Con nhân mã ở trong vườn

Thật may mắn khi được cầm trên tay cuốn sách này và cũng thật biết ơn khi đó là món quà được tặng. Tôi đã sợ rằng có khi nào những gì tôi viết ra còn thô sơ, thậm chí nông cạn với món quà mà mình nhận được. Tôi sợ rằng với ngôn từ còn ít, vốn sống của một người sốc nổi như tôi sẽ viết thế nào nhỉ, những câu từ ngây ngô và đầy chủ quan?

Chuyện một con nhân mã? Tôi đã nghĩ phải chăng rằng đây là câu chuyện thần thoại, thật ngây ngô biết bao. Và hiếm có cuốn sách nào, tôi phải vội đọc đi đọc lại đến mấy lần lời mở đầu bởi lần đầu biết về tác giả. Tâm trí tôi dừng lại ở câu: Không còn là kẻ ngoài lề nữa rồi. Tôi đã nghĩ hẳn suốt một đời cầm bút tác giả đã suy nghĩ nhiều về thiên chức của một người cầm bút. Là một thư kí trung thành thầm lặng của thời đại, sẽ là người lên tiếng cho một lớp người. Tôi đã tưởng tượng ra dáng dấp của một nhà văn thầm lặng, cần mẫn và miệt mài trên những trang giấy để viết.

Người Do Thái với tôi vẫn là một ẩn số, bởi những gì tôi biết được đều qua những nhan đề rất kêu: Trí tuệ Do thái hay những lời đồn qua lời kể (không biết nguồn từ đâu) từ người xung quanh. Với tôi những gì biết về hai chữ này đều bí ẩn và xa lạ. Ấy vậy cuốn sách này cho tôi biết đến những con người này một cách gần gũi hơn. Tôi đã định sẽ như mọi khi đi lần lươt từng chương, nhưng tôi nhận ra rằng nếu đi lần lượt có thể tôi sẽ tiết lộ cả cuốn sách mất. Và nếu tiết lộ ra tôi hẳn phải là một tay viết tồi.

Cuốn sách có những yếu tố gì khiến tôi ấn tượng?

Yếu tố hiện thực – kỳ ảo: Cho đến lúc này, trong đầu tôi vẫn văng vẳng một ý rằng: thật như đủa. Bởi nhân mã đối với tôi xa lạ chỉ có trong cuốn chuyện thần thoại, cổ tích. Ấy vậy trên mảnh đất Brazil, trên một vùng quê nào đó vẫn có nhân mã đã ra đời Và tôi đã tưởng tượng rằng có khi nào trong một góc xó xỉnh nào trên chính đất nước tôi đang sống cũng có một chú nhân mã như thế chăng. Moacyr Scliar kết hợp rất nhuần nhuyễn các yếu tố hiện thực và huyền ảo. Không dễ để chia tách chúng ra, cũng như lắm lúc, thật thành ảo, ảo thành thật. Trong cái huyền ảo, ta tìm thấy quy luật tất yếu của cuộc sống thực, vậy nên cái huyền ảo ấy không trở nên xa lạ. Guedali không hề xa lạ, anh ta hoàn toàn có thực, nỗi đau của anh ta tuy xuất phát từ một nguyên do huyền bí nhưng cảm giác đau vẫn vô cùng thực. Và nỗi đau của anh cũng gần như chính là nỗi đau của chúng ta, nỗi đau, nghi vấn về tồn tại, về giới hạn của bản thân nên câu chuyện thực mà cũng rất huyền ảo, xa xăm nhưng cũng rất gần.

Và với câu chuyện lũ người Cossak, lúc ấy tôi đã tự hỏi có khi nào hình hài nhân mã là kết quả của hiện thực, kết quả của hiện thực đầy hỗn loạn và méo mó hay không. Đó là trò đùa số phận trớ trêu của định mệnh hay đó sự nghiệt ngã tất yếu phải có mà đấng tạo hóa mong muốn. Nhưng suy nghĩ lại tôi lại thấy quá đáng khi nghĩ vậy.

Tài năng Moacyr Scliar là khiến tôi buộc phải mở rộng thế giới của mình, buộc phải xóa bỏ một suy nghĩ (có lẽ là định kiến thâm căn cố đế) rằng có thể trên đời này đã xảy ra chuyện đó, đã buộc tôi phải một lần suy nghĩ về cả chính mình, về sự tồn tại của mình trên cuộc đời này.

Yếu tố văn hóa: Xuyên suốt cuốn sách gần 400 trang, được biết đến một loạt phong tục của người Do Thái, và khi Paulo nói rằng anh ấy vẫn là một người Do Thái. Tôi đã chợt nghĩ đến việc trân trọng nguồn gốc của mình, và qua lời kể bình dị ấy tôi nhận thấy những người được nhắc trong câu chuyện, dù là ai, thích chạy bộ hay làm ăn, dù có là nhân mã, hay bình thường vẫn trân trọng nguồn gốc của mình. Và xuyên suốt câu chuyện này, tôi mới có cơ hội đến gần hơn mảnh đất bên kia bán cầu. Theo cách nào đó tôi đã nghĩ Moacyr Scliar viết về những phong tục này bằng tất cả niềm tự hào. Và chính ông đã dùng ngòi bút của mình không chỉ viết về tư tưởng, mà còn viết về chính những giá trị văn hóa đẹp đẽ nhất.

Chất thơ: Khi cuộc đời chú bé nhân mã sinh ra bị trói buộc, và quá trình trưởng thành đi kèm với đấu tranh, những cuộc chạy đường dài trên con đường bất tận đầy chông gai bão tố, cùng với những thất vọng đầu đời, hay lúc mất kiểm soát chệch hướng khỏi bản ngã. Cuốn sách với đầy những trăn trở, câu hỏi về nhân sinh quan, nhưng xuyên suốt cuốn sách này, mình vẫn tìm ra được những chất thơ trong vắt. Ấy là khu vườn tại nông trại nhỏ miền nội địa, nơi chú bé nhân mã cất lên tiếng vĩ cầm. Âm nhạc như một lẽ tồn tại, là biểu tượng của tình yêu khát vọng. Trong không gian đồng cỏ xanh rờn, cất lên bài ca từ cây vĩ cầm, tôi đã nghĩ hóa ra vườn địa đàng, cái đẹp cũng chỉ đến thế thôi. Và cả không gian yên bình nơi tình yêu của chú nhân mã ấy gặp Tita của đời mình.

Tình yêu và dục vọng:

Ngựa là một trong những loài động vật có bản năng dục mạnh nhất. Phần “ngựa” ở Guadeli thể hiện một cách mãnh liệt nỗi ám ảnh dục của người hiện đại. Bản năng đến với tình yêu của anh ban đầu đưa anh với người đàn bà không tên, chính tình yêu không tên này dẫn đến một nỗi tuyệt vọng, và trong sự tuyệt vọng phi nước đại trong đêm, lại đến với người đàn bà luyện sư tử. Nhưng…

-        Với người đàn bà không tên tại căn biệt thự kia là những cảm xúc đầu đời của một nhân mã

-        Với người phụ nữ luyện sư tử là bản năng

Và với Tita thì sao, tôi cũng không muốn thần tượng hóa cho dù Tita là người đi cùng sau này nhưng khi đến với Tita như tìm thấy điều gì đó trống vắng và chính Tita đã mở ra rất nhiều cho thế giới của Guedali và cũng chính Guedali mở thế giới cho Tita. Cả hai người đã bổ sung cho nhau, và đây thực sự là hòa quyện của dục vọng và tình yêu.

Nhưng nếu như bản năng quá mạnh, chúng ta không học kiểm soát nó có thể chúng ta đang đẩy sự ích kỉ lên cao, và có thể đẩy mọi thứ đi quá xa. Như tình yêu thoáng qua của Tita, à không phải là tình yêu là bản năng đã khiến cho một tên nhân mã khác chết tức tưởi khi vẫn còn đang cần trả lời câu hỏi về thế giới quan của mình. Hay cái kết cho việc đến với người đàn bà nhân sư là gì, có phải là cái chết dữ dội và đau đớn hay không. Tôi đã tự hỏi như thế. Mối quan hệ tay ba của Guedali – Nhân Sư cái và ông bác sĩ điên thật sự là một trường đoạn dữ dội gây cho ta những cảm giác đau đớn, ám ảnh. Con Nhân Sư đầy thú tính của loài vật chúa tể có trong mình sự chiếm hữu và nó không thể chiếm hữu nổi Guedali.

Tôi đã nghĩ mãi rằng có đáng hay không, thế phải làm gì. Kìm hãm? Chối bỏ? Kìm hãm dục, chối bỏ dục nhưng lạ ở chỗ chỉ khi chúng ta thoát khỏi sự ám ảnh của nó mà không phải cố gắng trốn tránh thì chúng ta mới cảm thấy yên bình.

Tình yêu thương: Có lẽ xuyên suốt câu chuyện này thấm đẫm một tình yêu vô cùng to lớn từ gia đình Guedali khi họ đã dành cho anh tất cả tình yêu thương không phải sự ghét bỏ. Nhưng cũng có lúc tôi đã đặt nghi vấn rằng liệu họ có thực sự chấp nhận hình dạng nhân mã ấy hay không? Bởi tôi đã thấy tình yêu hơi thiếu công bằng khi có đoạn mẹ Guedali đã hỏi anh cưới một người tử tế hơn.

Rồi những người bạn của anh ấy có chấp nhận khi thực sự anh là nhân mã kể cả khi họ tỉnh táo chứ không phải trong hơi rượu. Tôi biết rằng tôi hơi nhỏ nhen khi đặt ra những câu hỏi như vậy nhưng đó cũng là câu hỏi của chính tôi; tôi đã soi lại chính mình khi nghĩ về những điều này. Liệu bố mẹ tôi sẽ nghĩ sao nếu biết tôi cũng rất yếu đuối, xu hướng ngược đãi bản thân, có những giấc mơ kì dị và đôi khi sợ đám đông (trong khi bản thân tôi lại hay tham gia hoạt động xã hội); hay bạn bè sẽ ra sao nếu thực ra tôi đầy sự tiêu cực. Hay liệu bạn bè tin nổi khi tôi là đứa sợ học (trong khi học rất chăm). Có lẽ không chỉ tôi mà còn rất nhiều người khác có những khoảng tối của riêng mình, có những phần quá sợ hãi để kể ra và tại sao tại mục yêu thương này tôi lại viết điều này. Vì hơn hết con người chúng ta luôn cần sự yêu thương và thông cảm. Nhưng sự yêu thương cần có một chút công bằng, như mẹ Guadeli luôn muốn con mình được yêu thương nhưng lại có ý kiến với Tita (lúc ban đầu), cũng giống như chúng ta đôi khi chúng ta dễ dàng với sai sót, khiếm khuyết bản thân nhưng lại khó dễ với người khác, trong khi chúng ta luôn muốn cuộc sống công bằng.

Và tôi cũng chợt nhớ đến Guadeli có ý nghĩa giết luôn đứa con nếu nó là một nhân mã. Có khi nào hơi thiếu công bằng hay không, nhưng tôi tự hỏi nếu là tôi tôi có dám đối diện sự thật vậy không, có dám đối mặt với sự khác biệt vượt qua ranh giới có thể chấp nhận như vậy không. Hmm chính tôi cũng chỉ là một kẻ hèn nhát mà thôi.

Cái tôi: Cái tôi là yếu tố tất yếu trong câu chuyện này, bởi Guadeli đã không để bàn tay ấp ôm của gia đình che chở nữa, bởi sự ôm ấp đó tiềm ẩn rằng sẽ vô tình phong ấn anh vào một tù ngục và anh sẽ không thể khám phá chính mình nữa. Guadeli đã có những nghi vấn về chính mình, anh đã muốn cất cao đôi móng ngựa để chạy, và chạy tìm lối đi cho chính mình. Và tôi nghĩ chẳng phải mình anh, hay bao lớp người trong giai đoạn chuyển giao chủ nghĩa xã hội kia, cho đến tận giờ con người vẫn luôn khát khao đến với chân trời mới. Hành trình chúng ta đi là tìm đến hạnh phúc, tìm hiểu về chính mình, lắng nghe chính mình. Chính tôi cũng đã phải dừng lại trước khi lật hết cuốn sách để nghĩ về mình, bởi chính tôi đang chông chênh ở cái ngưỡng trưởng thành, tôi những lại muốn cất cao tuổi trẻ lên đến với những nơi khác nhau, nhưng cũng lại e sợ muốn ở một nơi an toàn. Chính tôi cũng chông chênh rằng liệu rằng tôi đang muốn thế này có khác mọi người xung quanh, khi xung quanh tôi bạn bè bắt đầu đến với ngưỡng yên bề gia thất còn tôi hàng đêm mơ về những gì quỷ dị, và mơ mình sẽ đi đến đâu, vẫn tự hỏi mình sẽ đến với thử thách nào nữa.

Và thực ra tôi lại nghĩ nhân mã thì đúng là lạ thật đấy nhưng đọc dòng văn bình dị của Moacyr Scliar tôi lại nghĩ, không phải chính chúng ta cũng là những chú ngựa đấy thôi sao, một chú ngựa chính hiệu. Chính chúng ta cũng đang cất bước chạy, căn bản chúng ta đang chạy đồng cỏ nào, đồng cỏ một thảo nguyên rộng lớn hay chỉ là một nông trang.

Đầu này thân nọ: Ấy là Guadeli muốn thành người vì hắn đơn giản nghĩ mọi chuyện sẽ đơn giản khi làm người bình thường, nhưng đến khi làm người bình thường thì đôi lúc hắn lại nhớ bộ móng của hắn. Guadeli chỉ lo lắng tìm mọi cách giống những con người tầm thường xung quanh, Guedeli không thể nhìn thấy vẻ đẹp của riêng anh mà đối với anh phần nhân mã khiến anh khác biệt và có thể nó đang trói buộc anh, nó khiến anh như bị chối bỏ việc thừa nhận mình là ai, anh thấy rằng cặp móng khiến anh thiếu đi sự tự tin. Guadeli đã phải dày vò mình trong nỗi cô đơn, đã phải lừa dối một gánh xiếc với những lời nói kỳ cục nực cười để được thừa nhận, và rốt cục bịa ra rất nhiều màn biểu diễn tự “bán” bản thân vốn dĩ trong ngần đẹp đẽ như một chiến binh tại một gánh xiếc, đã phải cất công sang tận Maroc để phẫu thuật cắt bỏ bộ móng ngựa để thay vào đôi chân người, ném phần chân ngựa đó cho thổ dân… Đó chỉ là phần đầu của màn bi kịch này, đến nửa sau quyển sách bi kịch đã biến thành hài kịch khi anh ta lại luyến tiếc phần ngựa của mình. Và cũng thật bi hài bởi kể cả khi thành một người cho là bình thường, anh lúc nào cũng lo sợ vì sự thật sẽ bị phơi bày, chối bỏ quá khứ của mình.

Việc nhập nhằng như vậy khiến Guadeli đến với con đường nhìn nhận về chính mình trở nên lắt léo hơn. Nhưng rõ ràng vốn dĩ bản năng của Guadeli vốn mang tính ngựa và dù có là ai, một người con trong gia đình, một gã hề trong gánh xiếc dạo hay là một người chồng, người kinh doanh thì hắn cũng không trốn được bản năng ấy. Và tại sao đôi lúc lại chối bỏ kịch liệt, chối bỏ đến mức sẽ sẵn sàng để con lên giàn thiêu nếu chẳng may lòi ra là cặp chân ngựa, có phải là do chính sự trói buộc từ cái nhìn xã hội hay không.

Chúng ta sinh ra là một đứa trẻ hồn nhiên, nhưng khi lớn lên, tự chúng ta trói mình bằng những cái nhìn của xã hội hoặc có thể là định kiến hoặc là do xã hội mọi người đều thế. Không ai bắt chúng ta phải trở thành một phiên bản khác, là do chính chúng ta lựa chọn thỏa hiệp. Nhưng rõ là kể cả khi chúng ta trở thành cái phiên bản mà chúng ta nghĩ rằng xã hội sẽ chấp nhận thì những gì nguyên vốn là của chúng ta vẫn sẽ còn. Và chúng ta có phải cũng đôi lúc sống đầu này thân nọ hay không, có phải sống cuộc sống vốn không phải chúng ta mong muốn hay không hoặc là chúng ta có sự khác biệt nhưng chúng ta buộc phải thay đổi giống với mọi người hay không. Và có phải chúng ta sống trong nhịp sống thường nhật tưởng chừng ổn định nhưng nội tâm chúng ta gào xé rằng chúng ta muốn thay đổi, muốn khác đi những gì chúng ta đang có hay không. Hay chúng ta có lúc vốn không bằng lòng nhưng không dám thừa nhận?

Sự khác biệt: Khi là nhân mã, anh thấy anh là kẻ dị biệt và phải tự chôn mình tại nơi nhỏ hẹp nhưng khi là con người, anh lại muốn tung hoành tại một đồng cỏ mênh mông? Dù có là người hay là một con nhân mã, Guadeli rốt cục vẫn ở trong một cái lồng – cái lồng vô hình do chính những suy nghĩ tạo ra, cái lồng ở một xã hội đầy biến động. Con người luôn có những sự mâu thuẫn nhưng mâu thuẫn ấy lại hợp lý, chúng ta không muốn khác biệt thành dị biệt nhưng cũng lại không muốn chìm vào biển người mênh mông mà thành một kẻ mờ nhạt bởi đơn giản trong chúng ta luôn tồn tại một cái tôi. Cuộc sống được cho là bình thường là thành người có đôi chân bình thường lại khiến Tita và Guadeli trở nên nhàm chán, mặc dù chính Tita mong ước thành một người phụ nữ bình thường. Vậy rốt cục đứng trước những lựa chọn như vậy, đứng trước những mâu thuẫn như vậy ta làm gì, như Tita và Guadeli sau khi cố gắng đuổi theo thứ họ mong muốn thỏa mãn bản thân rốt cục họ lựa chọn về với nhau, cùng nhau giải quyết và đi đến việc bằng lòng với sự yên ả.

Khu vườn – nơi giam cầm và cuối cùng là bến bờ hạnh phúc?

Khu vườn – nơi giam cầm: Trong một cơn đau đầu lúc ba giờ sáng, tôi đã nghĩ ra một điều về khu vườn. Khu vườn thuở ấu thơ của Guadeli rất đẹp, và chính tôi ở trên cũng nói một khu vườn địa đàng nhưng chính nơi ấy lại là nơi che giấu Guadeli trước con mắt tò mò của người đời. Nơi ấy tuy nhiều yêu thương nhưng vô tình đẩy Guadeli bi giam hãm. Khu vườn của sự giam hãm không chỉ là căn phòng, không chỉ là ô cửa sổ hướng ra khu biệt thự xa xăm có một cô gái đẹp – mối tình đầu, mà còn cả hình ảnh chiếc giày. Chiếc giày khiến hai người nhân mã giống một người bình thường nhưng cũng là chiếc giày khiến họ lệ thuộc, và kìm hãm bản năng của chính họ. Kìm hãm phiên bản thật sự của họ.

Khu vườn – bến bờ: Sau những bi kịch xảy ra, khu vườn nơi bắt đầu tuổi thơ lại là nơi Guadeli tìm lại về bản thân mình, gặp lại người bạn, gặp lại cây vĩ cầm. Tôi biết rằng việc nhìn lại quá khứ có thể không tốt vì đôi khi đám mây của quá khứ sẽ che mất đường chúng ta hướng đến tương lai, nhưng quá khứ song hành để chính chúng ta có thể dựa dẫm khi hiện tại đang đầy âu lo và trắc trở. Vì quá khứ nhắc nhở chúng ta là ai, nhắc nhở chúng ta mục đích ban đầu chính chúng ta đi con đường này là gì, nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta từng có gì.

Cái đẹp? Tác phẩm của Moacyr Scliar không chỉ dừng lại một câu chuyện một con nhân mã, hơn hết tác phẩm còn là áng văn viết về cái đẹp. Cái đẹp tổn tại có thể thật hùng tráng nhưng cũng thật mong manh bởi rõ ràng bằng sự tò mò và có thể thật ích kỉ nàng nhân sư bị giam trong lồng và nàng tự nhận bản thân đơn thuần là một thú hoang (nhưng rõ ràng nàng là công trình đầy nghệ thuật). Nàng nhân sự đẹp tuyệt ấy rốt cục không kết thúc cuộc đời ở đại ngàn mà lại kết thúc tại một phòng khám, bị đày đọa và bị lãng quên. Như Guadeli rốt cục lại thành một trò cười trong rạp xiếc, và chỉ được thừa nhận khi thành một tiết mục, sống cạnh những người tủn mủn. Vậy cái đẹp thật gần mà cũng thật xa bởi nó chỉ đến thật gần thật gần với con mắt đã giảm đi định kiến mà đong đầy sự cảm thông và cái nhìn rộng mở.

Cuốn sách về chàng nhân mã Guadeli cũng là chính chúng ta, bởi chính chúng ta cũng vẫn luôn tự hỏi về mục đích chúng ta vẫn tồn tại mỗi ngày là gì. Bởi chính chúng ta cũng đang tự hỏi lối đi của chúng ta sẽ là gì, và chúng ta cũng tự hỏi về lựa chọn khác biệt hay hòa vào đám đông trước mắt. Và chính chúng ta trong cuộc sống thường nhật cũng bao lần muốn thoát ra và chạy trên những cánh đồng thảo nguyên ước mơ của chính chúng ta, mong muốn được bay trên những chân trời mới. Vậy thì “Như một con nhân mã ở trong vườn, sẵn sàng tung mình qua bức tường mà kiếm tìm tự do”. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ