[2023] 9/35 - CÔ HỌC TRÒ GIỎI GIANG



Trên dưới năm sáu lần mình đã đọc cuốn sách này và lần nào đọc mình đều không thấy chán. Mình được mua cuốn này khi mình còn ở Hải Phòng, mẹ mình có đi đám cưới người bạn cùng lớp. Trong mắt đứa trẻ chỉ tối ngày đi học về nhà và chơi trong con ngõ nhỏ, thủ đô là điều gì rất xa xôi, cho đến cả hiện tại mình làm việc ở nội thành mình vẫn luôn thấy Hà Nội đầy màu sắc và đầy bí ẩn với mình. Dường như mình đã vô số lần thấy mình không hợp khi ở đây bởi mình quê và có khi còn đọc sai tên một số nhãn hiệu. Những vấn đề cỏn con ấy với mình sẽ tạm quên khi đọc cuốn sách này. Qua dòng chảy của thời gian, cuốn sách vẫn luôn yên vị một góc trên giá sách của mình, luôn theo dõi quá trình trưởng thành đầy chông gai của mình. Hồi bé mình đọc nó mình thích, vì nó hài, vì nó viết về những cô cậu cũng chỉ bằng tuổi mình. Lớn dần, khi mình đã trải nghiệm nhiều hơn, cuốn sách lại đem đến cho mình suy nghĩ về giáo dục, hài mà châm biếm, châm biếm mà hài để người ta cười, và khi cười chợt giật mình nghĩ có khi nào chính mình đã là những người vô tình cắt đi đôi cánh của trẻ thơ, hoặc ta vô tình chưa thực sự lắng nghe. Những người đọc trước kia thấy đồng cảm (là mình) thì sẽ thấy mình có trách nhiệm ghi nhớ để không làm điều đó với những đứa trẻ mình gặp sau này.

 

Bệnh thành tích, câu chuyện thi chạy rồi câu chuyện trường điểm rải rác trong cuốn sách này và không chỉ tận ở bên người bạn nhà hàng xóm sát vách Việt Nam mà bản thân mình cũng từng trải qua chuyện đó và những người khác mình gặp. Ngày đó, mình không học giỏi toán lắm nhưng bố mẹ nhất quyết xin mình vào lớp chọn, sau này nhận học bạ mình thấy góc quyển học bạ đó có ghi mình nguyện vọng vào lớp. Một cô bé 11 tuổi ấy là mình rất xấu hổ và thậm chí kể cả khi lớn lên mình học tốt hơn nhưng mãi với mình vẫn là một vết nhơ. Một vết nhơ nhắc mình rằng có khi nào chính mình đã không cho người xứng đáng hơn ngồi vào lớp đó hay không. Một người cô mình quen biết cũng nói với mình rằng lẽ ra không nên để em nhà cô ấy vào lớp chọn chỉ vì cô ấy thích để rồi bây giờ em ấy vẫn là không theo được. Câu chuyện nêu cao thành tích trong giờ học để rồi giáo viên bắt ép, để rồi học trò không thành thực, điểm số chỉ là 99.5 đến 100 điểm thành những áp lực và tạo khoảng cách giữa trẻ em – người lớn.

 Sự thành thực – trong câu chuyện chim sẻ, người phải gánh tội thay. Chính những cái gọi là 100 điểm chính cái hoàn hảo ép buộc trong khuôn khổ của người lớn khiến cho trẻ em tự dưng trở nên thiếu thành thật, khi lựa chọn chối bỏ trách nhiệm, lựa chọn gán ghép tội cho người khác. Hay câu chuyện lớp thi chạy, những phong trào khuyến khích trên mặt giấy tờ nhưng thực chất không hề khuyến khích học sinh mà khiến cho chúng điên cuồng trong việc nghĩ ra mọi thủ đoạn để qua việc. Và trong những câu chuyện in trong sách, có nhắc đến chữ quyền lực – một cô bé vì xấu hổ những hành động của cha mà nhất quyết bỏ nhà đi, một cậu bé không chịu được mùi xe ô tô mà trở nên trầm uất. Đó là sự thiếu sót của người lớn khi không lắng nghe và thậm chí chưa sửa mình. Dẫu biết con người không thể không có những sai sót nhưng những người làm cha mẹ đâu đó vẫn là những tấm gương phản chiếu để trẻ con học tập. Cuốn chuyện này mình được đọc năm 2012, giờ là năm 2023 cũng hơn 10 năm, 10 năm với sự phát triển không ngừng, trẻ em tiếp cận đến thông tin thì càng nhanh chóng, chúng bắt đầu đặt nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề hơn đòi hỏi những người lớn cần đưa ra câu trả lời đúng đắn, để đúng đắn thì chính bản thân chúng ta phải là người tử tế trước. Khi đọc câu chuyện những người thầy cô giáo học tập theo sách tham khảo mình cũng chợt nhớ đến người thầy dạy văn của mình trước kia ung dung với cuốn sách bạc màu rồi kể những câu chuyện, chẳng có văn bản nào tham khảo. Chính cách dạy đó cũng ảnh hưởng đến những bài viết mình sau này, chính là những bài viết sách mình vẫn hay viết. Mình cảm thấy điều đó thật tốt vì chính mình đã tự có ý tưởng, tự hệ thống ý tưởng của mình.

 

Sự sẻ chia, trong câu chuyện với tên lưu manh, An An lại đứng ra cho một tên ăn xin – và từ đó là bạn. Một tình bạn không lời, dưới con mắt của người lớn là một tên nguy hiểm nhưng dưới con mắt trẻ thơ lại là một người bạn tốt. Việc người lớn lo sợ đó là một chuyện tốt, nhưng đừng để sự lo ngại của chúng ta biến thành một cái nhìn hằn học, thiếu chủ quan và đầy định kiến. Sự sẻ chia còn ở nhân vật Huy khi không muốn ăn khao bởi đơn giản chính việc mở tiệc sẽ càng là vết thương lòng với người bạn của em khi bạn ấy chưa đỗ vào ngôi trường trọng điểm.

 Định kiến, trong cuốn sách định kiến về người điên, cũng định kiến của người lớn cũng trút lên một đứa trẻ, định kiến của người lớn còn đổ lên cả đứa trẻ thiếu sự tự vệ bản thân, chỉ đi bán báo. Thực ra sự cảnh giác là cần thiết nhưng đôi khi trước khi ta tự ý đưa ra quyết định hãy lắng nghe câu chuyện trước khi vô tình cắt đi đôi cánh của chúng.

 

Cuộc đời của mình không phải trở thành người giỏi nhất cũng không phải trở thành một người tốt nhất vì đôi lúc mình vẫn xấu xa, mình thấy mình rất may mắn khi gặp những người thầy cô giáo đã kịp thời lắng nghe và cứu mình kể cả khi lúc ấy mình là đứa vi phạm kỉ luật. Nhưng thật may mình đã không bị bỏ rơi, trong cuốn sách này có những cô cậu học trò mặc định là yếu kém, mặc định là bất trị nên bị bỏ rơi và không để ý đến hoặc có để ý đến chỉ là sự hời hợt. Chính sự hời hợt của chúng ta có thể khiến những đứa trẻ đó rơi vào tận cùng của sự tha hóa.

Mình đã không còn thấy cuốn sách này bày bán (chắc chắn rồi) và cũng chẳng tìm thấy bất cứ bài viết nào trên GG hoặc hình ảnh của cuốn sách cũng không. Mình cảm thấy thật may mắn khi có trong tay cuốn sách này, thật hi vọng nếu ai đó có một lần được thấy nó hãy đọc nó vì thực sự đây là cuốn sách gần gũi nhất với mình về giáo dục. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ