LOOK BACK
Cuốn sách đọc trong chưa đến 15 phút…
Mình đã đọc hết cuốn này
trong thời gian mất điện tối om. Mình vốn không sợ bóng tối, nhưng hai ba năm gì
đó mình lại sợ nó. Mình sợ mà đêm đầy huyền bí sẽ nhấn chìm mình, giấc mơ có khoảng
không gian mênh mông vô tận và thế là chìm luôn trong bóng tối. Bóng tối cuốn mình
đi…
Thế nhưng thế nào hôm nay,
mình lại bật đèn flash lên để đọc, và không sợ gì cả. Lạ thật cứ thế dạo này những
trang sách khiến mình tự chữa lành nhanh chóng hơn một chút.
Ban đầu mình không hiểu ý
nghĩa của hai bookmark lắm và khi đọc xong thì mình đã phải ngồi bất động một
chút vì dường như cốt truyện này, sự việc này hình như mình đã gặp ở đâu rồi, hay
chính bản thân đã gặp.
Fujino, một người luôn tự
tin vào năng lực của bản thân. Cậu ấy luôn đầy năng lượng và tiến về phía trước.
Nhưng khi nghe một câu nói của người bạn, cậu ấy đã điên cuồng mà vẽ nhiều hơn đến
mức bỏ quên những người bạn xung quanh. Thực ra, có thể nói cậu ấy trẻ con nhưng
một người luôn được bạn bè thầy cô khen ngợi, bỗng một ngày có câu nhận xét rằng
tranh cũng chỉ ở mức bình thường. Dẫu biết rằng lời khen đẹp hay dở là do con mắt
của người xem, nhưng câu nói đó dễ khiến bị đả kích. Bản thân mình cũng vậy,
khi cấp ba bản thân mình đã rơi vào tuyệt vọng khi một người vốn được cho là học
được lại trượt. Mình điên cuồng học và vẫn trượt, rốt cục mình bỏ cuộc. Điều mình
thích ở đây là Fujino không lớn tiếng quát mắng ai nhận xét ở đây mà cậu ấy chọn
luyện tập cho đến khi mệt nhoài. Khi đọc đoạn cậu ấy tập vẽ như vậy, bỗng dưng
mình thấy lúc ấy mình đã điên cuồng học dù kết quả không như mong muốn nhưng mình
đã cố. Và ấy mới là tuổi trẻ.
Kyomoto, trái ngược với cậu
ấy lại khép kín ít nói, dù mình không biết dấu hiệu tâm lý này là gì nhưng không
gian sống của cậu ấy chỉ có tranh, bút chì và bàn giấy. Thế giới của cậu ấy thiếu
đi âm thanh của đường phố, thiếu không gian rộng lớn. Và trong một lần, cậu ấy đã
bước ra ngoài nguyên do là một bức tranh 4 ô vẽ vội của Fujino. Và từ đó hai con
người như bù đắp thiếu sót của nhau, cùng nhau sống những năm tháng đẹp đẽ.
Fujino đã nói Kyomoto chỉ cần đi theo bóng lưng của cậu ấy, mình đã nghĩ có lẽ
nào Kyomoto sẽ mãi là cái bóng dõi theo bóng lưng của Fujino? Không hề, chính vì
đã chơi cùng Fujino được mua sắm, được ra ngoài để chạm đến thế giới bên ngoài,
ở Kyomoto đã có những mong ước, là đi học đại học. Cậu ấy đã đi vào đại học đấy,
đi vào nơi cậu ấy đã từng không dám đến, vào nơi cậu ấy phải nói chuyện giao tiếp,
tương tác với mọi người. Cậu ấy đã dũng cảm, đã dám nói rằng cậu ấy sẽ cố gắng.
Look back, đến phần này mình
đã nghĩ. Một là, trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta tự tin là đúng, tin tưởng
vào khả năng của bản thân, làm việc một cách say mê. Nhưng đôi lúc thử nhìn lại
phía sau, xem ta đang ở đâu, ở dưới ta có những ai. Chính Fujino đã cười khi
Kyomoto không tới trường nhưng không thể không khâm phục khả năng của Kyomoto. Hai
là, đúng ta có thể là người dẫn đường, có thể Kyomoto chỉ việc theo bóng lưng của
Fujino. Nhưng đúng là chúng ta có thể là chỗ dựa của ai đó, chúng ta cầm tay họ
đi theo con đường mà ta nghĩ là hợp lý. Nhưng đôi khi ngoảnh lại bởi bạn đồng hành
của chúng ta có thực sự muốn, hay chúng ta đã lắng nghe những suy nghĩ sâu thẳm
nhất trong họ chưa, chúng ta cho họ được nói hay chưa. Và dù có là những người đồng
hành, thì con người có một cuộc đời riêng, một con đường riêng. Yêu họ không phải
là tự cầm kéo cắt đi đôi cánh để thay bằng đôi cánh chúng ta tự tạo ra và cho là
đúng mà là khuyến khích họ bay đến vùng trời họ mong muốn.
Khi đến cảnh mà chẳng ai
mong muốn, như người bạn mà mình đã phải dằn lòng từ bỏ. Mình đã tự trách biết
thế mình không nên trả lời, lẽ ra mình nên dừng lại ở khoảnh khắc đó không đi sâu
thêm để rồi mình không giúp gì được họ, ngược lại khiến họ càng tồn thương hơn.
Phần sau sự kiện định mệnh và cả cuộc gọi ấy, là sự day dứt đau đớn của người ở
lại. Sự đau khổ đến mức, Fujino không thể cầm bút vẽ bởi một người bạn – một người
chung đam mê – một người đồng hành – một người cộng sự đã đến một thế giới khác,
và thế giới ấy có mở trăm ngàn cánh cửa vẫn chỉ gặp nhau trong miền kí ức xa thẳm.
Nỗi đau ấy quá lớn và do chỉ có thể gặp người bạn mình trong thế giới của mộng
tưởng, Fujino đã có vô số những viễn cảnh.
Nếu Kyomoto không ra thì sao,
nếu không gặp nhau thì sao. Nhưng bản thân mình thấy rằng nếu không gặp Fujino,
tài năng của Kymoto mãi chỉ vỏn vẹn trên trang báo trường, chỉ quẩn quanh trong
căn phòng nhỏ ấy. Cô ấy cứ vẽ mãi, vẽ mãi và rồi sao? Và nếu không gặp Kyomoto,
Fujino có lấy lại phong độ vẽ tranh và mặc kệ những lời nói từ những người xung
quanh hay không.
Nếu lúc ấy, Kyomoto được
cứu thì sao nhỉ, và đó lại là những vòng lặp luẩn quẩn. Và trong nỗi đau khổ tột
cùng, khi cầm trên tay một ô truyện 4 ô. Dẫu biết rằng đó chỉ là trong thế giới
mộng tưởng “tự sáng tác” nhưng mình đã nghĩ có lẽ nào Kyomoto ở góc nào đó để lại
lời nhắn cho Fujino để cô ấy lại một lần nữa đứng dậy, để cô tiếp tục sống, tiếp
tục sáng tác không chỉ cho chính Fujino mà còn cả Kyomoto.
Cuốn sách nhỏ, nhưng mình
đã mất hồi lâu để nghĩ đâu là thực đâu là ảo. Và khi mình đã hiểu ra rồi, mình
thấy sự ý nghĩa lớn lao trong đó. Ừ thì đến đây, mình lại nghĩ. Look back, nhìn
về quá khứ. Có những người leo lên con tàu
về quá khứ và dằn vặt, day dứt có khi không thể thoát ra được. Bởi trên con tàu
kí ức, con tàu mộng tưởng mới có thể gặp người cần gặp. Nhưng rồi cuối cùng tàu
cũng đến bến và ta phải trở lại. Vẫn sống tiếp…
Nhận xét
Đăng nhận xét