất nhiều…
Và đâu chỉ những hồn ma của những người
lính đã ngã xuống đâu, thần Chết sờ soạng cả những người dân thường vô tội, một
ngôi làng cũng bị xóa sạch. Kí ức của tôi về câu chuyện tiểu học bé thơ kể rằng
có nhà 11 người chết hết chưa đến mấy phút, có em bé đang ngậm bầu sữa mẹ - mà
người mẹ đã không còn hơi thở. Trong giây phút ấy tôi đã ngây thơ nghĩ, có khi
nào quê hương tôi vốn là mảnh đất thẳng nhưng qua những đau thương nó oằn mình
lại chống đỡ lấy, mạnh mẽ và kiên cường nên mới thành chữ S không? Hay là một
con rồng mạnh mẽ, chống đỡ lấy những khắc nghiệt và nó vẫn hiên ngang. Chiến
tranh không những đạn bom còn kéo theo bệnh tật, cùng đói khổ. Người lính săn
phải con thú, ấy vậy nó lại là thân xác lõa lồ lở loét của một người đàn bà.
Tôi đã nghĩ nhà văn phải là người dũng cảm, mới có thể viết ra những câu văn
như vậy, nếu không cúi mình xuống nếm những vị mặn, vị đắng của đời, nếu không
lắng nghe nỗi buồn của người thì làm sao có thể viết được ra như vậy, và không
dễ gì để con người ta có chung nguồn cảm hứng với một cuốn sách khi màu da sắc
tộc khác nhau. Như Maxin Mailen nói: Những cuộc chiến qua đi, những trang lịch
sử của từng dân tộc được sang trang, các chiến tuyến có thể được dựng lên hay
san bằng. Nhưng những tác phẩm đi xuyên qua mọi thời đại, mọi nền văn hóa hoặc
ngôn ngữ cuối cùng vẫn nằm ở tính nhân bản của nó. Có thể màu sắc, quốc kì,
ngôn ngữ hay màu da chúng ta khác nhau. Nhưng máu chúng ta đều có màu đỏ, nhịp
tim đều giống nhau. Văn học cuối cùng là viết về trái tim con người. Nỗi buồn
chiến tranh đã chạm chân đến nước bạn, chạm đến trái tim của nhiều người bởi nó
viết về vấn đề nóng bỏng và có lẽ nhiều quốc gia đã đau thương trải qua – chiến
tranh. Đã đến lúc, hãy nhìn kĩ lại xem, ngẫm lại xem chúng ta đã đi qua những
trang sử mốc son chói lọi ấy như thế nào, nền độc lập – bức tưởng hòa bình vững
chắc kia được xây dựng bởi gì – máu, xương, mất mát, hi sinh. Nếu khắc tên những
người lính trên một bức tường có lẽ nó sẽ rất dài, có những người lính ngã xuống
vô danh, có khi chưa kịp biết tên, “chân trời chết chóc mở ra mênh mang, vô tận
những nấm mồ bộ đội mọc lên nhấp nhô tựa sóng cồn…”. Những anh hùng lặng thầm
chôn xác ở đại ngàn núi non trong năm tháng chống giặc, dù tác phẩm bàn về chiến
tranh chống Mỹ nhưng với bản thân tôi – một người trẻ dù giăc Mĩ hay giặc nào
nhưng chiến tranh vẫn thật khốc liệt, đau đớn, bi thương mà cũng vô cùng hào
hùng.
Những trang sách mở đầu của Bảo Ninh vẫn
chưa dừng lại, ông viết gì đó rất đời, rất người lính và rất thật, ấy là bộ bài
ấy là thương nhớ, muốn có tình yêu trong quân doanh, và cả những cây hồng ma.
Có thể ba thứ đó trụy lạc, nhưng cách tiếp cận của Bảo Ninh khác. Ấy là bộ bài,
nhà văn không nói chơi nhiều ít mà nói về lời căn dặn, nếu ai đó trong đội chết,
người ở lại cầm bộ bài đem đi mà đánh với đời…tưởng là lời trêu đùa, ấy vậy số
trời trêu người, Kiên lại chứng kiến những người bạn đêm còn đang chơi bài với
mình sảng khoái thì chỉ thời gian ngắn đã chết trong đám lửa hủy diệt, cháy rực,
nóng bỏng. Và đã làm gì có những thứ có thể lưu giữ khoảnh khắc như bây giờ, và
cái chết đến quá nhanh chưa kịp biết quá nhiều về nhau, chưa kịp nghe những câu
chuyện thì cái chết đã vội vã không nhân từ lôi đi. Sau này cuối truyện, nhà
văn cũng một lần nhắc đến bộ bài quăn queo trong đống giấy viết của Kiên, có thể
nó thật không đàng hoàng nhưng những lá bài rách ấy đã từng in dấu tay của những
người đã chết. Còn những bông hồng ma ma mị, như một thứ thuốc phiện, làm tê liệt
đầu óc con người, làm con người ta mụ mị, có thể tự chế các ảo giác. Nhưng càng
đọc thì những ảo giác đó xuất phát từ những mong muốn sâu thẳm trong tim những
người lính, chỉ khi những cơn say đó đến họ mới có thể bộc bạch. Như Cừ “khuấy
lên độc một cảnh tượng ủy mị khó tin của ngày trở về với những sum họp đoàn tụ”,
ấy họ mong muốn sự đoàn tụ, họ không phải cỗ máy giết người đầy chết chóc. Nếu
con người không tồn tại lòng trắc ẩn, khó có thể có những giọt nước mắt, sự cảm
thông, tinh thần đoàn kết của những người lính. Tôi biết tồn tại những tàn dư
như vậy là không đúng, nhưng tôi lại thấy xót xa hơn là ghét bỏ….bởi họ vì mái
nhà độc lập, họ đã ra đi “giếng nước gốc đa nhớ người ra lính” đến đây từ bỏ những
hoài bão bởi Sinh – bạn Kiên từng mong muốn làm nhà thơ như Lê Anh Xuân, bỏ những
ham muốn vặt vặt, lặt vặt của đời.
Và
cả câu chuyện với ba cô gái ở cánh rừng núi non này, chỉ thấy những bóng người
lướt qua, Kiên biết tồn tại trong quân doanh những câu chuyện yêu đương là điều
không nên có, không được có nhưng anh bằng sự cảm thông của mình lại cho qua, bởi
con người ai cũng có mưu cầu có được tình yêu. “Chao ôi! chiến tranh là cõi
không nhà, không cửa, lang thang khốn khô và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn
ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của
dòng giống con người”. Có lẽ Kiên không muốn những người đồng đội mất đi cả những
cảm xúc cơ bản của con người, đó là yêu,bởi chính anh không hoàn toàn có cơ may
thoát khỏi sự hư hại của tâm hồn thì đồng đội anh vượt qua khỏi sự ràng buộc và
câu thúc của thói thường để hưởng lấy những giọt cuối cùng còn sót lại của tình
người. Để đến ngày mai thì chẳng còn gì, ngày mai trong chiến tranh thì ít khi
nào đoán được….Nhưng rồi câu chuyện nhỏ nhoi ấy, xoàng xĩnh ấy rồi cũng đi đến
cái kết; không một tiếng động, không một lời hồi đáp, ba cô gái đã chết khi
chưa kịp lên tiếng, nhà văn không viết ba cô đã chết như thế nào chỉ viết hình ảnh
chiếc áo lót trắng xõng xoài trên mắt đất, như một bông hoa lạ, in nguyên một vết
bùn màu máu…cùng tiếng nấc kỳ quặc, rền rĩ, van vỉ, cầu khẩn bằng giọng thều
thào nghẹt thở của Thịnh.
Và
nó không dừng lại ở đó, khi ở nhà cũng có những bà mẹ bạc đầu nhớ thương con.
Mang nặng đẻ đau một hình hài, như khúc ruột máu thịt của mình. Bà mẹ nào cũng
đau đáu nhớ dáng hình của con, động lực để sống cũng mong chờ con chở về, như bức
thơ mẹ Can gửi khi đau đớn nén lại vì người anh của Can đã mất, chỉ sống đến giờ
vì còn Can nhưng trớ trêu làm sao khi Can cũng nằm lại trên đất lạnh quê người,
chưa kịp về để mẹ vỗ về yêu thương. Như nhà mẹ Lành trên đồi Mơ xa xăm cũng kì
lạ, vừa gần vừa quen ấy, người mẹ Lành ngã quỵ khi lần lượt những người con ra
đi, hay Kiên thăm một người mẹ, người ấy rất đau nhưng lại cũng lại âu yếm bảo
Kiên may quá, Kiên vẫn sống. Tôi từng đọc câu chuyện phong trào dân chủ trong
cuốn chuyện “Bản chất của người” của Han Kang, cũng viết về hình ảnh người phụ
nữ cà chân mình trên những mảnh thủy tinh rớm máu, bị những người máu lạnh chà
đạp trên nền đất, và cả những cô gái xinh đẹp mặt bị đánh đến mất nhân dạng, chỉ
còn lại da thịt trương phềnh. Có lẽ, người phụ nữ quốc gia nào cũng đẹp, qua
trang văn Bảo Ninh, bằng một sự tự hào đến ngạo mạn, tôi thấy hiện lên trên con
chữ của ông, người phụ nữ Việt thật đẹp, và rất đẹp hình ảnh Hòa – cô thanh
niên xung phong bé nhỏ dám dẫn dụ được cả một đội Mỹ vấp váp để bảo vệ những
người đang bị thương đến kiệt quệ. Nhà văn chỉ dừng lại đoạn những người lính
đuổi theo được Hòa, nhưng đọng lại trong tôi sự tinh tế của nhà văn miêu tả đôi
chân nhỏ bé, vóc dáng mảnh mai trong năng, người trầy xước vì gai nhọn sẽ mãi ở
trong góc nhỏ trái tim người đọc.
Những
người lính đã trải qua những năm tháng đau thương như thế, vào sinh ra tử, cứ
người ngã xuống, họ lại thay những người ngã xuống hoàn thành nguyện vọng.
Trong những năm tháng chiến đấu cam go khốc liệt, không phải tiếng súng đinh
tai không phải rầm rập bắn mà là tình đồng đội, đồng chí đã nâng đỡ những bước
chân người lính, Tố Hữu từng kể về họ
như thế này:
“Chúng
tôi ngồi hàn huyên
Bao
giờ vinh nhục
Bao
nhiêu phút ưu phiền
Của
đời người chiến sĩ
Đêm
thâu kể triền miên:
"Có
khi gạo hết tiền vơi
Ổi
xanh hái xuống đành xơi no lòng
Có
đêm gió bấc lạnh lùng
Áo
quần rách nát lá dùng che thân
Khó
khăn đau ốm muôn phần
Lấy
đâu đủ thuốc mặc dần bệnh nguôi
Có
phen chạy giặc tơi bời
Rừng
sâu đói rét, không người hỏi han".
Và
Bảo Ninh cũng không quên nhắc đến bệnh sốt rét rừng, căn bệnh này từng xuất hiện
nhiều lần trong thi ca như:“Quân xanh màu lá dữ oai hùm” (Tây Tiến, Quang Dũng)
hay: “Những khuôn mặt đã lên màu bệnh tật” nhưng Kiên cũng đã sống, đã sống sót
bằng sự chở che của đồng đội. Vào chiến trường, anh đã ra sao, chiến tranh bào
mòn anh những gì. Nhiều lúc anh đã thấy cuộc đời thuở thiếu thời cơ hồi đã tách
khỏi anh, thực ra điều này không thể tránh khỏi, bởi đó là đánh đổi. Anh cũng từng
nghĩ anh đón nhận cái chết bằng sự thản nhiên, anh chi rằng cái chết tầm thường
và vô vị, anh thản nhiên nhìn nó với đôi chút ưu sầu. Thản nhiên là thế nhưng
sau chiến tranh trở về, anh vẫn lay lắt sống đấy thôi, bởi trong anh sự sống đã
chảy trong anh cũng một phần nhờ xương máu đồng đội, những người ngã xuống chắn
những viên đạn xuyên vào da thịt nóng bỏng. Anh cũng từng chứng kiến Quảng, người
đại đội trưởng bị hất tung lên, cầu xin anh được chết. Thân xác đã còn gì đâu
khi da thịt đã lồ lộ, anh Quảng đâu phải yếu đuối, anh đã là người anh của Kiên
cơ mà, nhưng anh đã xin chết bởi sự đau đớn ngấm vào da thịt kia ngoi ngóp bóp
dần nốt sự sống và không thể kéo lại khỏi vực sâu tử thần đang bày ra, treo anh
lên và trêu đùa đến chết. Tôi đã nghĩ lúc ấy sự sống trong Quảng còn rất nhiều,
anh là đội trưởng cơ mà, anh còn nhiều trách nhiệm, anh còn dẫn dắt nhiều, “là
anh của vạn nhà, là em của vạn kiếp phôi pha”.
Và chiến tranh có phải đang giết chết
sự nhân từ không? Đôi khi lương tâm thật đáng sợ, đã có lần Kiên đã nhân từ để
rồi đổi lại là chính mạng sống người đồng đội, người ấy đã ngã xuống, tôi đã
liên tưởng đến bài thơ Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ Lê Anh Xuân:
“Anh
ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng
Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và
Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu
Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Chợt
thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có
thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi
Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn
đứng đàng hoàng nổ súng tiến công”
Và
có lẽ biết bao dánh hình hào hùng ấy ngã xuống cho nền độc lập, thật đẹp và tự
hào những người lính ấy. Người đồng đội đã đánh đổi mạng sống để Kiên được sống,
và chính điều đó là dư âm ám ảnh trong lòng Kiên sau này. Cũng trong chính câu
chuyện lương tâm này, cũng có người lính nào đó không tên đã che chở cho thân
xác một cô gái đã chết dù không phải quân mình bởi đơn thuần – đây là người con
gái. Hay một người ám ảnh một đời, vì không kịp cứu một người ngụy nào đó vì cứ
nghĩ viễn cảnh thê thảm của anh ta. Lương tâm đôi khi cũng thật đánh sợ, bởi nó
luôn bóp lấy ta, khiến ta quằn quại nhất là khi ta day dứt, ứ nghẹn. Như
Bielinxki từng nói: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để
miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu
nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó”.
Những người lính sống sót bước ra khỏi
cuộc chiến như Kiên thì sao, dư âm chiến tranh trong họ là điều gì, có phải reo
vui chiến thắng không. Bảo Ninh khai thác sâu hơn thế, ông viết về những mặt tối
trong tâm trí họ. Như Vượng, sau chiến tranh anh đã hào hứng tìm việc nhưng trả
lại anh là nỗi khiếp sợ, sợ những con đường quá êm vì sẽ nghĩ đến quá khứ lái
chiếc xe tăng đầy chết chóc cà trên những xác người. Cuộc đời Kiên cũng ám ảnh
về những người đồng đội, cuộc đời anh có kỳ thực có khác nào con thuyền bơi ngược
dòng sông không ngừng bị đẩy lùi về dĩ vãng, không phải động lực sống của anh
là hi vọng về tương lai tốt đẹp mà chính là những tấm thảm kịch quá khứ đã nâng
đỡ anh, tạo sức mạnh cho anh thoát khỏi những vô tận những tấn trò đời. Chút
lòng ham sống còn lại lại nhờ vào những hồi tưởng. Kiên sống song song, đồng thời
trong hai cuộc sống: Thực và ảo, hiện tại và quá khứ, đan xen lẫn lộn không
tách rời. Thực tại của Kiên mờ nhạt, không thể hòa nhập với mọi người. Thực tại
gắn với khói thuốc, men say của rượu, sự ngột ngạt trong căn phòng khu tập thể,
những đêm dài thao thức, những tiếng gọi vọng xa của quá khứ. Quá khứ diễn ra
trong chính thực tại, chiếm lĩnh thực tại, chiếm lĩnh tâm trí của Kiên. Chiến
tranh qua đi, lủa đạn đã lùi dần, nhưng trong Kiên lại là cuộc chiến khác, cuộc
chiến tồn tại mỗi ngày, không phải miếng cơm manh áo ghì sát đất mà lại là cuộc
chiến trong chính anh, những tiếng thét gào của quá khứ, cơ thể của anh có lẽ
đã hứng lại, giữ lại đã ghi lai ngọn nguồn của cuộc chiến, là minh chứng cho những
người đã chết.
Một
bức tranh nhiều màu sắc sau khi rũ bỏ gam màu chỉ còn lại đen trắng người ta sẽ
có nhiều liên tưởng, như con người khi rũ bỏ những hào nhoáng chỉ còn lại phần
yếu đuối nhất, ta tự hỏi liệu sau những cái chết, những lúc chứng kiến cảnh chết
chóc đau khổ kia, sau khi bị vùi dập kia bản chất con người liệu có yếu ớt?
Kiên vẫn đang ngày ngày sống, mục đích sống của anh là gì, khi sau chiến tranh
thân thể một người mười bảy tuổi đẹp đẽ lại thành một người u uất sau chiến
tranh, anh đi lượm những hài cốt, anh cũng viết về họ. Ngòi bút của anh lại về
chiến tranh, tâm khảm anh khôn nguôi về nó, bởi “không được quên, không được
quên tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc chiến tranh này, số phận chung của
chúng ta, cả người sống lẫn người chết”.
Và
ở Kiên – trong cuốn sách này, cũng có hương vị của tình yêu. Tình yêu là gì? Ngọt
ngào hay đắng cay, vui sướng hay đau khổ, nụ cười hay nước mắt. Nếu là đắng cay
liệu chúng ta có chọn lựa nó, có để nó là con dao cắm sâu vào trái tim ta,
thành vết thương mãi không. Tình yêu trong chiến tranh lại càng ngặt nghèo, nhà
văn nhẹ nhàng phơi bày trước mặt người đọc trước và sau chiến tranh, tình yêu bị
chia cắt ra sao. Thời gian cho tình yêu mặn nồng cùng những hoài bão tuổi trẻ
choán lấy Kiên, Kiên chọn ra chiến trường – lý tưởng đẹp đang đợi mình. Kiên đã
nghĩ mọi thứ - Phương, tình yêu của anh sẽ vẫn mãi còn, chiến tranh sẽ đến và
sau đó họ vẫn có thể nắm tay nhau. Trước đó, Phương là cô gái ngây thơ, trong
veo, tin tưởng những lựa chọn của Kiên, cô gái xinh đẹp nhưng trong lời dự đoán
thức thời về cha Kiên, tình yêu hai người khó đến với nhau, không phải địa vị
không phải do sự xứng đôi mà là thời đại chiến tranh này. Nó đã vô hình tách
hai người ra khi sự hiểu lầm xuất hiện, khi trên con tàu định mệnh ấy, Phương lại
bị hãm hiếp. Tiếng thét giận dữ, cùng ánh mắt đáng sợ của Kiên – phải chăng là
bất lực, là sợ hãi bởi mới nay anh với cô còn đang nắm tay vậy mà chỉ sau vài
giờ cô – xuất hiện trước mặt anh – người con gái anh yêu lại tang thương như vậy.
Sự xấu hổ, nhục nhã cứ từ đó đào hố sâu ngăn cách giữa hai người để rồi dẫn đến
những hiểu lầm và nuối tiếc. Và Phương vẫn là một trong những mục đích sống của
anh, hai người vẫn còn liên kết, còn yêu, còn có thể hòa hợp nhưng vẫn không thể
đến với nhau do vẫn còn hố đen ngăn cách từ ngày chiến tranh xa xôi. Và những
người phụ nữ khác như Hạnh, cô gái làng chơi đã bước qua đời Kiên, đặc biệt cô
gái câm đã chứng kiến, đã nghe những lời tâm sự từ sâu thẳm trong anh, là chứng
nhân của đời Kiên, là người giữ lại những bút tích của anh, những trang giấy
đem sự sống của anh, kí ức của anh và cả hồn anh trong đó. Nỗi buồn chiến tranh
– nỗi buồn có lẽ của nhân loại, trầm mặc nhưng chầm chậm nhẹ nhàng như hơi thở,
bám lấy da thịt con người, bám lấy dòng chảy của máu nóng…nó cứ ăn sâu dần con
người ta như thế…
Và
Kiên cũng nhận ra thiên chức cầm bút của mình – đó là viết về những người đồng
đội bởi “nếu không có những người đồng đội thân yêu ruột thit, vô số và vô
danh, những người lính thường, những liệt sĩ của lòng nhân, đã làm sáng danh đất
nước này và đã làm nên vẻ đẹp tinh thần cho cuộc kháng chiến, thì đôi với Kiên,
chiến tranh với bộ mặt gớm guốc của nó,với những móng vuốt của nó sẽ chỉ đơn
thuần có nghĩa là một thời buổi và một quãng đời mà bất kỳ ai đã phải trải qua,
đều mãi mãi bị ám ảnh, mãi mãi mất khả năng sống bình thường, mãi mãi không thể
tự tha thứ cho mình”. Bản thân anh nếu không được đồng đội bằng tất cả tình
thương cứu không phải anh chết vì giặc bắn, anh cũng tự giết mình bằng cách nào
đó để thoát khỏi gánh nặng chém giết, gánh nặng bạo lực mà thân phận những người
lính cõng lên đời đời kiếp kiếp. Như vậy Bảo Ninh đã cho ta thấy rằng, tình
thương có thể cứu vớt một con người. Có lẽ trong thâm sâu Kiên từng gào lên với
cuộc đời rằng, ai cho Kiên lương tri để sống khi ngày ngày thấy súng, khi ngày
ngày thấy những người nằm lại, có người chết trong tay, có người chết trước mắt
mà không làm gì được?. Nên bằng sự trầm mình sâu xa trong hồi tưởng, trong nỗi
đau chiến tranh không bao giờ nguôi mà anh sẽ tồn tại đến trót đời với thiên chức
là cây bút của những người đã hi sinh, là tiên tri những năm tháng qua đi, người
báo trước thời quá khứ.
Có
người đã hỏi tôi kí ức đẹp là như thế nào, liệu có phải sẽ toàn những niềm vui,
những gì nhẹ nhàng không? Tôi nghĩ đẹp hay không là do mỗi người cảm nhận. Tôi
biết rằng người ta cần sống cho hiện tại và tương lai, nhưng quá khứ là bước đệm,
là một ánh trăng tròn soi tỏ những góc khuất trong mỗi chúng ta. Nhà thơ Nguyễn
Duy trong bài thơ Ánh trăng từng viết:
Ngửa
mặt lên nhìn mặt
có
cái gì rưng rưng
như
là đồng là bể
như
là sông là rừng
Trăng
cứ tròn vành vạnh
kể
chi người vô tình
ánh
trăng im phăng phắc
đủ
cho ta giật mình
Hay
chính Tố Hữu từng viết: “Mình đi mình có nhớ mình”, kí ức là ánh trăng đẹp
nhưng nó nhắc nhở ta mình từng là ai, con đường mình đi qua đã có những gì, đừng
vội ngủ quên trên chiến thắng hão huyền. Chiến tranh – một mảng kí ức thấm đẫm
máu, nước mắt và sự đau buồn nhưng nó nhắc nhở mỗi con người rằng, bầu trời
xanh cao vời vợi không có máy bay thả bom trên không kia, những đồng cỏ ngát
xanh không có sự cằn cỗi bom mìn là sự đánh đổi của cả một thế hệ trẻ của đất
nước – sự đánh đối của xương máu. Họ là những con người “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu
nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, tuổi trẻ của họ đã đánh đổi cho nền độc
lập của đất nước như vậy và chính chúng ta đang được sống sẽ sống ra sao. Chiến
tranh – nỗi buồn của nhân loại, sẽ được ghi nhớ qua con chữ, qua những người
dũng cảm sẵn sàng viết về nó không hề e sợ, những cuốn nhật ký như Anne Frank,
Đặng Thùy Trâm sẽ là minh chứng hùng hồn của thời đại đó. Nếu không có những
ngòi bút dũng cảm, ai sẽ họa những gương mặt bị hủy hoại của chiến tranh, ai
dám dũng cảm họa những bức vẻ về những gương mặt lở loét; những gương mặt bị rừng
thiêng nước độc ăn mòn để tưởng nhớ ghi những người kể hữu danh lẫn vô danh? Bởi:
“Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng
lừa dối” (Nam Cao)
Gấp
lại trang sách của Bảo Ninh, tôi đã nghĩ bản thân sẽ dùng hiểu biết của mình,
con chữ còn vụng về của mình như thế nào để viết, không phải là tấm danh hiệu
danh giá cho danh lợi của mình, đó là viết để in những dấu huân chương ấy lên
ngực những người bạn trẻ - mang dòng máu nóng để biết, tự hào, trân trọng sự sống
này. Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho ta mà hãy xem mình đã làm gì cho đất nước.
Quá khứ dân tộc – trang lịch sử vàng dân tộc không thể quên, không được quên –
cần luôn ghi nhớ trong tâm khảm, khắc cốt ghi tâm. Có thể nói Nỗi buồn chiến
tranh của Bảo Ninh, qua thời gian, vượt qua những chuẩn mực gắt gao đã đến với
bạn đọc, tôi thấy rằng nó viết những gì rất thật, rất đời, và rất lính. Chính
những câu chuyện như thế này, con người ta mới thực sự thấu hiểu thế nào là chiến
tranh thực sự, nỗi đau, mất mát, đau thương, Sự thật trần trụi ấy giúp ta hiểu
được sự quý giá của mạng sống, con người là vô giá và không thể định giá được.
Bằng ngòi bút chân thật, đôi khi dửng dưng, cùng lối tả thực, hình ảnh chân thật
đến nao lòng; cùng những câu văn mơ màng về cảnh đất rừng đại ngàn hùng vĩ đến
choáng ngợp nhà văn đã họa ra một bức tranh toàn cảnh lớn về chiến tranh – vĩ đại
mà cũng nhiều nét bi. Và hơn hết Bảo Ninh đa viết về bằng tất cả tình yêu, lòng
thương người của mình “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu. Tình
yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng, bác ái luôn
luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ, hiến
dâng máu nóng của mình cho nhân loại” (Leptonxtoi).
Có
thể nói, Nỗi buồn chiến tranh là một tác phẩm khiến cho con người ta kinh ngạc,
vừa lạ vừa quen và nó sẽ vượt qua những băng hoại của thời gian, sống mãi trong
lòng người đọc, là lời thì thầm của quá khứ, là lời nhắc nhở đặc biệt với những
người trẻ.
Nhận xét
Đăng nhận xét