Tắt đèn
Ai hay nói chuyện với mình thì có lẽ biết mình thích Nam Cao
hơn cả. Nhưng con đường để đến với những câu chuyện của Nam Cao thì lại lại qua
cột mốc Tắt đèn – Ngô Tất Tố. Mình đọc lần này là lần thứ ba thứ tư rồi, và mỗi
lúc mình đọc thì mình lại nhận ra sự thật: Hình như mình đã đọc như không đọc,
mỗi lần đọc mình đều thấy mới. Ở các lần đọc trước, mình dựa trên những cái gì được
học. Còn hiện tại tâm thế của một người kết thúc học văn cũng lâu lại rất khác
Tắt đèn, khi đèn tắt đồng nghĩa là bóng tối bao trùm, ánh sáng
nhỏ bé cũng mất đi. Nhưng cơn gió nào làm đèn tắt, ai đã làm cho đèn tắt đi để
bóng tối bao trùm. Ai tắt đi từng chút một ánh sáng của những người nông dân
nghèo. Vì đâu phải tạm tắt đi tình thương con mà dứt lòng bán con, vì đâu dập tắt
đi tình cha con để đi đến cái kết là bán con bán chó, vì đâu mà dập tắt đi sự
hiền lành vô lo để rồi quay cuồng với sưu thuế. Tắt đèn, có phải tắt đi sự tăm
tối để rồi chờ một ánh sáng mới hơn soi rọi vào những kiếp lầm than.
Mở đầu câu chuyện là cảnh mùa thu thuế của làng Đông Xá tăm
tối, không tả mặt người cũng chẳng tả canh tuần dáng bộ ra sao, cũng chưa nói đến
hình ảnh lý trưởng lúc ấy nhưng dần cũng thấy cảnh khổ sở dắt trâu ra cày. Dường
như tác giả không muốn bỏ bất cứ một chi tiết nào đặc tả, khiến ta mãi nhớ một
cánh cổng lim nặng nề là hiện diện cho đồng công cày thuê mướn ngặt nghèo. Ruộng
đất ấy vậy mà trở thành một thế giới xa xôi, làng xóm thân thương không còn là
chỗ dựa tinh thần trở thành một nơi tăm tối, chật hẹp. Ấy rồi đến cái cảnh Lý
trưởng, thư ký xuất hiện nhà văn cũng không bỏ bất cứ một động tác nào, giống
như một phóng viên lặng lẽ ghi lại bức ảnh bằng ngôn từ để lột tả được cái đạo
mạo bình tĩnh của những tên cường quyền đang thong dong bước đi chậm rãi trên xương
máu của nhân dân.
Rồi tác giả lại giống như một phóng viên lặng thầm quay đến
ngôi nhà chị Dậu, một căn nhà mà theo tên cho vay là cắm nhà làm chuồng xí lại
là nơi ăn chốn ngủ của gia đình chị Dậu. 2 đồng 7 tiền sưu vẫn đang là nỗi lo,
thấm vào khuôn mặt chị, và tâm trạng ấy thấm cả vào từng ngóc ngách trong ngôi
nhà, để rồi ngôi nhà nhỏ chật hẹp trông có vẻ nhiều đồ lại đầy sự tan hoang. Ai
đã tắt đi lòng trắc ẩn của anh Dậu để rồi anh dứt lòng nói chữ bán quách, vẫn lết
tấm thân ốm đau bệnh tật cố chạy cho được 2 đồng 7 tiền sưu; rồi bị trói như cách
người ta trói một tên tù tội, trói một con vật.
Và bút pháp tả thực tiếp tục khi dừng lại ở ngôi nhà của cụ
Nghị thôn Đoài, khang trang sạch đẹp nhưng lại đầy lố lăng, và trớ trêu thay cái
con người mà vận lúc nào cũng phát ấy có cơ ngơi dựa trên sự ăn cướp trắng trợn
của dân, từ những người cùng đường tuyệt lộ lóp ngóp bám lấy sự sống từng ngày.
Cụ sành ăn cướp nên ra giá cho một đứa trẻ là một đồng, và cả đàn chó là một đồng.
Một người đàn bà tảo tần như chị Dậu, hình như cũng đâu thích đôi co với ai lại
phải cố ra giá chính đứa con, đàn chó của mình vì đồng tiền sưu.
Và rồi cuối cùng lại còn thiếu thuế người em đã chết từ năm
ngoái, bao lo toan sợ hãi chỉ trong thời gian ngắn đổ dồn vào người đàn bà con
mọn. Cảnh đánh nhau với cai lệ có lẽ khi được học cũng được nghe quá nhiều thầy
cô giảng, cũng có vô vàn bài đánh giá, được nhận định là cảnh tuyệt khéo. Bản
thân mình thấy, đó là giới hạn cùng cực của người đàn bà: sự đau đớn việc bán con,
sự bất lực vì chồng bị trói không thể làm được gì, sự bất lực khi con cái nheo
nhóc, chạy vạy; và hơn hết là làm mãi vẫn đói. Từng thứ một từng thứ một cảm giác
không thể nắm được trong tay, và khi giành giật chồng mình từ cõi chết chưa gì đã
bị kẻ khác chuẩn bị lại cướp mất, sự phẫn uất đã lên đến đỉnh điểm.
Cuộc đời ấy vậy lại chưa dừng lại những điểm gập ghềnh khó khăn,
khó khăn vẫn còn tiếp diễn dài và chị phải đặt cược bản thân rời khỏi cái làng Đông
Xá nhỏ bé khăn gói lên tỉnh làm cái nghề vú sữa. Của ngon vật lạ thế nào cụ cố
lại muốn uống sữa người, dòng sữa vốn dành cho con gái lại dành cho một tên đê
tiện. Cái kết chạy ra bóng tối trời tối đen như mực ấy có lẽ là dự báo? Là đời
chị vẫn tăm tối, hay chị vùng ra khỏi chỗ tăm tối này nhưng bóng tối khác lại đến
hòng quật ngã chị? Hay thoát khỏi bóng tối để giữ phẩm giá cái kết là một thảm
họa khác? Hay kết thúc bóng tối rồi sắp có luồng ánh sáng mới. Cái kết vẫn bỏ ngỏ
tại đó…
Cuốn sách mình mua hay ở chỗ, người soạn thêm các phân cảnh
khác đặc biệt trích đoạn cái Tí bị đánh tang thương. Một sinh mệnh đáng giá một
đồng bạc trong mắt vợ chồng lão Nghị coi ngang với đàn chó con mua được, tiền
quyền của ông bà nên ông bà mặc sức đánh đập cũng không ai nói gì. Mình nhớ đến
đoạn vợ chồng chị Dậu khổ sở giải thích việc không kiện và trăn trở hơn ở cái
việc không phải sợ mà là nếu có kiện cuộc sống của vợ chồng chị chưa chắc đã tốt
hơn, ấy là niềm tin đã vơi cạn. Những người dân mất niềm tin vào bộ máy cầm quyền,
họ bị đánh đập chửi bới xúc phạm, bị gọi bằng những từ ngữ mọi rợ nhất.
Chuyện này mình đã từng xem qua phim, và xem thêm Làng Vũ Đại
ngày ấy, khá hay mọi người có thể tìm xem. Và với mỗi lần đọc là một lần mình
thấy mới, mình tin rằng tác phẩm này sẽ vẫn còn mãi trường tồn để nhắc nhở một
quá khứ kinh hoàng đã qua
Nhận xét
Đăng nhận xét