[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

 
Thương nhớ mười hai và tản mạn, mọi khi bài viết nào cũng xưng mình, nay tự dưng lại muốn xưng “tôi”. Chữ mình tôi hay dùng vì thấy nó gần gũi với người đọc, thấy thân thương với ai yêu thích mấy cái văn xàm của tôi (nếu có), nhưng hôm nay tôi lại muốn dùng cái chữ tôi. Cái chữ mà tôi quyết tâm trốn không dùng sau khi rời ghê nhà trường, rời mấy cái bài thi vì thấy nó trang trọng quá. Ấy vậy hôm nay, tôi lại muốn phá lệ dùng cái chữ tôi mà xưng với người đọc vì, bỗng thấy chắc chỉ cái tôi này mới nói hộ được tiếng nói của tôi, mới thể hiện được “cái tôi” của bản thân, mới thể hiện sự trân trọng của tôi cho cuốn sách này.


Sống lại hẳn một năm, càng thời gian về sau, hình như đầu tôi thêm được tri thức nhân loại nên thấy tôi sống hơi vội. Bạn bè nói cái câu “bán thân cho tư bản” gán cho tôi âu cũng đúng, bán thân cho tư bản nên bán luôn cả hồn. Hồn tôi lúc nào cũng luật với thông tư, số liệu với văn bản, dần dà tôi bớt đi sự nhẫn nại và cảm thông với người khác. Ban đầu, tôi nghĩ rằng hay là từng tháng một mình đọc cho nó sống cho đúng nhỉ, ấy vậy cái dòng văn như con suối, trong vắt chậm rãi, mỗi câu văn như tãi chữ lại khiến tôi mê đắm mà đọc tiếp, đọc tiếp mãi để cho hết cái năm để nhớ lại mảnh đất tôi ở một năm nó chuyển mình qua những khoảnh khắc nào. Và gấp lại hẳn một năm trong cuốn sách hơn ba trăm trang, tôi thấy hình như mình còn hạnh phúc chán, ít nhất đi xây giấc mơ vẫn còn được, người thân vẫn còn để yêu thương, và may quá những điều tốt đẹp trong sách kể ra ít nhiều tôi cũng có trải nghiệm một ít.

Cái nhan đề “Thương nhớ mười hai”, bạn tôi hồi xưa có đọc bảo đọc mà thương lắm, tôi cũng chưa hiểu nó thương cái gì. Cái nhan đề thương nhớ mười hai là thương gì, sự u mê của tôi vẫn không thể nghĩ ra được mười hai đó lại chính là mười hai tháng chứ chả phải cái gì to tát cả. Là 12 tháng trong một năm, với những biến thiên của đất trời, thay đổi của con người chứ đâu xa lạ gì đâu mà đến giờ tôi mới hiểu.

Trước đây, tôi có cái thú vui viết nhật ký, sau rồi co ngắn lại viết cái phong cách Journal theo kiểu trẻ trẻ bây giờ, giờ thì bỏ hẳn. Hồi ấy nhật ký tôi mê đắm lắm, xưa không hiểu nghĩ ra nhiều kiểu nhật ký thế nào là nhật ký năm làm gì, nhật ký văn học theo yêu cầu, nhật ký này kia. Hồi ấy chăm viết bao nhiêu, về sau rút lại chỉ gạch đầu dòng, cuối cùng chẳng còn gì. Cho đến tận giờ, tôi vẫn chưa dám mở lại vùng trời kí ức ấy để đọc lại, khi xưa nữ sinh văn học ấy là tôi hay buồn lắm. Buồn quá nên sợ đọc lại nhỡ đâu mê thế nào lại buồn tiếp mất. Nên cứ thế, tôi cho rằng đầu mình nhớ là được rồi. Dần dà, nhiều việc những gì thấy, những gì đẹp cất vào ngăn kéo gỗ mục của con tim, gỗ nó mục mất rồi kí ức cũng mờ. Về sau này, tôi mới mượn những trang sách để ghi lại. Đến cuốn “Thương nhớ mười hai” thì nó không hẳn là ghi lại nữa, mà là sống lại, tôi nhận ra âu cái cảm giác bật tung cửa sổ đón gió, bật bài hát Em ơi Hà Nội phố thể hiện bởi ca sĩ Hồng Nhung, cầm cuốn sách này lên – cảm giác sung sướng khi gặp được cuốn sách như người bạn tâm hồn, như tri âm lại kỉ niệm, như reo vui sau mấy ngày rét nồm nó nó thật sự khó tả và tôi nhận ra, sự sung sướng này chỉ đơn giản thế này thôi sao. Ấy thế là tôi sống.

Chao ôi, cái nỗi nhớ quê, tôi vốn chuyển từ thành phố này của Bắc Việt đến thành phố khác của Bắc Việt thôi chứ không hẳn vào hẳn miền Nam thương nhớ như tác giả. Tôi vẫn có cơ hội được trở về ấy là tôi may mắn hơn, tôi chưa phải thay đổi hẳn cả phong tục Bắc Việt nhưng cuốn sách giống như nói hộ chính nỗi lòng tôi khi khắc khoải nỗi nhớ. Thành phố tôi ở trước đây là Biển, là cảng, còn nơi tôi đến là Phố cổ, là hoa sữa, là bờ hồ, rồi là nơi phát triển theo ý hiểu của mẹ tôi. Dù đã chuyển lên đây gần một thập kỉ, nhưng nỗi khắc khoải nhớ biển của tôi vẫn đậm sâu như thế, kể cả có lúc tôi đã đắm chìm vào hoa sữa, đằm chìm vào cái lãng mạn hồ Tây, sự cổ kính của hồ Gươm tôi vẫn tỉnh khỏi giấc mộng đó mà tự hỏi lúc này quê mình thế nào. Tôi biết rằng thật bất công cho cảnh vật trước mắt, bất công với Hà Nội yêu dấu nhưng tôi khó lòng quên đi nỗi nhớ với biển, với lớp sóng biển ấy.

Thương nhớ mười hai, bàng bạc cả cuốn sách là nỗi nhớ quê hương da diết đó. Nỗi nhớ một Bắc Việt đau thương, dù người Bắc gánh trên vai một năm sự vất vả, miếng cơm manh áo, gánh nhiều âu lo nhưng vẫn đầy yêu thương san sẻ. Và trong từng trang sách đong đầy nỗi nhớ ấy, bàng bạc nỗi nhớ người xa quê là bóng dáng người vợ tảo tần sớm hôm, tác giả chẳng viết là ai chỉ viết người vợ - người chồng. Ấy tôi trộm nghĩ, giả có học bài này trong sách, thì mấy trang sách lời giảng thầy cô sẽ là: tác giả ghi người vợ - người chồng là muốn nói đến bao người vợ - người chồng khác tảo tần, chịu thương chịu khó. Hiện trong từng trang văn ấy, người phụ nữ trong trang văn tảo tần, nhỏ bé. Vẻ đẹp không phải từ gò má hồng, làn da mà đến từ lời ăn tiếng nói, sự vất vả tảo tần, lo cho gia đình.

Có người nào đang chính tại Bắc Việt lại nhớ chính Bắc Việt như tôi không, tôi nhớ tôi của những ngày trước, khi người bà chưa mất, khi người cụ vẫn còn. Tôi nhớ những năm tháng ấy được ăn món bà làm, được ê a bảng cửu chương với cụ. Người ta nói sinh lão bệnh tử tôi hiểu, nhưng hai ba năm qua, người ta không chết vì cơ thể rễu rã thoái hóa mà chết vì Covid. Tôi từng đọc một dòng thương tâm thế này, chiến tranh bom đạn ta vẫn bước qua mà sống đến ngày độc lập, thế mà ta lại chết trong tháng ngày độc lập vì Covid. Tôi trộm nghĩ, cuốn sách viết những năm 60 – 71, năm tháng ác liệt của chiến tranh. Còn hiện tại, ta không có những đạn bom nhưng ta có cuộc chiến mới, cuộc chiến có sự tân tiến đổi mới, cuộc chiến với miếng cơm manh áo, cuộc chiến trong chính bản thân mình giữa  thiện – ác, ánh sáng – bóng tối. Mấy hôm nay, không khí của cái ngày 30/4 1/5 trong tôi rất đặc biệt, bởi đó là ngày sau hai năm chiến đấu với covid, tôi chiến đấu với chính vấn đề tâm lý của mình. Hay thật đấy, đọc xong vừa sống lại lại còn thỏa nỗi nhớ quê.

Thế mười hai tháng có cái gì mà sống lại với cả nỗi nhớ quê thế hả người?

Tháng riêng, mơ về trăng non rét ngọt. Mùa xuân với tôi kể cả có trên trang văn tôi đọc hay không, với tôi vẫn là một mùa nên thơ. Mùa xuân quả thực làm “người ta muốn phát điên lên”, “nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trỗi ra thành những cái lá nhỏ tí ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh”. Nói là nên thơ, nhưng tôi đọc cái này lại sau khi cái nồm trôi qua. Cứ ngày nào nồm, là cái mồm tôi nó không dừng được việc chửi thề, chửi đời. Ôi giời ơi, sao lại sinh ra cái mùa nồm, nồm cứ nồm quần áo cứ mãi không khô, phòng thì bốc mùi. Ấy khi cái nồm ấy qua đi, mở toang cửa sổ, đem vào phòng vài cái hương hóa học nó cũng tạm ngưng đôi chút. Tôi lại cũng không thích cái mưa, mưa gì mưa lắm làm cho mái đầu bớt đẹp, làm cho tâm tôi nó động. Nói thế này thì thấy nên thơ chỗ nào, ấy thế khi đọc mấy cái trang sách mở đầu, tôi lại thấy bản thân nói thì vẫn nói hỗn, nhưng xuân vẫn có vị trí trong lòng ấy là bởi dịp xuân, năng lượng mới, vạn vật xanh, lại cố gắng làm những điều mới. Không hiểu sao cái không khí xuân phải đúng nó, phải chính nó, trong tôi cái mới nó mới ý nghĩa hơn hết. Xuân đến, mẹ lại ngồi xem ra chợ mua cái gì, bón cái gì, rồi lại kêu hoa này ra lá, hoa này ra cái kia. Xuân này, mẹ tôi mua tuyết mai và hoa đào, chẳng hiểu do tay mẹ tôi chăm hay nhà có lộc mà cành nào về cũng ra hoa. Tự dưng thấy ừ năm nay có thêm điều mới rồi, chính là cành tuyết mai mới kia.

Và chính trang sách này, tôi gặp lại miếng trầu. Lạ nhỉ, miếng trầu có gì đâu mà giờ mới gặp lại, khổ lắm, nhà tôi không ai ăn trầu cả. Miếng trầu người ăn trong kí ức của tôi đã tạm biệt dương gian mất rồi, thành ra gặp lại người ăn bỏm bẻm nhai trầu, vẫn hỏi thăm tôi sống thế nào chỉ còn trong kí ức. Thế nên, đọc nhắc đến miếng trầu, lòng tôi sống lại như thế.

Tháng hai, tương tư hoa đào. Thất lễ cho tôi khi đọc cuốn sách, cái câu đề từ lại nghĩ tên người được nhắc là người bạn tri âm, đến đây đọc đến hết tháng 1 mới ý thức được, đây là người vợ chiếu chăn của tác giả. Tôi rất thích đoạn này: “Họ làm việc bằng chân tay, bằng trí óc để chống lại thiên nhiên, để duy trì sự sống, để vươn lên mãi, vươn lên mãi, nhưng lúc nào cần nghỉ ngơi họ biết nghỉ ngơi, khi nào cần phải chắt chiu cái nội tâm họ biết chắt chiu cái nội tâm, khi nào cần phải sống đẹp, sống cho đúng ý nghĩa của sự sống thì họ sống đẹp, sống cho ra sống”. Tại sao lại thích, vì nhận ra mấy nay mình sống nhiều khi chưa ra sống, tôi cứ nghĩ làm đến miệt mài chẳng để nghỉ ngơi nên quên luôn nhiều thú vui tao nhã trước đây vẫn làm. Tôi lại nhớ tôi của trước kia, độ này lại rong ruổi leo lên những xe bus tuyến nội thành đi lang thang khắp con đường Hà Nội, đầu óc trẻ thơ nghĩ không biết bao giờ mới lớn để dám lên các vùng núi cao, đồi thoải, lên rừng xuống biển hùng vĩ của đất nước để cho thỏa cái lồng ngực tuổi trẻ. Ấy giờ lớn rồi, chỉ thấy du lịch đến quán cà phê nội thành, tay ngồi gõ bàn phím, đầu mơ cái chi tiết đào trong sách này. Cái đoạn tả có đoạn suối văn vắt, các cô sơn nữ, rừng đào bát ngát ngút ngàn nghĩ đời lên tiên chắc cũng chỉ thế thôi. Nếu được ngắm thật chứ không phải ngắm qua trí tưởng tượng, tôi cũng nghĩ tác giả nói “đời ngọt ngào như có vị đường” đâu thể nói quá.

Tháng ba, rét nàng Bân. Qua câu chuyện mẹ kể tôi chỉ biết một nàng Bân vụng về mãi mới may xong cái áo cho chồng, ý nghĩa chỉ thế thôi và tâm trí con trẻ dừng lại rằng biết bao giờ mới hết rét đến cho tôi cái mùa hè còn nghỉ học. Rét tháng 3 của tôi – bản trưởng thành chỉ mong nó qua nhanh nhanh cho tôi kịp mùa báo cáo. Ấy nhưng tháng 3 của Vũ Bằng khiến tôi mới thấy tháng 3 rét nàng Bân hóa ra có nhiều thứ tôi chưa kịp mở đôi mắt ra mà nhìn. Ấy là, cái rét ấy là “cái rét thơ mộng, cái rét của một trời đầy hương và ngát hoa”, cái rét nàng Bân hóa ra còn có thể là nỗi lòng người chinh phụ, nỗi lòng người thương buồn nao lòng vì nghĩ chưa kịp gửi áo người thương. Chính tôi có khi chưa kịp gửi quà yêu thương cho nhiều người thân của mình, có khi chính mình cũng là một nàng Bân.

Và chính trong cái tháng Ba của Vũ Bằng, tôi gặp lại lá bàng, và nó gắn với đời đi học của tôi xiết bao nhưng tôi chỉ gặp nó hết cái đợt cấp hai. Bởi năm tháng ra nội thành của tôi, bàng tôi có gặp nhưng lúc ấy xen vào tình cảm của tôi có cái cây móng bò, cao đến lan can. Và tôi, kẻ mộng mơ lại để tâm trí ngắm cây đó nhiều hơn xíu, ưu tiên hơn xíu so với cây bàng.

Tháng tư, mơ đi tắm suối Mường. Tại đây điều tôi ấn tượng ấy là nắng, nắng trong văn Vũ Bằng kể cả có gay gắt, câu văn của tác giả vẫn là: “nắng suốt ngày”, “nắng như điên”, dường như cảm thấy gay gắt quá mà viết “nhưng muốn tìm những lý lẽ độc đáo để khen cái nắng chói chang ấy thì quả thực không thể nào khen nổi”. Và khi đến trang văn cho cảnh tắm suối, tôi lại ngỡ đang đọc cảnh của một câu chuyện thần tiên. Số là ngày qua, tôi cũng học đòi đi lên Hòa Bình, vào động, nắng vỡ cả đầu ấy nhưng chui vào trong hang động lại mát dịu lạ thường, rồi nghĩ đi cái Kim Bôi nghe loáng thoáng là đi tắm. Tưởng là chắc giống trong sách, suối mộng mơ, rừng hùng vĩ thế mà lại không phải. Thôi lại hẹn khi khác xem cái tắm suối nó là cái gì. Vào cái độ này, tôi chỉ chui vào cao ốc cho đỡ rức đầu, tôi trước kia lại lang thang trên con đường Xuân Thủy, vườn của đại học sư phạm mà mộng, lắm lúc sắp thi đến rằm thì chui vào chùa những mong cầu thi cử và ngồi tự than. Rồi tôi cũng nhớ trước kia, gần thi đại học, tôi có dịp lên Mai Châu, cảnh bạt ngạt, nước trong vắt, bè bạn tranh nhau lên chụp, tự dưng ước nhất định có quay lại cũng phải xắn quần lên mà rủ ai lên cái bè. Nhưng nghĩ lại, rủ ai bây giờ.

Rồi Vũ Bằng nói đến cái tiếng ve, ve năm nào tôi chả nghe, tự dưng đọc trộm nghĩ nếu một ngày loài ve biến mất không còn cái khúc nhạc rạo rực ấy tôi sẽ ra sao, tôi có quên luôn đi không? Rồi đến vải, tôi cứ ngại vải nó nóng nhưng lại cứ thích ăn ôi cái thứ nước vải mùa hè ngọt ngào quyến rũ ấy. Nhớ hồi trước kia, nhà không có điều kiện, trùm vải mẹ mua cũng phải nghĩ, giờ có điều kiện có thể mua nhiều nhưng ít còn sự mong ngóng của trước kia nữa. Nhớ những ngày về quê, khi nhà chưa xây, vườn rộng lắm có đến mấy cây vải lớn trước nhà. Ăn đến nóng cả đầu vẫn muốn ăn, ăn rồi nghe bố kể mấy câu chuyện các cụ kể lại vải tiến vua nó như nào, rồi nói giờ mình là vua luôn rồi đấy, có thể mua được vải tiến vua về rồi.

Tháng năm, nhớ nhót, mận, rượu nếp và lá móng. Công nhận có những phong trào chả cần khẩu hiệu gì nhiều cứ đến ngày đến tháng là làm. Nhớ lúc đang làm căng thẳng tự dưng bạn bè hỏi thế nay làm tết sâu bọ cái gì đấy, tự dưng thấy chính mình mới lạc hậu, những tưởng bản thân đọc nhiều sách, nhiều văn minh hóa ra mới là lạc hậu vì lớn đầu mà còn chưa tham gia, chưa quan sát cái tục đấy bao giờ.

Tháng sáu, thèm nhãn Hưng Yên. Mở đầu tháng 6, tác giả kể mấy cái chuyện con cuốc, hồi xưa tôi có đọc bài Qua Đèo Ngang, cũng thấy con cuốc ấy đau thương, lúc ấy nghĩ, “nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc” nhiều khi đứng ở trên chính mảnh đất quê hương cũng nhớ, nhớ của chính năm tháng trước kia, có thể là nhớ một triều đại đã suy tàn, nhớ một thời đất nước oằn mình lên chống giặc. Tự dưng qua có tranh vẽ rằng: hóa ra đất nước mình độc lập chưa được 50 năm, lại thấy bùi ngùi.

Nói về con cuốn thì tác giả lại nói đến những cơn mưa rào. Mưa rào với tôi đến giờ vẫn sợ, sợ vì lúc mưa xe khó bắt, người đứng trong không gian mưa trắng trời, cũng muốn giở sách ra đọc thì sợ lỡ cuốn quá bỏ luôn chuyến xe về nhà, mà lỡ thì đợi lâu lắm. Lúc những cơn mưa rào ấy, lòng tôi chỉ sợ, sợ vì thời gian cứ trôi tôi thì vẫn đứng đấy chờ. Rồi tôi vẫn nghe chị em nói với nhau tránh ăn vải và nhãn vì nó nóng. Thì tôi lại mê cả hai loại quả đấy, ăn không ngấy không ngán, lúc nào cũng đố mấy đứa em: Da cóc mà bọc bột lọc/Bột lọc mà bọc hòn than. Cái bột lọc ấy luôn khiến tôi mê đắm.  

Tháng bảy, ngày rằm xá tội vong nhân. Tôi nhớ dù có ở thành phố này hay đến thành phố khác, cứ đến tháng 7 âm mẹ tôi lại bận rộn, vì cái lễ này là to lắm, rồi bạn bè chia sẻ nhau mấy cái cách mà kị ngày này không ma nó bắt. Tôi của ngày bé không nghe mấy bài đấy như Vũ Bằng nhưng trong giấc mơ chập chờn của tôi luôn hiện những giấc mơ quỷ dị, tôi không thực sự quá tin nhưng có những thứ tôi vẫn phải có chút tin ấy là cái thế giới âm thế - dương gian này. Sau này lớn lên nghĩ rộng ra, tôi cứ hiểu ngày ấy là ngày nhớ đến những người đã mất. Có những đứa trẻ chưa được ấp ôm trong lòng mẹ đã qua đời, có những ông bố bà mẹ có thể lo cho con lo quá mà mất. Tôi biết thật xui xẻo khi nghĩ nhưng cứ khoảng thời gian này, tôi không sao không tưởng tượng nếu mai này tôi hay người thân mất đi sẽ ra sao. Hồi bé tôi sợ cái tháng này, vì sợ xui, học trò học không giỏi như tôi rất sợ, sợ nhỡ mình làm gì thi cử trượt mất thì sao. Sau này, thoáng ra nghĩ, có bao giờ tôi đã nghĩ đến người mất là những người dựng xây tổ quốc, hi sinh thân mình hay chưa, à thế là tôi nghĩ dịp này chính dịp này là dịp tốt tôi có thể dâng hương, cầu nguyện. Nghĩ như thế, tôi bớt sợ hơn. Nói tôi mê tín phản khoa học cũng được nhưng chả hiểu sao cái tục này nó đi sâu vào thâm tâm tôi lúc nào không biết. Có một đoạn tác giả viết mà tôi rất ưng (đại ý) là Tổ quốc mình có nhiều nét văn hóa tốt đẹp và vững vàng đến mức bao nhiêu thời kì đồng hóa chưa có tên giặc nào có thể xóa được.

Tháng tám, ngô đồng nhất diệp lạc thiên hạ cộng tri thu. Cứ vào độ mùa thu là tôi yêu thích hơn cả, tôi yêu thích hơn cả cái màu vàng bàng bạc của đất trời, hay không khí trầm buồn, nét trời xam xám ấy. Tháng tám của tôi, tháng lại có nhiều sự khởi đầu đối với tôi hơn cả trong suốt năm tháng đi học và đi làm. Dù tháng tám đôi khi chia tay một người, biệt ly người kia nhưng nói cho cùng cứ đến độ tháng 8 hình như có tín hiệu vũ trụ nào sắp đặt cho tôi cứ độ này tôi lại lớn hơn, suy nghĩ hơn. Mùa thu của tôi trước kia là trầm buồn, cái không gian của thu cứ nhất nhất làm tôi buồn, cái bàng bạc ấy thấm vào hồn tôi lúc nào không biết. Thế nên, tôi cũng chưa lý giải vì sao trời đêm, trăng tròn vành vạch khiến bao thần hồn thi sĩ điên đảo, đẹp nao lòng nhưng vẫn thoang thoảng cái gì buồn. Tôi cũng không phải thi sĩ uống rượu ngắm trăng, hay đàm đạo cùng trà. Tôi là người ở thành thi, có những thứ uống hiện đại mà ngắm trăng mà thôi.

Mà tự dưng đọc đoạn này tôi lại bực bực tác giả, đang mùa thu bàng bạc, đọc đến đoạn văn đọc nhẩm cậu học trò, thoắt cái “thương thương cậu bé vô tội ấy biết chừng nào”, ôi chao, tự dưng buồn lại buồn hơn, lòng lại trùng hơn nữa. Tôi đọc khi mới đầu hè, nắng vàng cả con đường Láng, nắng vàng trên con đường ở quận Thanh Xuân, thoắt cái tôi trốn vào góc cà phê tìm khoảng lặng, trốn nỗi buồn. Thế mà mua thu này ơi, nỗi buồn theo cách nào đó lại tìm thấy tôi rồi. Thương biết bao cái ngày còn ê a học văn học thời chiến, thương lắm những ngày li biệt rồi đêm đêm tự dưng gõ tên phim “Mùi cỏ cháy”, bao thiếu niên mùa thu chuẩn bị vào học lại là đi quân sự, màu chia ly mà cũng tự dưng cảm thấy mùi li biệt. Tôi nhớ mùa thu trước kia của tôi, không phải tạm biệt thời chiến mà tạm biệt người bạn sang bên kia bán cầu.

Tháng chín, gạo mới, chim  ngói. Trăng đẹp nhưng chỉ đẹp dăm ngày, ta không kịp ngắm thì cũng chẳng quay lại được. Có lúc nào ta chưa kịp không, có chứ, chính tôi đây này. Có những lúc bận quá khi đã qua rằm thì hết cơ hội, có lúc hiếm hoi may mắn thế nào ngước lên đúng hôm trăng sáng như một món quà cho kẻ chậm chân. Tôi chưa có cơ hội ăn món ăn xôi nấu với chim ngói như thế, nhưng cũng chẳng dám ăn vì một nỗi lòng đồng cảm với kiếp con chim ngói. Nhiều khi, sự thương cảm trong tôi vượt lên nỗi thèm muốn cao lương mĩ vị, bỏ qua nó chỉ vì thương cái con chim bị bắt.

Tháng mười, nhớ gió bấc mưa phùn. Tôi luôn tự hào vì có lẽ đi đến một quốc gia khác, hay đơn giản vào miền Nam sẽ khó gặp lại cái rét của đất Bắc, cái rét ngấm vào da thịt và xương tủy, cái rét xuýt xoa của mùa đông này. Nhớ trước kia, những ngày sống trong căn nhà bé nhỏ còn bé, dù khó khăn nhưng nhất định mẹ sẽ dắt tay tôi và em đi mua áo đông mới. Dường như nỗi lòng người mẹ vẫn chưa đủ hết lo âu, nhất định lại dắt tay đến hội chợ tìm cho được những quần áo mới. Nhớ hồi ấy, bố vẫn còn ở xa, mùa đông đầu tiên mà tôi có mẹ ở cùng trong căn nhà thấp bé, đêm đêm nghe mẹ hát mấy bài ca nẫu ruột, sợ sợ nhưng được nằm cạnh được ấp trong lòng mẹ thấy hạnh phúc vô cùng.

Đọc đến tháng 10 tôi mới hiểu cái thương của người bạn năm xưa nói với tôi, ấy là tôi đọc đến đoạn người vợ yêu dấu của tác giả mất đi, chỉ hai câu cũng khiến lòng tôi buồn cùng. Tự dưng nghĩ các tháng trước, tác giả viết bằng những kỉ niệm, bằng kí ức đơn thuần của người xa quê hay kí ức của một người chồng nhung nhớ từng năm từng tháng, từng phút giây bên vợ của mình.

Tháng một, thương về những ngày nhể bọng, con rận rồng

Tháng chạp, nhớ ơi chợ Tết

Tết, hỡi cô mặc cái yếm xanh

Những năm tết đến, là dịp mẹ tôi luôn là người bận, kể cả có theo suy nghĩ tối giản cho đỡ mệt thì nó vẫn mệt theo kiểu khác. Dù có tối giản nhưng cũng không thể thiếu đi chợ sắm tết, tết đến mừng tuổi, xông đất với giao thừa. Tôi những muốn để ba chương này chỉ riêng trong tim mình, khi đọc những ba chương đó, tôi đọc thậm chậm. Chậm vì tôi chưa muốn kết thúc cuốn sách này, chậm vì tôi muốn đọc thật kỹ người vợ trong sách sắm cái gì, vì tôi muốn đọc muốn nhớ, thương người phụ nữ ấy rồi thương đến mẹ tôi, bà tôi. Dù vất vả tất bật nhưng vẫn làm, người ta biết người ta vẫn làm vì đó là tình yêu. Chính là tình yêu đó. Và tình yêu ấy luôn hiện hữu trong những người phụ nữ làm bà làm mẹ tôi gặp. Chính điều ấy tự dưng tôi thấy, đó là sự khác biệt của người phụ nữ Việt Nam chăng.

Tết với tôi, tự dưng qua trang sách thấy đẹp lạ thường, và thấy may mắn vì cho đến bây giờ vẫn còn tết, bố mẹ vẫn còn tất bật về quê để chuẩn bị. Giao thừa, xông đất, mừng tuổi, đi chùa cứ phải có những công đoạn đó tôi mới thấy đủ đầy. Vất vả thì vất vả thật nhưng tôi nhận ra, không có là tôi lại thấy khoảng trời trong tâm hồn mất đi ngay.

Gấp lại những trang sách này, cuốn sách không chỉ sống lại một cách sống động trước mắt tôi 12 tháng với những gam màu sắc khác nhau, màu sắc của truyền thống, của món ăn, và của nhiều vùng miền xinh đẹp trong tổ quốc mà còn sống động trong chính tôi tình yêu đất nước, thấy đất nước mình còn nhiều nơi mình chưa đi, nhiều thú vui tao nhã còn chưa biết, nhiều món ăn còn chưa nếm. Nhiều khi âu sống trên đời đôi khi một trong những mục đích là tận hưởng những món quà xinh đẹp từ đất nước như vậy. Quả thực là “đất nước này chỉ đẹp giản dị thế thôi, hiền lành thế thôi”. “Cha truyền con nối, đời nọ qua đời kia đã truyền cảm cho nhau nên từ đời bé mới ra đời cho đến lão bà sắp chết, ai cũng lưu luyến quê hương và không nói ra lời mà ai cũng cảm thông cái đẹp mộc mạc, thần tiên đó.”


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ