[2023] 23/35 - CHÀNG CẮN HỒ ĐÀO VÀ VUA CHUỘT




1, Chiếc âu vàng

Kỳ lạ thay là vốn lên mạng lướt để tìm ai đó cũng đọc “Chiếc âu vàng” nhưng không thấy bài viết nào ổn ổn xíu để coi xem thế nào. Mình đã tưởng tượng rằng một đứa trí tưởng tượng cũng có như mình đọc tập truyện này chắc cũng ổn  thôi nhưng không hề khi đọc, mình cảm tưởng văng vẳng bên tai mình là tác giả gõ gõ cái bút và đều đều hỏi mình rằng: Cháu chắc là cháu đủ trí tưởng tượng, niềm tin để đọc cái câu chuyện này của ta chứ.

Thực - ảo,

“Ở vương quốc thần tiên ấy, một vương quốc mà tinh thần thường mở cửa cho chúng ta bước vào, chí ít là trong mơ, xin bạn hãy tìm cách nhận ra những hình bóng quen thuộc, như thường ngày, họ vẫn đang quanh quẩn bên bạn trong một cuộc sống chung. Rồi bạn sẽ tin rằng vương quốc thần tiên ấy rất gần với  bạn, gần hơn cả bạn tưởng…”

Theo một cách nào đó, mình vẫn chưa biết nên gọi đây là chuyện cổ tích hay không nữa, và khi đọc những câu văn tràn đầy sự bồng bềnh mơ mộng này, mình cứ ngỡ đây phải chăng là chuyện cổ tích phương nào chăng, và mình đã những tưởng rằng ở một nơi xa xôi ở đâu đấy, một góc xó xỉnh của mảnh đất đang ở (có khi thế) vẫn đang tiếp diễn một câu chuyện thần tiên mà mình không biết, hay có khi dưới cái lớp hiện thực làng nhàng khói bụi, cây cối nhạt nhẽo trên con đường đi làm của mình có che giấu thế giới nào đó. Khi đọc câu chuyện này, tâm trí mình du dương hình ảnh cây mộc hương với âm thanh siêu thực đi vào cõi vô thực. Ấy, trông như kẻ mất trí ấy nhỉ, nhưng tại sao giữa bao con người hối hả ở đây lại chỉ có chàng trai Anselmus nghe thấy, chàng trai bị vòng xoáy số phần ném cho những sự đen đủi. Phải chi tiếng kêu than của chàng đánh thức ở chỗ nào đấy một sự thương cảm mến yêu, sự thương cảm cho số phận chàng sinh viên trẻ tuổi tài năng. Lúc này, mình thấy rằng…

Như cái ác vẫn bao bọc quanh vẻ bề ngoài là trái táo ngọt thơm (hay nói cách khác đôi khi dưới vỏ bọc ngọt ngào giống trái táo ngọt lịm là cái ác, sự mục ruỗng đang được che giấu) và bà phù thủy vốn sinh ra từ cái lông rồng đen – củ cải bé tí mà vẫn đủ sức tập hợp sự ác độc, những thế lực thù đich làm giảm đi niềm tin của con người. Cái ác vẫn hiển hiện như thế, hiển hiện một cách mờ ảo và được che giấu tinh vi và sẽ len lỏi vào những tâm hồn thiếu đi sự lí trí và tỉnh táo.

Như những điều kỳ diệu nếu tin là có thì chắc là có thôi. Như viên hiệu phó kể cả có trải qua bao nhiêu biến cố rõ ràng đi nữa, thì ông vẫn không tin những câu chuyện này và cho rằng chúng hoang đường. Hoffman rất khéo léo, không hề lố bịch khi viết về thiên nhiên, con chim nhạo báng: bằng tất cả bút lực của mình ông đã tạo ra khu vườn địa đàng có dáng hình và thanh âm. Cảm tưởng rằng địa đàng nằm ngay chốn nhân gian này. Hoffman cũng không nói rằng ta bắt buộc phải tin sau khi đọc câu chuyện, ông giống như một người làm vườn dẫn ta đến nơi của những loài hoa đẹp, giống như người dẫn đường kéo ta đến khu vườn ấy bằng tất cả sự nhiệt thành của mình. “Chẳng bao lâu nữa, vâng, chỉ vài phút nữa thôi tôi sẽ phải ra khỏi gian phòng xinh đẹp này, một gian phòng mà còn lâu mới sánh được với trang ấp ở Atlantis, và tôi bị xô đẩy trở về với buồng văn áp mái của mình, và những cảnh nghèo nàn nhạt nhẽo của một cuộc sống túng thiếu lại vây hãm hồn tôi, đôi mắt của tôi lại bị hàng ngàn điều bất hạnh như sương mù che phủ mất tầm nhìn, khiến tôi có lẽ sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy bông hoa huệ!”. Dĩ nhiên gấp cuốn sách này lại, mình không thể sống mãi một thế giới thần tiên, cũng không thể cho rằng cuộc đời đen đủi của mình sẽ tự dưng có một chàng rắn xanh đến đón mình cả. Nhưng ít nhất mình đã có một thế giới đẹp vốn cho thi ca ở trong tâm trí. Hiện thực không phải trốn tránh mà được, không phải ta sống trong ảo ảnh để che giấu đi hiện thực trước mắt, mà để cho ta thấy đẹp trong tim, thấy lòng tròn đầy, thấy con mắt được mở rộng mà nhìn đời tiếp tục, hay nhìn đời bằng con mắt đẹp đẽ khác chứ không phải con mắt nhìn đời đen ngòm và ác độc.

Tình yêu,

Nếu nói xuyên suốt câu chuyện này là tình yêu thì cũng không hẳn, tình yêu không phải là yếu tố tiên quyết để tạo nên sức hấp dẫn, tình yêu là điểm nhấn trong câu chuyện này. Trong truyện này, vẻ đẹp của nàng rắn xanh hội tụ trong đôi mắt nhưng vẻ đẹp tâm hồn nàng lại được bao ca từ diễn tả, giọng nói tựa chuông ngân của nàng lại được nhắc đến nhiều hơn bao giờ hết. Vẻ đẹp của nàng Veronika lại được miêu tả kĩ lưỡng hơn chút đỉnh. Tự dưng mình lại trộm nghĩ, mình không hề phân biệt hai vẻ đẹp nào, bởi hai nàng đều đẹp và đều xứng đáng. Chứ nếu như khen mình nàng rắn xanh và hạ bệ người còn lại há chẳng phải ta vừa chủ quan vừa đầy định kiến một cách vội vàng hay sao. Điều mình nói ở đây là cách yêu.

Yêu và chiếm hữu – ranh giới hai điều này rất mong manh. Kể cả có phải là một thế giới siêu thực khi cái ác hiện hữu, khi địa ngục trồi lên cả nhân gian một cách khó hình dung, thì vẫn không thể phủ nhận rằng chẳng thiếu người con gái như Veronika bị lợi dụng tình yêu thuần khiết và trong trắng, cuốn vào vòng xoáy đen tối của những việc làm u mê sai trái. Nàng lại chưa hiểu rằng tình yêu của nàng thiếu sự dũng cảm, thiếu đi lòng tin đến mức nàng phải chọn phép thuật đen tối, nàng lại bị dẫn dắt bởi sự ích kỉ của người khác để làm sai và chính nàng đau khổ. Cái gương kim loại soi thẳng vào đó cũng như soi chính những toan tính của con người, nhiều khi ta chẳng thể chiến thắng được con mãnh thú đầy bản năng để rồi ta đi đến ranh giới của tha hóa. Còn nàng rắn xanh kể cả khi chàng trai kia đã lúc nào đó thiếu niềm tin, vô tình chà đạp lên câu chuyện của nàng thì nàng vẫn bằng tất cả sự bao dung để ôm ấp người nàng yêu. Thực ra không chỉ mỗi tình yêu, trong cuộc sống không thiếu những lúc ta bị cuốn vào những việc điên dại và đen tối, bởi có lẽ nào thiếu đi niềm tin, bị cuốn vào những vòng xoáy mụ mị hay những cám dỗ nào đó chăng. Có một điều mình nhận ra rằng, nhà văn viết những trang văn dài đẹp đẽ về quá trình thay đổi, quá trình làm việc của chàng Anselmus nhưng chỉ tốn chưa đến 10 trang để viết về những phút giây thiếu lí trí của chàng, và cũng chưa đến 5 trang để viết về hậu quả. Như vậy, xây dựng niềm tin, tình yêu bền chắc rất tốn công nhưng phá nó lại rất nhanh, phá đi niềm tin lại càng nhanh hơn nữa.

Tuy nhiên thì bằng tất cả sự chủ quan, sự hèn mọn của mình vẫn có một góc không thích câu chuyện tình yêu này bởi câu chuyện tình yêu hơi thiếu đi sự mạnh mẽ, lí trí của chàng trai. Có lẽ mình đã quá quen với những chiến tướng oanh liệt đánh bại con rồng giải cứu công chúa, hoặc bằng tất cả sự từng trải ngắn ngủi của mình mình hơi thấy câu chuyện này thiếu đi lí trí, thiếu suy xét. Hoặc suy cho cùng, mình đang quá kỳ vọng và chỉ thích thứ mình muốn, có lẽ cũng như người bình thường đôi khi ta không thể đủ lí trí mạnh mẽ để tin tưởng hoặc ta không đủ mạnh mẽ để chống lại những lối suy nghĩ thù đich hoặc những cám dỗ khác.

Cái thiện – ác,

Trong đây không có câu chuyện hoàng tử đánh nhau với một con rồng giải cứu công chúa, mà ở đây thứ khiến chàng vượt qua những nghịch cảnh là tiếng nói êm dịu của tình yêu. Cái ác hiển hiện một cách dai dẳng từ đầu đến gần cuối câu chuyện, không lộ diện trực tiếp mà rình rập đâu đó chực vồ lấy để xé nát, xé lấy xé để cái thiện lương trong trẻo, để lôi kéo những suy nghĩ đen tối. Cái thiện khuất lấp ở đâu đấy, suy cho cùng thiện – ác, ánh sáng – bóng tối song hành tồn tại và ta phải vượt qua ranh giới để có thể giữ được mình. Tuy nhiên không phải lúc nào ta cũng đúng mãi được, ta sẽ có sai lầm nhưng việc đứng lên là thế nào như nàng Veronika đã kịp thời nhận ra sai lầm của mình. Đôi khi phải trải qua cú đánh đau đớn của hậu quả ta mới nhận ra và thức tỉnh cơn mê muội của bản thân.

Cái âu vàng mình còn tưởng là từ nó sẽ là ngọc ngà châu báu hay cái gì cơ đấy, đúng là suy nghĩ của kẻ tầm thường nó chỉ vậy. Chiếc âu vàng chứa đựng đất và khi ai có thể chạm vào nó sẽ là bông hoa huệ cháy rực còn không sẽ là đốm lửa thiêu rụi. Đất đối với mình là nơi mình ở, nơi mình sống, nơi mình có thể tồn tại, là nguồn sống của nhiều thứ. Chiếc âu vàng trong mắt của kẻ tầm thường khác (có cả mình đấy) chứa đựng những gì sáng lóa, giàu có nhưng hóa ra nó chứa những gì nguyên sơ và căn bản

Nếu chàng trai Anselmus tiếp tục sợ hãi và lùi bước sẽ chẳng bao giờ chàng được bước vào thế giới địa đàng, được từng bước tiến đến người mà chàng yêu. Nếu cứ sợ cái ác và chẳng dám đối đầu, e rằng ta sẽ mãi sống trong vỏ bọc của mình. Hình như mình phát hiện thêm một điều, cái đẹp trong này lại được tạo ra từ đôi tay của người bình thường là chàng trai Anselmus, người dẫn dắt cũng chiến đấu với cái ác lại là thần dưới vỏ bọc của con người. Tự dưng mình tin tin một cách ngây thơ tiếp rằng, sự diệu kỳ từ đôi tay của Anselmus tạo ra những bức chép đẹp đẽ vượt qua những mong muốn tầm thường như những chàng sinh viên khác, còn E.T.A Hoffman đây bằng ngòi bút của mình đã viết lên áng văn đẹp mê hồn.

2, Zaches tí hon mệnh danh Zinnober

Cũng tương tự câu chuyện thứ nhất, mình cũng không thể tìm được nhiều bài viết về câu chuyện này, chắc có lẽ mình chưa tìm kiếm đúng. So với câu chuyện thứ nhất, mình mất nhiều thời gian hơn để đọc hơn. Câu chuyện này viết về Zinnober nhưng có lẽ theo mình hiểu, câu chuyện này bất cứ ai cũng là nhân vật chính. Mình đã tưởng rằng câu chuyện anh chàng tí hon này sẽ như câu chuyện anh hùng mình vẫn đọc, nhưng không vẫn phong cách hóm hỉnh, sự liên tưởng phong phú mình lại một lần nữa bước vào thế giới mà cảm tưởng đến trang cuối cùng vẫn đầy sự bất ngờ

Nhân vật Zinnober

Zinnober – nguồn gốc và sự trở trêu của tạo hóa

Zinnober vốn là Zaches tí hon trong mắt người mẹ của hắn. Một người sinh ra dị hình dị dạng, nếu không muốn nói quá thì có lẽ theo cái tiêu chuẩn của mình hắn mang dáng dấp một con quỷ. Kể cả hắn có khoác lên mình bộ quần áo bảnh bao, tuốt gươm và đi ủng thì hắn vẫn không thể che giấu được sự xấu xí của hắn. Bản thân hắn sinh ra là trớ trêu của tạo hóa, và hắn lớn lên cùng người đàn bà nghèo khổ. Nghèo khổ đến mức không thể tìm được trong cuộc sống của mình một điều gì vui vẻ, sự nghèo khổ khiến người đàn bà không thể đủ yêu thương đứa con của mình. Thân hình của hắn xấu xí do tạo hóa hay cũng do một phần là hiện thân của những đói nghèo, những suy nghĩ tiêu cực của người lớn. Vậy nếu như người mẹ của hắn có thể cố gắng bao dung nổi, và yêu thương hắn thì liệu có khác đi hay không. Và cái vẻ xấu xí, cái cuộc đời sống như một cục nợ của hắn đâu thể giải thích được bằng khoa học hay không, có thể loằng ngoằng bằng phương pháp luận hay lý thuyết suông hay không.

Zinnober – sự trớ trêu của số phận và phép màu

Chúng ta không thể lựa chọn chúng ta sinh ra ở đâu, nhưng có thể quyết định bản thân sẽ là ai. Có những kẻ trên đời bất hạnh nhưng bằng tất cả sự cố gắng và nỗ lực, sự dũng cảm nhất định có thể vượt lên chính mình nhưng cũng có những kẻ tự cho rằng mình được hưởng đặc quyền, bắt buộc người khác phải nhường nhịn khép nép trước mình. Bằng tình yêu thương (hướng thương hại), hắn được nàng tiên hoa hồng ban cho phép màu. Phép màu ấy vốn ban đầu mục đích của nó là nhằm đánh thức sự trưởng thành và khả năng của hắn để trở thành một người tốt, một người dù không được sinh ra xinh đẹp nhưng cũng sẽ có khả năng thành một người phi thường như bao người khác. Nhưng sau cùng có lẽ rằng tình yêu của nàng hoa hồng đã vô tình đẩy hắn thành một kẻ tự mãn, đã vô tình cướp đi ước mơ và tình yêu của những người trẻ tuổi khác. Hắn tự ngang nhiên cho rằng hắn không cần phải lao động, không cần đổ mồ hôi và xương máu, không cần có khả năng để có được quyền lực, vàng bạc châu báu. Thực ra việc nàng hoa hồng đẹp muốn ban tặng phép màu ấy cho Zinnober cũng không có gì sai. Nhưng tình yêu thương của cô đã vô tình giết chết chính Zinnober. Phép màu ấy thui chột đi sự tự lập, cố gắng và dũng cảm của cái người mà cô gọi là đứa con đỡ đầu. Và có lẽ cô sẽ mãi nghĩ rằng việc cô làm là đúng đắn nhưng cô không biết rằng việc ban phép màu đấy đã giết chết ước mơ của người khác, dày vò tâm can của người khác và khiến cho tài năng thực thụ bị loại bỏ. Cô không biết rằng phép màu ấy vô tình khiến bao giọt nước mắt phải rơi, sự tủi hổ và phẫn nộ dâng lên như sóng trào trong lòng rất nhiều người.

Sự vô lý của phép màu những tưởng chỉ có ở trong truyện nhưng có lẽ xuyên suốt chiều dài lịch sử, có lẽ có những người bằng tất cả mánh khóe của mình đã cướp đi công lao của người khác một cách trắng trợn và hưởng quyền lợi không phải của mình đó thôi. Từ Zinnober, mình nghĩ đến các hướng thế này.

Một là, có những người đã bằng tất cả sự giảo trá và gian xảo cho mình được quyền lực và của cải nhờ công sức của người khác

Hai là, có những người vốn bất tài vô dụng nhưng không chịu học  tập và rèn luyện đã khoác lác cho bàn dân thiên hạ thấy hắn có tài (nhưng thực ra chả có gì)

Ba là, có những người có thể gặp may nhưng vô tình ngủ quên trên những điều đó

Zinnober – cái chết

Không biết rằng Zinnober đã chết vì điều gì nhưng rõ ràng cuộc đời hắn sinh ra và chết đi duy chỉ có nàng hoa hồng đẹp là có dành tình yêu cho hắn. Bà mẹ hắn phải đến lúc hắn làm quan mới nhớ ra sự tồn tại rằng bà đã từng sinh ra một đứa con là hắn. Đến lúc hắn chết bà mới bắt đầu thương xót hắn. Mình tự hỏi liệu sự thương xót này có giả tạo quá không, khi có người nhận nuôi hắn bà đã không thương tiếc để hắn lại, hay hắn làm quan bà mới chỉ nói về những của cải vật chất.

Và chỉ khi cái chết của hắn, nàng tiên hoa hồng mới thực sự thức tỉnh về phép màu của mình. Vì vậy yêu thương là đúng đấy nhưng dùng sự yêu thương của mình khiến cho người đó ngỗ ngược và cướp đi cuộc sống của người khác thì đó lại là một hành động máu lạnh

Nhân vật những người sinh viên trẻ tuổi: Balthasar, Fabian

Trong cái không khí cổ điển toát ra từ câu chuyện thì mình nhận ra từ câu chuyện 1 và 2 có một suối nguồn rất tươi trẻ đó chính là những chàng trai trẻ, trẻ lòng và có tình yêu thật mãnh liệt

Fabian là một chàng trai tốt, nếu xét về tổng thể. Nhưng dù Zinnober có là một con người quỷ quyệt và ác độc thì Fabian rõ ràng cũng không đúng khi không công nhận Zinnober có thể là một chàng sinh viên bình thường và được đi học, Fabian rõ ràng đã cười nhạo thân thể của Zinnober. Mặc dù Zinnober là nguồn cơn của bi kịch của nhiều người sau này nhưng rõ ràng rằng chàng Fabian hay những con người khác cũng không thể chấp nhận hình hài xấu xí này. Khi bị phanh phui vì sự thật, có khi nào Zinnober trong một vài phút giây thức tỉnh cũng nhận thức hiện thực rằng những gì hắn có được hoàn toàn không xuất phát từ tài năng của hắn (và hắn cũng vô dụng chứ đâu có tài cán gì), hắn cũng biết rõ ràng hiện thực rằng hắn vốn không được sự công nhận của mọi người, mọi người chỉ quan tâm đến những điều họ muốn là một con người đẹp đẽ chứ không phải ngoại hình gớm ghiếc là hắn. Không chỉ vậy rõ ràng Fabian đã thiếu phép lịch sự khi nghịch ngợm một cách thiếu trân trọng khi đến nhà người giáo sư, và Fabian vốn dĩ tin vào khoa học lại cũng đầy chủ quan khi mang những định kiến áp đặt lên giáo sư và ngôi nhà của ông. Thực ra có thể quan điểm của bản thân có thể khác với người xung quanh nhưng không có nghĩa vội vàng dập tắt và không tìm hiểu mọi thứ trước khi bác bỏ.

Balthasar, thì thực lòng mình cũng không thích chàng trai này lắm. Chàng mang trong mình một nguồn cảm hứng dồi dào của một thi sĩ, chàng lắng nghe thiên nhiên bằng tất cả sự chân thành, tốt bụng và thuần túy của mình. Nhưng chàng dễ rơi vào bi kịch dễ thấy tuyệt vọng, mình thấy là như vậy. Nhưng rốt cục cuối cùng chàng cũng đã dũng cảm bảo vệ tình yêu của mình, chống lại Zinnober và hưởng của cải vật chất. Balthasar có lẽ là mẫu người cổ điển, mang những nhạy cảm của người nghệ sĩ và là một nghệ sĩ thực thụ.

Những nàng tiên, pháp sư – nhà khoa học

Nàng tiên hoa hồng đẹp vốn mang trong mình sự thiện lương nhưng sự thiện lương của nàng thiếu đi sự tỉnh táo. Và nàng vốn chỉ sống trong tu viện, chính việc sống thiếu đi sự quan sát khiến nàng chỉ có thể sống trong thế giới riêng của mình, đầy hạn hẹp.

Trong câu chuyện này, có nói về sự khai hoang khai sáng, dĩ nhiên theo chiều dài biến thiên của thời gian, sự thay đổi cách tân là đúng đắn. Nhưng sẽ thật nực cười khi một nhà khoa học mải mê trang sách đứng trước sự vật, sự việc hết sức bình thường lại cho rằng đó là hiện tượng kì lạ. Hay giải pháp đeo huy chương lại đến từ một người thợ may chứ không phải những nhà khoa học. Hay nói lan man lý thuyết một hồi bóng bẩy nhưng chẳng hiểu gì và thiếu thực tế.

Đọc cuốn sách này không chỉ nói về phép màu, mà còn pha hiện thực đính kèm sự châm biếm được khéo léo lồng ghép vào từng tình huống chuyện, lời nói và hành động của nhân vật.

3, Chàng cắn hồ đào và vua chuột

Do cái tên có cách viết không phải mình thích là gõ được ngay nên mình sẽ viết tên chàng cắn hồ đào là hoàng tử hay chàng hồ đào thôi. Thực ra mình định bụng đọc xong câu chuyện số hai sẽ suy ngẫm và viết đã rồi đọc tiếp câu chuyện cuối cùng. Nhưng mình không thể giấu được sự tò mò, thực ra con đường để mình biết đến E.T.A Hoffman cũng dài, mãi đến năm ngoái mình đọc nhưng quyển truyện cổ tích đầy màu sắc từ Kim Đồng mình mới biết hóa ra quyển chàng lính kẹp hạt dẻ mình vẫn đọc hóa ra là tác phẩm nổi tiếng từ Đức.

Không khí của câu chuyện là Giáng sinh và đêm Giáng sinh đối với mình luôn là đêm của những điều kỳ diệu. Bất giác nhớ lại tuổi thơ, mình không có nhiều quà như hai anh em, không có tòa lâu đài có những con rối biết múa biết nhảy, cũng không có tủ đồ chơi to mấy tầng cũng không có người cha đỡ đầu tài hoa nào làm đồ chơi. Nhưng mình cũng khá hạnh phúc vì dù không dư dả, mẹ mình vẫn tặng mình món quà nhỏ, bà vẫn mua bánh cho mình – đối với mình đó là những điều kỳ diệu. Cho đến tận bây giờ, mình vẫn thích không khí của Noel, được chờ mong tặng quà, được ngắm cây thông Giáng sinh. Quay trở lại câu chuyện này, hai anh em đã có những món quà đẹp và cô bé thiện lương đã nhìn thấy anh lính kẹp hồ đào của mình. Dù có vẻ khó coi trong mắt người khác nhưng chàng lính lại vô cùng oai phong và có thể cắn hồ đào. Nhưng đó chưa phải tất cả của câu chuyện vì có vẻ không khí chuyện vẫn chưa thấy phép màu ở đâu, hấp dẫn chỗ nào.

Tình yêu thương xứng đáng nhận được những món quà,

Xuất phát từ tình yêu thương, cô bé đã rất trân trọng món đồ chơi là anh lính kẹp hạt dẻ của mình. Và cô bé đã thấy cuộc chiến giữa anh lính – hiện thân của sự quả cảm và con chuột bảy đầu – hiện thực của sự thù hận. Cuộc chiến không cân sức giữa cái ác – thiện thì cái kết sẽ ra sao?

Tự dưng mình nhớ đến câu chuyện Bà bác khủng khiếp, chỉ có trẻ con mới thấy điều kì diệu thì đúng vậy. Chỉ Marie mới nhìn thấy, bởi bố mẹ của cô bé theo hành trình trưởng thành đã không còn tin vào những phép màu, đã thiếu đi sự nhẫn nại để có thể công nhận thế giới đó. Nên dĩ nhiên họ không thể thấy được, còn cô bé lại thấy. Cô bé nhìn ra được vẻ đẹp của anh lính, và hết sức chăm sóc cho anh lính, cô coi những món đồ chơi có linh hồn và cảm xúc chứ không phải nhựa và gỗ vô tri.

Chính tình yêu của cô bé, chính sự dũng cảm của cô bé đã nâng bước cô bé, và xứng đáng nhận được những món quà. Cô bé xứng đáng được tham quan vương quốc và có được trái tim của hoàng tử (thực ra mình đã hơi sốc khi nghĩ đến cái kết nhưng theo một cách nào đó, mình cố gắng sống giống như mình của 7 tuổi thì mình nhận ra hmm chẳng phải năm tháng trước kia mình đã tưởng tượng mình là một công chúa và được hoàng tử yêu thương đấy chứ, còn hiện tại tự dưng mình nghĩ nó thành cái gì người lớn đấy chứ, chính mình có suy nghĩ đó mình mới sốc chứ nếu mình là trẻ con có lẽ mình lại chẳng nghĩ gì)

Sự khiếm khuyết và sự chấp nhận

Trong truyện có hai công chúa, một công chúa thực thụ trong tưởng tượng của chúng ta, sinh ra trong hoàng thất và xinh đẹp. Khi nàng bị nguyền rủa, cha mẹ cố gắng yêu thương nàng, bởi nàng là công chúa nên nàng được yêu thương và thương xót. Nhưng khi chàng hoàng tử bị nguyền rủa, nàng cũng đâu chấp nhận khiếm khuyết đó và còn lại vô cùng vô ơn. Có lẽ chúng ta cũng đã có lúc ích kỉ, chúng ta cho rằng chúng ta xứng đáng được thương xót nhưng lại vô cùng hà khắc với người khác. Còn lại là công chúa đến từ đời thường không phải hoàng tộc nhưng cư xử là một công chúa. Và cô bé xứng đáng được nhận những món quà.

Lòng dũng cảm, sự hi sinh

Marie đã bằng lòng hi sinh những món đồ khác để cứu chàng kẹp hạt dẻ tội nghiệp. Rõ ràng trong cuộc chiến tưởng chừng chỉ nằm trong khuôn khổ tâm trí một đứa trẻ, thì rõ là đánh đổi. Để cứu một người thì cần hi sinh rất nhiều người, và chấp nhận điều đó. Nên không thể nói rằng sự đánh đổi nào là nhỏ hay lớn, rõ ràng trong mắt người lớn chúng chỉ là kẹo là thứ ăn bình thường nhưng với Marie đó là đồ chơi, là những người bạn đồng hành với cô bé. Sự hi sinh vốn dĩ hai chữ toát lên sự phi thường, nhưng nếu sự hi sinh dành cho một kẻ hèn nhát thì đó là sự bất công với người khác, sự hi sinh của Marie chính là nguồn sức mạnh để chàng hoàng tử vững chắc lưỡi gớm mà kết liễu tên chuột độc ác và tham lam.

Thực ra ban đầu mình còn nghĩ người làm đồng hồ là một tên phù thủy ác độc nào đó trà trộn, lợi dụng sự ngây thơ của cô bé nhưng hóa ra là không bởi mình nhận ra nếu không có sự hi sinh, không có sự dũng cảm thì chắc cái kết đã khác. Chàng hoàng tử đã tự bản thân mình tạo ra phép màu, cô bé cũng tự tạo ra phép màu bằng cây đũa tình yêu thương của mình. Và chính điều này đã hóa giải lời nguyền ác nghiệt.

Gấp lại cuốn sách, mình phải dành sự biết ơn đến dịch giả vì đã cố gắng dịch một cách chỉn chu và mượt mà nhất để đến với người đọc, người đọc có cơ hội được biết đến tác phẩm trác tuyệt như vậy.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ