[2023] 16/35 - CÔNG CHÚA NHỎ



Thực ra mình vẫn thích xếp nó vào văn học Anh nên tại bài viết này mình vẫn xếp nó tại nhãn văn học Anh

Mình đã kết thúc cuốn sách này nhanh hơn những gì mình nghĩ, ban đầu mình cho rằng có lẽ phải đến tuần sau mình có thể đọc hết để lên bài. Và mọi khi mình có thể nghĩ mình sẽ viết những luận điểm gì cho bài viết của mình nhưng đến cuốn này mình đã phải nghĩ thật lâu vì chưa biết sẽ bắt đầu từ đâu. Cuốn sách này có ý nghĩa với mình, mình đã từng đọc nó năm 2015 – năm đầu tiên mình lên cấp ba hay mình mười lăm tuổi. Chính cuốn sách là sự khởi đầu để mình đọc những cuốn sách cổ điển. Và hoàn cảnh của mình lúc ấy – mình một cô bé chỉ quanh quẩn dưới vòng tay an toàn của ông và bố mẹ lại đi những chuyến xe dài, tự mình khám phá con đường đầy cám dỗ ở nội thành. Chính những trang văn này đã khiến những buổi trưa của mình ý nghĩa từ đó. 

Sara Crewe – một đứa trẻ lên bảy vượt Ấn Độ xa xôi để đến học tại trường nữ ở Anh, đây là một người mình cũng không biết mình nên gọi cô là một cô bé, con bé, bé hay một quý cô, mình những thấy rằng phải gọi là công chúa mình mới cảm thấy có chút gì đó phù hợp.

Làm sao ta có thể không quấy khóc khi cha ta rời xa?

Sara Crewe gây ấn tượng với tất cả mọi người ngay lần đầu mới gặp, và cả mình khi đọc những dòng văn đầu tiên cố gắng tưởng tượng một cô tiểu thư, mình thấy lạ kì. Bởi chính mình ngày xưa đâu có thế, ngày ấy khi bố mẹ mình đi làm xa mọi người phải lừa mãi mình mới chịu thôi khóc và bắt nạt những người xung quanh. Còn cô bé ấy, bằng tất cả sự mạnh mẽ của mình đã không hề khóc dù trong lòng cô bé dâng lên một nỗi nhớ cha vô hạn. Câu chuyện chỉ là cô bé im lặng, dõi theo dòng xe xa dần. Mình nhớ lại mình của những năm trước, khi bắt đầu rời xa khu phố nhỏ, rời xa ông ngoại, mình biết rằng mình chẳng thể quay đầu lại nên mình im lặng nhưng mình nhận ra mình phải im lặng khi mình đã mười mấy tuổi đâu còn Sara mới chỉ lên bảy.

Giọng văn của Frances Hodson Burnett cứ dần dần qua mỗi chương lại để cho mình khám phá một nét tính cách của Sara Crewe, chính sự tưởng tượng của nó khiến cho mình bỗng thấy mình đang không ở trong một quán cà phê đọc sách mà mình đang ở trong chính thế giới của Sara. Mình đang quan sát nó. Một đứa trẻ hiểu chuyện.

Làm sao ta có thể vực dậy qua nỗi đau khi cha ta rời xa?

Mình đã nhiều lần trộm tưởng tượng nếu cha hoặc mẹ mình mất đi và mình bơ vơ trên cuộc đời này. Sara Crewe đang được sống trong khung cảnh sung sướng với quần áo đẹp, đồ ăn ngon lành bỗng chốc thành một đứa tạp dịch để cho người ta khinh bỉ và ghét bỏ, để cho người ta chà đạp bỏ đói và coi nó là một công cụ. Khi cô giáo cho rằng việc nuôi một đứa trẻ tứ cố vô thân như nó sẽ có ích sau này, nó sẽ thành một cô giáo không công. Khi chị đầu bếp đối xử với nó là một thứ để trút giận, khi các đầy tớ nghĩ rằng có thể bắt nạt nó, khi những đứa trẻ khác cho rằng nó là một đứa trẻ bẩn thỉu với suy nghĩ kì cục.

Hình như không có giọt nước mắt? hoặc có có thì cũng thật nhanh. Sara đã điềm tĩnh chấp nhận một kết cục cho nó. Một công chúa bỗng chốc thành một cô hầu gái để người ta chà đạp. Cô công chúa ấy thậm chí còn chẳng được gặp mặt người cha lần cuối, chỉ gặp ông qua những bức thư, và qua món quà cuối, một sinh nhật mà lại chính hôm ấy nhận tin buồn.

Làm sao ta có thể vượt qua hoàn cảnh khó khăn khi dường như mọi thứ đang chống lại ta?

Căn phòng mọi khi xinh đẹp và ấm áp bỗng chốc biến thành căn phòng áp mái bẩn thỉu, chuột bọ; một căn phòng mà chỉ có cửa sổ bé tí. Với một đứa trẻ như vậy, căn phòng không khác gì một nhà tù, một nhà tù nhất quyết theo ý chí độc ác của một số người lớn sẽ chôn chặt những ước mơ và khát vọng của một đứa trẻ, sẽ chôn sống những ý chí của chúng, một nơi biến chúng thành một đứa chấp nhận nghèo đói hoặc thậm chí chấp nhận mình sẽ trở thành một người cam chịu, thất học, hoặc một thành một người sẽ vứt lên lòng tự trọng của mình mà sống. Nhưng Sara đã không vậy, bằng tất cả sự kiêu hãnh của nó nó đã vượt qua.

Nhưng không thể lúc nào ý chí của nó cũng đủ mạnh mẽ, không phải lúc nào sự tưởng tượng của nó có thể nâng đỡ nổi sự khốn cùng đè nặng lên thân hình nhỏ bé của nó. Thậm chí sự khốn cùng đó một người lớn cũng không thể chống đỡ nổi. Có lúc Sara đã khóc, một giọt nước mắt của cay đắng và tủi hờn nhưng nó đã ngay sau đó đã mạnh mẽ vượt qua và là chỗ dựa tinh thần cho người khác.

Có một lần trong giờ dạy văn, thầy giáo mình có hỏi một câu mà đến tận giờ mình cũng chẳng trả lời được: các con sẽ nhìn đời bằng con mắt gì khi thầy giảng Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ với câu thơ: Vũ trụ nội mạc phi phận sự. Trong nụ cười hiền của thầy, cuộc đời tựa một trò chơi mà trò chơi nào cũng có luật nhưng ta không thể để luật chơi ấy điều khiển mình. Cho đến giờ, giờ giảng ấy vẫn in đậm trong tâm trí mình. Mình đã tự hỏi liệu luật chơi với Sara liệu có quá khắt khe hay chăng, khi cuộc đời dần lúc một khó khăn. Khi nó đã phải trải qua mùa đông giá rét lầy lội u buồn của đường phố London, chạy vặt trong đêm đông cùng đôi giày rách nát, bộ quần áo quá chật, cơ thể lại đang chống đỡ với việc đói cào xé ruột gan, cào xe với gió rét thấu xương. Khi nó trải qua những ngày cô độc khi cô giáo và một số bạn học khác ghẻ lạnh, cười cợt. Nhưng nó đã chẳng để luật chơi khắc nghiệt ấy có thể điều khiển mình, vũ khí của nó được trang bị chính là sự mạnh mẽ, trí tưởng tượng của nó. Nó đã tưởng tượng căn phòng ra sao, nó đã tưởng chính nó là một công chúa – và vì chính là công chúa nó sẽ không tự tiện cư xử không đúng mực, và vì chính là công chúa nó sẽ là người “phân phát” tình yêu thương của mình.

Sara cũng nhận ra sự thật cay đắng rằng dần dà nó đang mang một thân hình khổ sở giống một kẻ ăn mày khi cậu bé Gia đình lớn cho nó tiền, nó không muốn vứt bỏ một cách rẻ mạt lòng tự trọng của nó nhưng nó đã nhận như một món quà vì mảy may nghĩ thằng bé sẽ thất vọng.

“Trong trái tim nhỏ bé đầy tự trọng của mình nó muốn họ hiểu rằng nó đang cố gắng kiếm sống chứ không chấp nhận của bố thí”

 

Làm sao khi ta cũng đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo của mình có thể yêu thương được người khác?

Một người đau chân thì làm sao nghĩ được gì khác ngoài cái chân đau của mình, một người mất cha – thành người không nơi nương tựa, thành ăn mày chỉ trong một đêm còn gì để nghĩ đến bản thân mình. Khi nó còn là một công chúa đúng điệu, nó vẫn cư xử một cách lịch thiệp với Becky, coi chị là một người bạn; giúp đỡ cả những đứa trẻ khác. Và khi nó thành một cô bé khốn khổ, nó vẫn không thay đổi. Kể cả khi nó đang lê bước trên đôi chân mệt nhọc, nó đang rất đói nhưng nhìn một hoàn cảnh đáng thương hơn nó vẫn sẵn sàng cho con bé gần hết số bánh nó có và chỉ dành cho mình rất ít. Chính hành động ấy của nó đã gieo vào lòng bà chủ tiệm bánh một điều gì đó – một điều gì đó tựa như sự thức tỉnh.

Trong hoàn cảnh nó đang bị chà đạp như vậy, nhưng nó vẫn kể những câu chuyện cho Becky, giúp đỡ Lottie, Ermengarde. Trong hoàn cảnh khi nó như bị xuống đến đáy xã hội, những người bạn ấy vẫn ân cần với nó, tìm đến nó. Điều này vốn không phải phép màu, mà điều này đến từ chính sự thiện lương trong chính trái tim của Sara.

Đó là những câu hỏi dấy lên trong đầu mình khi đọc những thiên đoạn tựa cổ tích (hay tựa như phép màu) về cô bé Sara. Và chắc có lẽ mình còn nhiều câu hỏi nữa, và mình cũng trộm nghĩ rằng bất cứ ai khi đọc cuốn sách này sẽ rất khó tìm thấy một cô bé như này nữa.

Sự tử tế,

Khi nó là một công chúa, nó vẫn chìa bàn tay trắng trẻo của nó cho những mảnh đời bất hạnh, nó cho phép Becky được nghe câu chuyện, kể cả những người khác có cho rằng nó kỳ cục. Chúng ta sinh ra bình thường, nhưng nhiều khi lớn dần nhiều suy nghĩ dù ta biết là bất thường nhưng vẫn làm vì mọi người đều như thế. Nhưng Sara không vậy, kể cả khi những đứa trẻ khác cho rằng cho một đứa hầu nghe chuyện là không phù hợp. Sarah làm quen với Ermengarde, làm quen với Lottie – những đứa trẻ mà người khác không đến gần. Bằng chính lời nói đầy thuyết phục, bằng tài năng kể chuyện của nó, nó khiến một đứa Ermengarde – nhút nhát và học không giỏi dám lên thăm nó kể cả khi bị cấm, nó khiến Lottie một đứa trẻ đôi phần ngỗ nghịch trở nên nghe lời. Lottie từ thuở thơ bé đã được bơm và đầu những suy nghĩ tiêu cực từ chính những người lớn, nhưng bản thân nó vốn dĩ vẫn là một đứa bé thơ đã được Sara dạy dỗ và căn dặn. Và mình vẫn không quên hình ảnh Sara đã vẽ ra những viễn cảnh đẹp đẽ nhất về căn phòng gác mái và có lẽ nào khi ấy Sara kể cho Lottie cũng chính là nói với chính mình, vẽ ra những viễn cảnh đẹp đẽ nhất của nơi này để bản thân vượt qua, hay xuất phát từ lòng tự trọng của mình cô không muốn Lottie cảm thấy sợ hãi hay thương hại cho Sara khi cô không còn là công chúa trong mắt Lottie.

“Nếu Tạo hóa đã sinh ra ta để làm một người ban phát thì đôi bàn tay ta bẩm sinh sẽ rộng mở, cả tấm lòng ta cũng vậy; và dù có thể là có những khi đôi bàn tay ta chẳng có gì thì tấm lòng ta vẫn luôn đầy ắp, và ta có thể ban phát mọi thứ từ đó: những điều ấm áp, những điều ân cần, những điều ngọt ngào – sự giúp đỡ, sự an ủi và tiếng cười – mà tiếng cười vui vẻ và thân ái đôi khi lại là sự giúp đỡ tốt hơn cả”

Công chúa trong mắt người khác chỉ là một danh xưng về sự giàu có, hào nhoáng của quyền lực còn công chúa trong câu chuyện này là sự cao quý về nhân cách, về sự tử tế của một con người. Sara đã vượt qua bản ngã của mình, vượt qua những ham muốn hèn mòn ích kỉ để vượt qua chính hoàn cảnh của mình, vượt qua những sự hằn học của người khác. Nếu nó không tử tế với anh chàng Ấn Độ và con khỉ, hẳn nó sẽ chẳng có phép màu. Phép màu vốn dĩ không phải giấc mơ, cũng chẳng phải từ bà tiên nào nó đơn giản là những quả ngọt ngào của một cái cây được tưới đẫm dòng nước trong trẻo của sự tử tế. Và chính sự tử tế của nó, trái tim nồng nhiệt của nó cùng trí tưởng tượng của nó đã khiến anh chàng Ấn Độ vơi bớt đi sự cô đơn, đã tìm thấy rằng hóa ra cuộc sống xung quanh của anh ta có nhiều điều vui vẻ nhường nào, và hơn cả thế ý chí của cô bé đã chạm đến người đàn ông bệnh tật nhà bên.

Ánh sáng và bóng tối,

Chi tiết mình chú ý đến là chiếc váy đen cộc của nó, nó là biểu tượng cho thấp kém, của phận tôi tớ và chà đạp. Nhưng bộ quần áo của nó trông có vẻ bi đát đến đâu nhưng người xung quanh nó thở chung bầu không khí với nó như hai cô giáo hay bạn học khác vẫn không thể chấp nhận sự thật rằng nó vẫn là một công chúa, trông nó có thảm thương đến đâu những người thấy nó như gia đình lớn vẫn không thể thấy được không khí trầm mặc hằn học toát ra từ nó, cũng không thể thấy sự bi đát của nó.

Trong căn phòng gác mái tù mù tăm tối cũng không thể giết chết hi vọng của con người, dưới ô cửa sổ nó là hiện thực nhưng trên nó là những tầng mây, là những buổi hoàng hồn đẹp mê hồn, là những đám mây của buổi bình minh kèm tia nắng mai dịu dàng trong mắt của Sara. Trong căn gác mái chật chột ấy vậy lại là thế giới quan sát từ trên cao, một đài thiên văn để thấy những vì sao, một tòa tháp cao để nhìn những người ở đường phố. Chính nơi ấy, không phải sách vở lại là nơi cô bé dùng triệt để trí tưởng tượng của mình. Cũng tại căn phòng đó đã có bữa tiệc thắp lên bằng trí tưởng tượng, bằng tình bạn, dù ánh sáng ấy có yếu ớt đến đâu nó cũng chưa thể bị dập tắt hoàn toàn. Khi cô giáo đến dập tắt những hi vọng cuối cùng của ba đứa trẻ, hòng muốn chúng chết dần thì từ chính ngọc lửa đã dập, chính bàn ăn đã bị cất dọn một cách thô bạo lại có ánh sáng của phép màu, của người bạn mà Sara nghĩ là mơ.

Và trên nẻo đường London buồn của ngày đông không chỉ ánh sáng hơi ấm của cửa hàng bánh mì còn có ánh sáng và hơi ấm của tình thương con người. Nếu ta chết dí trong một hoàn cảnh khắc nghiệt có lẽ ta có thể gào lên mong mọi người cũng như ta, nhưng Sara lại khác, cô bé lại mong những người bạn của mình ngủ ngon.

Và cũng tại đây, ánh sáng và bóng tối hiển hiện tựa một lớp hiện thực phủ lên ngôi trường này bởi rõ ràng theo bà con bạn bè của đại tá Crewe, đây là ngôi trường tử tế nhưng mọi thứ lại không hề như vậy. Những gì sáng lạn lại là những thứ để trưng bày, những lời nói tưởng ngọt ngào khi Sara còn là một công chúa trưng bày hóa ra chỉ che đậy lòng tham của một người giáo viên (cô Minchin)  – một người làm ăn.

Cũng chính sự tử tế, lòng tự trọng của Sara đã là một tia sáng mạnh vào những góc tối trong tâm hồn méo mó của cô Minchin và Amelia. Cô Minchin với sự đạo mạo, kiêu kỳ đầy định kiến cuối cùng sẽ sống bằng tất cả sự ám ảnh, dằn vặt đến cuối đời. Chẳng có hình phạt nào cho cô Minchin, cũng chẳng có chuyện Sara sẽ dùng quyền lực và tiền bạc của mình để làm tổn hại đến ngôi trường. Chính điều này sẽ là hình phạt với cô ta. Còn Amelia cuối cùng mới nhận ra rằng mình là một kẻ hèn nhát đến chừng nào.

Có lẽ mình của trước kia sẽ cho rằng cần có một hình phạt khác nặng nề hơn nhưng mình đã thấy mình thật sự chẳng cần thiết, vì nếu chỉ tập trung vào hai cô giáo đầy giả dối hay tự hỏi những đứa trẻ hằn học với Sara sẽ thấy sao thì mình sẽ bỏ lỡ những câu chuyện tử tế khác. Đến cuối của câu chuyện, đến với những trang cuối cùng của quyển sách, mình vẫn còn thấy những điều bất ngờ, điều bất ngờ quay đi quay lại hóa ra lại xuất phát từ lòng trắc ẩn và tình yêu giữa người với người.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ