[2023] 21/35 - THƯ TÌNH
Đọc “Thư tình” – một cuốn sách chưa
đến 200 trang – cảm tưởng như đang xem một bộ phim với thước phim chậm rãi. Mình
vốn là người có là có, không là không nên mình thích một câu nó là xác nhận có
hay không; nhưng ở cuốn sách này, sự cứng nhắc của mình phải dẹp qua một chỗ. Vì
ở đây day dứt mãi trong lòng mình không có câu Tớ thích cậu hay anh thích em, không
có sự khẳng định vì người cần khẳng định đã mất đi rồi – chỉ còn những người ở
lại.
Trước kia, cũng phải 6 năm trước rồi, một đứa chân ướt chân ráo lần đầu đọc những cuốn sách đến từ Nhật Bản là văn xuôi, mình thấy khó hiểu. Lại còn tóm tắt luôn cái ý chính ở cuối bìa, mình trộm nghĩ rằng việc này mình không thích tí nào. Nhưng hiện tại mình của 6 năm sau thấy rằng, mình quá ngô nghê khi nghĩ vậy, mình quá ngô nghê khi nghĩ mọi việc lúc nào cũng rõ ràng được kể cả tình cảm. Mình thấy rằng cái tóm tắt đằng sau chỉ là một phần rất rất nhỏ, nó chỉ là một xương sống. Đến khi đọc cuốn sách này dù vẫn biết là cái việc thích nó sẽ là như thế nhưng càng đọc mình lại càng không muốn bám vào cái xương sống đấy vì nếu cứ cố chấp bám vào cái xương sống đó, mình sẽ quên hết và bỏ qua rất nhiều cái hay của cuốn sách.
Sự thật?
Nếu chẳng có cuốn album đấy có lẽ
Hiroko cũng không đi tìm kiếm sự thật. Nhưng con người mà, luôn có tồn tại cái
tính tò mò, và sự tò mò của Hiroko có lẽ đến từ nguyên nhân rất đơn giản rằng,
cô yêu anh ấy. Và chẳng có gì sai khi người ta muốn biết người con trai ấy của
trước kia vì quá khứ là nơi cô không có mặt. Nhưng sự thật đôi khi không phải là
những gì ta muốn nghe và thấy. Càng đi sâu vào sự thật thì lại càng có chút gì đó
đau lòng, đến hiện tại mình vẫn không muốn hề muốn khẳng định rằng Hiroko chỉ là
hình bóng quen thuộc – một chấp niệm trong quá khứ với người con trai này. Bởi
người cần để xác nhận đã không còn trên đời, nếu cố gắng bám vào cái xương sống
tóm tắt của bìa sau, mình sẽ chỉ thấy tội nghiệp Hiroko.
Còn người con gái trùng họ trùng
tên kia nếu cô không trả lời, cũng không làm gì cả thì chỉ đơn giản lá thư ấy là
lời nhung nhớ của một người con gái lạ mặt nào đó. Nhưng rốt cục là lá thư từ
chỗ là một tờ giấy hỏi thăm chuyên chở nỗi nhớ thành một cầu nối mở ra một quá
khứ - mở ra một kí ức – và cũng là một mảnh ghép – một mảnh về người con trai đó.
Nhan đề là thư tình nhưng tự dưng mình nghĩ một ý – trao đổi qua thư và biết về
người con trai của mình đôi khi cũng là một lá thư “Tình”. Tiếp nữa, thư tình
trước đây chúng ta cứ hiểu rằng là giấy có câu chữ bày tỏ tình cảm nhưng giữa
muôn hình vạn trạng của cuộc đời, giữa sự phong phú của cuộc sống này, lá thư tình
có thể được thể hiện ở hình thái khác (một hình vẽ chẳng hạn).
Mình viết điều này hơi khó hiểu
nhưng càng đọc cái xương sống tóm tắt ở cái bìa, cho đến khi đọc, càng đọc với
rất nhiều dữ liệu, suy nghĩ của mình càng lúc càng xa khỏi cái cốt đấy. Cho đến
tận trang cuối của cuốn sách mình mới tin tin và bám vào cái cốt tóm tắt đó. Vì
nếu thực sự người con trai ấy yêu Hiroko vì cô có khuôn mặt giống người con gái
trong quá khứ anh yêu thì có thật sự hơi quá đáng hay không, và cái kết chỉ dừng
lại ở việc người con gái đó nhận tấm thư tình – hình vẽ về cô ấy ở trong sách. Đến
tận những trang cuối cùng, sự thật vẫn từ từ mới hé lộ thông qua các sự kiện,
những tấm thư tình với nhau; rốt cục 6 năm sau bằng tất cả sự trải đời (thực ra
trải không nhiều lắm) mình mới thấm thía thế nào là day dứt ở trong lòng người ở
lại, day dứt ở sự thật dần dần được tháo, dần dần được nối và những mảnh ghép hiện
ra để ta thấy rõ một câu chuyện.
Tình yêu?
Tình yêu sét đánh là cụm từ mình
rất hay nghe nhưng khi đọc cuốn sách này, đầu óc mình cứ lửng lơ mà không thể rõ
ràng được rằng thế nó có được không. Vì tình cảm không thể nói là tốt hay xấu,
không thể nói rằng nó đen – nó trắng, nó tối – nó sáng; hoặc có thể dùng tất cả
sự logic phân tích để khẳng định. Chưa bao giờ một cuốn sách lại khiến mình không
thể rõ ràng mạch lạc được ngay câu chữ và suy nghĩ thế này. Tình yêu sét đánh theo
những gì mình đọc dù khác nhau bởi rất nhiều lí do nhưng tựu chung là do ấn tượng
mạnh; tại câu chuyện này thực ra vẫn chỉ là suy đoán của Hiroko còn nó đúng thế
hay không thì chả trả lời được. Lạ thật, hóa ra trên đời này vẫn có những câu hỏi
không thể trả lời bởi người có thể trả lời thì không còn trên đời, còn câu trả
lời thì có cũng chỉ từ những mảnh ghép vụn vặt mà ta thu thập được. Cái day dứt
là ta cứ phải tự nghĩ đến cái ý trả lời cho những câu hỏi đấy mà không thể xác
nhận được, và lại càng day dứt hơn khi ta càng đi tìm sự thật ta lại càng nhận
ra rằng hình như nó là thứ ta không muốn đối diện.
Tình yêu đơn phương, cũng là cụm từ
mình rất hay nghe. Cụm từ này mình nhớ ra nó khi đọc cái tóm tắt chứ khi đọc quyển
sách này tuyệt nhiên trong đầu mình không nghĩ đến nhiều về nó thậm chí cả cái cụm
từ tình yêu sét đánh mình cũng lại không hề nhớ đến. Mình chỉ chuyên tâm đến một
việc rằng mình tập trung nuốt từng câu chữ để xem lật sang trang tiếp theo sự
thật nào được mở ra tiếp.
Cuốn sách này không dừng ở câu
chuyện tình yêu đơn phương, hay tình yêu sét đánh. Mình thấy ánh lên ở gần cuối
truyện là hình ảnh người ông bảy mươi sáu tuổi cõng người cháu – cứu sống người
cháu bằng tất cả sức lực trong thời tiết khắc nghiệt. Và lạ kì là tình yêu mình
nhớ đến nhất là câu chuyện này.
Tự dưng mình nhận ra rằng cho đến
6 năm trôi qua đọc lại, hình như vẫn còn cái mới nguyên của sự háo hức tò mò về
cuốn sách này. Chỉ có điều trước kia không hiểu mạch truyện thì giờ hiểu rồi,
trước kia tập trung quá nhiều vào cái tóm tắt rồi cố gắng đọc đến đâu để khẳng định
nó đúng như cái bìa – thì giờ thay vì bám vào cái tóm tắt một cách cố chấp là đơn
giản đọc. Trước kia cứ nhất thiết khẳng định là câu chuyện theo cái tóm tắt rồi
nghĩ anh này tồi, chị kia tội nghiệp thì hiện tại không khẳng định cũng không
phủ nhận chỉ đơn giản xuôi theo sự thật, suy ngẫm.
Nhận xét
Đăng nhận xét