[2023] 24/35 - CÀ PHÊ ĐỢI MỘT NGƯỜI
Mình đã kết thúc cuốn này một nửa
là đọc online trên mạng trong lúc mình để chế độ lock các ứng dụng mạng xã hội,
kể cả Goodreads. Không mạng xã hội, chỉ có lên load các chương truyện. Một đứa
không hề thích đọc online như mình cuối cùng cũng bị cuốn mà đọc cho hết cho trọn
đến chương số 14. Nhan đề này có thể hiểu hai nghĩa: Cà phê đợi một người mà ta
mong muốn gặp hoặc quán cà phê tên đợi một người.
Chúng ta có rất nhiều lí do để đợi một người. Như mình từng đợi người mình thích, từng đợi để tạm biệt một người, từng đợi để rồi chính bản thân mình phải nói ra điều mình không muốn là kết thúc mối quan hệ. Dù rất đau lòng nhưng cũng phải cố gắng nói điều tốt đẹp nhất mong người này hạnh phúc (dĩ nhiên phải hạnh phúc rồi vì cô bé ấy xứng đáng). Và chúng ta cũng không nhất thiết cứ phải quán cà phê mới đợi, vì thực ra mình nhận ra rằng quán cà phê trong câu chuyện chỉ là điểm đến – một không gian khởi đầu mối quan hệ còn những thứ về sau đều là tự họ vun đắp lấy. Không gian chỉ là nền, tạo điều kiện để họ biết đến nhau mà thôi.
Tư Huỳnh, thực ra mình cũng
không rõ liệu mình có thích cô bé này hay không. Nhưng cô bé mang dáng dấp của những
năm tháng trước kia của mình. Nếu Tư Huỳnh không dũng cảm một cách hồn nhiên,
không xông ra bảo vệ người khác có lẽ cô bé chẳng có cơ hội quen biết A Thác, nếu
cô bé là một người yêu người khác cực đoan có lẽ chả có tờ giấy nhắn nào từ Trạch
Vu cả. Nhìn chung cô bé là người tốt và hào hiệp. Cô bé bằng tất cả sự tò mò của
mình đã cùng A Thác rong ruổi trên trục đường, theo tấm bản đồ của riêng họ khám
phá thế giới của những người khác biệt. Có lẽ bất cứ ai trên đời đều cần một người
như A Thác, không nhất thiết phải là người yêu – một người có thể cho chúng ta
thấy một lăng kính khác của xã hội. Nếu cô bé không nhiệt tình với những lời mời
của A Thác, dùng con mắt định kiến để nhìn nhận có lẽ cô bé sẽ chẳng có cuộc đi
chơi nữa.
Tư Huỳnh hồn nhiên và trong trẻo,
cô cũng là người biết rung động và thích hết mình với một người. Những rung động
của cô bé với người đó thật giống như con suối nào đó đánh thức một phần trong
mình. Và từng trang sách gắn liền với những rung cảm đó là đều phảng phất hương
vị của cà phê, hương vị của yên bình. Việc cô bé mãi về sau mới thực sự thấu hiểu
cảm xúc của mình, điều này cũng không có thể cứng nhắc là đúng là sai, vì điều
này thuộc về cảm xúc của con người. Khi cô bé đã quả thấy quá quen thuộc với ai
đó, thoải mái rồi thì cô bé sẽ coi những tình cảm đó thật bình thường. Kiểu có
những người giống như hơi thở, ta nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ mất đi. Cô bé cũng
kịp nhận ra rằng đâu là người cô bé muốn ở bên một cách thật lòng, cô bé thích
Trạch Vu vì ánh sáng của anh ấy tỏa ra mang ước mơ nguyện vọng của cô bé còn A
Thác lại là thứ ánh trăng trong trẻo, ánh sáng mặt trời của năng lượng. Dù lựa
chọn thế nào thì mình nghĩ cô bé cũng đều hạnh phúc.
A Thác, mặc dù A Thác là một
chàng trai thuần phác nhưng mình không thể không phủ nhận là anh ta rất ngốc,
ngốc một cách chân thành mà chẳng ai có thể ghét được. Tư Huỳnh đánh giá người
khác qua ngoại hình vẻ bề ngoài thì thực ra cũng không sai, chúng ta không thể
kém sạch sẽ, kém duyên khi gặp người khác, cũng không thể mang vẻ mặt tiêu cực để
bắt người khác hứng chịu. Chúng ta đương nhiên thích một người gọn gàng, sạch sẽ
đúng không ví dụ thế. A Thác đánh giá người khác thực ra chẳng có tiêu chuẩn nào
cả, vì đơn thuần tính đơn giản nên chẳng đau đầu để bận tâm đến quá khứ hay gia
cảnh của họ. Cậu tôn trọng cá tính của mỗi người, thử xem, với Tiểu Tài ta sẽ
nghĩ thế nào có phải nhiều người sẽ đánh giá Tiểu Tài chẳng có tiền đồ gì đúng
không. Hay với anh Bạo – một xã hội đen khét tiếng thì sao. Và ai biết được rằng
trên tầng 2 của tiệm giặt là bình thường cuối tuần lại có những bữa tiệc ấm cúng.
Có thể mọi người cho rằng thím Kim Đao ngốc nhưng thực ra mình chẳng có vấn đề
gì cả vì mình thấy thím hạnh phúc là được.
Ơ nhưng mà thực lòng khi đến gần
cuối của câu chuyện này, có thực sự A Thác bị ngốc hay không hay Tư Huỳnh bị “lừa”
bởi sự ngốc nghếch này nhỉ. A Thác thực sự là một mẫu người mà mình muốn hướng
tới, vô tư, có thể bỏ qua những chuyện không cần thiết, chỉ để đầu óc khám phá
thế giới. Chính sự vô tư ấy nên A Thác mới nhìn được mặt cô đơn của anh Bạo, cũng
chính sự vô tư giúp đỡ người khác mà cậu ấy có rất nhiều người để đến thăm, và để
nhớ. Cậu ấy cũng chỉ đơn thuần kể lại về bố mẹ mà chẳng có lời trách móc vì rõ
ràng xung quanh có rất nhiều người yêu thương cậu ấy rồi. Có lẽ mình cũng sẽ học
tập cách nhìn nhận vấn đề: tưởng tượng mình của mười năm sau có nổi xung lên vì
vấn đề này hay không.
Mình nghĩ rằng mình sẽ viết tên từng
nhân vật để viết ra nhưng có vẻ sẽ hơi ác độc nếu cứ viết bởi sẽ vô tình lộ hết
cả truyện. Cuốn truyện này rất đặc biệt, câu chuyện của người kể chỉ thực sự bắt
đầu khi ở trang cuối truyện, những tưởng là chuyện của người kể nhưng hóa ra lại
là những câu chuyện của người khác. Dù là ai, dù là người bước qua nỗi đau, người
tìm một người mà ở bên họ thấy thoải mái nhất hay một người mà không phải hết sức
lựa chọn thì mình thấy điểm chung rằng trong câu chuyện tình cảm của riêng họ,
họ được thoải mái là chính họ nhất. Vậy thôi, nhưng để đạt được điều đó lại cần
rất nhiều thời gian. Như bức tranh 3000 mảnh mãi không dứt, như một trăm cốc cà
phê tự chế mãi đến gần 100 mới hết sự im lặng…có lẽ cuộc đời là vậy chăng, phải
phức tạp, phải quanh co mãi sau hành trình mải bới, mải tìm những gì xa xôi con
người ta mới hiểu giá trị mình cần ở không quá xa. Hoặc nhất quyết không chịu
chủ động bày tỏ rõ ràng với nhau mãi đến lúc sắp mất đi mới kịp nói. Cơ mà đời
có phải lúc nào cũng đẹp để kịp như vậy không.
Nhận xét
Đăng nhận xét