[2023] 17/35 - CÔNG TỬ NHỎ FAUNTLEROY




Mình đã định gác lại một thời gian nữa mới đọc nốt cuốn này, ấy vậy không hiểu sao mình chỉ định đọc thử vài trang thôi, đọc thử kiểu gì xong cuốn quá và giờ đang viết bài về cuốn sách xinh xắn này đây. Đây là cuốn truyện thiếu nhi đầu tiên của nữ văn sĩ Frances Hodson Burnett, thật may mắn vì mình có trong tay cuốn sách đầu tiên của nữ văn sĩ mình yêu thích. Dĩ nhiên, khách quan mà nói, bản thân mình đánh giá cốt truyện, văn phong, miêu tả có thể nó sẽ chưa thể khiến mình thu hút như hai cuốn trước đó nhưng đây cũng là một cuốn sách đáng đọc. Để rồi lại một lần nữa, ta lại say mê những lâu đài, trang viên tuyệt đẹp của Anh, về một thiếu niên quả cảm trong trẻo và thiện lương.

Cedric Errol, một cậu bé được sinh ra tại Mỹ nhưng mồ côi cha từ sớm, nhưng cuộc sống không phải quá khắc nghiệt với cậu khi cậu may mắn được dạy dỗ bởi một người mẹ xinh đẹp và đức hạnh. Không những vậy, xung quanh cậu có những người bạn với mọi độ tuổi, cậu bé đánh giày Dick, ông bán hiệu tạp hóa Hobbs. Cậu lớn lên dù không phải trong một lâu đài khá giả, không phải một trang viên đồ sộ nhưng cuộc sống của cậu vẫn tựa như một trang viên xanh tốt được bồi đắp bởi sự dũng cảm, thiện lương; sự ngây thơ trong trẻo của cậu còn động lòng cả những người trái tính. Ở cậu bé không có nấy một màu sắc của quyền lực, của những toan tính ích kỷ, nó thực sự rất đơn thuần như một trang giấy trắng. Ấy rồi, một sự kiện lớn xảy ra, cậu sẽ trở thành một công tử: Công tử Fauntleroy – một người sẽ được hưởng những gì rực rỡ nhất, hào nhoáng nhất – cậu sẽ nắm trong tay mình của cải đồ sộ, nắm cả trong tay mình về quyền lực. Nhưng việc đưa cậu lên là một công tử lại xuất phát từ sự kiêu hãnh ích kỉ của người ông nội mình, và cứ lật dần những trang sách mình lại soi xét kĩ hơn để cố gắng rằng liệu có sự thay đổi mảy may với một ông lão bá tước trước giờ sống cho bản thân mình, độc đoán và ích kỷ hay chăng. Mình sẽ không nói đến những vấn đề chính trị hay phân biệt giữa người Anh và Mỹ. Bởi một là, mình chẳng sống ở cả hai quốc gia đó, được học nhiều về lịch sử của họ để tranh cãi. Hai là, cũng từ lí do một, mình cũng không đủ sắc sảo để có thể đưa ra một bài luận về chính trị trong khi thứ mình đang đọc là một tập sách nhỏ văn học thiếu nhi. Ba là, với mình khi đọc cuốn sách này, dường như ranh giới của Đại Tây Dương, New York hay Liverpool đã nhòe đi, nó chỉ đơn thuần là câu chuyện người với người.

Câu chuyện về Quyền lực, vật chất?

Với mình quyền lực vừa đáng sợ vừa tuyệt đẹp, quyền lực có lẽ có từ thời sơ khai và cho đến tận giờ nó vẫn là một câu chuyện bất tận. Quyền lực có thể cho ta thứ ta mong muốn? có thể đem đến điều tốt đẹp cho một người này, đồng thời đem đến điều kinh khủng cho người khác. Quyền lực dẫn ta đến với ranh giới mong manh thiện và ác. Trong cuốn sách này không phải đào sâu về một vị vua, một lãnh chúa không phải cuốn sách về một quân vương hay những vương triều, nhưng cụm từ này vẫn hiện ra trong đầu mình. Bởi ngài Bá tước già, 70 năm cuộc đời, sống trên những vàng bạc châu báu, để cho người khác ghê sợ hơn là kính trọng, ghét bỏ hơn là yêu quý. Nhưng họ vẫn phải sống trong mảnh đất mà gia tộc ngài Bá tước cai quản, có thể bị bỏ mặc hoặc bố thí nếu có. Lúc này với mình quyền lực là thứ ghê tởm

Nhưng khi Công tử nhỏ đến, bằng tất cả sự ngây thơ và thiện lương, không hề nhìn quyền lực là công cụ để mình lạm dụng chà đạp lên mạng sống của người khác, mà cậu “dùng” nó để giúp đỡ những người nghèo khổ. Vì vậy ở đây thứ vũ khí tên là quyền lực đã được sử dụng một cách hợp lý. Đóng cuốn sách này lại, bằng một sự phức tạp của một đứa học văn nửa mùa là mình, mình đã trộm nghĩ đến hai màu sắc: một bên là tòa lâu đài nguy nga tráng lệ với phòng tranh các thế hệ, với chiếc ghế bành quyền lực nhưng khi đọc nó cảm giác với mình lại là một màu đen huyền bí u buồn, một màu sắc cô đơn bao trùm một lâu đài; còn lại không gian ngôi nhà nuôi dưỡng cậu bé công tử tương lai dù giản dị nhưng gọn gàng và tại nơi đó đã có một thứ tình cảm mà ngài Bá Tước một đời không có được ngay đó là yêu người khác và được người khác yêu thương tin tưởng. Và tâm trí mình lại nhớ đến hình ảnh, ngài Bá tước đi cạnh người cháu trai mình, thứ lỗi khi mình lại tưởng tượng đến rằng: cuộc đời này hai màu sắc đen và trắng, rực rỡ và u tối song song tồn tại với nhau, thứ để chúng tách biệt chính là một trái tim thiện lương, một nguồn năng lượng tích cực, một tâm hồn quả cảm và kiên định.

Thực ra, ngài bá tước nói sống cho bản thân mình – lối sống ấy chẳng có gì sai vì cuộc sống của ngài hưởng thụ trên gia tài của ngài. Chúng ta không thể dạy một giáo điều rằng người giàu có phải cho đi, hay làm việc từ thiện, hay dạy ai đó rằng cần phải cho thế này thế kia hay chúng ta giáo điều những lập luận rằng giàu chưa chắc đã sung sướng; bởi đó đơn thuần là lối sống lựa chọn của người đó. Người ta làm hay có việc gì cũng chẳng ảnh hưởng đến chúng ta, nên ngài bá tước chọn hưởng thụ cũng chẳng sao. Nhưng hưởng thụ của ngài đã thiếu đi trách nhiệm, ngài đã sử dụng những vật chất sắc màu đó, niềm vui đó của riêng mình mà thiếu đi trách nhiệm với những người con của mình, ngài đã dùng vật chất đó tô điểm cho mình ngài ngắm trong một tòa lâu đài rộng lớn mà u tịch, ngài đã sống cuộc đời cô đơn. Ngài bị giữ chân bằng bệnh Gút và trải qua tháng ngày cô đơn. Còn Cedric đã lựa chọn khác, khi cậu biết mình là một công tử, cậu đã để danh xưng ấy giúp cậu có thể đến gần hơn với mọi người, cậu đã lựa chọn giúp đỡ người khác.

Ngài bá tước mong muốn gieo vào đầu đứa nhỏ rằng, nó sẽ tự hào vì khối tài sản và danh hiệu của nó nhưng ngài đã quên rằng, ngài đang dùng đầu óc của một cụ già trải quá nửa đời người với toan tính lên một trang giấy trắng, trang giấy trắng ấy đối với quyền lực rất đơn giản. Nếu không thuộc về nó, nó chẳng cần, nó chỉ cần biết rằng liệu nó vẫn là đứa cháu nội thương mến của người ông nó ngưỡng mộ hay không, nó có được ở cùng người mẹ dấu yêu của nó không, rồi nó chỉ cần biết sau nó cần làm gì để giúp đỡ mẹ. Thế giới của nó chỉ đơn thuần như vậy nhưng đến với những bộ óc của người lớn lại thành những đề tài phức tạp.  

Câu chuyện về Ngài bá tước từ một người lãnh đạm, tàn độc lại thay đổi bởi một cậu bé?

“Ngài đã quá ích kỷ, đến nỗi bỏ quên mất khả năng nhìn nhận nét vị tha ở những con người khác, và ngài cũng không biết một đứa bé nhân hậu có thể dịu dàng, chân thành và nồng hậu đến thế nào”. Câu chuyện vì sao ngài bá tước lại độc đoán như vậy hẳn vẫn là một ẩn số, cho đến lúc này mình tạm thời chưa trả lời được, mình cũng chỉ tự hỏi rằng liệu cái tính độc đoán kia xuất phát từ sự kiêu hãnh của một gia tộc, hay một sự tự phụ về việc mình có thể giải quyết bằng vật chất mình có, hay ngài đã quen với việc ngài có thể quyết định sự sống sót của người khác bằng cái chữ ký của mình. Ngài đã đi đến ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với đứa cháu nội của mình, bởi đơn thuần trước đây tuổi trẻ của ngài là cuộc vui dành cho mình, ngài cũng cứng nhắc bỏ mặc những đứa con của mình để chúng lớn lên ngỗ nghịch và hư hỏng, rốt cục ngài chỉ quan tâm rằng cái danh dự một dòng họ cao quý đã bị vấy bẩn nhưng ngài nhất quyết vẫn không thể nhận ra nguyên do của việc đó chẳng phải một phần do ngài hay sao. Cũng chính những cuộc vui cho bản thân mình nên ngài đâu thể hiểu rõ tình yêu là gì, tình yêu có thể vượt qua ranh giới của bán cầu, vượt qua những phân biệt giai cấp, phân biệt giàu nghèo. Ngài cũng chưa hiểu tình bạn là ra sao, bởi chính ngài cũng đa nghi và chưa coi ai là một người bạn, cái ngài nhìn nhận rằng họ lợi dụng và thèm khát khối tài sản của  mình. Nên đứng trước một trái tim đơn thuần, ngài mới ngạc nhiên đến như vậy.

Gần nửa cuốn sách, mình vẫn chỉ thấy rằng sự thiện lương của cậu bé được mọi người hãnh diện chỉ thấy là củng cố thêm sự kiêu hãnh của ngài bá tước về đứa cháu trai của mình nhưng dần dà ngài bắt đầu mong manh một ý nghĩ thành một người tốt, vì bản năng của ngài mách bảo rằng ngài mong muốn là một người tốt trong mắt người cháu. Tự dưng ngài bắt đầu nghĩ đến những người nghèo khổ giai cấp trước đây ngài cho rằng  là hèn mọn, tự dưng ngài bắt đầu thấy rằng việc sống thực sự là thế nào. Ngài bắt đầu ý thức được rằng trở thành bá tước phải là một người như thế nào.

“Trên đời này không có thứ gì mạnh mẽ bằng một trái tim nhân hậu, và bằng một cách nào đó, trái tim nhỏ bé và tử tế này, dù chỉ là trái tim của một đứa trẻ, dường như đã xóa đi bầu không khí u ám trong căn phòng rộng lớn, khiến nó tươi sáng hơn”

Và cho đến khi đứng trước nguy cơ đứa cháu nội ngài yêu quý sẽ tuột khỏi vòng tay ngài, lúc ấy ngài mới thực sự thấm thía được tình cảm sâu nặng của chính mình với một người là ra sao. Trái tim ngài trước đây nhộn nhịp với sự kiêu hãnh trong ngài, sau đó trái tim ngài đã đập bằng tất cả sự hoang mang, lo sợ, yêu thương với một người cháu ngây thơ, trong trẻo nhưng vô cùng hào hiệp.

Câu chuyện về những định kiến?

Nói cho cùng kể cả có Mỹ hay ở Anh, nhân vật Hobbs dù yêu cậu bé bảo vệ cậu cũng đầy định kiến khi ông còn chưa thực sự sống ở đó, cũng chưa thực sự đọc về cuộc sống của những người Anh ra sao. Còn ngài bá tước lại đầy định kiến trút lên người con dâu của mình. Suy cho cùng dù là đất nước tự do hay là đất nước quý tộc đi nữa, không thể không tồn tại những định kiến. Frances không đưa ra bất cứ lời văn nào đứng về phía quan điểm nào, nó chỉ đơn thuần bày trước mắt ta và để ta suy nghĩ. Dĩ nhiên, nếu là mình của trước kia mình cũng chẳng nghĩ nhiều đến vậy, nhưng hiện tại nghĩ về những định kiến. Mình cũng tự  thấy bản thân mình cũng có những định kiến.

Cậu bé Cedric trong trẻo thiện lương như vậy ban đầu vẫn có những định kiến về chất Mỹ của cậu, cư xử của cậu từ người luật sư – người được cho là tỉnh táo, người ông của cậu đấy thôi. Rồi phần cuối câu chuyện, đến gần cuối lại có những lời văn viết về những bài báo thêu dệt về Cedric. Sự thật chỉ có một nhưng những gì gần với sự thật lại rất nhiều, nhiều khi chúng ta vẫn cứ lười biếng bám đến tận cùng để tìm ra sự thật, thay vào đó chúng ta lại tin vào những điều mà người ta đồn thế.

Câu chuyện về bề ngoài – bản chất? Sự thật?

Thực ra mình chưa biết diễn tả luận điểm này ra sao, nhưng mình nhận thấy thế này. Đôi khi bản chất ta là khác, nhưng bên ngoài ta cư xử như không phải vậy. Ngài bá tước vốn là một người độc đoán nhưng rốt cục thế nào dưới ánh mắt của người cháu nội ông lại là một người tốt. Và chính vì sự thiện lương, ngây thơ đó, ngài bá tước trước đây không cần nể hả về lời nói cay độc của mình lại sợ rằng người cháu sẽ thất vọng về mình, và chính những lời nói ngây thơ của Cedric mới thực sự đâm vào lòng ngài bá tước để rồi ngài soi lại mình, soi lại mình của những 70 năm đã làm những gì. Vốn biết rằng ta nên sống với bản chất thật nhưng chính sự trong trẻo của cậu bé này đã khiến ông tự tủi hổ và xấu hổ, xấu hổ vì nhận thức rõ hơn bao giờ hết mình đang dối trá trắng trợn trước mặt người cháu của mình. Thực ra mình cho rằng quả báo đến từ lúc này chứ không phải sự kiện cuối câu chuyện. Quả báo rằng, ông đã phải sống mà rũ bỏ sự kiêu hãnh của bản thân vì nhận thức sâu sắc được về tình yêu, nhận thức được rằng ông đã sai lầm khi lại chối bỏ một người mẫu mực đã sinh ra và dạy dỗ người cháu của mình. Tâm hồn của ông đã không lúc nào được yên vì rõ là ông đã lo sợ người cháu của mình phát hiện ra bản chất của mình. Còn Cedric sống rất thoải mái, cậu đẹp như tranh và trái tim cậu cũng vậy, cậu không phải bận lòng suy nghĩ ai phát hiện ra bởi cậu trước sau vẫn như vậy.

Nhân vật Minna dù chỉ là một tuyến nhân vật phụ, dù là người phụ nữ đẹp nhưng rốt cục cô ta cũng không thể che đậy nổi bản chất của mình là một ả đàn bà thất học, ngu dốt đang cố xây dựng một câu chuyện hòng đưa đẩy lợi ích của bản thân từ chính người con của mình. Nhân vật mẹ Cedric – nhân vật Minna như hai luồn màu sắc trái ngược nhau khiến cho tòa thành kiên cố định kiến của ngài bá tước sụp đổ và khiến ngài bỗng dưng từ một người chả quan tâm ai lại là người da diết khắc khoải sợ mất đi đứa cháu của mình.

Câu chuyện về người bạn?

Thật xúc động khi một cậu bé bằng tất cả số tiền có được lại dùng để mua một chiếc khăn tay đỏ để tặng người bạn Cedric, cuốn sách này chả nói một từ nào về phép màu nhưng bàng bạc cả cuốn sách mình vẫn thấy những sắc màu thần tiên tỏa ra, từ cảnh Cedric cưỡi ngựa, từ vẻ đẹp tựa tranh của Cedric cho đến sắc màu rạng rỡ của tình bạn này. Nếu cậu bé sống ích kỉ sẽ chẳng có người bạn nào tặng cậu một món quà bằng tất cả yêu thương, sẽ chẳng có người bạn nào vượt qua cả quãng đường dài đến để vạch trần sự thật và bảo vệ cậu công tử nhỏ cả. Không tự dưng Cedric có những người bạn chân thành như vậy nếu nó thiếu đi một tâm hồn trắc ẩn.

Câu chuyện về giáo dục?

Mặc dù có bản chất tốt, cậu đã có thể bị làm hư bởi cảnh giàu sang nếu không có những quãng thời gian bên cạnh mẹ tại Court Lodge. Không thể phủ nhận rằng cậu bé sống với tất cả sự hào hiệp ấy có thể sẽ bị tha hóa bởi quyền lực bởi rõ ràng ta đã thấy ngài bá tước đã có rất nhiều kế hoạch để cậu bé tự hào về quyền lực và tài sản cậu có, chúng ta không thể chắc chắn được rằng cậu bé sẽ mãi như thế sẽ không bị sự sáng loáng của đồng tiền che mắt nếu thiếu đi sự dạy dỗ. Mình đã thấy được rằng hai người con trai của ngài bá tước đã thiếu đi tình yêu thương của chính ngài, thiếu đi sự dạy dỗ để rồi đã mất đi; còn cậu công tử nhỏ đã được sống bằng tình yêu thương, dạy dỗ của người mẹ hết mực yêu thương cậu. Chính vì được kịp thời bảo ban những điều hay lẽ phải, nên cậu bé mới có tấm lòng yêu thương, cư xử đĩnh đạc và chững chạc như vậy.

“Niềm tin của Frances Hodgson Burnett rằng tình yêu thương sẽ chinh phục tất cả đã được thể hiện một cách thật đáng nhớ trong câu chuyện này, trong cuộc hành trình như chuyện cổ tích của cậu bé Mỹ từ khu phố tồi tàn bẩn thỉu thành New York đến danh hiệu Bá tước và toàn bộ điền trang khổng lồ của dòng họ. Một cuốn sách hấp dẫn và đáng để đọc.”

(The Horn Book)

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ