[2023] 29/35 - TÚP LỀU BÁC TOM


Đẹp và buồn – đó là hai cụm từ mình có thể nghĩ được, đó là hai cụm từ có thể nảy ra trong đầu mình khi đọc cuốn sách – mà bản thân nghe tên còn run sợ, hãi hùng và kinh hoàng. Cuốn này lần đầu tiên, mình đọc năm lớp 4, kí ức mai một đi sau nhiều năm nhưng lần này đọc lại, mình vẫn mong rằng chắc là do đầu óc mình lú lẫn chứ cái kết chắc khá hơn chăng. Thật là mong mình nhớ nhầm, thật là mong mình lú lẫn chứ thực ra cái kết là con người khốn khổ ấy lương thiện đến đau lòng ấy được đoàn tụ.

Hiện thực là một chất thử làm bộc lộ rõ những bản chất sâu thẳm của con người, nhưng có những con người từ họ đã toát lên một thần thái của một thiên thần, không cần thiết phải đẩy họ vào bùn lầy, không cần thiết phải đẩy họ xuống đáy xã hội, bị hành hạ, chà đạp để moi ra được cái bản chất lương thiện ấy làm cái gì cả, đó chính là bác Tom. Dẫu biết rằng hiện thực không phải thứ nước thần thánh để mơ mộng, dẫu nó không thể là một chân trời giả dối, dẫu nó không thể là ánh trăng làm ta mụ mị, nó là tiếng kêu khóc lầm than, nó là những trái tim khối óc của những con người không được sống như người, ,trong mình vẫn mong những gì mình đọc chỉ là một giấc mơ dài.

Bi kịch sống mà không được…

“Tự do, cái tiếng kỳ diệu…Phải chăng đó chỉ là một tiếng tu từ? Hỡi những người bạn Mỹ, tại sao trái tim các bạn đập nhanh hơn, mỗi khi các bạn nghe thấy hai tiếng “tự do”, vì tự do mà cha các bạn đã phải đổ máu, và các bà mẹ can đảm của các bạn đã đưa những đứa con ngoan nhất, đáng quý nhất của mình đến chỗ chết; cái mà một quốc gia yêu quý, đối với cá nhân không phải là yêu quý hay sao. Tự do của một quốc gia là gì, nếu không phải là tự do của mỗi cá nhân (…) Tự do là gì đối với George? Đối với cha ông các bạn, tự do, đó là quyền của mỗi nước độc lập; đối với George, đó là quyền được làm người, và không phải là con vật; quyền được gọi người phụ nữ mà anh yêu là vợ mình, được che chở người ấy chống lại mọi bạo lực bất hợp pháp, quyền được che chở và dạy dỗ con mình; quyền được có một gia đình, một tôn giáo, có nhân phẩm và không bị một người khác xâm phạm”

Không bàn đến nhiều yếu tố lịch sử nhưng rõ ràng những người da trắng lúc ấy ca ngợi tự do, bình đẳng bác ái nhưng cách mà họ đối xử với những người nô lệ có đâu khác một món hàng chỉ vì họ mang dòng máu da đen. Họ đã phải rời xa mảnh đất cha ông của họ, mảnh đất không chỉ là nơi họ sinh ra mà còn là nguồn cội, là lịch sử, là tổ tiên của họ. Họ đã mất đi quê hương của mình, họ đã phải làm việc không khác gì con vật, con vật còn có lúc nghỉ còn được tôn trọng, họ phải làm và phải chết, quyền sống và chết của họ, thậm chí quyền lấy ai yêu ai lại thuộc về người khác, thậm chí đức tin – thứ cọc tinh thần mà họ có thể bấu lại bị quyết định bởi người khác, họ bị gọi như một dòng giống súc sinh quái vật trong mắt những người buôn nô lệ, là những món hàng vô tri.

Đau buồn sao những người ấy đã bị buộc phải rời xa quê hương, họ mất đi nguồn gốc, mất đi lịch sử thậm chí bị mụ mị lòe bịp, những kẻ tà đạo dám đưa ra lý lẽ giả dối rằng mảnh đất của họ xứng đáng bị thế “Đất Canaan đáng nguyền rủa, con cháu ngươi sẽ đời đời làm đầy tớ của những người đầy tớ”, nguyền rủa nào, Thượng đế nào; Thượng đế nào, thế lực nào lại nhúng tay làm cái việc bất nhân và mất dậy đó; trái tim nào lòng trắc ẩn nào lại có thể chịu đựng xuống tay bóp nghẹt mạng sống của người khác. Chúng lòe bịp rằng việc những người da đen bị vậy là số phận của họ phải vậy, là do sự sắp xếp sẵn có của số phận. Tại sao một quốc gia lại hợp thức hóa một cách bất nhân một chế độ thế này, khi đạo giáo vốn là đức tin – niềm tin lại thành tay sai là công cụ đắc lực để lòe bịp, đưa ra luận điểm giả dổi dể bao che cho những hành vi bất nhân. Tại sao những kẻ đó dám đặt điều một mảnh đất có hình thù rõ ràng trên địa cầu, có văn hóa, có bài ca, có đức tin, có lịch sử thành một mảnh đất bị nguyền rủa, tại sao chúng dám chúng dám xem thường những người có trái tim nóng và có tài năng là một đồ vật. Tại sao cơ thể của họ bị sờ nắn, răng bị soi xét như xem một con ngựa con bò. Như bác Tom từ tấm bé khi bắt đầu nhìn thấy mặt trời đã chịu cái tư tưởng làm việc và săn sóc của chủ nhân, cái tư tưởng đấy đã đeo bám bác đã làm khổ bác thật nhiều.

Một đất nước được cho là tự do và bình đẳng vậy mà lại dám ngang nhiên và lại còn có luật pháp rõ ràng về việc có thể bán, trao đổi mua bán những người nô lệ. Bình đẳng ở đâu, khai sáng ở đâu khi những người da đen không được học chữ, bị tước bỏ quyền lựa chọn tôn giáo của mình, tự do ở đâu khi những người được sống và hưởng tự do từ cha ông họ lại tước đi quyền sống – chết của người khác. Cassy đã sống một đời trôi nổi đến mức phải đóng một chiếc mặt nạ vô cảm, từ một người đàn bà – một người mẹ yêu thương thành một người phụ nữ chai sạn; George – một người thanh niên phát minh ra máy móc lại được cho là phần tử chống đối và phải đứng lên đấu tranh giành giật từng giây phút mạng sống của mình; một Eliza từ một người phụ nữ ngây thơ thành một người đàn bà từng trải, một người vốn quen sống dưới sự che chở của người khác lại phải chạy trốn chỉ vì tình yêu con của mình; biết bao cảnh li biệt người mẹ - người con; biết bao người con gái bị xem như món hàng thứ đồ chơi; biết bao người đã chết và mất xác trong những cái đồn điền hoang vu mà pháp luật chẳng ngó tới. Bao nhiêu đứa trẻ phải sống mà mất đi trái tim ngay từ ấu thơ, biết bao nhiêu người phải bán cả linh hồn để hòng được sống. Chế độ tàn ác ấy đã đẩy bao bi kịch muốn sống mà không được, muốn chết cũng không xong, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người khốn khổ, làm đau lòng bao nhiêu người bị chia cắt mất đi gia đình và những người thân yêu, làm bao người mất đi trái tim và lòng trắc ẩn, làm bao người mất xác trên mảnh đất quê người và chết trong quên lãng, chết trong nước mắt và đau khổ, chết trong uất ức và đau đớn. Biết bao cái đồn điền rộng lớn mùa màng ấy nhuộm máu và da thịt bao người da đen khốn khổ. Tại sao…tại sao họ phải sống trong cái bóng đen muôn kiếp đeo đẳng như vậy, tại sao họ phải sống khốn khổ, khốn nạn và đau thương như thế.

Những người tốt…?

“Chừng nào pháp luật còn coi những con người ấy, những con người có một trái tim nóng hổi và đầy xúc cảm như trái tim của chúng ta, là những đồ vật thuộc về một người chủ; chừng nào một sự thất bại, một tai họa, một hành động dại dột hay cái chết của một ông chủ hảo tâm còn có thể bó buộc những con người kia phải đánh đổi cuộc đời đang được che chở lấy một cuộc đời khốn cùng, lao động cực nhục, thì chế độ nô lệ không thể được coi là một chế độ đáng ước ao hay tốt đẹp được, dù chế độ ấy có tổ chức chặt chẽ và áp dụng đúng đắn đến đâu”

Mình không thể phủ nhận Selby là người tốt, nhưng rốt cục tư tưởng của ông vẫn tồn tại chủ - tớ, việc ông nợ nần trên bờ vực phá sản, ông vẫn có thể được đổi bằng nô lệ của mình. Dù ông trông có vẻ khinh bạc nhưng rốt cục ông vẫn đã kí giấy bán bác Tom, ông cố gắng viện cớ với mình vì mình có bó buộc – ông đã đẩy cái trách nhiệm ấy về phía bác Tom, đẩy trách nhiệm về người khác. Liệu có phải mình quá chủ quan và do quá phẫn nộ nên đẩy sang ông Selby – nhưng rõ ràng mình thắc mắc rằng từ bao giờ (cái chết thì không nói) những trách nhiệm sai lầm của người khác lại có thể dễ dàng trao đổi bằng mạng người, và cái mạng đó là đi chết thay, chịu thay. Từ bao giờ cái sai lầm lại có thể đánh đổi mạng bằng tiền được. Ông không chấp nhận vợ mình hạ mình, nhưng bác Tom – con người chân chất đấy đã chịu nhục nhã bị đánh đập, bị hạ nhục đến chết vì giữ cái phẩm giá liêm khiết của mình. Chính ông đã gieo vào lòng bác Tom những tư tưởng, tình cảm nhưng chính ông – cái sai lầm làm ăn của ông lại đẩy bác Tom xa gia đình, sống nhục nhã và chết. (Dĩ nhiên ông cũng đã có những hành động cao cả khác) Ông đối xử tốt nhưng đối với nô lệ nhưng với mình, ông vẫn nhìn nhận họ dưới quan hệ chủ - tớ. Đó là một kiểu người tốt (kiểu 1)

Còn kiểu nữa, chính là cho những người da đen lựa chọn cơ hội sống, không tôn giáo, không đức tin, sống khách quan và không đứng về phía nào là kiểu của Augustine. Mặc dù cách sống của anh có thể khiến ta nghĩ rằng anh ta là một người vô tâm, nhưng không thể phủ nhận rằng anh ta rất thực tế, một thực tế mà chúng ta phải giật mình. Hay căn bản, anh đã không ngần ngại đưa ra những thách thức, một hiện thực khó có thể bỏ qua và làm ngơ. Không thể phủ nhận rằng một người nhỏ bé không thể cưu mang nổi hết những kiếp lầm than, không thể bỏ hết của cải nổi để cứu được hết khi xã hội đa số lại đi hành hạ, cướp đi mạng sống của người khác như nhặt một cái lá. Không thể phủ nhận rằng có những người dù thấy là sai nhưng đóng vai người đứng bên lề, thực ra đúng – anh không có nghĩa vụ phải làm vậy vì nó chẳng ảnh hưởng cuộc sống của anh nhưng người ác đánh người, hành hạ và sỉ nhục người khác họ ác thật nhưng nếu ta im lặng làm ngơ thì anh cũng ác hơn nữa. Khốn nạn và rắc rối đến luẩn quẩn rằng, anh thấy sai anh biết anh im lặng anh đóng vai người đứng bên lề là không sai nhưng trong cái sai ấy lại có cái đúng, vì rõ ràng xã hội anh đang sống hợp thực hóa đến phi thường cái chế độ buôn người ấy, “bọn chủ đồn điền, mà chế độ nô lệ mang vàng mang bạc vàng đến cho chúng; bọn thầy tu, muốn làm vui lòng bọn chủ đồn điền; bọn chính trị gia quèn, muốn cai trị bằng chế độ nô lệ - tát cả bọn chúng muốn lòe bịp và xuyên tạc đạo lý khéo léo, đến mức làm cho thiên hạ phải ngạc nhiên”.

Ban đầu mình thấy anh ta là một người vô tâm nhưng thực ra đó chỉ là lớp sống hiền che đi những cơn sóng lớn về tư tưởng và trái tim ấm nóng. Và cũng chính anh không chỉ phát hiện ra nguyên nhân về xã hội, anh phát hiện ra nguyên nhân từ bé nhất. Người chị của anh, Ophelia (kiểu 3) là người tốt, cô có thể nghĩ rằng mình đức hạnh và có lẽ phải, cô tập trung nhìn nhận những vấn đề bề nổi như người nô lệ bị thế này thế kia nhưng rõ ràng sâu thẳm trong trái tim cô mà chính Augustine chỉ ra rằng, cô đâu có dám ôm hôn đứa trẻ da đen, chính cô thấy ghê ghê khi người cháu gái ôm hôn bác Tom – một người da đen đấy thôi. Sự bất công mầm mống từ chính những điều nhỏ nhặt, những điều nhỏ nhặt tập hợp thành những vấn đề lớn. Và nó cứ phình chướng ra vì nhiều người đồng ý và nghiễm nhiên chấp nhận nó như một phần sự thật. Và hơn nữa, cái chế độ ấy, giả thử có những người thấy bất bình, vậy họ có bất bình tuyệt đối không, bởi họ có dám làm cái việc nặng nhọc như người da đen vẫn làm, họ có dám ôm hôn và yêu thương một người da đen hay không. Chính anh cũng chỉ ra hiện thực rằng cần thiết phải cho người da đen có tự do nhưng nếu họ tìm đến tự do mà không hiểu tự do cho họ được gì, họ được sống công bằng và ngang hàng với người da trắng thì tự do này của họ chẳng có ý nghĩa, nếu không có tư tưởng lý tưởng sống không khác gì lại sống trong một nhà tù khác.

Augustine có những lí lẽ cho cái lẽ sống của mình, những lí lẽ hùng hồn, thuyết phục. Có lẽ cuộc đời anh không chỉ với người chị Ophelia có bao người đã được nghe những lí lẽ ấy. Nhưng lí lẽ ấy vẫn phải nhường chỗ cho một thiên thần nhỏ - con gái anh: Eva. Cô gái bằng trái tim mềm mỏng của mình, cùng sự cứng rắn nhất định trong thân thể nhỏ bé đã dạy anh cách yêu một người ra sao. Trong truyện có đến hai thiên thần – Eva và bác Tom. Bác Tom đến với Eva và dẫn lối Eva đến với Kinh thánh cùng bác, còn Eva cứu rỗi cuộc đời bác Tom và bao người khác dù thời gian có mặt của thiên thần Eva trên đời thật ngắn. Cách yêu thương người của Eva không có tiền bạc, không có vị kỉ, không có lý thuyết chỉ đơn thuần rút ra từ trái tim nhỏ của cô bé, như kiểu thân thể bệnh tật ấy rút nhiều tình thương đến mức như rút cả máu và thịt vậy. Sự xuất hiện của Eva thật ngắn, ác mộng bác Tom thật dài nhưng thật vui khi giữa cái cảnh máu người trộn với đất đồn điền, khi tình cảm trở thành rẻ mạt thì cũng có những trang văn trong trẻo và dịu êm.

Dĩ nhiên còn những người tốt khác, như gia đình ông thượng nghị sĩ, mẹ Rachel – những người dám hi sinh dám chiến đấu để bảo vệ những người khốn khổ. Nhưng trang văn rất ít, những người đó khi ấy còn rất ít, họ chẳng thể lớn mạnh và có phép màu ma thuật để cứu được hết cả. Và mình nhận ra cái không gian đen tối đau lòng của cái chế độ ấy, cái thời kỳ mà địa ngục trồi lên cả nhân gian hiện lên qua cánh đồng bông, hoa cỏ ấy ánh sách của tình yêu vẫn như con suối nhỏ lắt léo chảy qua từng trang sách và ánh sáng đó không bị mất đi và không có gì dập tắt được, bởi người tốt vẫn còn vẫn tồn tại, và vẫn tồn tại hi vọng.

Harriet Beecher Stowe đã không ngần ngại chỉ ra những bất công, ngòi bút của bà đi từng ngóc ngách của những địa ngục trần gian – đồn điền phương Nam chết người cùng những người chủ tự cho mình là pháp luật và tôn giáo, đi đến từng những người sống không ảnh hưởng đến ai nhiều nhưng ích kỉ và độc địa như Mary, đến những gã buôn người ngu ngốc đức tin nửa mùa như Haley, đến những người khi gần chạm đến cái chết mới bắt đầu sống giống người như Locker. Những kẻ chủ đồn điền tự cho rằng những người nô lệ là giống loài súc sinh nhưng chính những tên khốn đó mới không phải người, là hiện  thân của quỷ. Như Legree – hắn ta bán linh hồn cho quỷ dữ, hiện thân của quỷ.

Một tấm lòng lương thiện đến đau lòng…và ai mới là kẻ chiến đấu

Một người lương thiện đến khiến mình bực mình, đau xót và ám ảnh. Mình đau xót khi ngay từ khi nhìn thấy mặt trời, bác đã sống số phận chủ tớ, đau xót khi bác đặt cái tình chủ tớ đó lên cả tình cảm gia đình để chấp nhận cái việc bị bán. Bác chấp nhận nó với một bề tôi trung thành, và chịu đựng điều đó. Giá bác kêu lên, bác hỏi, bác đau đớn hỏi người chủ của mình thì mình đã bớt đi sự xót xa và bực mình nhưng không, bác chấp nhận. Vì bác biết bác chẳng thể làm khác, hiện thực vẫn vậy. Cái hiện thực chết tiệt ấy cứ nhất thiết phải đè nén bác Tom lương thiện hay sao. Và cũng con người đó, người thật như đếm, dù có sống nhung lụa nhưng một lòng nghĩ đến vợ con và tự do đối với bác, chỉ đơn thuần được về với gia đình.

Xiềng xích tội phạm chỉ xiềng những kẻ phạm tội, hai gam màu đối lập sáng tối nhưng tại sao Haley một kẻ ngoan đạo nửa mùa, độc ác lại không bị xích, da trắng những cái tâm lại đen tối còn bác Tom tại sao lại bị xích tay xích chân, tâm lại trong sạch vô ngần. Giá trị đạo đức, sáng tối lại bị đảo lộn lại được lòe bịp đáng khinh như thế. Cả một đời bác Tom sống trong sạch chân thành và thật thà, nhưng bác cũng đã có nói dối – nhưng nói dối không phải cứu mình mà là cứu những người khác. Người đàn bà nhảy xuống sống vì tuyệt vọng ít nhất được giải thoát, hai người phụ nữ chạy trốn vì họ xứng được sống nhưng bác cũng xứng đáng được sống mà, xứng đáng được giải thoát. Và thiếu gì cách để chết vậy tại sao bác lại chết đau đớn và xót xa như thế, cái chết dữ dội và đau đớn đến xoáy vào tâm can như thế.

George chọn đấu tranh bảo vệ chính anh, vợ con anh còn bác Tom chọn giữ gìn phẩm giá, ngay cả khi có cơ hội bác vẫn không xuống tay với tên khốn chủ đồn điền, ngay cả khi bác rõ ràng có thể đánh người phụ nữ kia để cứu lấy mình nhưng bác không làm. Có chết cũng không để tay nhuốm bùn, tâm hồn bị vấy bẩn và bác đối mặt một cách không sợ hãi. Ánh mắt của bác tượng trưng cho tình yêu, bác ái và lòng dũng cảm mạnh hơn bất cứ súng đạn nào, mạnh hơn bất cứ đòn roi nào và bác tự do – bác tự do trong tư tưởng – linh hồn tự do và chẳng thuộc về bất cứ tên khốn nào. Tư tưởng của bác nóng bỏng và mạnh mẽ, càng bị ghì xuống đau khổ, niềm tin càng mạnh mẽ và chẳng do bất cứ thứ bùa mê thuốc lú mê tín nào cả. Vì thế ai mới là người đã thực sự chiến đấu đây…

Có thể nói quý bà Stowe đã làm Cách mạng bằng con chữ, bằng tất cả tình yêu cùng lòng dũng cảm, bà đã dám viết ra bản cáo trạng đanh thép hùng hồn, mà đầy xúc động về cả một xã hội, một thời kỳ đen tối, một lớp người đau khổ dưới lớp bùn bị ghì sát đất và sống như súc vật, về những kẻ là người những hiện thân là quỷ, về những người vẫn còn tồn tại lòng tốt – tất cả được gói gọn trong hơn 40 chương truyện – ngôn từ bình dị và đầy lí lẽ. Thật là có những hiện thực dù không muốn những vẫn phải nghe, viết, và đọc trong nước mắt… 



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ