[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ
Chuyện về ba cô cậu bé: Tin, Bảy và Thắm khi cùng ở trên một
hòn đảo. Thực lòng khi đọc cuốn sách này, ban đầu mình đã nghĩ đó là cuộc phiêu
lưu thật trên một hoang đảo thật, mình đã tự hỏi một chú bé Tin lạc trên một
hoang đảo thật ư. Nhưng hóa ra hòn đảo ấy đến từ thế giới tưởng tượng đầy phong
phú của cậu từ chính đống cát xây dựng ở nhà. Trong mắt mẹ và chị Hai hoặc cả một
số người hàng xóm, có lẽ cũng sẽ giống như nhiều người chúng ta, chỉ thấy lũ trẻ
chơi với cát là bẩn và nghịch ngợm, chúng ta khó thể biết rằng dưới con mắt trẻ
thơ là thế giới đầy trí tưởng tượng khác, nhiều hình ảnh và màu sắc, nhiều ý tưởng
mà ta không thể ngờ tới. Đó là điều khác biệt người lớn với trẻ em, bởi cây đũa
thực tế dần thế chỗ cây đũa tưởng tượng của chúng ta. Hòn đảo ấy nhỏ với con mương
nhỏ nhưng dưới ánh nhìn đầy trong trẻo và tinh nghịch đó là một hòn đảo lớn với
đại dương mênh mông vời vợi. Nơi ấy có những nhà thám hiểm tí hon đầy dũng cảm,
dũng cảm khi bảo vệ ý tưởng là một hòn đảo, dũng cảm khi đứng trước những kẻ bắt
nạt – khi vốn dĩ Tin và Bảy là những người nhút nhát nhưng đã trở thành những
anh hùng khi dám chiến đấu với Phàn, và chiến thắng nỗi sợ của mình. Trong chính
thế giới tưởng tượng đó, không chỉ là niềm vui mà còn chiến thắng nỗi sợ hay là
làm những việc mọi khi không dám làm. Và từ hòn đảo tưởng tượng ấy mỗi ngày trải
qua trong thế giới của ba đứa trẻ đều có những niềm vui mới. Mình phát hiện một
chút là thế giới của Tin có nguồn cảm hứng từ chuyện Robinson, mình đã thấy rằng
những trang sách còn là nguồn cảm hứng, chắp cánh cho những niềm vui, trí tưởng
tượng phong phú với người đọc. Cuốn sách Đảo mộng mơ cũng là một cuốn sách như
thế, mình nghĩ rằng nó dành cho người lớn nữa, cuốn sách như trả lại cây đũa phép
mộng mơ cho những ai đã đánh rơi, đánh thức lại trong mình rất nhiều thứ.
Gần hai tháng rồi mình mới đọc sách, thời gian này mình thường
làm việc đến khuya có khi 4h sáng mới ngủ. Đơn giản, do mình làm chưa tốt, mình
không biết làm. Dần dà tự dưng trong gần hai tháng vừa rồi mình trở nên tiêu cực,
ngủ ít có lúc mình soi gương mình cảm thấy tiêu cực vì mặt mình bị beak out rất
nhiều. Mình biết rằng bất cứ nghề nào cũng vậy, nếu thiếu cẩn thận, nếu không có
năng lực sớm muộn cũng bị đào thải, và không trụ được ở bất cứ một ngành nghề nào
cả. Và cứ thế hình như mình đánh rơi mất đũa phép ước mơ bay bổng và khát vọng,
đầu óc mình chỉ xoay quanh công việc, mình cũng không chừa lại chỗ cho tình yêu,
cũng ít dành chỗ cho tình bạn, và cũng lại càng ít chỗ cho gia đình. Rốt cục mình
vẫn chẳng dành được gì trọn vẹn. Nghe tiêu cực phết nhỉ, nhưng sau những ngày
tháng thức khuya khi cầm cuốn sách này trên tay, mình ngẫm nghĩ lại, sau những
vất vả kia mình đã trở nên cẩn thận hơn, mình đã học được nhiều hơn. Đọc Đảo mộng
mơ, mình thấy rất vui khi những người lớn ban đầu không tin đó là một hòn đảo về
sau cũng đã tin, mình nghĩ rằng nếu con người thiếu sự lắng nghe, thiếu đi sự kiên
nhẫn và khư khư quan điểm cá nhân, hoặc nhất thiết áp đặt quan điểm lên người
khác đặc biệt áp đặt lên trẻ em thì sẽ tạo bức tường ngăn cách để thấu hiểu nhau.
Như người cha ngay từ đầu đã tin, như cô giáo đã kiên nhẫn lắng nghe và đến xem
thực tế, như bà hàng xóm dùng sự nghi ngờ lên ba đứa trẻ nhưng về sau chính bà
lại là người tự tay trồng hoa trên hòn đảo đó.
Tưởng chừng hòn đảo sẽ biến mất nhưng rốt cục nó vẫn ở đây vì
chính nơi đó là nơi vui chơi của ba đứa trẻ, từ một đống cát tưởng chừng chỉ dùng
để xây dựng mà lại trở thành một nơi đầy hoa cỏ xinh đẹp. Về sau ba đứa trẻ đã có
suy nghĩ trong trẻo rằng hòn đảo không còn là đảo hoang vì đã có người đến xem.
Mình thấy rằng nếu chúng ta sống ích kỉ, chính chúng ta sẽ là một ốc đảo hoang
vu, vắng vẻ và cô độc. Một điều thú vị ở cuốn sách với mình là ban đầu mình thấy
hình vẽ trên sach chỉ là những nét màu chấm phá mình đã nghĩ tại sao nó lại nhạt
như vậy vì chỉ là những chấm màu to nhỏ và hình ảnh những đứa trẻ. Cho đến khi
gấp cuốn sách lại, mình đã nhận ra chính chấm màu ấy khiến mình tự tưởng tượng
khung cảnh ở trong truyện ra sao, cái cây ở đâu, bức tường ở đâu, hải tặc thế nào.
Lâu lắm mới ngoi lên và viết thêm vài dòng, cảm giác được sống
với việc viết đọc, tưởng tượng, và suy ngẫm như một cách chữa lành cho chính mình,
cho vấn đề tâm lý mình đang gặp phải. Và cũng như một lần nghỉ chân ở mùa bận
thứ hai của đời đi làm.
Nhận xét
Đăng nhận xét