[2023] 2/35 – Ông nội vượt ngục
Jack là một cậu bé bình thường, cậu
đam mê nhưng mô hình máy bay (khác sở thích của các chú bé khác), nhưng cậu có
một điều luôn tự hào đó là cậu có một người ông từng oanh liệt tại đội quân Hoàng
gia Anh, chiến đấu bảo vệ người dân Anh chống lại không quân Đức trong những năm
tháng chiến tranh thế giới thứ 2. Mình còn suýt trước nữa nghĩ rằng nhà văn đã
cặm cụi ghi lại một câu chuyện có thật, bởi câu chuyện này gắn với yếu tố lịch
sử. Thế nào một đứa không có hứng thú nhiều với lịch sử lắm như mình lại đi cặm
cụi search GG tìm hiểu cái máy bay tiêm kích vĩ đại ấy là gì, và đọc không sót
một chữ nào mấy cái chú giải lịch sử phía sau cuốn sách. Mình nghĩ rằng đây là
cuốn sách có “quy mô” nhất, đầu tư nhiều bởi ở đây câu chuyện kể dựa trên một vài
sự kiện lịch sử; và còn có sự tham khảo từ quân nhân. Đọc xong cuốn này, một ý
tưởng xẹt qua đầu mình là: hình như cái quái gì cũng có thể thành một câu chuyện
có sức cuốn hút dưới bàn tay của David Walliams vậy. Và thực sự David Walliams đã
sáng tạo nên một cuốn sách tuyệt vời, cuốn sách vẫn giữ lại sự hài hước tinh
nghịch, vẫn có sự nhân văn và thậm chí lòng mình đã chùng xuống khi đọc cuốn sách
này. Và mình nghĩ rằng danh xưng người kể chuyện không hề nói quá cho lắm.
Jack – một cậu bé bình thường, cậu
còn là một người cháu hiếu thảo. Khi tất cả mọi người, thậm chí cả bố cũng dần
dần nhìn nhận ông nội là hình ảnh người bệnh lẫn, bệnh già thì cậu vẫn bảo vệ ông
nội bằng tất cả tình yêu, sự kiêu hãnh của một đứa trẻ. Trong mắt đứa trẻ ấy, ông
vẫn là một người ông đáng kính, một người đồng chí, một quân nhân tự hào của dân
tộc khi ông đã từng lái chiếc tiêm kích vĩ đại vượt qua mưa bom bão đạn ác liệt
để đem đến sự bình yên. Và khi mình có search GG đọc những bài báo rời rạc và đọc
chú thích, mình đã thấy sự đáng tự hào, và đáng để kính trọng thế nào với những
con người từng xông mình ra biển lửa chiến tranh. Trong mắt đứa trẻ, ông vẫn là
một con người có thế giới thú vị, và cậu đã sống trong thế giới ấy cùng ông chứ
không hề xa lánh; với cậu bé ấy người ông là cả một thế giới huy hoàng với những
câu chuyện hấp dẫn, li kì. Có thể bạn đọc sẽ thấy bố mẹ Jack có phần hơi đáng
trách chăng, ban đầu mình cũng không thích khi mẹ Jack nhìn nhận ông như vậy; nhưng
sau khi đọc hết mình lại đánh giá lại. Mình nghĩ rằng thế giới người lớn khác bởi
họ đã phải lăn lộn với cơm áo gạo tiền, ít nhiều xuôi theo sự vội vã để cho sự
trong trẻo dần mất đi, và họ cũng thiếu sự kiên nhẫn hơn. Và mình cũng soi chiếu
lại gia đình mình sống cùng với bà nội, bố mẹ hay nhiều người khác cũng có câu
cửa miệng là bệnh già, bà già rồi hay như thế nào đó. Và đó là hiện thực mà tất
yếu dễ xảy ra, nhưng không có nghĩa chúng ta vin vào đó để thiếu sự kiên nhẫn và
lắng nghe bởi biết đâu mình sẽ học và khám phá được điều gì đó. Như trong truyện,
ông nội của Jack biểu tượng cho một lớp người hùng, biểu tượng cho lịch sử oanh
liệt, biểu tượng cho quá khứ, và họ chính là cầu nối cho những đứa trẻ biết về
quá khứ ông cha mình.
Viện dưỡng lão xế chiều với tấm
biển nơi cho những người già thừa thãi, nơi rõ ràng mang ý nghĩa nhân đạo nhưng
rốt cục lại là nơi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người linh mục rõ ràng vốn được
là người được tôn trọng lại là người sau lưng làm chuyện ác, trái với những giá
trị nhân văn tốt đẹp. Những người y ta lực lưỡng thực chất là tay sai… trong câu
chuyện này sự thật – sự giả dối lẫn lộn, sự giả dối khoác bên ngoài một lớp áo
hào nhoáng đến mức tưởng là thật như bố mẹ Jack (mình còn đang nghĩ đến là sở dĩ
bố mẹ Jack không nhìn ra được sự thật vì họ chỉ tin là nơi đây là tốt, họ chỉ
tin là người ông của Jack cần đi viện dưỡng lão để không ảnh hưởng xã hội; khi
mình mặc định tin một điều gì đó thì ta rất dễ nghĩ ra nhiều lí do để biện minh
cho lòng tin của mình). Còn Jack cậu vẫn vốn có tình yêu cho ông nội mình, nên
cậu dễ dàng nhìn ra sự thật; (hoặc có thể đầu óc Jack đơn giản, cậu chỉ nghĩ đến
ông, tin yêu ông tuyệt đối).
Nhân vật bác Raj bán báo luôn là
một gia vị không thể thiếu trong những cuốn sách của nhà văn, bác có thể có những
hành động hơi kỳ (với mình) nhưng những lúc then chốt, bác luôn là người kịp thời
có lời khuyên với những đứa trẻ. Chính bác đã đi ngược lại với số đông để khuyên
cậu bé, và để rồi cậu và ông nội đã có một màn mãn nhãn ra trò. Cái kết tuy thực
sự (mình cũng không muốn nói là quá buồn với mình) khiến mình hơi chùng xuống
nhưng theo cách nào đó, khi đọc cuốn sách này trong đầu mình vẫn đang nghĩ hình
ảnh một người ông của Jack vẫn đang bay cao, bay xa mãi và chắp cánh cho tuổi
thơ người cháu nội dấu yêu. Kể cả đến trang cuối, trong tâm trí ngây thơ của mình
vẫn hi vọng đến trang tiếp trang tiếp, ông nội sẽ quay về bên Jack oanh liệt trên
con tiêm kích, quay lại theo những tình huống không thể ngờ tới như trước kia, để
cậu bé lại được bay cao, bay xa mãi: bay cùng trí tưởng tượng, bay cùng với người
mình yêu quý, chắp cánh những ước mơ và hi vọng, bay cùng những kỉ niệm đẹp tô điểm
cho cuộc sống mà cậu cho là không có gì quá đặc biệt (hay khác với bạn bè). Và cho đến tận cái
kết, mình vẫn tin người ông ấy vẫn đang sống, sống trong kí ức, trái tim người
cháu.
Mình cũng không hay đánh giá thước
đo bao nhiêu điểm, cũng như không muốn so sánh cuốn sách này với cuốn sách khác
nhưng thú thực, mình vẫn chưa bao giờ hối hận khi mua những cuốn sách của David
Walliams về (thực tế là mình đã mua đủ) và còn chờ những cuốn khác, bởi tại những
trang sách, trí tưởng tượng được lên cao (và chắc tột đỉnh), hài hước, khéo léo,
nhân văn được hòa quyện rất ăn ý. Và có lẽ không chỉ bay cao, bay xa mãi trong
cuốn sách. Bản thân mình cũng đã được bay cao, bay xa mãi với thế giới tưởng tượng,
hài hước cuối tuần sau khi những ngày thường đã làm người trưởng thành vất vả.
Và có lẽ câu chuyện kể của người ông trong giờ học lịch sử của cháu trai cũng
biểu trưng cho bao con người năm ấy đã anh hùng trên những chiếc tiêm kích bảo
vệ bầu trời, bảo vệ quốc gia.
Nhận xét
Đăng nhận xét