NGÀN HẠC GIẤY CỦA SADAKO

Mình đọc hết cuốn này vỏn vẹn hai tiếng…

Mình đã muốn đọc thật chậm, thật chậm và không muốn kết thúc nó vì mình muốn kéo thật dài thời gian – dừng ở đoạn Sadako vẫn vui vẻ chưa có dấu hiệu rằng cái chết vồ lấy em và cuốn em đi mất. Mình muốn dừng lại ở đoạn gia đình Sadako vẫn hạnh phúc, đang vui vẻ ở ngôi nhà ba tầng. Thế nhưng các trang sách cứ lần lượt lướt qua mình, và mình phải đến đoạn đó.

Đây là câu chuyện biết trước cái kết nhưng cho đến khi chứng kiến từng lúc từng lúc một Sadako sẽ dần đi đến ngày đó, mình vẫn không thể giấu nổi cảm xúc. Mình đã nghe câu chuyện này khi học tiểu học, cái kết là cô bé ra đi khi chưa gấp xong những con hạc giấy. Còn câu chuyện này có khác đi một chút, nhưng dù cái kết thế nào đọng lại trong mình vẫn là một nỗi buồn khó tả, tiếc nuối. Bởi cô bé và thậm chí còn rất nhiều đứa trẻ khác đã tạm biệt cuộc đời rất sớm, không có thời gian để vui chơi và tận hưởng khoảng thời gian tươi đẹp. Lẽ ra phải được chạy, được vui đùa thì cột chặt mình trên giường bệnh cùng cơn đau hành hạ.

127 trang – một cuộc đời

127 trang – một câu chuyện về một gia đình – trong số vô vàn gia đình khác trong mưa bom bão đạn

127 trang – câu chuyện ngắn gọn về thảm kịch Hiroshima

Mình đã tình cờ ghé vào ytb và được xem một blogger tham quan khu tưởng niệm tại Nhật Bản, có rất nhiều hình ảnh khiến mình sợ, vừa sợ lại vừa thương. Đó là tàn tích của chiến tranh, tàn tích để lại và hậu quả còn rất nhiều. Tuy vậy, trong câu chuyện của Sadako, mình chưa thấy một câu chữ nào thù ghét bất cứ bên nào, câu chuyện rất đơn thuần, đơn thuần vực dậy sau thiếu thốn, đơn thuần đối mặt với cái chết khi bản thân mỗi ngày chịu cơn đau dày vò gấp bội lần sức chịu đựng của con người.

Mình trước đây bị cảm, sau đó nên thi thoảng bị đau khớp, khiến cho việc bé tí như buộc tóc mình cũng cảm thấy khó khăn. Đối diện với nó mình thường thể hiện thái độ tiêu cực với thế giới xung quanh. Việc thi thoảng đi lại hơi khó, buộc tóc hơi khó khiến mình hiểu cảm giác tay chân đau đớn như thế nào. Tuy nhiên trong câu chuyện này, Sadako luôn muốn dành tình yêu thương nhất với mọi người xung quanh.

Mình nhớ là khi Sadako nói mẹ về nhà chăm hai em, và khi chiếc thang máy đóng cửa, em mới cho phép mình khóc. Đứa trẻ nào khi bị bệnh chẳng muốn được nằm trong vòng tay ấm áp của mẹ, nhất là khi cái chết đang bủa vây lấy em và đang muốn cuốn em đi. Đứng trước những cơn đau ấy, đôi lúc cảm thấy sợ, nhưng tình yêu thương gia đình vượt qua mong muốn ấy, vượt qua nỗi sợ, nỗi đau đớn về thể xác.

Mình nhớ khi Sadako thấy bố mệt mỏi vì chạy ăn, chạy tiền đến mệt mỏi. Em vẫn cố gắng lết đôi chân yếu ớt đau đớn của mình để mua thuốc, bởi có lẽ em muốn dù sự sống đã cạn dần nhưng em vẫn muốn làm điều gì đó cho người em yêu thương. Mình đã cố gắng không khóc, nhưng mình không làm được khi Sadako quyết định gấp thêm hạc giấy, có lẽ em đã rất muốn mình khỏe mạnh để đỡ đần bố mẹ thêm, có lẽ em đã rất buồn khi mình ở đây còn gia đình thì vất vả, nhưng thật buồn khi người ta muốn sống đầy yêu thương, được chạy nhảy cũng không được. Em đã định gấp thêm hạc giấy để mong ước gia đình hạnh phúc, bố đỡ vất vả. Khoảnh khắc Sadako thỏ thẻ bí mật ấy với mẹ, mình đã khóc.

Mình không khóc khi đọc đến đoạn Sadako lìa xa thế giới này, mình khóc khi đọc những đoạn Sadako dành tình yêu thương cho gia đình. Khóc khi Sadako muốn đến ngày lễ, nhưng cuối cùng chưa kịp tham gia lại chảy máu và phải quay về bệnh viện. Khóc khi Sadako nhất quyết không dùng thuốc giảm đau, và cho đến cuối đời khi bố em cầu xin thì lúc đó mới là liều đầu tiên tiêm vào cơ thể bé nhỏ của em – một cơ thể quật cường với số phận và bệnh tật.

Mình luôn bị hấp dẫn bởi màu sắc, và trong này ngoài một màu ảm đạm của chiến tranh bom đạn thì có những màu sắc của những chú hạc giấy. Những chú hạc giấy được kết từ rất nhiều loại giấy có thể thu thập được, thậm chí đơn giản là giấy gói thuốc. Bỗng dưng mình nhìn lại những mảnh giấy vụn mà mình vẫn hay vứt đi, thế nào mình lại suy nghĩ hồi lâu. Bởi những mảnh giấy này mình thường coi chúng rất nhỏ, nhưng trong câu chuyện này những mảnh giấy này đong đầy hi vọng, đong đầy khát khao được sống của Sadako.

Ánh sáng đúng là có thể thay đổi cuộc đời con người – cuộc đời rất nhiều người, và ánh sáng trong câu chuyện này thay đổi hoàn toàn cả một thành phố - ánh sáng của quả bom khi được thả xuống thành phố. Ánh sáng ấy khiến một thành phố trở nên hoang tàn, ánh sáng ấy khiến nhiều gia đình chìm trong biển lửa. Ánh sáng ấy khiến những con người phải ích kỉ đó là mặc kệ người ta kêu cứu mà không cứu được. Ánh sáng ấy khiến con người ta phải chui lủi, phải lách luật vì đói. Thậm chí ánh sáng khiến cho người ta chết vì đúng luật. Ánh sáng ấy khiến con người phải vứt luôn gạo ra ngoài cửa, ánh sáng ấy khiến người ta sáng rực (nhiều người đã bị chết cháy). Nhưng tuyệt nhiên, trong câu chuyện này ánh sáng của cái chết không thể thiêu đốt sự vị tha, yêu thương – hay nói chung là tình yêu của con người. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ