[2023] 4/35 - CHÚC MỘT NGÀY TỐT LÀNH













Kỳ lạ là quyển sách khởi đầu cho việc quay lại đọc sách là sách của bác Ánh, cuốn sách là điểm kết thúc năm 2022 cũng là sách bác Ánh; cuốn sách chào 2023 cũng là sách bác Ánh. Và hôm nay cuốn sách chào năm mới của mình cũng là sách bác Ánh. Dường như khi mình vui buồn, hay suýt từ bỏ sở thích đọc sách thì ngay lập tức trang sách bác Ánh xuất hiện. Và mình chọn mở màn là Chúc một ngày tốt lành. 

Hồi mình lớp 12, mình học nhiều quá nên lúc nào mặt cũng cúi gằm, không phải mình sợ hãi hay e dè, không phải nhút nhát mà mình mệt mỏi vì học, mình lúc nào cũng thấy tiêu cực. Lúc ấy, khi mình ở hố sâu nhất, cô giáo văn có nói với mình rằng kể cả khi mệt mỏi nhất, khi cuối ngày rồi vẫn dành cho nhau một nụ cười mới là quan trọng. Chúc một ngày tốt lành, một câu nói tưởng chừng đơn giản, không gặp khó khăn về ngữ pháp nhưng mình CHƯA BAO GIỜ nói câu này một cách trực tiếp với ai cả, cũng chưa thể dành cho ai năng lượng tích cực ngay cả khi cuối ngày, ngay cả khi mệt mỏi nhất. 


Cuốn sách này của bác Ánh thật đặc biệt với mình, bởi tại đây thế giới loài vật – con người có sự liên kết, song song với nhau, dường như mình cảm thấy không có ranh giới nào giữa người với vật. Và sự liên kết ấy được gần lại với nhau, ranh giới xa cách ấy lại thu hẹp lại nhờ chính sự ngây thơ, trong sáng của những đứa trẻ. Vậy cuốn sách này cho mình thấy điều gì?















Khi mình xem phim Mặt trăng ôm mặt trời, đoạn mình yêu thích nhất đó là khi người thầy thái tử dạy rằng ngay cả ý kiến của trẻ con cũng không được bỏ qua. Soi chiếu lại cuốn sách, vấn đề của trẻ con rất đơn giản còn câu chuyện người lớn thực sự phức tạp, từ trò chơi của con trẻ tưởng chừng vui vẻ, chóng chán nhưng lại thành vấn đề hũ gạo đầy hay vơi của bà Đỏ, thành vấn đề thu thuế khổng lồ, lại thành vấn đề của ông động vật hoang dã, lại thành khu du lịch. Dưới ý kiến của nhiều người lớn, trò chơi bỗng chốc thành bài toán kinh tế, thành lợi nhuận. Còn trong mắt con trẻ, trò chơi chỉ đơn thuần là niềm vui, là sự ham thích những điều mới lạ hơn so với những điều bình thường. Mình không nói người lớn là sai, cũng không nói bà Đỏ lo với hũ gạo là không đúng, cũng không nói vấn đề thu thuế thu lợi nhuận là sai. Mà mình chỉ thấy (và cũng từ chính bản thân mình) càng lớn càng đi sâu, soi xét vấn đề thành những gì phức tạp, và đôi khi sự phức tạp quá lại khiến ta đau đầu khổ sở. Càng lớn, mất dần đi sự ngây thơ trong trẻo và giản đơn vì đơn giản chúng ta có thêm trách nhiệm, thêm mối lo âu về cơm áo gạo tiền nên việc có thể nghĩ như trẻ con khó hơn mà thôi. Và chính sự khó tính hơn của người lớn nên nhiều khi ta mất đi niềm vui, và khái niệm ngày của chúng ta bỗng chốc bé lại như ông an ninh phút cuối nhận ra bản thân ông đã quá cau mày khó tính. 


Một vết lọ nồi trên mặt có thể thấy rất rõ, ngoại hình có thể là ấn tượng ban đầu – và có thể là lợi thế nhưng không thể là yếu tố trường tồn để đánh giá con người, mà đó là sự chân thành và lòng dũng cảm. Chính tấm lòng chân thành, dũng cảm của Lọ Nồi và Cu đã khiến họ có thêm tình bạn đẹp (còn xa hơn hay không thì mình không biết nha). 


Bao trùm câu chuyện này là ngôn ngữ loài vật – con người. Mình nhận ra loài vật có cảm xúc, tính cách rất riêng; từ trang văn Nguyễn Nhật Ánh mình bỗng thấy đôi mắt quan sát của mình được mở rộng thêm ra không thể dừng lại đây là cái cây ngọn cỏ, đây là con chó con mèo đơn thuần mà còn nhiều hơn thế. Khi sự vật sự việc tưởng chừng vô lý, bất hợp lý lại trở lên hợp lý, thành cái độc lạ và độc lạ lại từ chính sự trong trẻo của trẻ thơ. Nhưng tại không gian độc lạ ấy cuộc sống lại đảo lộn, người ta đến vì sự tò mò vì cái độc lạ, người lớn ban đầu thấy vô lý nhưng khi hũ gạo đã đầy thì lại không thấy vô lý nữa, hoặc không gian bình yên trước đây người ta lại giẵm lại chính cái nơi sản sinh ra cái độc lạ mà người ta tò mò. Những cái vô lý – hợp lý ấy cứ luẩn quẩn trong đầu mình và chơ ngày giải đáp, thế nhưng mình chợt nghĩ nếu một đứa trẻ đọc cuốn sách này thì sao nhỉ, nó có vắt óc ra nghĩ phức tạp về nhân sinh thế thái như mình hay không, hay nó sẽ mỉm cười và thích thú vì thế giới của loài người – con vật có liên kết với nhau, nó sẽ cố gắng nhớ các câu thoại un un go, go go un thay vì phức tạp đến mức quên đi giá trị tốt đẹp, nhân văn trong trẻo của cuốn sách như mình chăng. Âu có khi không phải chỉ mình ông an ninh mà có cả mình trong đây cũng như vậy. 


Thôi thì năm mới, ăng gô gô nhé mọi người.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ