NHỮNG NGƯỜI HÀNG XÓM

Chuyện kể như không kể, hay nói cách khác là truyện như không có cốt truyện – ấy là ý tưởng bật ra khỏi đầu mình ngay khi đọc xong cuốn này. Vẫn là văn phong bình dị, vẫn là câu từ đơn giản, nhà văn trong mình giống như một người nông dân hiền lành trên cánh đồng con chữ, cần mẫn là một người lao động hăng say. Và nhà văn cũng giống như một người nắm tay mình khám phá một khu vườn xinh đẹp, và sự xinh đẹp ấy lại xuất hiện từ những gì nhỏ bé nhất. Cái đẹp không quá xa cũng chẳng gần, tại sao lại như vậy bởi cái đẹp không hề xa xôi nó ngay tại cuộc sống xung quanh chúng ta nhưng ta vô tình lãng quên.

Không còn là không gian nhỏ hẹp của ngôi làng Đo Đo, hay rộng hơn tí là thành phố nhỏ mà bây giờ lại hẳn một quốc gia xa xôi – Bỉ. Thế giới của nhà văn kể ra không còn nhỏ hẹp nữa, không còn là thế giới tuổi thơ nữa, mà là thế giới trưởng thành ở một quốc gia khác. Nhưng kỳ lạ là qua những trang sách trong vắt này, mình cảm giác khi đọc xong mở cửa sổ sẽ thấy bà Dorothe, thấy con ác là kiếm tìm tiếng đàn phong cầm, thấy Kevin đang dọn nhà ông Jakob. Bởi nó thật quá, bởi nó cũng gần với cuộc sống thường ngày của mình, bởi tình yêu và cái đẹp không có biên giới của lục địa.

Truyện được kể dưới góc nhìn của Remy, người tạm thất nghiệp (cuối truyện đã có việc), trong khoảng thời gian thất nghiệp đã có ý định viết gì đó. Và chính khoảng thời gian làm nhà văn nghiệp dư này, Remy đã khám phá rất nhiều về những gì xung quanh mình. Mình thật nóng lòng muốn viết những gì mình ấn tượng ở cuốn sách này.

Nét văn hóa, có điều đặc biệt ở trang văn nhà văn là dù ở cuốn sách nào, dù không gian nào, mình cũng đều thấy gần gũi. Dường như khi đọc cuốn sách này, mình được cảm nhận ở tất cả giác quan, mình cảm giác cảnh vật hữu hình trước mắt mình. Một đất nước tưởng chừng xa xôi nhưng bỗng thật gần.

Về các nhân vật?

Jakob, một trong những nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc với mình…Một con người yêu hội họa, yêu thơ và thâm tâm đau đáu về một người. Với mình, thơ là tiếng nói của ngôn từ, là hình thái biểu hiện tuyệt mĩ của ngôn từ, thơ là tiếng nói cảm xúc. Bài thơ trong này cũng vậy, khi mình đọc tim mình trùng xuống nghĩ lại chính mình, bởi người bà của mình cũng đã mất. Mình nhận ra người đó sẽ sống, khi tâm trí người ở lại vẫn còn nhớ. Mình đã nghĩ người trong lòng Jakob vẫn sống chỉ là sống ở một thế giới khác, sống động qua bức tranh ông vẽ, sống động qua bài thơ ông viết, sống động trong một góc của trái tim. Và trong một phút giây tưởng tượng của mình, có khi nào ông đã từng hoài nghi cuộc đời sao bắt ông sống lâu thế, tại sao bắt ông sống lâu lại cô độc mãi bởi người trong lòng đã không còn. Và không chỉ dừng lại ở đây, còn câu chuyện về căn nhà ông ở và sự thật ở đằng sau đó mình chắc chắn rằng sẽ khiến bất cứ ai phải suy ngẫm. Hà Nội hôm nay rét và lạnh nhưng khi đọc về mẩu chuyện về sự thật này bất giác mình thấy rất vui, dù tay chân lạnh cóng nhưng trong lòng như được nhen lên đốm lửa ấm áp. Sự thật với nhà Ruben khiến mình tin rằng nhiều khi điều kì diệu xảy ra với ta đơn thuần do chính chúng ta đã biết cho đi sự yêu thương. Và câu hỏi của Remy chưa có câu trả lời cũng là câu hỏi thắc mắc của mình (câu hỏi là gì thì các bạn tìm đọc nha).

Arnaud, trong cuốn sách này không chỉ mình Remy viết sách cũng có một nhân vật khác viết sách và sự thật đằng sau. Khi đọc nhân vật này, mình đã suy nghĩ thế này; viết văn không phải ai cũng có thể làm được, danh xưng một nhà văn không phải ai cũng có thể tùy tiện nhận. Không phải ai cũng có thể cần mẫn trên từng con chữ, không phải ai cũng có thể tìm ra được vẻ đẹp khuất lấp trong sự bề bộn của cuộc sống, không phải ai cũng có thể tìm thấy cái đẹp ngay cả ở trong những gì quen thuộc. Và khi đọc truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, từng sự vật sự việc của bác dù rất bé cũng có thể trở thành một câu chuyện, và khi đọc chúng mình lại một lần được khám phá. Đó cũng chính là lí do vì sao, mình đã đọc và thích từ hồi mình học cấp hai 13 tuổi cho đến tận giờ 22 tuổi. Mình lớn lên cùng trang sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một quá trình không ngừng nghỉ và tình cảm không vơi cạn. Bởi chính từ sự vật, sự việc, những gì nhà văn viết đã luôn khiến mình không ngừng học cách quan sát và cảm nhận.

Dorothe, câu chuyện về những chú ngựa. Mình cũng nhận ra một điều nho nhỏ rằng, lòng tốt và sự quan tâm phải đặt đúng chỗ, và mình cần biết người ta thực sự muốn gì. Hay câu chuyện của Josephine, mình nhận ra rằng khi đánh giá sự việc hoặc đánh giá về ai đó, mình nên cần trả lời câu hỏi rằng mình biết gì về họ và thực sự mình đã biết về họ chưa, mình đã lắng nghe họ hay chưa. Hay mình chỉ đơn giản đánh giá qua con mắt quan sát đầy chủ quan của mình.

Remy, dưới góc nhìn của nhân vật này, mình nhận ra. Quan sát từ bên ngoài: khi đọc cuốn sách này, mình nhận ra mình lười quan sát hoặc có thì cũng hời hợt và thiếu tập trung. Thứ mình quan sát chắc là thế giới ở mạng xã hội, máy tính công ty kiểm tra tin nhắn làm việc; và mình lười quan sát mọi thứ xung quanh mình. Cho đến gần đây mình đi bộ, mình mới biết rằng ờ hóa ra gần nhà mình mới xây cái này cái kia. Sự thay đổi về việc xây cái này cái kia ấy nó xảy ra ngay gần mình, sát vách mình nhưng mình cũng không hề hay biết. Bởi mình đâu có thèm nhìn; hoặc nếu có nhìn thì cũng chỉ chốc lát rồi lại cúi mặt vào điện thoại. Hoặc lúc mình bị Covid phải ở nhà, mình mới nhận ra view từ cửa sổ phòng mình rất đẹp nhưng mọi ngày mình cũng không hề biết. Quan sát từ bên trong, trước đây mình rất bí ý tưởng, nhiều khi không nghĩ được gì thấy áp lực bạn bè, thấy bạn này câu này hay, sự vật bạn phát hiện ra thú vị thì học theo. Nhưng mình quên mất một điều là mình quên nhìn lại mình. Và mình cũng quên quan sát chính mái nhà, gia đình mình. Vừa rồi mình mới kịp giật mình nhận ra, em trai mình đã lớn lên rất nhiều, mình nhận ra tóc bố đã thêm bạc, và mẹ đau đầu nhiều hơn. Và đây thực sự là một phát hiện khiến mình thấy suy ngẫm rất nhiều.

Bao trùm cả câu chuyện Những người hàng xóm, mỗi người đều có cá tính khác nhau, cuộc đời khác nhau tạo. Tất cả họ đã góp nên sự đa dạng, đa sắc của cuộc sống. Cuốn sách ra mắt và đến với mình những ngày cuối năm, và lại ra đời vào đúng năm mình đang chập chững trên con đường trưởng thành, mới ra trường. Thực lòng trong năm này, dù mọi thứ với mình có vẻ bình lặng nhưng trong lòng mình luôn có những cơn sóng ngầm. Mình lại cũng sắp đến mùa bận thứ hai trong đời của một kiểm toán, hơn hết khi đọc cuốn sách này, đầu tiên mình thấy an yên. Bởi lúc mình đọc gió vẫn gào thét, mưa vẫn rơi, đường phố vẫn tấp nập nhưng trong lòng mình chỉ thấy bình yên với hình ảnh bãi cỏ xanh, đàn ngựa bà Dorothe, rồi hình ảnh hội chợ, rồi câu chuyện của từng nhân vật trong cuốn sách này. Tiếp nữa mình thêm một lần quan sát lại chính mình, quan sát kĩ lưỡng để không vội đánh giá, quan sát để tìm thấy những niềm vui bé nhỏ, quan sát để đối mặt với những nỗi sợ của mình.

Có một sự thật là trong năm nay, chính những câu chuyện của nhà văn đã khiến cho mình quay trở lại đam mê nghiền ngẫm đọc sách, sau những ngày tháng vô định. Và chính những cuốn sách đã khiến mình bước ra khỏi cách tiếp cận và viết theo lối mòn và máy móc của mình; mình nhận ra mình có thể dùng con chữ của mình không chỉ viết về cuốn sách mình đọc mà còn qua đó viết về những gì mình thấy, nghe và trải nghiệm được.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ