[2023] 15/35 – KHU VƯỜN BÍ MẬT


Mình chợt nhận ra bốn ngày nữa là cuốn sách này chính thức ở cạnh mình được 7 năm, cũng gần khoảng thời gian mình mở tài khoản IG review những cuốn sách mình đọc. Như một phép màu vậy, mình vẫn cảm giác như thế khi đến giờ dù đã bỏ rất nhiều sở thích nhưng đọc và viết về những cuốn sách mình đọc vẫn còn là công việc mình vẫn thực hiện cho đến bây giờ. Mình đã từng viết bài bỏ văn, thực ra mình bỏ việc dạy ai đó học, mình bỏ ý nghĩ rằng mình sẽ giúp đỡ ai đó học văn vì mình cảm thấy mình nhận không nổi, mình đơn giản chỉ là viết và viết những gì mình cảm thấy thôi. Cảm xúc thực sự vẫn vẹn nguyên khi mình đọc cuốn này, và đấy như một phép màu lan tỏa đến mình, lòng mình xao động khi nhớ lại ngày ấy mình đã mua cuốn sách ấy như nào, đã đọc nó ra sao. Tự dưng mình nhớ ngày ấy, một cô bé lúc nào cũng đi đến Nhã Nam Tô Hiệu, với cái áo Sư phạm màu xanh rong ruổi trên những chuyến xe bus. 



“Thoạt đầu, con người luôn từ chối tin tưởng rằng một điều mới lạ nào đó có thể được thực hiện, rồi họ bắt đầu hy vọng nó không thể thực hiện, rồi họ nhận thấy rằng nó có thể thực hiện được – cuối cùng, người ta thực hiện điều đó thành công và toàn thể nhân loại đều tự hỏi tại sao việc này lại không diễn ra từ các thế kỷ trước. Một trong những sự kiện mới mẻ mà con người bắt đầu khám phá ra trong thế kỷ vừa qua là ý nghĩ – chỉ đơn thuần là những ý nghĩ – cũng mang một sức mạnh chẳng kém gì điện năng, và nếu tốt thì như thể ánh sáng mặt trời, còn nếu xấu thì chẳng khác nào thuốc độc. Để mặc cho một ý nghĩ xấu xa tồi tệ len lỏi vào tâm trí ta thì cũng nguy hại chẳng kém việc để cho mầm bệnh phát ban đỏ lột vào trong cơ thể ta vậy. Sau khi đã xâm nhập rồi, nếu cứ mặc cho chúng hoành hành thì có lẽ chẳng bao giờ ta rũ bỏ nổi chúng trong suốt cuộc đời mình.”

Mary Lenox là một cô bé khó ưa, người gầy, tóc mỏng dính – với ngoại hình và tính cách như vậy không ai muốn chơi với cô bé, thậm chí có bài hát chế giễu cô bé rằng vườn hoa nhà cô sẽ không bao giờ nở hoa. Thực ra lúc ấy ngoài việc nghĩ nghĩa đen là vườn hoa cô bé trồng không có hoa nở, mình nghĩ đến ý nghĩa khác đó là nếu cô bé tiếp tục khó ưa như vậy cô bé sẽ trở thành cô bé cô độc, và tâm hồn cô bé sẽ thiếu đi nụ cười, thiếu sự cảm thông. Và có thể trái tim cô bé sẽ không rộng mở để đón nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Sẽ thật phung phí nếu con người ta không thể thấy được những màu sắc đẹp của những bông hoa, ngọn cỏ; nếu đầu óc ta toàn những suy nghĩ tăm tối có lẽ lồng ngực ta sẽ chẳng thể căng tràn mà hít không khí trong lành. Mình đã thoáng qua như vậy, nhưng đối với mình một phần tính cách cô bé xuất phát từ tuổi thơ thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc đúng nghĩa của người mẹ, tuổi thơ lớn lên cạnh các Ayah luôn sợ hãi và phục tùng dần dà thế giới của cô bé thu hẹp lại, cô bé cũng chẳng hiểu đúng nghĩa thế nào là sự yêu thương, chưa thể phân biệt đâu là sự săn sóc yêu thương với phục tùng trong kiêng dè sợ hãi. Vậy mà số phận chưa dừng lại ở đó, một cô bé lại trở thành mồ côi cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng chỉ trong một ngày. Với mình, khi có bố mẹ nhưng không được yêu thương săn sóc, hai từ bố mẹ chỉ tồn tại theo trạng thái pháp lý thì há chẳng giống như “mồ côi” trong chính  ngôi nhà hay sao. Và cô bé mất bố mẹ ngay trong một buổi sớm định mệnh. Nhưng số phận cũng không phải quá cay nghiệt với cô bé, cô bé đã có một bước ngoặt lớn rất lớn khi chuyển đến trang viên của ông bác mình tại Yorkshire và nơi đây gặp người bạn mới. 

Mạch truyện diễn ra rất chậm, mình cảm tưởng mình đang đọc một câu chuyện cổ tích nhưng truyện cổ tích thì có bà tiên làm nên phép màu còn tại câu chuyện xinh xắn này, phép màu được tạo nên bởi chính sự trong trẻo ngây thơ của trẻ thơ, xuất phát từ những xúc cảm đẹp đẽ nhất của tình bạn.

Khu vườn và tình yêu thương,

Mary Lenox từ một cô bé vàng vọt xanh xao đã trở nên béo tốt, nhanh nhẹn khỏe mạnh nhờ chính sự tò mò – một bản chất vốn có của một đứa trẻ. Chính sự tò mò đã dẫn dắt đến những sự khám phá, Mary không chỉ tìm thấy chìa khóa đến khu vườn bị chôn giấu mà còn tìm thấy chìa khóa trong chính tâm hồn mình. Thì ra cô bé vốn không hẳn là một cô bé quá đáng ghét, chỉ là thế giới cô sống trước kia ngột ngạt, thiếu đi sự khám phá, thiếu đi tình yêu thương, sự quan tâm. Chính cô bé đã tạo ra phép màu cho chính mình, và từ đó còn tạo phép màu đến cho người khác.

Khi đọc những trường đoạn Mary khám phá ra khu vườn của riêng nó, chạy nhảy và xới đất, hít bầu không khí trong lành của tiết trời xuân tươi đẹp, mình lại nhớ năm tháng Covid của trước kia, và thực lòng mình không muốn quay lại. Khi sáng ra chỉ ở trong nhà, không khí mình có duy nhất chỉ là một cánh cửa sổ ở phòng, cuộc sống xoay quanh chiếc máy tính. Và rồi đi làm, 8 tiếng của mình ở văn phòng nên mình trân quý biết bao khi từ thang máy xuống, lên xe đi về đi qua cánh đồng bất tận trên đường về mà thoải mái một chút. Mình trân quý biết bao lúc đi dạo và nhìn ngắm con phố. Hồi bị Covid, thế giới của mình còn chật hơn khi ở trong phòng, khi mình mở tung cửa sổ đón những tia nắng đầu tiên của hè về, lúc ấy mình thấy thật trong lành. Mình nhận ra thì ra trước đây mình thật may mắn khi xung quanh nhà nhiều cây cỏ. Đọc những đoạn về loài hoa, cây cỏ và muông thú bỗng chốc mình đã nghĩ có khi nào sau những dãy trường xuân già che giấu một thế giới thần tiên chăng.

Nếu không có Mary, Collin vẫn sẽ mãi ở trong một hố sâu rằng nó là một đứa lưng gù, bại liệt và sắp chết. Thật buồn khi một đứa trẻ đúng ra sẽ chạy nhảy, nói về những ước mơ tươi đẹp, tiếng hét phải là hét khi vui vẻ khi chơi đùa, thì Collin lại ở trong một ám ảnh – một ám ảnh mà người lớn đã vô tình tạo ra từ khi nó nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Collin thiếu đi tình yêu của cha, xung quanh nó là những người phục tùng nó khiến nó trở thành một kẻ luôn nghĩ rằng nó muốn gì phải được đó. Nếu không có Dickon, cuộc sống của Collin mãi chỉ ở trên sách vở, sách vở đúng là mở ra hiểu biết cho Collin nhưng chưa thể cho Collin những trải nghiệm. Chính việc trồng hoa, làm vườn, chính cuộc đi dạo, chính những câu chuyện của Mary và Dickon đã khiến một cậu bé chìm trong đau khổ bỗng chốc yêu đời, trân trọng và biết cảm ơn.

Tuy vậy ta chẳng thể không nhắc đến những người đã thầm lặng làm cho bức tranh khu vườn và ba đứa trẻ ấy được tươi sắc hơn ấy là chị hầu gái Martha hồn nhiên, tần tảo tặng Mary chiếc dây nhảy; hay người mẹ của Dickon chuẩn bị những sữa và bánh để cho những đứa trẻ được hưởng trọn vẹn niềm vui của lao động. Mình cũng dành sự chú ý đến sợi dây, bởi mình thấy Mary trước đây có thể có nhiều đồ dùng đắt tiền và xa hoa hơn nhưng có thể sức nặng của nó lại nặng nhiều ở việc người ta sợ nó không vui, còn sợi dây là sức nặng của sự quan tâm của Martha, người mẹ của Martha dành trong đó. Sợi dây tuy nhỏ nhưng là thứ cô bé cần.

Khu vườn và chiến thắng nỗi sợ,

Khi nhắc đi nhắc lại điều gì đó thật nhiều, có thể ta bị ám ảnh nó thật. Dickon bị ám ảnh bởi cái việc bị móc bướu ở lưng, nhưng sự thật là chả có gì cả. Việc nó bị gù lưng thực ra lưng nó rạp bởi chính những lời nói gây tổn thương của người lớn, bằng chính những lời đồn ác ý. Lời đồn nhiều hơn cả lời nói thật lòng, lời nói tổn thương nhiều hơn cả sự quan tâm. Thế giới của nó chỉ có giường, thiếu đi cả những người bạn. Chính Mary, Dickon đã khiến nó chiến thắng nỗi sợ, khiến nó có thể tin rằng nó có thể đi được, nó có thể sống được và còn sống mãi nữa, khiến nó có ước mơ thành nhà khoa học, khiến nó ao ước được gặp cha một cách thoải mái nhất như những đứa con vẫn thường làm với cha mẹ mình.

Ông Craven ám ảnh quá khứ, nỗi đau đã chôn chặt trong ông những xúc cảm thuần nguyên nhất của một người cha, nỗi sợ và buồn đau khiến ông xa cách chính đứa con trai bé bỏng của mình. Ông không thể làm một người cha đúng thiên chức, ông chỉ cho Collin được vật chất – sự phục tùng (những thứ gián tiếp khiến con ông thành đứa con trai có phần tự phụ, ích kỉ la hét và sống nặng với định kiến, thậm chí thiếu đi sự mạnh mẽ về cả thể chất lẫn tinh thần). Mình không muốn nói quá nhưng với mình mà nói, ông Craven theo cách nào đó trong suốt gần thập kỉ từng chút gián tiếp đẩy con trai bé bỏng của mình vào con dốc chết (mình muốn nói là con dốc nhân cách). Theo cách nào đó, tuồng như chính con trẻ đã khiến cho ông trở lại, gọi lại sự trách nhiệm và tình yêu thương của ông. Trường đoạn viết ông Craven quay về với mình tựa như một phép màu tươi đẹp, mình khá thích đoạn đó. Lúc mình đọc là khi mình mới từ khách hàng về, chỉ toàn sổ với số khiến mình ngộp thở nhưng sau đó những câu văn tựa như suối khiến mình trở nên thật thoải mái.

Khu vườn và sự cảm thông vượt lên những mong muốn ích kỉ của bản thân,

Trước đây, Mary luôn nghĩ rằng việc người ta phục vụ nó là thông lệ, nó được thứ nó muốn nhưng điều nó mất là nó không thể nhận ra tình yêu thương thực sự, cũng không thể khám phá ra được đôi bàn tay bé nhỏ của nó có thể làm gì, cũng có thể chưa thể nhận ra cuộc sống của nó thiếu nhiều thứ thế nào. Có lẽ Collin giống như một tấm gương, khiến nó soi lại chính mình của trước kia, khiến nó thấy rằng chính kẻ gì cũng muốn và có bằng được mới là kẻ kì cục. Khi nó cãi nhau với Collin, chính nó đã bỏ qua cái tôi cao ngút trời để thấy rằng chính Collin thực sự cần nó. Collin cũng vậy, khi nó được nghe những câu chuyện, khi nó có một người bạn, nó từ một đứa trẻ la hét cộc cằn ấy vậy lại có thể dùng từ “làm ơn” chứ không phải ra lệnh.

Trước đây Mary là người đầy định kiến, con bé rất “thoải mái” về việc nó không thích điều này không ưng điều kia. Chúng ta cũng vậy, thật dễ dàng để than thở, chỉ cần bắt đầu bằng “Trời ơi”, “ôi sao ghét”, “ôi không thích” chúng ta chắc có thể nói chuyện ngày qua ngày những gì ta không thích nhưng thế giới thì đâu phải của mỗi chúng ta. Và chúng ta có bao giờ tự hỏi, không thích cái này cái kia thì dễ lắm vì có thể nhìn thấy, nghe thấy nhưng chúng ta có thích chính mình không?. Và đôi khi chính cái việc ta nói về những gì không thích, về những gì ta chê thậm chí sẽ gây những năng lượng tiêu cực đến cho người khác.

Thực ra Dickon không cần phải đến khu vườn đó, nó cũng không có nghĩa vụ cứu những muông thú, nó không nhất thiết phải đến khu vườn trong khi nó có một khu vườn ở nhà. Nhưng nếu chỉ sống trong khu vườn của chính gia đình nó, nó chẳng thể nào có cơ hội được đến khu vườn bí mật với bao điều mong chờ, chính nó sẽ không thể nào có trải nghiệm biến một khu vườn tưởng chừng cạn kiệt sự sống thành một mảnh vườn rực rỡ đến vậy. Nếu nó không tới, hẳn nó sẽ chẳng có cơ hội làm bạn thân nữa với chim ức đỏ, chẳng thể dắt thêm những người bạn mới.


Khu vườn và sự giáo dục,

Ba đứa trẻ - ba tính cách khác nhau, trong câu chuyện này có thể thấy rõ hình thành qua môi trường mà chúng lớn lên. Có thể Mary và Collin được sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng xa cách, còn Dickon quần áo vá chằng vá đụp lại được người mẹ ấm áp yêu thương nó. Mình không muốn nói ở đây rập khuôn rằng giàu có chưa chắc hạnh phúc hay một ý nghĩ rập khuôn khác bởi vật chất là cần cho cuộc sống, vật chất về đồ ăn, quần áo mặc – ta không thể phủ nhận sự tồn tại của vật chất. Điều mình nói ở đây rằng, những đứa trẻ cần sự bao dung, cảm thông và kiên nhẫn; mình nhận ra rằng dù Dickon hay Collin có khó ưa thật nhưng sâu thẳm trong chúng vẫn là những đứa trẻ luôn có sự háo hức tò mò về những điều mới mẻ, hồn nhiên.


Khu vườn và sự hồi sinh,

Không gian u tịch của tòa lâu đài đối lập với không gian của vườn cây và đồng hoang, theo cách nào đó đã khiến một cô bé gắt gỏng thành một cô bé dễ thương. Và từ cô bé dễ thương lại biến một đứa trẻ dày đặc ý nghĩ chết chóc lại muốn sống mãi. Và từ không gian của trẻ thơ bỗng chốc sống dậy sự vui vẻ, (thậm chí xúc động khi nghe thánh ca) của lão Ben làm vườn; chính không gian ấy lại bắt đầu của cái ôm xiết chặt của người cha với đứa con mà mình luôn trốn tránh. Ầy nhưng chính sự tò mò của những đứa trẻ đó lại khiến một khu vườn tưởng chừng là khu vườn chết lại đâm chồi nảy lộc thành không gian kết nối trái tim và khối óc của mọi người.

Và chính câu chuyện mang đầy vẻ thần tiên này lại làm sống dậy trong mình những xúc cảm mới, có lẽ câu chuyện còn gợi đến cho người đọc là người lớn một khu vườn trong tâm trí. Có lẽ là một khu vườn hồi sinh niềm tin và tình yêu vào cuộc sống mà đôi khi thực tế chôn giấu mất.  

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ