[2023] 41/45 - THANH ĐỒNG QUỲ HOA

Mình đọc quyển sách này khi trời đang tối sầm, mây đen đang kéo tới như chực vồ lấy thành phố này hay cuốn mình đi. Nhưng cái tiết trời kinh khủng ấy bỗng chốc đứng sang một bên trong long mình để nhường chỗ cho cuốn sách này. Hồi đó, vào năm 17 tuổi hay 16 gì đó, bạn mình và mình rủ nhau trốn học tiết sinh hoạt cuối vì hai đứa mệt mỏi vì toán quá mà đi, lúc ấy dắt mình vào hiệu sách Fahasha, mình ngay từ khi ấy đã bị cuốn hút bởi cuốn sách này. Ngay từ nhan đề đã khiến lòng mình dịu lại nhưng mãi đến khi hiệu sách Cá Chép Hà Nội mở mình mới mua về. Mình mua nó ngay từ ngày đầu hiệu sách Cá chép mở nhưng mình đọc nó khi Cá Chép đã chỉ còn trong kí ức của mình. 

Thanh Đồng Quỳ Hoa trong ấn tượng của mình ban đầu là nó đem đến cho mình một cảm giác rất dễ chịu, trong lành nhưng cũng thật đầy khắc khoải. Thanh Đồng Quỳ Hoa chính là bức điêu khắc, là hình ảnh chấp niệm suốt một đời của bố Quỳ Hoa. Thanh Đồng là thảm cỏ xanh, Quỳ Hoa là hoa hướng dương. Thảm cỏ xanh nơi nuôi dưỡng những bông hoa hướng dương và những bông hoa hướng dương hướng về mặt trời. Cánh hoa hướng dương vươn mãi đến ánh mặt trời rực rỡ, còn thảm cỏ xanh là nền đất màu mỡ cho những bông hoa vươn cao mãi.

Thanh Đồng, là cậu bé câm – không phải vì bẩm sinh mà do biến cố của tuổi thơ. Cậu bé không thể nói ra thành lời những tâm tư ấn giấu trong tim. Cậu là cậu bé trong mắt mọi người là người đầy bí ẩn và kì lạ bởi lẽ cậu sống bình lặng, thanh âm màu sắc với cậu là thiên nhiên, là ngọn cỏ cảnh đồng bát ngát. Ngôi làng nghèo đói, cái nghèo thấm nhuần trong từng hơi thở nhưng trong tim đứa trẻ ấy luôn giàu có những tưởng tượng, giàu có về lòng hiếu thảo. Thanh Đồng không nói được, như người ta không thể nói bằng lời thì người ta có thể dùng con chữ nhưng cậu cũng không thể dùng con chữ vì cậu thất học. Cậu thất học vì cái nghèo, trong câu chuyện của Tào Văn Hiên hiện lên trước mắt mình là làng quê hiền lành nhưng cũng thật u buồn vì những người dân tại đó chưa có cơ hội được biết đến cái ồn ào, náo nhiệt những điều mới mẻ, họ cả cuộc đời gắn mình vào cánh đồng, miếng cơm manh áo và sinh tồn, oằn mình lên chống đỡ những biến động của đất trời đối với họ, đến cả việc chụp ảnh cũng là thứ xa xỉ.  

Dù Thanh Đồng có cả thế giới sinh động dưới con mắt của cậu nhưng cậu vẫn là thằng bé cô đơn. Những người xung quanh chỉ nhìn cậu bằng ánh mắt xót thương vì cậu bị câm. Và Quỳ Hoa đến với cậu, một người em gái đã bước vào thế giới của cậu. Một cánh đồng xanh có phần hoang dại bỗng chống xanh non tốt hơn bao giờ hết khi gặp được một bông hoa rực rỡ. Và một bông hoa có phần héo úa lại gặp một thảm cỏ xanh tốt để có thể tươi tốt, xinh đẹp trở lại.

Thanh Đồng là người anh trai yêu em gái mình hết mực. Thanh Đồng dường như trút hết ruột gan để dành tình yêu cho Quỳ Hoa – em gái của cậu. Cậu sẵn lòng từ bỏ ước mơ khát vọng khắc khoải của mình để nhường cho em đi học, dẫu biết gian lận là không tốt nhưng cậu gian lận để em gái có thể được đi học. Cậu không nói được cho em những lời nói yêu thương nhất như anh rất quý hay anh rất thương em nhưng từng hành động chắt chiu ấy có cậu đã thể hiện tình yêu ấy. Cậu chấp nhận những thiệt thòi về bản than chứ nhất quyết không để Quỳ Hoa bị tổn thương. Lòng mình thắt lại và cảm thấy sao thế giới này cứ nhất quyết phải khắc nghiệt với một cậu bé mười tuổi, nếu những khắc nghiệt đó sinh ra để thử thách đứa trẻ đó thì có phải quá nhẫn tâm hay không. Thương làm sao cậu bé nhất quyết giữa trời gió rét cắt da cắt thịt lại bỏ đôi dép giữ ấm đôi chân cuối cùng để bán, thương làm sao cậu bé cũng muốn được xem xiếc nhưng chấp nhận là cái “bậc” để em gái có thể thấy rõ hơn. Thương làm sao cậu bé bắt em nói dối vì cậu sợ em bị đòn. Thời tiết gió rét căm căm nhưng nó phải nghiêng mình ngọn lửa ấm trong tim đứa trẻ này.

Thanh Đồng, một người con hiếu thảo. Đối với cậu bé Thanh Đồng, ưu tiên của cậu chỉ có em gái và gia đình. Em là người con hiếu thảo, sớm tối chăn bò, cắt cỏ nhặt nhạnh cho gia đình. Dù cha mẹ đều quần quật bán lưng cho đất bán mặt cho trời, cậu bé ngoan tự giác và hiểu chuyện đến đau lòng. Cậu bé bất chấp cái khắc nghiệt lên thời tiết thấm vào da thịt mình để bắt cho bằng được con vịt giời để rồi bị nghi ngờ về phẩm cách, bị chà đạp lên lòng tự trọng. Cậu có thể bị cái rét căm căm châm chích vào cơ thể gầy gò, cậu chấp nhận hạ mình để bán cho bằng được đôi giày nhưng cậu nhất quyết không để gia đình mình bị hạ thấp bị hiểu lầm, đặc biệt là hiểu lầm về sự liêm khiết. Cậu có thể bị chê cười là một thằng câm nhưng cậu sẵn sàng đánh nhau để bảo vệ em gái, khi hoa màu bị trò nghịch vô tâm xấc láo của Ca Ngư, cậu sẵn lòng nghênh chiến. Một cậu bé chỉ quanh quẩn với con bò, với cánh đồng nhưng lại không sợ hãi vượt biển để có những tấm cỏ gianh để lợp nhà.

Thanh Đồng có thể bị thương nhưng có thể không gục ngã, Thanh Đồng có thể chịu đói đến hoa mắt nhưng không để Quỳ Hoa bị thiệt thòi. Nhưng khi Quỳ Hoa đi mất, cậu đã mờ cả mắt mà ngã, không phải vì cơn đói cồn cào bởi cậu lớn lên trong nghèo đói và đã quen với nó, nhưng trái tim của cậu rút cạn vì em gái yêu không ở cạnh. Đoạn kết bóng dáng Quỳ Hoa khắc khoải dưới con mắt đang mơ màng của cậu là giấc mơ mà cậu không thể với tới hay là chính Quỳ Hoa đã trở về bên cậu, trở về mái nhà siêu vẹo. Tình yêu dường như khắc khoải ứ nghẹn để rồi Thanh Đồng đã bật lên thành tiếng gọi. Nếu như Thanh Đồng ban đầu chính là cứu mạng Quỳ Hoa, cũng chính Thanh Đồng giơ tay đón lấy Quỳ Hoa khi cô bé chịu nỗi đau mất cha, và bao phen yêu thương trọn long với cô bé thì chính hình ảnh cô đã cứu lấy tâm hồn đơn côi, và rồi cứu sống cậu mà có lẽ Y học chưa chắc đã làm Thanh Đồng nói được trở lại.

Quỳ Hoa, cái tên mang vẻ đẹp của hoa hướng dương trong mắt của ai đó, đó là cái tên có phần quê mùa nhưng cái tên ấy là kết tinh của tình yêu của cha cô bé – một người mang theo ám ảnh về hình ảnh thanh đồng quỳ hoa. Quỳ Hoa là đứa trẻ hiểu chuyện, và cô bé cũng cô đơn bởi tại trường cán bộ, những người lớn tăng gia sản xuất làm việc có ai nào dành thời gian cho cô bé thế kia. Cha của Quỳ Hoa làm việc sớm hôm, có thời gian là ông đều dành cho con gái bé bỏng nhưng rồi ông cũng cứ thế rời bỏ Quỳ Hoa trên chính con sống dài hiền hòa mà cô bé từng muốn vượt qua để sang kia bờ. Cô bé không vì sự giàu có của nhà Ca Ngư mà cô bé chọn gia đình nào khiến cô bé thấy bình yên, yêu thương và che chở. Dù cuộc sống khó khăn thật nhưng chưa thấy dòng văn nào cô bé hối hận, đỏng đảnh và ích kỉ thậm chí cô bé bao lần chỉ nói không muốn đi học vì muốn bố mẹ không phải quá vất vả. Một cô bé tự trọng tự tìm ánh sách cho mình, một cô bé luôn sợ bản thân chưa đỡ đần được bố mẹ, một cô bé vốn nhút nhát được anh che chở lại dám đi biển xa một mình để kiếm tiền cho gia đình. Một cô bé vốn muốn từ bỏ ước mơ hoài bảo của mình để mong muốn bố mẹ đỡ vất vả đi. Qua dòng văn trong vắt của Tào Văn Hiên, mình thấy rằng chưa thấy chỗ nào thấy Quỳ Hoa xa cách trong gia đình nhà Thanh Đồng.

Câu chuyện không chỉ dừng lại ở hai cô bé – cậu bé hiếu thảo ấy mà lòng mình cũng thắt lại khi đọc sự chịu thương chịu khó của bà nội, bố mẹ Thanh Đồng. Người ba như cái cây già nua yếu ớt trước gió nhưng bà chưa bao giờ lợi dụng cái tuổi già ấy để làm gánh nặng cũng như xin sự thương xót của người khác, bà chắt chịu cho những đứa cháu bằng lao động chân chính của mình, bà sẵn sàng vứt bỏ món đồ mang đầy kỉ niệm của bà để đổi lấy miếng ăn. Một đời nghèo khó cho đến khi mất đi vẫn trong nghèo khó xác xơ, nhưng ấn tượng trong tâm mình vẫn là người bà ưa sạch sẽ, người bà sạch sẽ về tấm lòng và phẩm cách. Và còn rất nhiều câu chuyện nhỏ nữa, khiến tim mình đau nhói và luôn khiến mình khó mà không rơi nước mắt khi thấy cuộc sống cứ khó khăn bóp lấy người tôi đeo bám vào những đứa trẻ làm gì cơ chứ, tại sao cuộc sống không thể dễ dàng hơn với nhà Thanh Đồng một chút, chẳng phải họ đã rất ngay thẳng, tự trọng rồi đấy sao còn thử thách cái gì nữa. Chẳng phải Thanh Đồng đã rất ngoan, chẳng phải Quỳ Hoa đã chăm chỉ tự học, hiểu thảo rồi đấy sao. Mình cứ nghĩ mãi như thế…

Mình không hiểu sao cuốn sách này lại ít bài viết về nó như thế, một cuốn sách dung dị với lời văn rất đẹp. Một làng quê bình yên, đẹp đẽ với những con người hiền hậu nhưng nhìn thật sâu hơn, kĩ hơn, ngôi làng ấy với những con người chịu bao đau thương, nghèo khổ. Ngôi làng nghèo quật cường với những biến động khắc nghiệt của thiên nhiên, mùa màng mất đi, họ bất lực nhưng không để sự đau buồn ấy kéo dài lâu họ lại đứng lên lao động kiếm sống, sức sống đó tựa như những bông hoa hướng dương vàng rực rỡ hướng về ánh nắng mặt trời, hướng về sự sống.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ