[2023] 11/35 - HẠ ĐỎ
Thực ra mình vốn là người không thích đọc dở cuốn này mà đã đổi cuốn mới, thế mà mình đang đọc dở cuốn Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng, mình đã chuyển sang đọc cuốn này. Cuốn này chưa đến 200 trang, mình đọc trong một buổi tối. Cuốn này đọc cũng khá đúng dịp, khi đang mới chớm hè.
Cá nhân mình vốn không thích mùa
hè, vì tiết trời của hè khiến mặt mình lúc nào cũng khó chịu (có ai cũng như mình
không) thế nhưng loài hoa mình thích phải tầm tháng 5 mới nở đó là bằng lăng, mùa
của chia tay của học trò. Khi sắc tím bằng lăng đã điểm, là thời điểm của những
mùa bế giảng, năm nay là năm đầu tiên mình đón mùa hè khi không còn trên ghế nhà
trường, mình chưa biết cảm giác đó thế nào nữa. Mở đầu câu chuyện là không khí ôn
thi của trò lớp 9 tên Chương, ôn thi đến gầy người nên về quê nhà dì Sáu đổi gió.
Đoạn này lại khiến mình nhớ mình của những năm lớp 9, mình ôn thi vất vả hơn cả
mình ôn thi đại học vì mình ôn thi vào hai chuyên: chuyên Anh và chuyên Văn. Mình
thì chẳng chắc chắn điều gì khi học trong lớp toàn bạn giỏi, khi mình thi xong,
mình còn chưa tra điểm mình, có ai đó bằng cách nào đấy đã có số báo danh của mình
“tra hộ” mình rồi. Trong câu chuyện này, chàng Chương cũng vậy ôn thi và gắn chặt
với canh bí đỏ. Nhưng vài cái đoạn ôn thi này chỉ làm nền cho cả một câu chuyện
dài, một sự luyến tiếc, một câu chuyện tình yêu trong thầm lặng.
Mình luôn thích những câu chuyện
bác Ánh bởi một đứa vốn từ bé chỉ ở thành phố như mình rất ít khi biết về cuộc
sống tuổi thơ của những đứa trẻ thôn quê
như nào, và kể cả hồi bé có ở thành phố, mình cũng chỉ sống trong nhà. Khi mình
sinh ở nước ngoài, sau về VN thì những năm đầu của mình cũng chỉ loanh quanh trong nhà với
ông, lên đến Hà Nội thì va luôn vào những năm cuối cấp hai chỉ có học đội tuyển,
ôn thi. Lên cấp ba thì mình chỉ có gắn với xe bus và có đi chơi xíu. Lên đại học
thì hai năm ở với Covid rồi. Nên có thể nói mình là đứa nửa mùa, ở quê cũng không
biết mà ở thành phố cũng dở dở. Chẳng cuốn nào của bá Ánh miền quê nào giống nhau
cả, mình trộm nghĩ rằng có khi nào đây cũng là một ngôi làng của bác và mỗi góc
của ngôi làng xinh đẹp ấy được cho vào những cuốn chuyện khác nhau không. Lúc này
đang gõ những dòng này, mình vẫn đang tưởng tượng ra con suối, với đồng ruộng,
cùng hàng cỏ may chuyên chở tình cảm của chàng Chương.
Chương, một chàng trai 14
tuổi mới thi xong lên cấp có mùa hè đáng nhớ ở quê đổi gió cho có da có thịt,
nhưng có lẽ sau mùa hè ấy không chỉ có da có thịt ở chân tay có khi trong trái
tim chàng trai ấy đã đầy hơn trước. Trái tim của chàng trai mới lên có những ngân
rung của tình cảm, có nỗi đong đầy suy nghĩ về một người. Sau đấy, chàng quay lại
thành phố có thể gặp nhiều người hơn nhưng có lẽ câu chuyện với cô bé ấy cả đời
chàng cũng không thể có lại được cảm giác vừa hi vọng, vừa vui vẻ, vừa mong chờ,
vừa suy nghĩ, lại vừa buồn ấy. Thực ra gần đây, mình có chơi một trò bé bé vui
vui là viết vài câu về những người mình thích trong quá khứ, mình cũng đã lớn cũng
đã tầm hai mấy rồi viết về những câu chuyện của hồi đi học ấy, những câu chuyện
cái kết thường là nuối tiếc và có lẽ bây giờ trong đầu óc của người đi làm là mình
– nó bé tí chả thấm vào đâu so với lo nghĩ về tương lai của mình hiện tại. Nhưng
thú thật, qua những câu chuyện đó mình nhận ra, những tình cảm ấy bồi đắp thêm
cho mình rất nhiều thứ, dù có phải tắm cơm mưa thanh xuân lần nữa, mình vẫn chọn
lại bởi nếu không có nó thì chằng có mình của hiện tại. Nên mình hiểu những tâm
tư của chàng Chương với cô bé đó.
Chương của đầu câu chuyện, thích ăn
quà, thích đi bắn chim, ham đánh rồi đi học võ của người anh mà Chương mến. Chương
của đầu câu chuyện, bằng cái tôi của một thanh niên, có thể nói khoác về bản thân.
Chương của đoạn sau, không thể nói khoác, cũng không thể dối lòng, cũng không
thể phủ nhận tình cảm của bản thân.
Út Thêm, mình nhớ nhất ở
nhân vật là nhân vật chưa biết đọc vì đơn giản là mình thương. Điều đó mình lại
nhớ đến ngôi trường tiểu học Lào Cai mình làm tình nguyện năm ấy, những cuốn sách
quyên góp tụi mình mang lên mình gặp nhiều thậm chí riêng phòng mình đã có đến
bốn giá sách; số sách mình có cũng phải bằng 1/3 cái thư viện mình dự án lập
cho các em (nếu không tính sách giáo khoa) nhưng các em thấy những cuốn sách đầy
màu sắc đó thì rất lạ. Khu nội trú của các em nhỏ, ở sân có cái bếp củi to đùng,
nên khi mình đọc Út Thêm chưa biết đọc mình rất thương vì đối với mình, việc đọc
được những cuốn sách, đọc được những tinh hoa văn học là điều gì đó rất ý nghĩa,
khi biết đọc mình cũng có thể đọc những lá thư chuyên chở tâm tình, có thể đọc
những thứ đơn giản phục vụ cuộc sống, có thể đọc những giá trị lớn như văn học
hay bản nhạc. Út Thêm phải 16 tuổi, cái tuổi mà mình chưa bao giờ nghĩ đến chuyện
lập gia đình (thậm chí cho đến bây giờ, mình vẫn chưa tưởng tượng rõ mình sẽ xây
dựng mái ấm gia đình thế nào), và Út Thêm sắp lấy chồng. Cuộc đời không được đi
học, phải mưu sinh từ nhỏ và sẽ chuyên chở sự mưu sinh trưởng thành ấy từ 17 cho
đến hết đời, có khi gắn với ngôi làng đó và ít khả năng được khám phá thế giới
ngoài vòng ngôi làng nhỏ đó.
Mình cũng không nghĩ Út Thêm ngây
thơ không hiểu tình cảm của Chương, dù trong truyện tất cả dữ kiện cho thấy Út
Thêm ngây thơ, trong sáng, mộc mạc và không hiểu. Thực ra năm mình 14 tuổi, có
bạn nam đã nói với mình rằng “chả lẽ m không nhận ra t thích m thật sao”, thực
ra là mình có ý thức được về đoạn tình cảm đó, nhưng mình vẫn phải thật ngây thơ
không nhận ra vì mình muốn vẫn là bạn bè của bạn ấy, mình không muốn mình nói rằng
mình không thích để rồi sau này chẳng có sau này nữa. Nên mình chọn là người trông
không biết gì. Nên mình vẫn mảy may một luồng suy nghĩ cô gái 15 16 tuổi đó không
muốn cả hai cùng khó xử, hơn hết Chương cũng 14 tuổi, hết hè chàng trai ấy về
thành phố còn tương lai rộng dài phía trước, không phải nói quá nhưng Chương đâu
thể hiểu được nỗi lòng của Út Thêm một cô gái đỡ đần cha mẹ từ sớm. Và nếu có đến
với nhau, có thật ranh giới giữa một người sau này được ăn học đàng hoàng tương
lai đón chờ - một người phải từ bỏ việc học sớm sẽ thật sự xóa mờ hay không. Đoạn
cây cỏ may cuối bài, vừa day dứt vừa tiếc nuối, và trong tâm trí mình cỏ may cuối
truyện giống như lời từ chối khéo, hoặc như lời nhắc nhở để cho gió cuốn câu chuyện
này đi.
Thơm, lắm lúc mình đã nghĩ
có khi nào Chương hơi bất công với Thơm chăng vì chẳng rõ ràng, và cô bé Thơm ấy
có lẽ cũng đã biết trong tâm trí chàng trai ấy đã có hình bóng ai. Bởi nói thật,
cũng chẳng thiếu thời gian để thấy Chương chờ ai buổi trưa, cũng chẳng mập mờ đến
mức không hiểu Chương xuống xóm Miễu làm gì. Thơm vẫn chờ Chương với những câu
chuyện thành phố, hay chờ vì sự mến thương của người con gái với chàng trai
kia.
Thực ra nếu mình của những năm tháng
trước sẽ thấy buồn, nhưng cái kết này mình
thấy hợp lý vì thực tế về khoảng cách rất rõ, và thực lòng tình yêu chuyên chở
của tuổi học trò chàng Chương chưa vướng bận nỗi lo về mưu sinh, còn cuộc sống
của Út Thêm đã oằn mình từ khi cô bé kết thúc việc đi học. Mình đã từng mộng mơ
nghĩ chẳng có khoảng cách gì, nhưng đến khi dần lớn lên khi trải qua những đổ vỡ,
cãi vã mình mới hiểu. Tuy biết là hợp lý nhưng nói sao nhỉ, có chút gì đó trong
mình vẫn buồn man mác, khó tả.
[ĐOẠN CHỈ VIẾT TRONG BLOG]
Mình đọc cuốn này vỏn vẹn tối thứ
7 trong tình trạng khá buồn cười, mình của năm ngoái đọc cuốn Con nhân mã ở
trong vườn trong tình trạng bị sốt, chóng mặt vì ốm. Còn mình của năm nay, mình
bị ngộ độc thức ăn, mình nôn thốc nôn tháo từ văn phòng cho đến về nhà, khi đi
xe máy về nhà, gió rất to còn người mình đầy mồ hôi vì đau bụng. Về đến nhà, mình
nằm vật ra giường, sự mệt mỏi đó chưa thấm vào đâu khi mình nhận ra mình chưa xử
lý xong con job với mấy trăm hóa đơn và càng khốn hơn là mình không thể nhờ ai được.
Mình nhân tiện còn trúng gió luôn, nhưng sau giấc ngủ rất dài, mình đã có thể
ngồi dậy. Và điều đầu tiên mình làm là mình mò ra giá sách mới đóng tuần trước,
và chọn cuốn này. Lúc này việc đau bụng và đau người rất hiện hữu, nhưng mình vẫn
đọc nó – đọc một mạch, và sáng nay thì viết một mạch như vậy. Sau cái trận ốm này,
mình nhận ra, mình cũng không thể bắt người khác chịu trách nhiệm cho những công
việc của mình, mình cần tự giác cố gắng để hoàn thành thôi. Và chính cái lúc ốm
này, mình lại càng yêu thích những cuốn sách của mình hơn. Mình sẽ cố gắng đọc
hết cuốn Thương nhớ mười hai để review đây.
À mình của năm hai mấy chả hiểu
sao không còn thích nghe EDM hay gì nữa, mình lại nghe mấy bài nhạc sáng tác bởi
nhạc sĩ Phú Quang, thấy cuốn hút hết cả hồn phách khi nghe Opera, rồi thơ thơ
thẩn thẩn nghe mấy hát đã cũ.
Nhận xét
Đăng nhận xét