[2023] 32/35 - NHỮNG LÁ THƯ GỬI QUÁ KHỨ
Hôm nay mình đọc một câu thế này,
bạn và bạn của quá khứ đã tha thứ cho nhau chưa. Bỗng chốc khiến mình nghĩ thật
lâu, cái thời tiết nóng thiêu đốt con người này lại làm mình nhớ mình của trước
kia có thể chịu đựng cái cặp to quá khổ, đứng giữa trời nắng hít bụi gần tiếng đồng
hồ để chờ xe bus về từ trường cấp ba. Nghĩ lại bỗng thấy ngưỡng mộ con bé gầy còm
của trước kia quá. Nhan đề “Những lá thư gửi quá khứ” tự dưng lôi mình vào một
dòng thời gian như vậy, tự dưng lại mơ tưởng quá khứ. Trong đề tập làm văn của
mình mọi khi khi mình đi học, lá thư thường là gửi bản thân của tương lai chứ ít
khi (thực ra là không có) đề bài gửi chính mình trong quá khứ. Cũng phải, tương
lai là nơi người ta muốn đến, quá khứ là nơi đã đi qua. Nơi đã đi qua thì không
đổi được, nhưng quá khứ lại là nền móng của những lớp sự thật của hiện tại. Nó
nhắc nhở mình là ai, nó cho mình biết bí mật xung quanh mình là gì nên quá khứ đối
với mình luôn là cái gì đó thật thần bí,
như một cánh cửa cũ mèm đóng lại một thế giới thú vị.
Phải cảm ơn bên Unicorn
Publishing đã cho mình cơ hội được biết đến một cuốn sách thú vị như thế này.
Eun Yoo là một cô bé tầm 15 tuổi, theo người lớn thì mắc cái chứng học sinh lớp
Tám, đầy những tâm tư và sống cuộc đời im lặng với bố. Và cô bé cũng chẳng biết
mẹ mình là ai, cũng không biết vì sao bố mình lại như vậy. Trong câu chuyện này,
không đứng về phía nào cả. Người bố lại vì những tổn thương của quá khứ mà không
đến gần con, không vỗ về Eun Yoo để cô bé một mình chống chọi với những bất ổn
của tuổi mới lớn, không có sự kết nối nào. Còn Eun Yoo mặc dù sống với bố nhưng
cũng không hề biết về bố mình, quá khứ, sở thích và tính cách. Một ngày bố muốn
Eun Yoo viết lá thư gửi đến cho mình ở tương lai của một năm sau, tình cờ rằng
lá thư lại xuôi về thời gian của những năm 80 – và người nhận cũng tên là Eun
Yoo. Sau những hiểu lầm không đáng có ban đầu, hai người trở nên thân thiết tâm
sự những tâm tư thầm kín nhất, và rồi sự thật về mẹ Eun Yoo cũng dần được hé lộ.
Truyện dừng lại ở lá thư hồi đáp khi sự thật được sáng tỏ, không có lá thư hồi đáp
cuối cùng của Eun Yoo 15 tuổi, đó là một cái kết mở và mình nghĩ cũng thật đủ
cho câu chuyện này.
Tình mẹ, dạo gần đây
mình tập Yoga, không phải vô duyên đâu nhưng chị đồng nghiệp bên cạnh khi tập mặc
áo phông. Mình có thực hiện động tác gì đó khi nằm khi quay đầu qua trái mình bỗng
thấy vết r.ạ.n. Và mình biết điều đó đến khi chào đón sinh linh ra đời. Mình
chưa hề trải qua nhưng bỗng dưng lòng mình tự dưng nhói lại một chút. Chị ấy vẫn
tự tin vẫn sắp xếp công việc và đi tập, và mình nhớ đến khi mẹ mình kể khi chào
đón mình ra đời. Những người làm mẹ dù là ai cũng đều yêu con mình thật nhiều,
trong câu chuyện này Eun Yoo suốt 15 năm không biết về mẹ mình, chưa biết được
tình mẹ sẽ ra sao. Kể cả đến cuối sách mới thấy dòng suối tình mẹ ấy. Nhưng xuyên
suốt câu chuyện ấy, mình cảm nhận man mác trong lòng về tình yêu của mẹ thật ngọt
ngào và dịu êm. Là mẹ của Eun Yoo sống năm 1980, với những khó khăn vất vả khi
niềm vui của gia đình là tích trữ được than, là người bà lo lắng cho đứa cháu của
mình. Dường như không chỉ dừng lại ở mẹ Eun Yoo mà thấy những bà mẹ khác.
Tình cha, trong câu
chuyện này, Eun Yoo và cha suốt 15 năm, sống một khoảng thời gian không quá dài
nhưng hơn chục năm như vậy hai người họ sống như cái bóng, người cha ôm nỗi đau
của quá khứ và dằn vặt còn Eun Yoo sống trong cái bóng bí ẩn vây lấy cô bé là bí
ẩn về mẹ của mình, về người phụ nữ người cha muốn lấy và những cái bong bóng rắc
rối của tuổi mới lớn. Cô bé phải lớn lên tự gồng gánh đối mặt với những rắc rối
xảy ra, ngay cả chiếc áo chíp cũng không ai dạy cho cô bé phải dùng loại nào, cô
bé cũng xấu hổ vì ám ảnh của mình, cô bé tự đối mặt với việc bị trêu chọc. Cô bé
dù có những bức thư mang đầy sự tiêu cực nhưng sâu thẳm trong trái tim cô bé là
mong muốn được người cha bảo vệ và yêu thương, mong muốn được cha hỏi cô bé đã
xảy ra chuyện gì. Còn cha cô bé từ đầu chí cuối chỉ xuất hiện qua vài tình huống
nhỏ nhưng mình cảm nhận rằng, người cha ấy đã rất nỗ lực để gần gũi hơn với cô
bé. Nhưng khoảng cách giữa họ vẫn còn thật lớn, người cha chưa thể đối mặt với
quá khứ để có thể kể cho cô bé xảy ra chuyện gì. Nhìn chung cuốn sách dù cho đến
cuối có chút khiến mình đau lòng nhưng lòng mình rất nhẹ vì bàng bạc trong cuốn
sách là tình cảm gia đình rất ngọt ngào và quý giá. Dù có hơi khuyết một chút,
dù có hơi lâu để hiểu được nhau nhưng những nhân vật trong cuốn sách đều rất nỗ
lực.
Tìm lại chính mình, qua
lá thư trao đổi với người chị trong quá khứ. Không chỉ thế giới của năm 2016 với
Internet với xổ số lô tô khiến người ta kinh ngạc mà những năm tháng đầy biến động
những năm 80 của Hàn Quốc cũng thật đẹp. Dĩ nhiên cái thời ngày xưa ấy không hiện
đại như bây giờ nhưng nó vẫn có nét thật đẹp. Và chính mình lại thích ngắm đất nước
mình của những ngày xưa để thấy được sự
thay đổi thế nào, và chính từ sự thay đổi đó lại tạo nên những câu chuyện
thật đẹp. Eun Yoo không chỉ thấy những câu chuyện của quá khứ, cô bé đã tìm lại
chính mình. Cô bé đã biết rằng thế giới nhiều khi không diệu kỳ vì người ta không
muốn tin vào điều đó, cô bé hiểu rằng cuộc sống của người khác không thể nhìn ở
lớp vỏ bề ngoài mà kết luận luôn rằng cuộc sống của người ta đủ đầy hơn. Chúng
ta thường chỉ nhìn cái thiếu của bản thân mà so sánh với người khác, mà cũng không
hiểu rằng nhiều khi cuộc sống của chúng ta cũng chính là phần thiếu của người
khác. Khái niệm đủ là cái gì đó rất khó xác định, vì có người cho rằng đủ mẹ đủ
cha là đầy đủ, hoặc cũng có người cho rằng đủ miếng cơm, đủ than ấm cho mùa đông
lạnh giá là đủ lắm rồi. Điều chúng ta cần là cái nhìn rộng lượng, chứ không phải
phiến diện, chủ quan và chật hẹp. Từ Eun Yoo của năm 1980 hay của năm 2016, cũng
đầy những ưu tư và rắc rối của tuổi mới lớn, và dù họ sống ở giai đoạn lịch sử
nào đi chăng nữa, qua cuộc sống của họ, mình đều thấy nguồn năng lượng dồi dào
của thời niên thiếu và bỗng mình thấy mình cũng vậy. Mình vẫn còn cảm xúc và lúc
này mình vẫn còn rất trẻ, trẻ lòng.
Sự thật, người ta bảo
sự thật mất lòng nhưng mà chúng ta vẫn luôn cần được biết sự thật. Nếu chúng ta
dối trá, tức là một người mẹ chưa được biết con mình sẽ ra sao, hoặc một người
con sẽ luôn sống trong bí mật đến phát điên. Nhưng đối mặt với sự thật nữa lại
là chuyện khác, bởi nếu đối mặt được tại sao người cha mãi chưa thể kể cho con
gái mình biết để rồi tự đẩy con gái mình ra xa, tại sao người bà lại chỉ dừng lại
ở câu thương xót. Và đến cuối khi sự thật được rõ ràng, người con gái sẽ ra sao
nhỉ. Điều này nếu ai đọc cuốn sách sẽ biết,
Ngôn từ, có những câu
chuyện không nhất thiết phải có không gian địa điểm, không nhất thiết phải nói
bằng lời và đôi khi ngôn từ là cầu nối cho những câu chuyện, là chất keo hàn gắn
lại những nứt vỡ. Thư từ đối với mình luôn mang trong mình một sự mê hoặc mãnh
liệt bởi qua thời gian lá thư đã chuyên chở bao tình yêu, hoài bão, ước mơ và
hi vọng. Khi lời khó quá, lời nói ứ nghẹn và chôn cất trong tim thì lúc này cần
một tờ giấy và cây bút hơn bao giờ hết. Truyện là tìm mẹ nhưng chẳng có cái gọi
là đi tìm theo manh mối như một thám tử, từng lớp lớp sự thật được mở ra qua những
lá thư…Có thể ngày này chẳng mất mấy s để viết một tin nhắn hay gửi đi một thư điện
tử. Nhưng nhanh thì đôi lúc ta nói nhanh quá, viết nhanh quá mà sai còn lá thư
chậm chạp nhưng có thể khiến ta bình tĩnh mà từ từ viết. Dĩ nhiên bây giờ quá
khó để duy trì việc viết những lá thư như vậy, nhưng với mình thư vẫn là một cái
gì đó rất mê hoặc đối với mình.
Một cuốn sách khiến mình cầm lên
mà không bỏ ngay xuống được, nó mang một ma lực mãnh liệt khiến mình không thể
dứt. Khi mình cầm món quà xinh xắn này, bạn bên cạnh mình cũng đọc và nó cũng rơi
vào ma lực của cuốn sách này. Mình còn khó tin lắm, thế nhưng vẫn là mình đã đọc
nó một cách mê say trong một buổi tối. Thực sự cuốn sách này đã mang một bầu không
khí mát lành cho mình sau những ngày làm việc, đi lại trên con đường đầy bụi bặm
và nóng nực của Hà Nội. Thật tiếc là mình chưa biết đến nó sớm hơn, nhưng cũng chưa
quá muộn để đọc và giới thiệu đến mọi người đúng không.
Nhận xét
Đăng nhận xét