[2023] 1/35 – Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng

Mở đầu cho một năm 2023 đầy điều thú vị của mình là cuốn sách ra đời không phải quá lâu từ đời nào của bác Ánh – Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng. Một cuốn sách mang đủ các dư vị đến cho mình: buồn, vui, cười lẫn lộn; và đây là cuốn sách mà mình highlight nhiều đoạn nhất trong số các cuốn sách mình đọc của nhà văn. Và mình chưa một lần nào chán đọc văn của bác Ánh, bởi đơn thuần mỗi cuốn sách của bác đều có nét riêng. Giống như một khu vườn xinh đẹp dưới bàn tay của người làm vườn tài hoa luôn rạng đầy sắc hoa rực rỡ theo mùa, giống như ngôi nhà dưới sự tài hoa của kiến trúc sư mang nhiều nét đẹp khác nhau. Mình cảm tưởng khi đọc cuốn sách này, có khu vườn lung linh phong phú và nhà văn đang cặm cụi lặng lẽ ghi chép thế giới ấy.

Cuốn sách có lẽ không chỉ dành cho tuổi thơ? Mình nghĩ vậy, có lẽ có nhiều ý kiến cho rằng không nên gắn mác tình yêu con người vào con vật hay vô số ý kiến khác. Nhưng, với mình thế giới trong câu chuyện này không chỉ dừng lại ở đó, bởi tại đây có chia ly, có cái chết và có sự hội ngộ tương phùng.

Cái chết, mình biết bản thân mình rất dễ bị nghĩ ngợi về những gì buồn và ám ảnh nên mình không thực sự muốn đầu năm đã buồn. Nhưng mình nhớ đến lời dạy của thầy giáo văn mình ngày xưa, khi thầy ngà ngà với tẩu thuốc lá thơm: các em này, nếu nhìn đời màu hồng toàn tích cực, có thể thế giới ấy đầy ảo tưởng, nếu nhìn đời toàn một màu đen, các em sẽ thấy cuộc đời không thể thoát ra được. Vậy theo các em nên nhìn đời bằng con mắt màu gì. Và cho đến tận bây giờ buổi học ấy vẫn in đậm trong tâm trí mình. Vì thế mình cũng không suy nghĩ gì nhiều khi trong truyện có chia ly và cái chết, bởi đơn thuần trên con đường dài rộng của cuộc đời này, ta không thể không tránh những cuộc chia ly, mất mát.

Còn cái chết, mình luôn tâm niệm rằng mình không sợ cái chết một cách thái quá, mình sợ rằng khi cái chết rình rập đến mình, mình sợ mình vẫn đang hiểu lầm một ai, mình sợ khi sự sống đếm bằng giây bằng phút chưa kịp làm gì cho người thân yêu, hoặc chết đi khi vẫn chưa tường tận về người kia. Hoặc điều mình cũng sợ là khi một người chết đi, họ vẫn chưa được minh oan, họ cũng không có mặt để chung niềm vui với mọi người. Sáng nay, bỗng dưng lòng mình chợt nhớ đến người bạn cũ đã nói lời từ biệt; mình thấy khó hiểu và muốn trốn tránh cảm xúc đó. Nhưng mình chợt nhận ra lòng mình chỉ nhẹ đi khi mình tự đối mặt. Mình chợt nhớ lời bác ngựa già, khi không muốn nhắc đến nữa hãy nghĩ nó đã chết. Có lẽ cũng là một cách

Cái chết trong câu chuyện không chỉ là hi sinh một người, mà còn có thể hiểu kỷ niệm đó chết trong lòng ta.

Sự hi sinh, trong câu chuyện này có lẽ in đậm trong lòng mình là câu chuyện về hai bà mẹ, bà mẹ Vịt bông súng và gà mái Ướt mưa. Dù hai nhân vật này tính cách khác nhau, nhưng họ sẵn lòng hi sinh bảo vệ con mình. Bà mẹ gà Ướt mưa bé nhỏ dám đương đầu với con diều hâu hung hãn mất một mắt, nhưng không thấy câu văn nào viết rằng bà mẹ ấy than thân trách phận, mà bà chỉ cần biết những đứa con yêu đã an toàn. Hay bà mẹ Vịt bông súng, mình rất hay tưởng tượng diễn biến tiếp của câu chuyện, mình đã tưởng tượng rằng khi thân thể bê bết và cái chết đang tới gần chụp lấy nhưng sự sống trong thân thể mẹ Vịt ấy vẫn trỗi dậy, có lẽ là ý chí sống còn, nhưng mình nghĩ thêm có khi nào là sức mạnh của tình yêu với những đứa con chăng. Một câu văn: nhớ con vịt con đến quay quắt làm mình suy ngẫm.

Rồi sự hi sinh của những chiến binh, khi bị hiểu lầm bác chó già tai dài vẫn dùng sức lực để bảo vệ cho khu vườn khỏi nanh vuốt ác của con sói; thậm chí bác hi sinh cả danh dự của mình; mà sự hi sinh đó xuất phát từ lòng trắc ẩn, từ lí do hết sức đơn thuần (lí do này đọc thì biết nha).

Sự tha thứ, bác chó già cũng không kịp nhận sự minh oan đáng có, đọc câu chuyện này, lòng mình trùng xuống. Khi gặp bất cứ chuyện gì, dù người kia có làm mình đau lòng, mình vẫn cố gắng nghe họ giải thích, cố gắng không hiểu lầm họ hoặc cố gắng nghĩ về những ngày tháng tốt đẹp. Đúng là đôi khi có kẻ không đáng để nhận được sự tha thứ, nhưng cũng có người xứng đáng được giải thích.

Lúc ấy mình đã tự hỏi sao bác Tai Dài không giải thích, nhưng mình nhận ra lúc ấy sự nghi ngờ đã lên cao, nhân cách cao đẹp bỗng chốc bị hiểu lầm thành cái gì xoàng xĩnh và lúc ấy dường như xung quanh khó ai chấp nhận sự thật, hoặc không có ai cho thấy họ kiên nhẫn lắng nghe lí do. Và mình cũng nhớ lại cuộc gặp gỡ với người bạn cũ, họ đơn thuần nói rằng: nhưng em không muốn gặp chị. Lúc ấy một câu nói ngắn khiến mình dù còn rất nhiều điều muốn nói cũng không thể nói nữa, vì mình đã bị trục xuất khỏi mối quan hệ rồi. Vì thế mình chọn im lặng rời đi thay vì giải thích.

Lòng vị tha, đúng là khi đầu óc bắt đầu có những câu chuyện thì có thể có thiên hướng trở thành nhà văn. Tuy nhiên bé Vịt Gì cũng biết tồn tại sự vị tha nữa. Bởi chính cô bé bằng sự trong trẻo của mình đã tha thứ, bởi cô bé chỉ nhớ rằng bác Tai Dài đã bảo vệ không chỉ cô bé mà bao cư dân của khu vườn thoát khỏi nanh vuốt của chồn cáo. Và hơn hết cô bé còn có đôi mắt quan sát cuộc đời, cảm thông cho những người xung quanh.

Sự thật, sự thật chỉ có một còn những gì tương đương sự thật lại rất nhiều. Sự thật về bác tai dài, có rất nhiều lời đồn đoán. Và trong chính cuộc sống con người cũng vậy, chúng ta dễ bị lung lay bởi những lời đồn, bởi những câu nói. Điều quan trọng chúng ta lựa chọn nghe theo sự thật gì. Mình đã từng quen một người bạn, người bạn ấy trong mắt mẹ mình là người dễ bỏ cuộc, buông thả; trong mắt em mình là người khác. Tuy nhiên rốt cục mình lựa chọn nghe theo những gì mình được tận mắt nhìn thấy và nghe thấy từ chính những gì bạn ấy làm

Những gì tương đương sự thật nhiều khi khoác cái áo thật đến mức ta không thể nhìn ra, tuy nhiên ta rất cần sự tỉnh táo. Như câu chuyện bé Su Su, bác Ngựa ô là người đã vô cùng tỉnh táo và suy xét.

Sự chia li, trong cuộc đời ngắn ngắn 22 năm của mình cũng đã chứng kiến những cuộc chia li, có những cuộc chia li không lời, không trách móc, có những cuộc chia li là tạm biệt người qua thế giới khác. Nhưng điểm chung là mình gặp lại họ qua những giấc mơ và kỉ niệm. Theo dòng chảy thời gian, rốt cục cuộc đời ta cũng thay đổi, và ta vẫn sẽ lại bước tiếp. Đọng lại trong chúng ta là kỉ niệm, tuy nhiên nhiều khi mình không muốn trôi theo như vậy, vì khi người đó trở thành kỉ niệm, người đó đã không ở bên mình ở hiện tại, mình cũng không muốn tự ru vỗ bản thân vào việc sẽ gặp lại ở tương lai.

Tuy vậy, trái ngược với chia li là hội ngộ, con người ta có bao nhiêu cuộc chia lí thì cũng có bấy nhiêu cuộc hội ngộ. Hội ngộ theo cách không thể ngờ đến như cuộc hội ngộ của cô bé Vịt Gì cũng biết.

Nỗi buồn, khi cuộc đời mình lựa chọn bóp lấy quá khứ, quá khứ đuổi theo mình và khiến mình phát điên. Khi mình những 12 13, cuộc đời mình bắt đầu có những nỗi buồn không tên. Khi mình nhìn ra hàng phượng vĩ đỏ rực, và những giọt nắng vương trên vai áo sơ mi trắng của cậu ấy, lòng mình đã buồn. Và đêm đêm buồn với những câu hát của mẹ, mình đã bối rối vô cùng vì những dòng cảm xúc ấy. Hoặc mình đã khó hiểu khi những ngày ngồi trên xe bus bon bon về nhà, lòng mình buồn khi mắt hướng ra cửa sổ nhìn dòng người, nhìn tòa nhà, nhìn khi công nghiệp với khói là khói. Nỗi buồn đã làm tổ trong tim mình từ lúc nào, nhưng lúc ấy như cô gà mái mơ, giai điệu từ âm nhạc, giai điệu từ những bài ca trong những trang sach mình đọc đã ru vỗ những nỗi buồn đó. Và mình nhận ra nó đến như một lẽ tự nhiên, và rồi mình đối mặt và sống với nó thôi. Dĩ nhiên mình không để những nỗi buồn nuốt chửng mình mà để nó bên cạnh, soi chiếu mình.

Lời hứa, trong tình yêu hay bất cứ chủ đề nào có lẽ một phần trong đó có tồn tại những lời hứa. Khi còn bé thơ, ta vu vơ hứa xây cho bố mẹ cái nhà to, hứa không nói chuyện, hứa không ăn quà vặt. Lớn dần lên, hứa với chính mình, hứa với tình yêu của đời ta sẽ nắm tay nhau đi qua giông tố, rồi tiếp tục hứa với bố mẹ. Nhưng lòng quyết tâm để đến với hành động lại là câu chuyện khác, thực ra lời hứa không phải là không chân thành, nhất là khi ta nói với người ta yêu. Nhưng lời hứa dễ bị bào mòn với những bất biến của cuộc sống. Trong câu chuyện này, suy ngẫm mãi trong mình lời hứa của bác Tai dài, dù bị loại khỏi cộng đồng nhưng trong bác vẫn âm ỉ lời hứa bảo vệ đó, và bác vẫn thực hiện cho đến khi không thể thực hiện nữa.

Tình yêu, câu chuyện Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng, dưới góc nhìn của cô gà mái mới lớn đầy những mộng mơ. Câu chuyện này, có lẽ nếu là mình tuổi 12 13 sẽ thấy có vẻ ai nói hộ lòng mình, sẽ thấy vui vì tự dưng mình không cô đơn vì có cảm xúc như thế. Và mình ở tuổi 22 thì thấy mỉm cười vì vui, vì rõ ràng trong mình đã có những cảm xúc như thế; đích thực là sống. Tình yêu ở tuổi mới lớn tầm 12 13 ấy có lẽ mình không quay lại được, nhưng qua những vấp ngã, mình trân trọng hơn bao giờ hết những cảm xúc nồng nhiệt đó.

Thực lòng, yêu không phải chuyển quyền sở hữu, cũng không phải thứ mình có thể vội vàng tác động. Và cũng khó ai định nghĩa được tình yêu. Trong cuốn sách này, mình nhìn nhận tình yêu lớn hơn thế. Tình yêu không chỉ nằm ở câu chuyện Gà con với chú gà Cánh cam; còn là tình yêu của mẹ Ướt mưa cùng với sự nhạy cảm của người mẹ với những đứa con gái, là tình yêu sự cảm thông của cô bồ câu, chim bói cá,…và thực lòng tình yêu dẫn lối cho việc trái tim mình mở rộng hơn, tròn đầy hơn sau này. Mặc dù những câu chuyện tình yêu của mình tuổi mười mấy kết cục là đi vào ngõ cụt, nhưng qua trang sách này, mình chỉ mỉm cười và coi đó là hồi ức đẹp chứ không còn là sự dằn vặt nữa.

Lần đầu tiên, mỗi người sẽ có những lần đầu tiên đáng nhớ dù trong mắt người khác nó chả là gì. Đôi khi không phải cái gì quá to tát, một chiến công hiển hách mới xứng đáng được là điều to lớn, đôi khi là sự chiến thắng chính mình, chiến thắng nỗi sợ trong bản thân, chiến thắng những day dứt trong mình, hay đôi khi chiến thắng lòng tham và sự đố kị. Cô bói cá có cái tên thật oách, với cô oách là ăn mồi được đầu tiên. Chả sao cả vì đó là lần đầu tiên tự bước đi trên đôi chân của mình, trưởng thành và kiếm ăn. Tự dưng nghĩ lại niềm vui của mình khi có đồng lương đầu tiên, mua được chiếc máy tính bảng mơ ước, hay đầu tiên tự đóng tiền học, rồi đầu tiên kí hợp đồng lao động, bỗng chốc mình trân trọng những khoảnh khắc ấy hơn bao giờ hết. Đọc những câu chuyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, không chỉ mở rộng tầm nhìn của mình, mà mình còn trân trọng hơn thảy những gì xảy ra trong cuộc đời mình.

Hình ảnh hoa kèn hồng ở nhan đề nhưng nó xuất hiện không dày đặc trong sách, nó là giấc mơ trong lòng cô bé Mắt tròn, là nơi đánh dấu một tình yêu trong sáng, là nơi đầy trầm ngâm của Vịt Gì cũng biết và cũng là nơi chôn giấu một kí ức của tất cả cư dân trong vườn. Hoa kèn hồng, với mình khi ấy biểu hiện cho giấc mơ, cho những gì tươi đẹp nhất.

À quên mất không nói đến tiếng đàn của anh nghệ sĩ Ánh sao, mình chợt nghĩ người nghệ sĩ giống như một người trầm lặng ghi chép và lặng lẽ quan sát những gì diễn ra. Họ dùng những lời văn câu chữ, hay những bản nhạc để ghi; và mình thấy rằng chính những cảm xúc tươi đẹp đã thôi thúc Gì cũng biết viết ra câu chuyện không phải của đồng loại mình mà là câu chuyện những người khác (cô bé có thể lựa chọn viết về hành trình thấy mẹ của mình và mình nghĩ rằng vẫn có giải), đó chính là sự đồng cảm. Và sau ấy mình nhận ra, bản thân mình không chỉ quan tâm mỗi cảm xúc của bản thân mà mình nhận ra cần quan sát tất cả mọi thứ, thế giới của loài vật, cây cỏ cũng thật vô cùng phong phú.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ