[2023] 7/35 - MỘT CHỖ TRONG ĐỜI
Cuốn sách mình đọc lâu hơn mình tưởng, cuốn sách này mình mua vào một ngày đầy nắng tại Nhã Nam Đỗ Quang với người bạn thân của mình khi mình học lớp 11, thực lòng đây là cuốn sách mình không quá để ý đến lời giới thiệu sau, thay vào đó là nhan đề. Thực lòng cho đến tận bây giờ khi đọc lại cuốn sách này mình vẫn có nỗi lo vô hình – đó chính là sợ nhầm vị trí.
Cuốn sách là câu chuyện về một người cha, xuất thân nông dân, từ nhỏ đã phải nghỉ học sớm để làm chân giúp việc cho trang trại trước khi đi nghĩa vụ quân sự. Chiến tranh kết thúc, ông làm công nhân ở nhà máy sợi tổng hợp, sau đó làm thợ lợp sửa mái nhà, tiếp đến chuyển sang làm công nhân ở nhà máy lọc dầu, đi tiếp tế cho làng và thậm chí là nhận lấp hố bom. Cuộc đời làm công của ông chỉ thật sự kết thúc hay còn gọi là sang trang mới khi hai vợ chồng mua lại được một quán cà phê kiêm cửa hàng tạp phẩm khiêm tốn trong khu phố. Lúc đó, ông không khỏi tự hào vì bấy giờ bản thân đã trở thành “ông chủ” và gây dựng được một địa vị nhất định, cho dù địa vị đó cũng chỉ “trên mức khốn cùng một chút”. Người cha ấy, cật lực làm việc, điều chỉnh lời ăn tiếng nói của mình trước chốn đông người,.. thậm chí kiệm lời, tự nghiêm khắc xây dựng một bộ luật của riêng mình, làm tất cả những gì có thể để rũ bỏ chất nông dân cố hữu của mình, để được công nhận là đã “bước chân ra khỏi cuộc sống bần hàn thô kệch và bước vào thế giới của trí thức, tư sản.” Đó là tóm tắt không thể ngắn hơn cho một tập sách chưa đến 100 trang, và 100 trang với lối viết hờ hững, không cảm xúc, kể cả có lời đùa hay trách móc cũng không thấy có nước mắt, đau đớn hay cái gì cùng cực, hay bất cứ một cảm xúc nào; đối với mình khi đọc thấy một điều hiển hiện rằng đó đơn giản là kể. Mình đã ngạc nhiên khi mở đầu là trích dẫn: Viết là phương sách cuối cùng khi người ta đã phản bội. Nhưng theo mình hiểu, nhà văn đã không để cảm xúc nào của bản thân trong bài viết, cũng không đưa ra một từ vựng nào gợi đến cho người ta những gì khó hiểu hay hiểu theo một nghĩa khác, với mình khi kể ra những mảnh ký ức sẽ khó tránh được những cảm xúc của riêng mình ấy vậy những trang viết hồi ký này tựa như những dòng văn quan sát tóm gọn cuộc đời một người đàn ông, một người cha, một người sống trong nỗi dằn vặt về giai cấp.
Cuốn truyện bắt đầu từ những ấu thơ của người cha cho đến khi bệnh nặng và cuối cùng lìa xa cõi đời này. Mở đầu là việc chuẩn bị đưa người cha đến thế giới khác, không một giọt nước mắt nào của người con gái, đơn giản là viết và liệt kê những sự việc, ai xuất hiện. Bất hiếu ư? Mình cũng không nghĩ như vậy, vì khi đọc cuốn sách không thể không khách quan hơn thế này, mình cũng cố gắng khách quan nhất có thể, và từ cái chết người cha, những thủ tục đưa tiễn một người đến thế giới của ký ức trong lòng người còn sống, sẽ đến những trường đoạn về người cha này trong kí ức của người con gái.
Bắt đầu từ thuở ấu thơ, ấy là phải bỏ ngang việc học cho đến đi làm công nhân cho đến chủ cửa hàng, mình cảm giác rằng thế giới của người cha càng lúc càng khắc khổ, khắc khổ về những định kiến, khắc khổ để rũ bỏ cốt cách của con người nông dân thô kệch. Những tưởng là làm chủ cửa hàng cà phê sẽ là niềm tự hào nhưng rốt cục ông cũng nhận ra mình chỉ trên cơ những kẻ cơ hàn một chút, và chính sự thật bẽ bàng ấy mỗi lúc khiến ông sống nguyên tắc đến khắc khổ. Ông kiệm lời hoặc không nói, luôn từ chối sử dụng những từ ngữ không nằm trong vốn từ vựng của mình, ông tỏ ra cứng nhắc, rụt rè, không bao giờ dám đặt câu hỏi, đi ăn bằng con dao riêng, hạn chế và nỗ lực để rũ bỏ cái quê kệch , ông lúc nào cũng ở trong nỗi ám ảnh, hoang mang, lo sợ những người xung quanh nhìn ra mình là kẻ quê mùa. Con người có tiền, và cố gắng rũ bỏ cái quê ấy cũng chưa thể bước chân đàng hoàng vào thế giới tư sản hoa lệ ấy, bởi ông cũng không thể rũ bỏ được nguồn gốc nông dân cũng không thể rũ bỏ được chất giọng sệt sệt quê hay ngôn ngữ (bởi cái gọi là thâm căn cố đế thâm nhập từ rất lâu dù mình có cố che giấu, thì trong cuộc đời trớ trêu này cũng đôi lúc vô tình lộ ra và thế là bẽ bàng.)
Thế người cha chọn gì, người cha chọn không tham gia, từ chối tham gia buổi diễn kịch của cô con gái, mình nghĩ ấy là sự trốn tránh – sự trốn tránh đầy sự sợ sệt sợ nhầm vị trí, sợ mình sẽ làm con gái bẽ mặt – nhưng đằng sau sự trốn tránh này là sự yêu thương sâu nặng của người cha đối với con gái của mình.
Cũng người cha ấy, cố hết sức cho cô con gái được ăn học tử tế để đặt chân được vào giới tiểu tư sản - điều ông luôn muốn mình làm được khi còn trẻ. Khi con ông được thế giới ấy đón chào, thì ngay lập tức một hố sâu “mang tính giai cấp, nhưng kỳ dị, không tên, như tình yêu bị ngăn cách” hình thành giữa hai cha con. Ngôn ngữ của họ dần dần trở nên khác biệt nhau, như thể không hòa nhập được. Nó hiện hữu rõ ràng và ảnh hưởng sâu sắc hơn bất cứ xung đột nào: “Trong các ký ức của tôi, tất cả những gì liên quan đến ngôn ngữ đều là nguyên nhân của sự oán hận, của những cuộc cãi vã đau lòng, còn hơn cả vấn đề tiền bạc.” cho đến khi chẳng còn gì để nói nữa.
Và cũng người cha ấy cố gắng bằng tất cả những gì mình có để đón tiếp người bạn của cô, rồi cố ép mình trong bộ comle để thật tươm tất nhất có thể đón tiếp người bạn trai của con gái mình. Và cũng người cha ấy cố gắng mong ngóng người con gái học hành tốt nhất, và chi tiết mình chú ý nhiều là người con gái thấy được báo trúng tuyển người cha kẹp trong ví.
Cuộc đời khắc khổ kiệm lời, đôi khi câm lặng khổ sở o ép chính mình trong những tiêu chuẩn khắc nghiệt của xã hội đã tạo ra những hố sâu ngăn cách thiếu đi sự giao tiếp giữa cha và con gái, khiến mối quan hệ trở nên xa cách. Người con gái biết điều ấy và có lẽ cuốn sách thay cho lời nói yêu thương dành cho người cha của mình. “…để thuật lại một cuộc đời chỉ mải lo việc cơm áo, tôi không có quyền vị nghệ thuật trước tiên, cũng không có quyền tìm cách tạo ra thứ gì đó “khiến người ta say mê” hay “gây xúc động”. Tôi sẽ tập hợp lại những lời nói, hành động, sở thích của cha tôi, những sự kiện nổi bật trong đời ông, tất cả các dấu hiệu khách quan về một cuộc đời mà tôi cũng đã từng chia sẻ.”
Khi mình đọc cuốn sách này mình ngẫm nghĩ về chính mình, những người bạn và kể cả bố mẹ mình cũng đã là những người đã sợ nhầm vị trí. Bản thân mình từ nơi khác đến HN và chính mình cũng đã o ép thay đổi cả những sở thích tính cách để phù hợp, mình cũng sợ bị chê là quê mùa, mình cũng sợ bị chê là thiếu sự hiểu biết. Khi nhìn những người bạn khác nói về dự định, cơ hội đầu tư, rồi tình nguyện trong mắt mình những ngôn ngữ ấy thật lạ nhưng mình vẫn không dám đặt câu hỏi, mình cố gắng nói chuyện với tất cả mọi người nhưng rốt cục khi về nhà mình tự hỏi mình ở đâu ở những cuộc vui của họ và rốt cục mình có vị trí gì. Mãi sau này khi mải miết học tập để cố gắng gây dựng thương hiệu của bản thân, mình lại đến thế giới khác, chính là thế giới đi làm hiện tại khi đồng nghiệp nghĩ đến cơ hội đầu tư lớn, rồi học chứng chỉ mình vẫn vô định ngày và đêm, công việc và giải trí – những thứ nhỏ nhặt. Và thực lòng khi đọc đoạn người cha không tham gia hội hè, mình đồng cảm vì chính mình cũng e ngại đến chỗ đó, mình sợ rằng quần áo mình mặc sẽ thành chủ đề, mình sợ rằng mình không cầm đúng dao nĩa, mình sợ rằng mình lỡ cười lớn ăn nói hàm hồ, mình sợ rằng mình chẳng thể tiếp nối những câu chuyện trên bàn tiệc. Thực lòng đọc cuốn sách này mình tự soi xét bản thân mình lại bao giờ hết. Mình nghĩ đến bố mình, một người sống gần 30 năm cuộc đời ở xứ Bạch Dương xa lạ và kết thúc khi về Việt Nam là gia đình mình gần như làm lại từ đầu. Mình cũng đã thấy bố mình cũng săm soi đếm giá sách và hỏi mình làm gì, khi đọc cuốn sách này mình chợt nghĩ mục đích câu hỏi ấy của bố mình có lẽ không phải để hiểu mình làm gì mà chẳng qua bố mình cũng mong muốn được có “vị trí” trong con đường hiện tại của mình chứ không phải người cha bên lề. Và mình cũng lại nhớ khi hồi bé giở sách vở mình, bố cũng chỉ ngắn gọn rằng học đi không cạp đất ăn hoặc học đi sau mà làm người. Có lẽ làm người ở đây chưa chắc là kiếm được nhiều tiền mà có lẽ là học để làm người tử tế và được người ta tôn trọng, và cũng là học hành khác với cuộc đời bỏ ngang của bố mình sang xuất khẩu lao động. Tuy nhiên để viết đoạn trên không phải mình nhận ra ngay, không phải mình nhận ra khi còn đi học, cũng không phải nhận ra khi mình tuổi 18 (nghĩa là dù ở lứa tuổi trưởng thành nhưng mình vẫn thiếu đi sự thấu hiểu), mình nhận ra thật nhiều thật nhiều hơn nữa khi cầm trên tay cuốn sách này, vẫn nhớ trong ngày tết vừa rồi mình vu vơ nói một câu khiến bố mình nói rằng: bố không nghĩ con nghĩ vậy cho bố đấy, phải làm chén nữa thôi, và vẫn nhớ những lúc ngà say khi thì bố mình nói bố không giống người đàn ông theo định nghĩa của người khác, hay say say nói mình cố cho giỏi lấy chồng giàu cho sướng cái đời bố, hay đôi lúc lại nói lấy thằng hiền lành sợ mình lấy thằng nào vũ phu. Rốt cục, bố mình cũng lại chả mong chính mình có thể hiểu những gì bố làm, mà điều duy nhất ông mong mình là sống hạnh phúc để thoát khỏi kiếp sống cơ hàn, khổ cực, thất học mà bố phải gánh oằn trên lưng đến hơn nửa cuộc đời này. “Ông đã nuôi tôi khôn lớn để tôi tận hưởng một thứ xa xỉ mà bản thân ông không hề biết đến”.
Rốt cục, đằng sau sự thô lỗ ấy, đằng sau những dằn vặt, cay nghiệt ấy, vẫn là tình yêu, là niềm tự hào lớn lao mà cha dành cho con – cả bố mình lẫn người cha trong quyển sách ấy – niềm tự hào rằng bản thân, dù có bần hàn và quê kệch, cũng đã dưỡng dục con gái mình thành công, cố gắng nuôi dưỡng con gái thành người mà không bị người ta cười cợt, coi thường.
Nhận xét
Đăng nhận xét