[2023] 10/35 - TÂM HỒN CAO THƯỢNG (NHỮNG TẤM LÒNG CAO CẢ)
Đã quá lâu rồi mình mới đọc cuốn
sách tuyệt đẹp này, mình đã suy nghĩ rất nhiều khi đọc nó. Bởi mình mới hết mùa
bận, mình mang theo một tâm trạng u ám ngổn ngang rất nhiều dự định, mình cũng
vượt qua tình trạng tâm lý hiện tại của mình. Mình tự hỏi, liệu mình sẽ lại tìm
một cuốn sách hài hài một chút trước rồi mới đọc hay ngược lại hay như thế nào,
nhưng mình đã chọn đọc luôn nó. Và chính mình đã bị cuốn vào nó, cuốn vào thế
giới đầy êm dịu, được du dương trong một cuốn sách có hùng ca, có bản nhạc du dương
về tình yêu thương, và có những giai điệu yêu thương vượt qua biên giới, qua bên
kia bán cầu.
Cuốn sách được viết dưới dạng nhật
ký của cậu học trò Enrico trong suốt một năm học với những kỉ niệm từ thầy cô,
bạn bè, và cả những chuyện ở ngoài đường mà cậu nhìn thấy. Không chỉ đơn thuần
là ghi chép những sự vật, sự việc mà cậu ghi lại những cảm tưởng của chính mình.
Trong cuốn nhật ký đó còn có những truyện ngắn đọc hàng tháng mà thầy giáo cho
chép và đọc trên lớp, những lá thư bố mẹ và chị gái viết cho Enrico bằng tất cả
tình yêu thương, sự nghiêm khắc, dịu dàng và bao dung trong suốt năm học –
trong suốt thời gian quý báu của câu học trò lớp ba lớp bốn chập chững những bước
chân trưởng thành, chập chững những suy nghĩ bắt đầu nhuốm màu cuộc sống của người
thiếu niên, rồi đến người lớn. Những nhân vật trong cuốn nhật ký đầy tuyệt đẹp ấy
là thầy giáo, cô giáo, những người bạn học, bố mẹ Enrico và cả bố mẹ của cả những
người bạn học khác, những lớp học, lễ hội, đường phố phả hơi thở Ý trong từng
trang giấy. Tất cả những yếu tố ấy tạo thành một xã hội thu nhỏ trong con mắt của
cậu bé. Trong cuốn nhật ký ấy, trường học sẽ là nơi tiếp xúc với tri thức, nhà –
gia đình cũng là nơi tiếp xúc với tri thức, tình cảm và bài học. Đường phố sẽ là
nơi tiếp xúc con người ở mọi tầng lớp xã hội, dù là nơi nào – một công trường đầy
những người lao động hăng say, là trường học với những bài học hữu ích và những
người bạn tốt hay gia đình là nơi vỗ về và chia sẻ thì đều tựu chung lại định hình
khối óc và nuôi dưỡng tâm hồn.
Mình hôm nay dọn kho bỗng thấy những
cuốn nhật ký được cất trong cái túi dứa, nó vẫn ở đấy im lặng cất giữ những kí ức
của mình. Và thực sự mình cảm thấy, việc viết được ra những sự vật sự việc và tư
tưởng của mình điều đó thật tuyệt vời như hiện tại mình đang viết về cuốn sách đây.
Lâu lắm rồi mình không viết nhật ký, mình cũng đã xóa mất trang blog của mình và
mình chọn mượn những cuốn sách mình đọc để tỏ bày. Thực lòng mà nói, dù mình 22
tuổi không còn lại cô bé lớp ba lớp bốn chạy huỳnh huỵch đánh nhau với lũ bạn nữa
mà đã đi làm, có công việc nhưng chợt nhật ra cuốn nhật ký của chú bé này dành
cho cả người lớn. Bởi chính mình, trông có vẻ đủ tri thức, có bằng đại học, có
công việc nhưng rốt cục có vẻ tâm hồn mình đã khiếm khuyết, đôi mắt của mình đã
đui mù không tỉnh táo nhìn nhận khách quan thậm chí dùng sự ích kỉ chủ quan của
mình để đánh giá và hiểu lầm. Đặc biệt mình đã từng dùng lời nói gây sát thương
với người khác trong năm qua.
Những thầy giáo, cô giáo. Khi
đọc xong mình đã rất phấn khích và mong muốn viết luôn về chủ điểm này khi đọc.
Xuất hiện trong cuốn nhật ký là mẩu chuyện về cô giáo lớp dưới của cậu, thầy giáo
lớp bốn (có bản dịch là lớp ba), thầy hiệu trưởng, cô giáo của em cậu, người thầy
dự bị,…và cả người thầy ngày xưa của bố. Trong cuốn sách này mình thấy đắm chìm
trong những bài học trên trường là lời dạy về sự can đảm, lòng thương yêu, sự
biết ơn, việc chịu trách nhiệm với lỗi lầm với công việc của mình. Những mẩu chuyện
ấy qua con mắt trẻ thơ của Enrico mình bỗng thấy giống như một khúc giao hưởng
vừa hùng hồn thiêng liêng mà cũng thật dịu êm về hai chữ “làm thầy”.
Người thầy lớp bốn (ba) của Enrico
là thầy Perboni, xuyên suốt câu chuyện ấy mình chỉ thấy hiện lên những đức tính
cao cả của người thầy. Chính những lời nói tha thiết của thầy ngay từ hôm đầu gặp
mặt lớp đã khiến cả những đứa học trò không nghiêm túc phải cúi mặt.
“Nghe đây, các con ạ! Chúng ta
sẽ sống chung với nhau một năm, thầy trò ta đều cố gắng làm sao cho năm nay thật
tốt. Các con phải chăm và ngoan. Thầy không có gia đình. Chính các con sẽ thay
cho gia đình của thầy. Năm ngoái thầy còn mẹ, nhưng năm nay mẹ thầy đã mất rồi.
Nay thầy chỉ có một mình, thầy chỉ còn các con trên đời này nữa thôi. Thầy chẳng
còn ý nghĩ nào, tình cảm nào ngoài các con ra. Các con phải là đàn con của thầy.
Thầy sẽ rất thương các con, và các con cũng phải thương thầy. Thầy không muốn
phải phạt một ai. Các con hãy tỏ ra cho thầy thấy là những đứa trẻ chân thành,
dũng cảm. Trường học của chúng ta sẽ là một gia đình, và các con sẽ là niềm an ủi
và niềm tự hào của thầy. Thầy không yêu cầu các con phải trả lời, vì thầy tin
chắc rằng trong lòng tất cả các con đều đã nói “vâng ạ”, và thầy xin cảm ơn các
con.”
Xuyên suốt trang nhật ký ấy, chẳng
có trang nào ghi thầy đanh thép quát mắng, cũng chẳng có trang viết nào mang nặng
giáo huấn. Kể cả khi nằm bệnh trên giường, bất cứ người học trò nào đến thăm thầy
cũng hỏi han gia đình và dặn dò hết sức cậu học trò ấy nên làm gì. Và trong căn
phòng nhỏ của thầy, trong không gian ở tại chính ngôi nhà thầy vẫn có màu sắc của
cô cậu học trò ấy là những bức ảnh kỉ niệm của học trò treo trên tường, thầy
mong muốn rằng khi cái chết cận kề, khi ngọn đèn dầu cuộc đời le lói chợt tắt ánh
nhìn cuối cùng vẫn hướng về những người học trò ấy. In đậm tâm trí mình khi thầy
dịu dàng với người học trò ngủ gật vì mệt mỏi, thầy dịu dàng nói đó là mệt mỏi
của lao động không phải biếng nhác. Ngẫm lại mình, nhớ năm lớp mười mình ngủ thầy
có nhắc về sau chả biết sao thầy biết mình nhà xa đi hơn 20km ngồi xe bus từ thị
trấn ra nội thành học, thầy chẳng nói nữa. Nhưng ngẫm nghĩ mình vẫn thấy xấu hổ,
lẽ ra mình chẳng nên cư xử như vậy, lẽ ra mình nên biết sắp xếp thời gian thay
vì ngủ như thế. Rồi đến năm đại học, cái ngủ gật của mình không phải mệt mỏi vì
đường xa nữa mà là sự chán chường. Lúc ấy mình không thích trường kinh khủng khiếp
nhưng cũng chẳng có gan để thi lại, cũng không có gan ngang nhiên bỏ học, cái
ngủ gật của một kẻ hèn nhát đã phải thức tỉnh khi gặp giảng viên trên trường.
Rồi đến cô giáo lớp trên, ngay cả
khi cơ thể nhỏ bé ấy oằn mình vì bệnh tật đến kiệt sức nhưng người giáo viên ấy
vẫn cố gắng những bước đi mệt nhọc, dùng cả sức hơi tàn cuối cùng để xoa đầu, nâng
niu những mái tóc trẻ thơ, và cỗ gắng xong bài giảng cuối cùng như một sứ mệnh
của thiên thần. Lẽ ra cô giáo ấy nếu được nghỉ ngơi, bệnh tật không cướp cô đi
nhanh đến thế nhưng cô vẫn muốn thời gian còn lại – sức lực còn lại dành cho những
học trò bé bỏng. Cô giáo ấy dù mệt mỏi nhưng chả mấy khi than phiền, cô chỉ
quan tâm những em học sinh của mình và rồi cô mất ba ngày trước khi kết thúc chương
trình. Rồi đến thầy dự bị cảm thấy biết ơn khi Garrone đứng ra dạy dỗ những trò
ngỗ nghịch.
Người thầy già của bố Enrico, đau
đáu vì tuổi già – vết tích của thời gian đến khiến thầy không thể làm công việc
mà thầy đam mê đến cháy bỏng nữa. Về già, không còn sân trường đầy nắng, không
còn lớp học ê a, không gian của thầy là căn phòng nhỏ, đồ dùng đơn giản. Những
gì đầy ắp sắc màu tô điểm cho căn phòng ảm đạm là những tập vở học trò được cụ
lưu trữ đánh số rất cẩn thận. Một đời giao viên 60 năm bao thế hệ trôi qua ấy vậy
cụ vẫn nhớ từng người học trò của mình.
Những người bạn của Enrico,
tại ngôi trường xinh đẹp của Enrico nhiều học trò với nhiều hoàn cảnh,
nhiều tính cách khác nhau nhưng tại đây dưới mái trường này, các em ngang bằng về
địa vị.
Coretti, tuổi còn nhỏ nhưng cậu đã
phải lăn lộn với việc kiếm tiền nhưng cậu không dùng hoàn cảnh đó để làm lá khiên
cho mình được phép không cố gắng. Cậu học trong lúc làm việc, lúc khuân đồ và
chăm người mẹ bị ốm. Ở cậu thiếu niên ấy là một cậu bé có nguồn năng lượng tích
cực, và khi Enrico vô tình tổn thương cậu, chính cậu là người chủ động làm hòa bởi
với cậu, cậu trân trọng tình bạn này hơn bao giờ hết.
Garrone là một người anh cả, che
chở cho những bạn học bé khác nếu bị bắt nạt; ở cậu chính là điểm sáng của lòng
tốt, điểm sáng của sự dũng cảm và lòng hiếu thảo. Cậu vốn là một cậu bé mạnh mẽ,
nhưng khi cậu mất đi người mẹ yêu dấu đáng kính, mình bỗng thấy ấy giống một đứa
trẻ tội nghiệp – mình biết là hơi không đúng lắm khi thấy tội nghiệp một cách
thương hại nhưng mình hiểu rằng mất đi người thân là điều gì đó rất kinh khủng.
Như cả hai mùa bận, kì lạ là hai mùa bận mình đều có người thân mất, mình lúc ấy
đã khá bình thản nhưng sau dần bức tường thành mạnh mẽ của mình cứ vỡ dần khi mình
nhận ra tiếng gọi người đó chỉ có thể lưu giữ trong lòng, mình không thể ăn món
ăn người đó nấu, cũng không thể còn bé bỏng ê a bảng cửu chương với người đó, cũng
không thể hỏi thăm sức khỏe – một câu giao tiếp cơ bản vì người đó đã đến thế
giới khác. Mình vô cùng thích sự đồng cảm của những đứa trẻ khác với Garrone.
Nelli bé nhỏ gầy gò, luôn xanh
xao và luôn được bảo vệ nhưng tiết thể dục sự dũng cảm của cậu vượt lên cả nỗi
sợ, vượt lên sức khỏe yếu ớt, cùng sự dũng cảm đã chinh phục được cây cột đó.
Hay Stardi, người chăm chỉ, luôn tập trung học nâng niu từng cuốn sách từng cuốn
sách như báu vật đã nhận huy chương không còn là “dường như chẳng hiểu bài cho
lắm”. Thực ra, nếu có trí thông minh đó là món quà của thượng đế vì làm việc sẽ
dễ hơn, nhưng sự cần cù chăm chỉ vẫn có thể dẫn dắt đến thành công, sự siêng năng
vẫn có thể dẫn lối cho trí tuệ.
Crossi con dì bán rau quả, bị liệt
một bên cánh tay, rằng không phải người cha ở Mỹ mà là tù nhân mới ra tù. Mình đã
từng tự hỏi liệu gặp một người mới ra tù, mình sẽ làm gì, sẽ e sợ tẩy chay hay
sẽ đối xử bình thường. Thực ra câu hỏi này mình vẫn chưa trả lời được, mình đã
xem những bài post bài báo về việc này, qua cuốn sách này mình lại càng cảm thấy
ngưỡng mộ những đứa trẻ nhân hậu đối xử đồng cảm với người bạn của mình, chúng
chỉ đơn thuần nghĩ rằng Crossi không hề có lỗi, cậu là người bạn cùng lớp. Liệu
rằng bất cứ ai đọc câu chuyện này, trái tim ta mách bảo điều gì.
Precossi con trai bác thợ rèn lúc
nào cũng sợ sệt xin lỗi và xin phép, không may mắn như bao đứa trẻ khác lại bị
bố mình hành hạ, đêm ngày chìm trong men rượu. Bố cậu trong cơn say không biết đã
làm đổ vỡ bao nhiêu thứ, đã làm đau đứa con trai bé bỏng của mình. Thế nhưng cậu
bạn lúc nào cũng sợ sệt ấy đã bằng tất cả sự nỗ lực đã đạt thành tích cao và thậm
chí thay đổi cả người cha của mình. Chính con người nhỏ bé ấy lại là thiên thần
đánh thức lương tri, đánh thức bản năng của một người cha để sống giống đúng một
con người, một người cha.
Và còn rất nhiều câu chuyện khác,
chính những người bạn của Enrico đã truyền cho cậu động lực, lòng nhân ái, sự kiên
trì. Có lúc cậu đã mắc sai lầm, có lúc cậu đã vô tâm nhưng khi soi chiếu với câu
chuyện của những cô bé, cậu bé đó chính cậu đã nhận ra bản thân mình cần làm gì.
Chính sự nỗ lực, lòng hào hiệp của những người bạn đã làm tròn đầy hơn trái tim
của người thiếu niên. Sau này, những đứa trẻ đó rời mái trường sẽ có những ngã
rẽ cuộc đời khác nhau, có người sẽ may mắn hơn được học cao hơn nhưng có những
người sẽ bước ngay vào đời. Nhưng dù thế nào họ vẫn là những cô cậu có trái tim
hào hiệp, đôi bàn tay trong sạch để kiến tạo cuộc đời mình. Và chúng sẽ mãi là
những người bạn thân thiết.
Tháng này mình đã gặp những người
bạn cũ của mình, mình suy nghĩ một câu nói của bạn mình rằng họ quý mình vì dù
họ không phải người giỏi nhất mình vẫn chơi với họ. Thực lòng những người bạn của
mình, có những người lăn lộn làm quán cà phê, có những người có thể điểm thấp hơn
mình nhưng tựu chung lại họ đã bước qua đời mình và đã đồng ý làm bạn của mình.
Vì thế mình tôn quý họ hơn bao giờ hết bởi với mình, họ giữa bao nhiêu người có
thể chọn làm bạn họ đã chọn tin tưởng mình. Thật vui khi người bạn chả mấy khi
gặp nhưng khi gặp lại có nhiều thứ để nói, nhiều khi chợt nghĩ hóa ra đôi khi hạnh
phuc chỉ đơn giản như vậy, tự dưng vào quán cà phê gặp lại người bạn cũ và ngồi
nói chuyện mãi không dứt.
Những ông bố, bà mẹ
Khi đọc những bức thư cha mẹ Enrico
gửi, khi mình đọc cảm tưởng từng con chữ này găm thẳng vào tim mình bởi mình nhận
ra mình cũng là một đứa con hư đốn, mình cũng làm tổn thương cha mẹ mình, và mình
cũng từng là người hèn nhát. Mình cũng cực kỳ thích khi bạn bè Enrico đến chơi,
có bạn là con bác thợ nề, thợ rèn áo dính đầy sơn nhưng họ đã giáo dục Enrico rẳng
nhưng vết sơn đó xuất phát từ một lao động chân chính nên nó không phải là một
vết bẩn kinh khủng, họ cất ngay bức tranh anh hề gù vì nếu để bức tranh đó sẽ vô
tình làm tổn thương người bạn bé nhỏ của Enrico. Mẹ của Enrico ôm ấp những đứa
trẻ khác bằng tình yêu thương như những đứa con của mình, bố của Enrico giúp đỡ
gia đình gánh xiếc không nề hà, và tinh tế gửi lại lời nhắn khơi gợi Enrico khi
người bạn của Enrico say mê chiếc tàu hỏa (nhưng mình đã thấy rất vui khi Enrico
đã chủ động tặng lại món quà đó). Có lẽ khi bản thân mình yêu thương người khác
đến mức vượt lên cả sở thích và bản thân mình, lúc ấy mới thực sự là lòng nhân ái.
Bố mẹ Enrico đầy tinh tế quan sát để dạy cho Enrico mở rộng tầm mắt của mình, mở
rộng trái tim mình để trở thành một người tử tế và hào hiệp. Họ dạy Enrico yêu
tổ quốc của mình, tôn trọng nhớ đến lịch sử ông cha mình. Và kì lạ thay, đọc những
trang văn hùng tráng về lịch sử Ý mình bỗng thấy năng lượng hào sảng đó lan sang
mình, và xúc động biết bao khi một ông bố nói rằng hi sinh của ông ấy với nhà
vua chính là máu của chính mình.
Và kể cả người tù nhân số 78, thực
ra không có trang nào viết cả nhưng mình vẫn trộm nuôi một suy nghĩ rằng, động
lực ông ấy học một cách nghiêm trang, tiếp nhận tri thức như một món quà lớn có
lẽ ông ấy muốn bản thân mình là người tử tế nhất có thể, có học thức nhất có thể
để trở thành mẫu người có thể làm bạn với con, có con chữ để có thể đồng hành với
người con bé bỏng. Hoặc tiếp thu tri thức là một điều tốt đẹp. Thực lòng mình
không dám nghĩ nếu ngừng học thì cuộc đời mình sẽ ra sao, có lẽ mình sẽ quay trở
lại một người với đầu óc đui mù và thiếu đi ánh sáng.
Chính ý nghĩa cao cả của việc học
ấy, trẻ em đến trường, người lớn cũng đến trường để học những con chữ bằng tất
cả sự hăng hái, và nhất là những ông bố đã có những con thơ. Họ học tập để hiểu
biết tri thức nhân loại, họ học bằng tất cả sự say mê quên đi sự mệt nhọc nơi công
trường, họ phải gồng gánh con chữ và cơm áo gạo tiền.
Còn rất nhiều ông bố bà mẹ khác làm
đủ mọi ngành nghề, mọi tầng lớp mọi hoàn cảnh, nhưng dù sang hay hèn, nghèo hay
giàu đứng trước cổng trường họ nói chuyện với nhau như bạn bè. Chả hiểu sau kí ức
của mình lại nhớ về hồi thi chuyên, trời nắng lắm, bố mình vẫn đợi mình ở ngoài.
Lúc ấy đề thi thật khó nhưng mình tủi hổ nếu mình ra ngoài mang vẻ mặt mệt mỏi
và cáu kỉnh, mình thấy thương vì bố mình đã bỏ thời gian quý báu để chờ đứa con
gái ngốc nghếch hoàn thiện bài thi này. Chính lúc ấy mình đã cố gắng hết sức mình
rất nhiều, tuy nhiên có lúc mình không làm được ở kỳ thi lớn, mình tủi hổ vô cùng
khi bước chân ra cổng trường. Sự thất bại đó mãi là kỉ niệm găm vào trí óc và
con tim mình nhiều dặn mình về sự trách nhiệm với chính cuộc đời của mình. Bởi
sau này mình đã đơn phương độc mã để đi thi không còn bước chân đồng hành của bố
mẹ, mình phải làm chủ và chịu trách nhiệm với chính mình.
Trường khiếm thị, trường cho những đứa trẻ còi xương,
Ngày xưa trường tiểu học của mình
bên cạnh một trường khiếm thị, thực ra mình chưa có cơ hội tận mắt để nhìn thấy,
mình chỉ biết thật kinh khủng nếu không nghe được những âm thanh của cuộc sống,
không nhìn được những sắc màu của đời, và cũng không thể nói được những lời cất
giấu trong tim. Mình nhớ ngày ấy mình đi tình nguyện, trong lớp học có duy nhất
một đứa trẻ bị điếc, mình hiểu rằng bị điếc không học được, tâm trí trong thân xác
9 tuổi không khác gì một đứa trẻ 6 tuổi đã là điều gì thiệt thòi rồi, mọi người
thì thấy khó khăn khi tiếp xúc. Mình cũng vậy, nhưng mình vẫn nói, mình vẫn bảo
em ăn đi, em đừng nghịch, mình vẫn ra hướng dẫn. Trong một lần mình bị những đứa
trẻ khác nghịch quá bắt nạt, chính đứa trẻ ấy lại ra bênh mình. Và có lẽ cuộc đời
này của mình sẽ chẳng có cái ôm ý nghĩa khi ngày cuối cùng, mình ôm lấy em vì mình
cảm thấy mình chẳng có gì cả ngoài cái ôm đầy thông cảm và xót thương của mình.
Thực ra cuốn sách không dạy bạn
phải làm gì, không nên/không được làm gì mà từng câu từng chữ tuôn dài như suối
chảy sẽ ôm ấp bạn và đánh thức trong bạn câu hỏi rằng: liệu làm vậy có đúng hay
không, liệu làm vậy ta có đang tổn thương ai không, ta đã mạnh dạn nói lời xin
lỗi hay chưa. Mình không biết lại tiếp tục chi tiết thêm về những chuyện đọc hàng
tháng, bởi mình nghĩ rằng phải chính ai đó đọc được mới thấu hiểu được nguồn năng
lượng đó, mới thực sự thấm thía. Thật không bất ngờ khi đến tận bây giờ, cuốn sách
vẫn dành một vị trí lớn trên những kệ sách bây giờ vì giá trị nó mang lại,
trong đó nó đã tác động đến mình. Có lẽ đây không đơn thuần là trang nhật ký học
trò, nó còn hơn thế, nó là những trang viết về tình người, nghĩa cử cao đẹp, lòng
tự hào dân tộc; những câu chuyện đó không chỉ dành cho trẻ em mà còn dành cho cả
những người lớn trong xã hội.
Nhận xét
Đăng nhận xét