[2023] 40/35 - SỢI TÓC

Trong những năm tháng trên ghế nhà trường, cụ thể là cấp ba, mình từng ê a như một câu thần chú về nhà văn là: Gió đầu mua, Nắng trong vườn và Sợi tóc. Ấy vậy mãi đến khi từ một cô bé mái tóc dày đến thành người rụng một đống tóc vì tuổi trưởng thành đi làm hay cũng do cái con virus mà bây giờ mới đọc. Nhưng tự dưng thấy rằng, thì ra bây giờ cũng chưa muộn, vì trải đã mới hiểu được. Phải trải đã mới thấy được cái bóng tối rặng tre, phải trải đã mới ngẫm được cái giây phút mong manh tựa sợi tóc về cái thiện – cái ác. Lần mò như một đứa học sinh cấp ba ngày xưa, cứ khi nào học về tác giả nào lại đi tìm một hai cái nhận định, bỗng thấy cái này: “Biết bao kẻ đã vẽ ra trong tưởng tượng của mình về một thế giới khác, để hằng ngày làm những cuộc phiêu du vào chính cái thế giới mình vẽ ra.”

Tưởng tượng của Thạch Lam nhưng thực ra vẫn ở trên cái nền sự thật, và cái nền đó lại được chắc chắn bởi một lòng tin yêu con người, tin tưởng trong cái bóng tối đang bào chùm trọn nuốt lấy nhân vật vẫn còn ánh sáng le lói vẫn còn cái gì đó chà sát lên trái tim con người mà chảy ra dòng chảy lương tri. Tự dưng đọc xong thấy nợ chính mình một bài viết, nợ chính những năm tháng say sưa với văn chương một bài tử tế, và nợ nhà văn Thạch Lam một cái tâm tĩnh lặng và nhạy cảm để cảm nhận dòng văn của ông. Tập truyện Sợi tóc này, mình phải đi khắp nơi tìm mua, lên hẳn cái phố Bờ Hồ hoa lệ để tìm ai ngờ lại thấy nó ở một góc nhỏ trên hiệu sách ở Xã Đàn. Chính là cái nơi bình thường có lúc vẫn đi qua, nhưng là đi qua vào lúc ban tối, khi bóng tối đã nuốt trọn cái thành phố hoa lệ, bóng tối che trước đôi mắt mà chẳng nhìn thấy cái hiệu sách. Nhưng không sao điểm sáng đã ở đây rồi. Vẫn là một khung cảnh làng quê nghèo, vẫn là những nhân vật nhỏ bé trong xã hội nhưng nhỏ bé mà mang giá trị lớn.

Dưới bóng hoàng lan,

Có lẽ đó là câu chuyện êm dịu nhất, bởi ngay từ khi mở đầu là khung cảnh yên bình theo bước trở về của chàng trai lâu ngày ở tỉnh. Ở tỉnh có lẽ cậu đã thay đổi, thay đổi theo cái xu hướng nhộn nhịp thời thượng của đô thị nhưng về nhà, dưới con mắt của người bà yêu dấu vẫn là đứa cháu bé bỏng. Cũng chỉ có vài câu viết về người bà, cô Nga chuẩn bị cơm, cũng không rõ nói món gì nhưng trong tâm trí mình, mình tưởng tượng là một mâm cơm ấp áp bình yên. Cái bình yên khép lại trong căn nhà nhỏ, dưới bóng cây hoàng lan lớn. Và dưới bóng cây hoàng lan ấy, anh gặp lại cô Nga, cũng không nói rõ cô ấy gương mặt ra sao nhưng qua cái ngòi bút tỉ mẩn của nhà văn, trong tâm trí mình, cô ấy vẫn đẹp, cô ấy mang hơi thở của tuổi thơ trong mắt chàng trai, mang vẻ đẹp của thiếu nữ và mang hương thơm của loài hoa ấy. Kết thúc câu chuyện, nhà văn cũng chẳng nói cái kết ấy ra sao, là nuối tiếc hay hi vọng, là tình yêu sẽ níu chân hay cái rung động tinh tế ấy rồi cũng hóa thành kỉ niệm xa xôi cuốn vào trong khói bụi thành thị.

Tối ba mươi,

Có giò lụa, có hương và vài thứ khác âu cũng thành một mâm cúng giao thừa. Cũng đầy đủ, cũng sắm sửa, nhưng vẫn thấy thiếu cái gì. Đó là thiếu đi mái nhà, thiếu nơi để về. Khi cuộc sống không thể mệt mỏi quá chạy về với gia đình mà lại nương tựa vào nhau mà sống. Mình cũng chưa biết các cô là ai, chỉ biết qua một cụm từ “đời trụy lạc”. Thế gian này lắm thứ cám dỗ lắm và qua con mắt người đời người này người kia cũng không rõ cái đời trụy lạc là sao. Quá khứ nào khiến hai cô ấy phải nương tựa vào nhau giữa đất khách quê người, cũng không thể quay về. Liên và Huệ có cố gắng sắm sửa bày biện nhưng cũng không thể giấu được sự thật, họ ở lại đây nhỏ bé ở thành phố này. Nhưng tự dưng cái cô đơn của hai cô ấy bỗng chốc thấm đượm vào lòng mình, những lúc đi xe trên con đường dài ở Hà Nội, hay đứng trên xe bus dù vẫn có người nhưng vẫn thấy cô đơn và chả biết tìm chỗ nào để nấp vội.

Cô hàng xén,

Có lẽ câu chuyện này để lại ấn tượng trong mình nhiều nhất dù cái tên tập truyện là Sợi tóc. Câu chuyện đơn thuần tóm tắt cuộc đời Tâm từ khi là một cô gái xinh đẹp, hiền thục trở thành người vợ, người đàn bà con mọn, người chị gồng gánh gia đình. Tình cảm cậu giáo nom xanh tươi, thuần khiết ấy vậy cũng nhuốm màu theo những miếng cơm, manh áo ghì sát đất. Những gánh nặng ấy cứ lặng lẽ bám vào và trĩu nặng đôi vai của Tâm xuống. Trĩu nặng nhiều đến mức, cô chằng còn nghĩ đến bản thân, chẳng còn tâm trí nổi mà nhung nhớ xưa kia. Mở đầu câu chuyện cũng là rặng tre, và kết thúc cũng là hình ảnh rặng tre đó. “Cái vòng đen của rặng tre làng Bằng bỗng vụt hiện lên trước mặt, tối tăm và dày đặc” và “nàng cúi đầu đi mau vào trong ngõ tối”. Tự dưng nhớ đến “Hai đứa trẻ”, cái khung cảnh của hoàng hôn ngột ngạt lặng dần lặng dần cứ nuốt lấy cái phố huyện nghèo xơ xác, và rồi sao quên được tiếng bà cụ Thi đi vào ngõ tối. Bà đã sống cuộc đời thế nào để rồi chìm vào men rượu và giao tiếp với đời bằng tiếng cười khanh khách rợn người, hay bóng bác Phở Siêu đổ dài trong bóng tối. Và bây giờ câu chuyện này, qua từng chữ từng chữ như một ma thuật, hình ảnh về Tâm của ngày xưa đã phai lại nhường chỗ cho người đàn bà lo toan. Hình như ánh sáng – bóng tối như một sự ám ảnh qua các trang văn của Thạch Lam khiến người ta không khỏi xót xa. Và mình cũng lại tự hỏi Tâm cứ đi vào ngõ tối thì điểm sáng đâu cho cuộc đời Tâm.

Tình xưa,

Lạ là câu chuyện không phải gặp lại nhau, chỉ có tạm biệt nhau và chữ xưa chỉ bắt đầu với cái kết không gặp lại. Thực lòng mình cảm thấy rằng, tình cảm của Bình cũng giống như một rung động bất chợt, dễ tan vỡ vì đó không có tình yêu, không có vị tha mà chỉ thấy ích kỉ. Cái ích kỉ của một tâm hồn nông nổi quá trẻ và cái tôi cao, còn Lan là một người con gái và yêu bằng tất cả sự ngây thơ của mình. Câu chuyện cũng không có việc Bình nhớ lại hay Lan nhớ lại hay không, chỉ biết họ chia tay nhau trong cái nhìn xa xăm, trong việc rời đi không lời từ biệt. Cũng chỉ vì bảo vệ cái tôi, cái phẩm giá nào đó dựng lên trong lòng của một cậu trai nông nổi mà Bình lại làm tổn thương đến người con gái. Mãi đến khi nhìn ngắm lại cái mảnh đất ăn học ấy, Bình mới trào lên những xúc động.

Sợi tóc,

Trong truyện không nói đến sợi tóc của ai cả, nó đơn thuần là sợi tóc ranh giới của cái thiện và cái ác. Người ta hay dùng sợi tóc để ví von, nhất là nói “ngàn cân treo sợi tóc” chỉ tình thế ngặt nghèo, đau khổ nhưng người đầu tiên ví sợi tóc là cái ranh giới mong manh ấy chỉ có Thạch Lam. Trong căn phòng tối tối mù mù le lói ánh đèn bé tí của tình, thì cũng có cái bóng tối đang chực vồ lấy hồn người đó chính là lòng tham đang xâm lấn lấy Thành. Thành – một người tự nhận bản thân là sành sỏi, biết chỗ chơi, biết giá nhưng sành sỏi bao nhiêu hắn nghèo bấy nhiêu và làm gì có một cái ví đầy tờ giấc bạc. Thành cho rằng người anh họ của mình là kẻ khờ và vì thế anh nghĩ thế này: “Tôi thì trong óc cứ vơ vẩn cái ý nghĩ sao một thằng ngốc như hắn – tôi thấy hắn càng ngốc – lại có lắm tiền thế, còn mình…”. Trong suốt buổi đi chơi, Thành không thoát được ra khỏi những suy nghĩ nhỏ nhen và tầm thường ấy. Anh cho rằng Bân ngốc do hắn cư xử khác anh, không phóng túng nổi mà mua một chiếc đồng hồ xịn và đắt đỏ dù cho hắn có rất nhiều tiền (và có khi nào anh cũng nghĩ nếu anh là Bân anh sẽ tiêu cái gì mới đáng sống). Trong suy nghĩ coi thường ấy pha lẫn chút ganh tị.

Chút ganh tị này lại được nhân lên cùng cái sự tủn mủn suy nghĩ lấy vài tờ bạc khi anh Bân này lấy nhầm cái áo. Thạch Lam không đưa ra một câu khẳng định hoặc kết luận nào nhưng qua cái cách ngòi bút ông cứ dần dần khắc họa đi sâu để rồi khám phá những góc khuất tâm lí của con người. Bỗng nhận ra, thật là đời, bởi nó thật và có lẽ những cái lối suy nghĩ tầm thường ấy vẫn luẩn khuất trong chúng ta chỉ chờ chúng ta lơ là, chúng ta bước qua ranh giới lương thiện, ranh giới sống tử tế của một con người. Quay lại câu chuyện, trong cái không gian tối tối mang đầy sắc màu của tình ấy, cũng lời mời gọi dường như tất cả mờ đi nhường chỗ cho cuộc sắp xếp lấy hay không hai tờ giấy bạc trong ví, Thành có lấy hết đâu đúng không, lấy có hai tờ bạc với người như Bân có đáng là bao, và trong định kiến của Thành, Bân là một gã khờ còn Thành sẽ biết cách tiêu thế nào cho đáng sống. Thành đã sắp xếp rất nhiều các viễn cảnh đến mức tuyệt hảo, “Tất cả những cách xếp đặt ấy diễn qua rất nhanh trong trí tôi. Chỉ một thoáng thôi, tôi đủ tưởng trước được các việc xảy ra như thế, êm thấm và yên lặng, và trôi chảy… dễ dàng quá, mà không còn sợ cái gì cả…”.

Mặc dù văn phong rất chậm rãi nhưng lòng mình lại không thể yên nổi vì đã nghĩ Thành sẽ bỏ quên lương tri để ăn cắp đúng không. Thành đứng chấp chới giữa bờ vực của sự sạch sẽ và bị vấy bẩn. Kể cả hai tờ bạc giá trị nhỏ trong cái ví dày cộp kia nhưng lấy cắp vẫn lấy cắp, đồng tiền ấy có tiêu có dùng vẫn là đồng tiền vấy bẩn và nếu Thành có lấy thật thì hóa ra nhân cách của anh chỉ đáng giá hai tờ bạc ấy thôi sao. Cuối cùng may quá Thành ra khỏi nhà hát trên tay là chiếc áo của mình và không có đồng nào cả. Thành khoan khoái khi nghĩ đến viễn cảnh có mấy tờ bạc nhưng cũng khoan khoái khi mình đã vượt qua ranh giới thiện ác ấy để giữ vững cái thiện lương của mình. “Tôi cảm thấy một cái thú khoái lạc kỳ dị, khe khẽ và thầm lặng rung động trong người, có lẽ là cái khoái lạc bị cám dỗ, mà cũng có lẽ cái khoái lạc đã đè nén được sự cám dỗ. Và một mối tiếc ngấm ngầm, tôi không tự thú cho tôi biết và cũng cố ý không nghĩ đến, khiến cho cái cảm giác ấy của tâm hồn tôi thêm một vẻ rờn rợn và sâu sắc.”

Đúng là Thành đã chiến thắng nhưng trong cuộc đời dài rộng và đầy biến động này, có vô số những cám dỗ vẫn còn và còn hiện ra dưới hình hài phức tạp, đủ vỗ về ta, đủ ru vỗ ta đến mức ta không nhớ đến cái bản chất chân chất thiện lương của chúng ta ban đầu. Những cám dỗ đó chỉ có không và có làm, chứ không thể nào là theo mức độ nhiều hay ít được. Qua câu chuyện với chủ đề không quá mới, nhưng nhà văn đã đặt ra một ranh giới gay gắt mong manh như sợi tóc về con người khi đứng trước thiện – ác, ác tâm hay lương tri trong sáng.

Mình đọc cuốn sách vào một tối sau cơn mưa, hôm nay ánh trắng đã dần bị mây che khuất báo hiệu cho những cơn bão lớn dữ dội thế nhưng ánh sáng của ánh trăng ấy vẫn không tắt được, vẫn không bị che hết tựa như 5 câu chuyện ngắn của Thạch Lam khi ông đi sâu khám phá những mảng sáng tối của cuộc đời, đặc biệt là ánh sáng bóng tối nơi con người. Ông không để nhân vật của mình chết trên trang giấy bán mình cho con quỷ dữ tha hóa mặc dù ông để họ tự lựa chọn, tự đấu tranh. Bởi nhà văn theo cách nào đó trong trái tim đầy nhạy cảm tinh tế ấy luôn ấm nóng một niềm tin vào bản chất lương thiện của những con người đó. Ông như một người quan sát thầm lặng dùng ngòi bút và tài năng để ghi lại những câu chuyện vừa lạ vừa quen đó, cho dù câu chuyện ấy đầy nặng những cơm áo gạo tiền, cô đơn rồi nuối tiếc hay như thế nào thì những cái kết vẫn như một nốt nhạc nhẹ nhàng kết thúc hoặc như chén trà sớm mai.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ