[2023] 26/35 - ÔNG THỐI HOẮC


Có một số tác giả mà cứ hễ ra sách mới, mình sẽ không ngần ngại mua về đó là David Walliams. Khi mình cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi thì chắc chắn những câu văn hóm hỉnh của ông sẽ là thứ nước táp mạnh vào mặt mình để tỉnh táo và vui vẻ. Ông thối hoắc có lẽ là quyển mới nhất mà Nhã Nam mới cho ra lò (cũng không nhớ lúc nào), mình đã đọc ngấu nghiến nó chỉ trong một ngày chủ nhật và nhà văn vẫn thật sự là một người có tài kể chuyện.

Trân trọng và lắng nghe người khác,

Mỗi người đều có một sở thích (ít nhất) hoặc khả năng nào đó, chính vì sự khác nhau đó nên mới tạo ra sự muôn màu của cuộc sống. Như bản thân mình, có è cổ ra mình cũng không thể nào giải được bài lý bài hóa, nhưng nếu bảo mình viết về những cuốn sách mình đọc thì mình cảm thấy rất dễ dàng. Chúng ta luôn muốn được công nhận nhưng để đạt được sự công nhận, điều cần thiết chúng ta làm đó là chúng ta cũng tôn trọng sở thích, khả năng của người khác. Chloe sở dĩ cô bé nhút nhát phần vì cô bé không hề được công nhận, thậm chí bị làm xấu hổ và chính người mẹ của cô bé lại không công nhận, còn người cha theo mình thấy ông đã im lặng – sự im lặng với mình còn nặng nề hơn là việc mẹ cô bé cấm/xé quyển vở của cô bé. Dĩ nhiên người cha cũng có lí do nhưng không thể phủ nhận rằng sự im lặng cũng là một phần nguyên nhân khiến cho việc cô bé ngày càng trở nên nhút nhát. Chính sự thiếu lắng nghe của người mẹ với người con gái của mình đã khiến cho mối quan hệ trở nên xa cách.

Sự lắng nghe và trân trọng lại đến từ một ông lão vô gia cư bốc mùi thối hoăng thối hoắc (ngay cả khi viết những dòng này hình như mình vẫn ngửi thấy).

Nhiều khi lắng nghe chia sẻ cũng là một khả năng,

Dù nhiều người khác xa lánh ông thối hoăng thối hoắc vì ông ấy bốc mùi (nhưng rõ là thối thật) nhưng cô bé Chloe lại dám đến gần và từ đó cô bé có một người bạn đồng hành. Có lẽ trong cuộc sống này sẽ có vô vàn những người khác có một vẻ bề ngoài xù xì khó gần khiến người ta xa lánh vậy điều chúng ta làm sẽ là gì, xa lánh hay đến gần. Dám đến gần và bỏ qua khoảng cách đó cũng là một khả năng.

Người mẹ trong câu chuyện không lắng nghe cả hai đứa con gái của mình, thành hai trường hợp: như Chloe làm khác đi thì thành sự thất vọng còn em gai cô bé lại thành niềm tự hào nhưng bản thân cô bé đôi lúc cũng không hề vui vẻ

Gia đình, một định nghĩa khác về vô gia cư

Vô gia cư là không nhà không cửa, không nơi nượng tựa chốn nương thân. Nhưng hình như những trang đầu câu chuyện, cô bé Chloe như chưa thực sự có nhà. Bởi cô không được lắng nghe, ở trường thì bị cô lập, cô không có những người bạn thân ở trường lớp và ở nhà bố mẹ cũng không thực sự đóng vai là người đồng hành cùng cô bé. Lúc này nhà với cô chỉ đơn giản là nơi ăn chốn ngủ chứ không phải là một mái nhà.

Nhìn chung, cũng xoay quanh khía cạnh về gia đình, những tâm tư trong trẻo của trẻ em, nhưng mỗi một câu chuyện của nhà văn lại không hề giống nhau và không gây nhàm chán. Những câu chuyện của nhà văn tựa như những câu chuyện về cuộc sống muôn màu của những đứa trẻ không chỉ ở nước Anh mà còn vô vàn đứa trẻ khác trên thế giới. Đúng là có những đứa trẻ chưa thấu hiểu nên chưa muốn gần gũi với ông bà như câu chuyện Bà nội Gangster, hay có những đứa trẻ sống thiếu tình thương yêu như Bánh mì kẹp chuột, hay những đứa trẻ nhất quyết bảo vệ ông nội của mình trân trọng thời gian chơi với ông như Ông nội vượt ngục và vô vàn những đứa trẻ khác. Dù là những đứa trẻ nào đi nữa, thì câu chuyện của David hài hước hóm hỉnh những cũng đem lại suy ngẫm cho người lớn về giáo dục. Tại câu chuyện này còn đề cập đến Những chính sách và câu chuyện về chính trị, hơn ba mươi chính sách cứng nhắc của mẹ Chloe, thực ra không chỉ duy nhất bà Chloe có suy nghĩ như vậy. Vì cuộc sống bây giờ sống rất gấp gáp với nhiều sự phát triển, theo cách nào đó những đứa trẻ cũng buộc phải sống theo những suy nghĩ gấp gáp của người lớn, chúng chưa thực sự được lắng nghe và chúng nhiều khi bị o ép vào những lớp học (dĩ nhiên lớp học không xấu) mà chúng không muốn; nên việc định hướng và xem những đứa trẻ muốn gì vẫn là một bài học. Giúp một người không phải là xé nát hoặc đốt mà cần khuyến khích như mẹ Chloe đốt và đập nát cây đàn của ba vì thấy ba chưa đạt được thành tựu mong muốn, bà tự ý cho rằng việc đốt đi cây đàn là giúp đỡ ba của Chloe; hay chính bà cũng chưa hề đọc câu chuyện của Chloe viết gì mà vội vàng xé nó. Chính những quyết định vội vàng và đầy chủ quan đã vô tình cắt đi đôi cánh và đồng thời làm mất đi niềm tin trong lòng trẻ thơ.

Câu chuyện bí mật của ngài thối hoắc thực sự khiến ta phải suy nghĩ (chuyện là gì dĩ nhiên mình xin nghiêng mình để các bạn tự khám phá – bắt chước điệu bộ lịch thiệp của ngài thối hoắc), bởi một hành động bé xíu tưởng chừng vô hại cũng sẽ khiến cho mọi việc không thể cứu vãn và ân hận suốt đời. Và một chi tiết khiến mình lưu tâm khi nhân vật nói rằng vấn đề người vô gia cư không hề được nhìn nhận theo con người mà theo con số. Thực ra con số là cách nhanh nhất để ta đánh giá tóm gọn vấn đề nhưng nó không phải tất cả, nếu chỉ nhìn vào con số thì nó chỉ nói sự tăng giảm mà nếu ta không tập trung xem nguyên nhân do đâu và nếu không thực sự tiếp cận với thực tế, không bỏ công sức để tường tận thì vấn đề mãi chỉ dừng lại ở con số - lúc này không phải con số biết nói nữa. Chương trình chính trị của bất cứ quốc gia nào mình cũng chưa biết nên mình sẽ không đề cập đến nhưng rõ ràng tại cuốn sách này vấn đề nhức nhối của một đất nước lại hóa ra đơn giản từ một đứa trẻ kiên nhẫn với một ông già vô gia cư, lại buồn cười ở chỗ những người làm chính trị lại chỉ muốn dùng câu chuyện có vẻ mùi mẫn để lừa bịp người dân. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ