[2023] 25/35 - MOMO
Trước khi đọc cuốn sách này, mình
chỉ biết rằng nó mới tái bản mình phải mua nó thôi. Sau khi đọc cuốn sách này,
mình thấy cảm ơn Nhã Nam đã cho nó xuất hiện trở lại. Khi nó vẫn còn yên vị trên
giá sách của Nhã Nam trước kia, mình đã lướt qua nó còn hiện tại nó là cuốn sách
thay đổi mình.
Một cuốn sách với khía cạnh
cổ tích? Một định nghĩa khác về khả năng đặc biệt
Ngay từ những câu mở đầu câu chuyện,
đã mang đẫm hơi thở của thời gian từ những năm tháng xa xưa cho đến ngày nay, từ
những sự thay đổi của tòa nhà cho đến những tàn tích nhường chỗ cho những cái mới,
và Momo xuất hiện. Không ai biết bố mẹ cô bé là ai, và chính cô bé cũng không
biết, một cô bé lang thang lôi thôi lếch thếch thì có gì đặc biệt để ta chú ý cơ
chứ. Và rồi chính cô bé ấy hình hài luộm thuộm lại chính là người giải cứu thành
phố này, và chỉ có sự trong trẻo vô ngần của cô ấy mới đủ sức đánh thức những
phép màu.
Đối với mình, mình thường nghĩ hơi
xa mình sẽ nghĩ khả năng của cô bé là có thể biến ra cái gì đó chăng, nhưng hóa
ra cô bé có một khả năng – tưởng chừng chúng ta nghĩ chúng ta làm được nhưng hóa
ra là không. Tài năng của cô bé rất giản đơn, nhưng rõ rằng chúng ta khó làm được:
“Momo biết lắng nghe khiến
ngay cả những kẻ ngốc nghếch cũng đột nhiên nảy ra ý nghĩ khôn ngoan. Không phải
vì cô biết cách trò chuyện, hỏi han khiến họ có được những ý kiến ấy, không, cô
chỉ ngồi lắng nghe thôi, chăm chú lắng nghe với đầy thiện cảm. Lúc đó cô mở đôi
mắt to đen thẫm nhìn người đang trò chuyện với mình, thế là người ấy chợt cảm
thấy tư tưởng trào dâng, những tư tưởng mà người ấy không ngờ nổi rằng vốn sẵn
có trong tâm trí mình.
Momo biết lắng nghe đến nỗi những
kẻ vốn luôn hoang mang do dự cũng đột nhiên biết rõ mình muốn gì. Hay những kẻ nhút nhát bỗng cảm thấy thoải mái, mạnh dạn hẳn.
Hay những người đau khổ, ưu tư trở nên vui vẻ lạc quan. Hoặc có ai đó nghĩ rằng
đời mình kể như bỏ đi, mình chẳng nên trò trống gì, mình chỉ là một trong hàng
triệu người, chẳng có gì đáng kể, không khác một cái nồi thủng bỏ đi lúc nào
cũng được; người ấy chỉ cần đến với tìm Momo, kể hết sự tình, thì ngay trong
lúc đang kể, lạ lùng sao, người ấy liền cảm thấy rõ ràng mình đã nhầm to, rằng
trong muôn người mới có được độc nhất một người như mình thôi; thế là người ấy,
hiểu theo cách của mình, sẽ thấy mình quan trọng hẳn đối với thế giới này.”
Vậy đấy khả năng của cô bé là như
vậy, lắng nghe nhưng không phải xen vào chuyện của người khác mà để tự người đó
thấu rõ tâm can mình, tự cân bằng mình và họ có giải pháp. Chỉ đơn giản như vậy.
Nhưng chúng ta có thể làm điều đó không, hơi khó đó, mình xin nói như vậy về phía
mình. Bởi khi mình lắng nghe câu chuyện, rất khó để mình điềm tĩnh không vội vàng
cố gắng xen lời của mình vào hoặc cũng chưa chắc mình đủ nhẫn nại lắng nghe. Và
mình hiểu rằng…
Hình như mỗi chúng ta đều cần
được lắng nghe và từ đó chúng ta cần học cách lắng nghe?
Cô bé Momo là người biết lắng
nghe và có lẽ chúng ta cần những người như bạn Momo. Như câu chuyện của hai người
Nicola và Nino – họ cãi nhau suýt chút nữa đánh nhau và thậm chí suýt nữa cạch mặt
nhau. Thế là họ tìm đến Momo như một người hòa giải cho họ. Momo làm gì nhỉ, chả
làm gì chỉ đơn giản là lắng nghe, và từ những cuộc cãi vã những nút thắt dần cởi
bỏ, họ thế là lại làm lành. Như vậy Momo chẳng phải là một phiên tòa đưa ra lời
đề nghị giảng hòa nào, mà chính hai người họ tự bản thân họ tự đóng vai là người
giảng hòa. Câu chuyện của hai người này cũng gần cuộc sống của chúng ta, trong
cuộc sống không thiếu cãi vã và bất đồng, vì chúng ta ai cũng muốn được nói được
giãi bày, chúng ta có quyền chúng ta cho bản thân là đúng, chúng ta có quyền được
đưa ra ý kiến, được phép bất bình và tức giận. Nhưng có lẽ chúng ta quên mất rằng,
chúng ta không đặt vào vị trí của đối phương, cũng chưa hiểu rằng chúng ta muốn
được nói bao nhiêu, tức giận bao nhiêu thì đối phương cũng cùng mong muốn như vậy.
Sự đổ vỡ của mối quan hệ xảy ra khi không bên nào chịu lắng nghe, cùng ngồi lại
với nhau tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa. Nhiều khi nguyên nhân chỉ đến từ cái
gì rất nhỏ, nhưng chúng ta theo cách nào đó đã ngó lơ không giải quyết, mâu thuẫn
cứ tiếp tục tăng. Như vậy con người chúng ta cần được lắng nghe về những tư tưởng
suy nghĩ của bản thân nhưng cũng đồng thời cần học cách lắng nghe từ phía đối
phương để tránh nhưng xung đột không đáng có.
Nhưng lắng nghe chỉ thế thôi sao?
Ấy là việc lắng nghe của Momo còn chắp cánh cho những trí tưởng tượng, chính
khi chơi ở cô bé, một không gian đơn giản và chính cô bé cũng đơn giản dễ gần,
những đứa trẻ được có không gian để sáng tạo ra những trò chơi mới. Và khi chúng
có trò chơi mới lại có người vui vẻ với những ý tưởng của chúng
Và rồi Momo còn rất kiên nhẫn lão
Beppo già nua, một người chậm chạp và nói cũng rất chậm. Nhưng với Momo ông lão
lại là một người bạn đáng mến. Chỉ khi ở với Momo – một người lắng nghe thật sự
ông lão mới nói lên những chất chứa sâu kín nhất trong lòng. Đừng vội cười cợt
một người nói chuyện còn chưa rõ với chúng ta, có khi nào chỉ đơn giản chúng ta
chưa biết cách và cũng đủ kiên nhẫn để lắng nghe họ hay không. Cũng chính ở bên
Momo, người bạn của cô tự dưng có một nguồn cảm hứng dồi dào với những câu chuyện
mới chính là Gigi.
Thời gian bị đánh cắp và một
cách hiểu về thời gian,
Một ngày nọ thành phố vốn bình yên
lại xuất hiện những tay đại lý Quỹ tiết kiệm thời gian, chúng dùng những luận điểm
giả dối của mình rằng sẽ giữ tiết kiệm thời gian của từng người rồi sẽ trả lại
cho họ lúc cuối đời. Họ nói với những người dân ở đó rằng, nếu họ không làm
nhanh hơn /hoặc tìm mọi cách làm nhanh hơn thì sẽ không tiết kiệm được thời
gian, mà để thời gian trôi qua như vậy là lãng phí. Số thời gian mà họ tiết kiệm
được sẽ để dành đến cuối đời, có thể thoải mái tự do làm những việc mình mong
muốn/hoặc có thể dùng để trở thành phiên bản mình mong muốn. Nhưng thôi được rồi
trước khi mình đi tiếp về điều này thì mình cũng xin hỏi rằng, thế nào là phiên
bản mình mong muốn
Phiên bản mong muốn của chúng ta
là giàu hơn, nhiều tiền và danh vọng hơn, được nhiều người biết đến? Với cuộc sống
muôn hình vạn trạng này, chúng ta luôn nuôi trong mình một lúc nào đó suy nghĩ
rằng giá mà mình có thể trở thành người a, b, c vì cuộc sống này khốn nạn quá,
cuộc sống của mình nhạt nhẽo quá. Mình cũng từng như vậy, mình cứ chạy theo những
phiên bản khác nhau để cố gắng trở nên tốt hơn – tốt hơn theo cách của mình nghĩ.
Mình thấy rằng bản thân vô dụng và trì trệ, rồi cuối cùng khi mình đã đạt được
những thứ đó – mình nhận ra khi mình làm một việc rất đơn giản là tag bạn bè vào
một dòng bình luận nào đó, mình lại suy nghĩ. Không phải mình ngại, bởi vì mình
chẳng biết tag ai cả, và mình cũng không nhớ xem ai là người bạn của mình nhỉ.
Mình sống nhanh quá, ừ mình đã gọi là đạt yêu cầu với phiên bản mình mong muốn
nhưng hình như mình mất hơi nhiều – đó là mất đi chính mình – nét riêng của mình,
cá tính của mình bởi mình đã trót theo một tiêu chuẩn nào đó rồi. Thực ra việc
cố gắng trở thành phiên bản tốt hơn của mình là điều rất tốt vì con người cần tiến
lên, chứ không phải giật lùi nhưng trước khi mong muốn trở thành phiên bản đó cần
hiểu xem mình sẽ đánh đổi cái gì. Gigi đã có danh vọng, một người nói nhiều với
nhiều tưởng tượng như hắn, một người hám danh rất dễ bị mua chuộc, nhưng đổi lại
cuộc sống của hắn có phải hắn làm chủ đâu, câu chuyện của hắn dù là giải trí với
mọi người nhưng danh vọng tiền bạc đã thui chột đi sự chất phác vốn có, thui chột
đi lòng tự trọng của hắn, thui chột đi sự sáng tạo và làm đầy lên trong hắn sự
cô đơn. Và chính đọc những điều này, và dạo này mình đã học Yoga – học thở mình
nhận ra rằng không chỉ lắng nghe người khác, mình còn học cách lắng nghe chính
mình. Thấu hiểu và lắng nghe chính mình, lắng nghe cơ thể, nghe và cảm nhận cái
đốt sống cổ và lưng, lắng nghe sự chuyển động của cơ thể - tự dưng mình mới nhận
ra, thì ra phiên bản tốt hơn của mình thật đơn giản – lắng nghe chính mình. Những
lúc như vậy, mình chẳng còn nhớ đến mình nhận giải gì hay nhận cái gì nữa, mình
chỉ biết rằng mình cảm nhận hơi thở và tâm trí mình.
Quay trở lại về thời gian, những
cư dân mụ mị cho rằng khi tiết kiệm thời gian họ sẽ làm nhiều thứ hơn sau này,
sau này thì cũng không biết nữa. Nhưng cái luận điệu cuối đời dùng cho những gì
mình muốn khiến mình bật cười, bật cười chính mình vì trước kia mình cũng nghĩ thế - mình phải chạy nhanh hơn, biết mình thôi
cần gì phải biết người khác, việc quái gì phải lắng nghe người khác, mình làm gì
có thì giờ. Khi nào tiết kiệm được thì giờ mình sẽ làm việc khác nên cũng chẳng
có lúc nào mình dùng cái thì giờ mình tiết kiệm được cả, nhưng lại một câu hỏi
luẩn quẩn khác lúc mình hùng hục làm việc và không ngừng ấy thời gian tiết kiệm
nó ở đâu nhỉ. Thực ra là chẳng tiết kiệm được gì hết, và cuối đời dùng thì dùng
thế nào vì cuối đời mình đã già hoặc có khi khi mình đang làm việc, mình đã vội
phải tạm biệt thế giới này mất rồi, mình làm gì kịp dùng. Và thời gian là tài sản
duy nhất mình không thể cho người khác thừa kế, người khác không thể sống hộ mình
được nên thời gian đó dĩ nhiên mất trắng vào tay bọn màu xám. Và chính quỹ thời
gian đó hình thành lên chúng, là sự tồn tại cho chúng.
Nhưng không phải ai cũng nhận ra
vì người ta nhìn thấy con số mà tự giục bản thân làm nhanh hơn. Ông thợ cắt tóc
thay vì nói chuyện niềm nở thì im lặng cau có cắt đúng thời gian cho phép, giảm
cả thời gian chăm sóc mẹ, giảm cả thời gian săn sóc người phụ nữ bị liệt. Rồi
những ngôi nhà không cần mất thời gian phải thiết kế chỉ cần xây giống nhau là
xong, mọi người đè lên nhau mà sống nhanh, phương châm tiết kiệm thời gian được
dán khắp nơi. Những người lớn hối hả làm việc, còn trẻ em bơ vơ không được quan
tâm săn sóc.
“Anh có ưa thích, ham mê công
việc không, điều đó không quan trọng. Mà ngược lại, vì yêu thích và ham mê chỉ
sinh ra trễ nải. Điều quan trọng duy nhất là: làm được thật nhiều trong khoảng
thời gian ngắn nhất.
Cho nên tại các hãng xưởng lớn
và trong các văn phòng đều treo những tấm biển, viết:
THỜI GIỜ LÀ RẤT QUÝ – ĐỪNG ĐỂ
MẤT!
Hay: THỜI GIỜ LÀ TIỀN BẠC –
HÃY TIẾT KIỆM!”
Câu chuyện này viết trước khi mình
ra đời nhiều năm nhưng những từ ngữ kia chẳng phải rất quen thuộc trong cuộc sống
ngày nay hay sao. Những con người của hiện đại quay cuồng trong phát triển công
nghiệp, ta ăn vội, nghĩ vội và sống vội. Có khi chúng ta chẳng ăn chậm rãi tử tế
để trân quý cái dạ dày của chúng ta, vì chúng ta vội quá. Vội làm việc, vội làm
thật nhanh vì cho rằng làm thật nhanh thật nhiều để sau này có thời gian hưởng
thụ. Cần gì phải sống cho bản thân, cần gì phải trân quý những phút giây bên người
thân vì hôm nay chưa được thì ngày mai – còn khối thời gian cơ mà. Chúng ta cũng
mặc kệ đôi mắt trĩu nặng và cơ thể mệt mỏi để tiếp tục làm việc. Chúng ta tin vào
luận điệu giả dối rằng không cần nghỉ ngơi vì thời gian nghỉ ngơi là thời gian
chết cần phải làm việc cho kịp. Và cứ thế, quay cuồng trong công việc, không có
thời gian dành cho những người thân yêu bên cạnh, không còn thời gian để nói
lên những tâm sự của mình cũng như để lắng nghe người khác, cũng không có thời
gian để yêu chính mình. Cứ dần dần, gương mặt ta mất đi nụ cười mà rõ ràng nụ cười
là một món quà đẹp đẽ nhất mà tạo hóa ban cho con người, mất đi niềm vui, lòng
lúc nào cũng không yên. Chúng ta giàu lên về của cải vì sự nỗ lực của chúng ta đương
nhiên được đền đáp, nhưng chúng ta nghèo đi cảm xúc. “hãy nhìn những kẻ bán cả cuộc
đời và linh hồn đổi lấy chút ít phồn vinh ấy xem mặt mũi họ như thế nào” Những
gã màu xám hiển hiện một cách có thể thấy được ấy chính là những con quỷ trong
chúng ta, những tư tưởng về thời gian lệch lạc trong chính chúng ta, xuất phát từ
trong chúng ta mà cũng xuất phát từ những tiêu chuẩn nghèo nàn sai lệch nhiều
người tạo ra và ảnh hưởng đến chính chúng ta. Nhiều khi bệnh tật chúng ta chỉ
nghĩ đến bệnh về thể xác nhưng quên căn bệnh về cảm xúc
“Mới đầu người ta chưa nhận thấy
gì mấy đâu. Nhưng rồi tới một ngày người ta không còn hứng thú làm gì nữa, chẳng
còn ham thích gì nữa, chỉ thấy buồn chán.
Sự chán chường ấy không biến đi, mà càng lúc càng nặng thêm theo mỗi ngày, mỗi
tuần trôi qua. Người ta mỗi ngày một thêm bất mãn, càng thấy trong lòng trống
trải dần, càng không hài lòng với chính mình và thế giới. Rồi tới lúc cảm giác
này cũng mất luôn, người ta sẽ chẳng còn cảm thấy gì nữa cả. Người ta thờ ơ và
bi quan trước mọi chuyện, thấy thế giới trở nên xa lạ, chẳng liên quan gì đến mình
nữa. Hết cả giận dữ lẫn phấn khởi. Không còn vui hay buồn được nữa. Người ta quên
mất khóc cười là như thế nào. Rồi người ta trở nên lạnh lùng, không còn thích gì
hay yêu thương ai được nữa. Đến mức này thì bệnh trở thành bất trị. Vô phương cứu
chữa…”
Còn những đứa trẻ, vốn cần được không
gian để phát triển, chúng không phải là những đứa trẻ chỉ ăn và thở. Chúng không
thể tự dưng bị ép vào khuôn ngay từ khi thơ bé rằng chúng không cần phải chơi, chỉ
cần học tập và trở thành công dân tốt ngay từ bé, trở thành những đứa trẻ được
cho là sáng dạ trong những tiêu chuẩn hà khắc của người lớn.
Vậy rốt cục thời gian là như nào,
“thời gian là cuộc sống. Mà ta cảm nhận
cuộc sống bằng con tim”. Momo đã có cơ hội cảm nhận tiếng hát của dòng chảy thời
gian trong chính trái tim không dính líu nhưng toan tính ích kỉ của cô bé để rồi
chính cô là người giải cứu của thời gian.
Lắng nghe thôi có đủ hay không,
Nếu ta đóng vai là một người lắng
nghe, điều đó rất tốt nhưng ta cũng cần một lí trí vững vàng một con tim dũng cảm.
Lí trí vững vàng những quan điểm của bản thân trước kia để không dễ lung lay trước
những thứ béo bở, như Gigi đã dễ dàng xuôi dòng theo tiền tài danh vọng và lạc
mất chính bản thân hắn. Còn lão Beppo – lão bị đe dọa và vì mong muốn bảo vệ người
bạn của lão. Những tên màu xám rất tinh vi, chúng đánh vào nỗi sợ, chúng đánh trúng
vào tâm lý của hai người bạn khiến họ tách khỏi Momo. Mà một lí trí vững vàng cũng
cần sự khôn ngoan, sự khôn ngoan lại khó có thể có được từ sự vội vàng. Momo
khi ấy mới chỉ là người lắng nghe, nhưng chưa thể thấu hiểu được tốt về thời
gian cũng như hiểu được sứ mệnh của mình nên khi ấy cuộc đấu tranh chưa thể thành
công.
Thực ra Momo có thể lựa chọn chả
cần giải cứu nhưng nếu không cứu lấy những người bạn, cô bé sẽ sống với sự cô đơn
suốt đời. Trước đây mình cho rằng có thể sống một mình, một mình vẫn ổn. Dĩ nhiên
là sống một mình vẫn ổn nhưng sẽ tốt hơn khi ta có những người bạn chân thành bên
cạnh. Và chính tấm lòng yêu thương bạn bè của mình cũng nỗi mong mỏi mãnh liệt
giải cứu cho họ đã là nguồn tiếp thêm sự dũng cảm để cô bé đánh bại được lũ người
màu xám giải cứu bạn bè mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét