[2023] 44/35 - MÁT MÁT LẠNH LẠNH
Mình kết thúc một tuần làm việc hôm
thứ 6, mưa tầm tã, mưa trắng cả bầu trời đứng trên tầng 46 thấy một nền trắng mờ
mịt. Sấm rung cả tường, tự dưng nghĩ có khi nào sấm sét đánh xong gẫy cả tòa nhà
rồi sẽ có vụ việc chấn động Hà Nội hay không. Cuốn sách Mát mát lạnh lạnh trên
tay mình đọc là trong khung cảnh ấy, mình kết thúc trang sách cuối cùng khi nền
trời đã yên bình, có phải là tiết trời thu đã sắp về hay chăng.
Mát mát lạnh lạnh, có thể là cảm
giác khi cơn gió nào đó lướt qua da thịt, cũng có thể làn nước bắn vào da thịt
hay một cơn mưa ào ạt xối xả bắn vào người làm dịu bớt ngày hè oi bức. Nhưng tự
dưng mình nghĩ có khi nào, mát mát lạnh lạnh như có cái gì đó tan vỡ, kí ức, nỗi
đau, niềm vui và ám ảnh hữu hình tựa như con nước lạnh lùng xối vào tâm hồn ta
hay không. Hay tự dưng mình đang nghĩ mát mát lạnh lạnh tựa như những mảnh vỡ
thủy tinh hay không, hay là chính ta đang tan vỡ. Ngay từ cái tên cho đến 24 câu
chuyện không đầu không đuôi, đều luôn khiến mình chùng chình đều khiến mình ít nhất
nghĩ đến hai kiểu, hai ý tưởng đổ lên không có chuyện câu chuyện kết thúc mình
chỉ nhìn một hướng. Và lạ ở chỗ, những cái gì buồn, đau đớn và vụn vỡ thậm chí
cái chết, hay cái u uất của con người được viết với giọng văn bình thản rất nhiều.
24 mảnh ghép ấy có thể là 24 câu chuyện khác nhau, hay là câu chuyện của một người
và hắn đôi khi có thể là nữ. Một giọng văn độc và lạ, dù không phải là giọng văn
mình theo đuổi, cũng không phải giọng văn mình thích, nhưng có sức hút rất lạ,
sẽ khiến người ta tò mò. Đó là cái hay của tác phẩm. Một giọng văn nữ tính, bí ẩn,
thoắt ẩn thoắt hiện như cơn gió…
Kết thúc có hậu, câu chuyện
mở đầu khiến mình tự dưng bị “lạc” ngay từ trang đầu tác phẩm bởi mình đang chưa
biết mình sẽ để tâm trạng mình xuôi theo một câu chuyện viễn tưởng hay một câu
chuyện thực nhưng hình ảnh mang tính biểu tượng. Và có vẻ như hình ảnh “con chuột”
có vẻ trở đi trở lại nhiều trong tác phẩm. Nói đến chuột, thì ấn tượng của mình
nó xuất hiện tại những nơi cũ mèm hôi thối bẩn thỉu, hoặc cái tính cách tinh
ranh của chúng. Cơ mà mình cũng tự hỏi tiêu cực đến mức kiếp người như một con
chuột hay như thế nào, câu hỏi về hình ảnh con chuột này cứ nhảy nhót trong đầu
mình khiến mình đi lạc. Và rồi mình nhận ra, nếu chủ quan tiếp tục miên man như
thế thì lạc mãi mà nản mà đóng sách vào nữa. Rồi đến câu chuyện 1986, mình
mới thở phào đừng quá miên man làm gì tiếp tục đi thôi và cái kết lại khiến mình
nghĩ, về quê thăm theo nghĩa đen hay thân xác của người cậu tuổi thơ sống với rượu,
(rượu khiến người ta ru ngủ trong cơn mộng mị, rượu khiến người cậu kia quên thực
tại, và rượu – chai rượu là ước muốn của người cháu vào đội) hòa vào mảnh đất
quê hương hay như thế nào, hay còn gì khác. Rồi lại Tôi, câu chuyện ma
quái ấy – tấm gương ấy phản chiếu những tổn thương và tan vỡ hay phản chiếu những
phần xấu xa nhất trong tâm hồn, bởi trong những trang văn của Ngọc Bảo An mọi
suy đoán của bạn có thể chả ăn nhập gì cả cho đến trang cuối cùng.
Hay Thắc mắc, đó là câu
chuyện của một cô gái thắc mắc, mình lại nghĩ thắc mắc khi không biết nhưng có lúc
mình thắc mắc vì mình sợ, thắc mắc chính mình có dám làm hay không. Rồi muôn
tình muôn kiếp, cái nỗi cô đơn là hiện thân của cô gái hay là một chàng trai
– một câu trả lời không rõ ràng, cái này mình lại phải hỏi chính mình, có lẽ nào
mình cũng đang sống với một người cô đơn bên cạnh hoặc chính mình cũng là kẻ cô
độc. Xuôi tiếp xuối tiếp, tay mình dừng lại ở câu chuyện Người ấy, một suy nghĩ
ngắn và nông của mình chỉ nghĩ là người con gái nhưng trải dần trải dần mãi mình
mới biết đó là người bà, tức là tác giả cứ để độc giả đoán và đoán cuối cùng mới
hiện ra câu trả lời, và chính mình khi ấy nhận ra có thể (tuồng như) mình chưa
hiểu rõ được hết người mẹ người bố hay thậm chí người bà vẫn hay ngủ cùng mình.
Mình vẫn biết dáng vẻ đó, dáng vẻ quen thuộc của một người nhưng dường như đó
chỉ là thế giới bề nổi, còn thể giới thăm thẳm sâu xa khác mình chẳng thể chạm đến
và đến chính mình – xúc cảm sâu nhất kể cả xấu xa nhất dường như mình vẫn chưa
hiểu hết. Câu chuyện Mát, mát, lạnh, lạnh, ấy là làn nước và thực lòng mình vẫn
chưa thể biết được đây là không gian gì, và biết đâu được cái bà già lẩm cẩm đang
tắm rửa cái lại là người cuối câu chuyện được niệm và những gì kể trước đó là cái
linh hồn đang bấu víu lấy trần gian hay là một bạn già tiễn đưa người bạn hay bất
cứ điều gì. Sự (có vẻ) điên dại của người trong truyện qua giọng văn mơ mơ màng
màng bồng bềnh lại dội lên trong lòng mình xúc cảm khó tả.
Rồi Tầng 2, vốn là câu chuyện
bi thảm nhưng trong truyện, đáp lại là câu Ừ, có lẽ qua người con gái đó gặp cái
chuyện ấy khi còn quá bé – chưa kịp có ý thức về mất mát hay đã quen với nỗi đau
khủng khiếp ấy?. Rồi Đêm, ấy là màn đêm, thực lòng chúng ta có bao giờ là
con cú cô đơn tự bay trong cõi mộng, đau khổ nghĩ cái viễn cảnh người mình thương
ở kẻ khác không, chẳng biết còn ai nghĩ được khác, nhưng mình mới nghĩ được đến
đó, và cũng có thể mình nghĩ quá lên: nó chỉ đơn thuần là cảnh đêm chẳng hạn. Và
có lẽ cái mình tò mò hơn cả là Tự tử, cái nhân vật nghĩ ra cả đống những
cách thức để chết kia đến cuối, cái kéo chăn là kéo chăn vuốt mắt cho người bay
từ ban công xuống hay là lại một giấc mộng mị của một người u uất và cảm thấy
không hòa hợp được với cuộc đời rồi rốt cục vẫn chọn sống tiếp sau khi nghĩ một
đống viễn cảnh mình sẽ chết kiểu gì. Nhưng ấy vậy, khi đọc cái câu chuyện với mấy
cái cách thức chết chóc ấy, thực lòng lại thấy tác giả vẽ ra những viễn cảnh thực
sự không phù hợp, như kiểu nếu chết trong căn nhà đó khác nào làm mất miếng
sinh nhai của chủ nhà. Tự dưng cái chết trong câu chuyện lại không nặng nề cho
lắm với cái nhan đề này. Câu chuyện Hư cấu, một người có sẵn một đôi cánh
rất đẹp nhưng lại không biết vẫn bốc từng miếng đất nặn những đôi cánh và ước mình
có cánh. Và viễn cảnh cuối vẽ ra một bức tranh những người nông dân cùng những đôi
cánh bỗng khiến mình thấy yên bình. Rồi câu chuyện cậu bé Campuchia, vẻ đẹp của
giọng hát và tất cả mọi thứ đều gói gọn với mức giá Một đô la. Một đô la trong
mắt trẻ thơ giống như cái gì to tát như
một báu vật, với người du khách thì lại là bình thường. Tự dưng nhớ đến phim Mặt
trăng ôm mặt trời, nhân vật nữ chính ví nhà vua với một hào bạc. Bởi nhìn từ góc
độ của những người dân nghèo khổ, một bạc là cả gia tài. Nếu chỉ nhìn con mắt của
những nhà quý tộc trên cao, không biết đến tiếng đau khổ than khóc ngoài kia thì
sao biết một hào bạc giá trị như thế nào. Hay câu chuyện bồng bềnh Hành trình cuối
cuốn sách, hư ảo, hư hư thực thực, vừa xa vừa gần, giống câu chuyện xuôi về kí ức
mà cũng lại giống như một người nhạy cảm đang đi trên tàu và miên man những suy
nghĩ.
Dù có vẻ chùng chình giữa nỗi đau
– niềm vui, tan vỡ, giấc mơ và hiện thực thì trong kí ức của mình với quyển này
thấy rất đẹp ở câu chuyện, tác giả liên tưởng về những bức ảnh, bức ảnh sống động
tĩnh lặng, nhưng khi trải nghiệm tại không gian chính bức ảnh ấy, có thể ta sẽ
lại là chuyển động tĩnh trước mắt một người khi xem ảnh, khi ta lọt vào ống kính
của một nhiếp ảnh gia. Tự dưng mình thấy xung quanh mình, mọi thức kể cả bức ảnh,
kể cả bức ảnh về nơi chốn mình chưa từng đặt chân tới bỗng chốc sống động,…
Nhìn chung, cuốn sách không phải
phong cách mình thích, dễ đọc nhưng khiến mình ấn tượng, ấn tượng đến mức sẽ giở
đi giở lại lần nữa xem có thể hiểu như nào. Một giọng văn nữ tính, hư ảo, bồng
bềnh vừa gần vừa xa, khiến mình chùng chình suy nghĩ xem có nên là như thế hay
không, hư ảo – sự thật, cái chết – sự sống – giấc mơ. Một điều gì đó mỏng manh,
nhưng đẹp, có lẽ vậy. Một số người có thể không quen với giọng văn này, thấy khó
hiểu thậm chí nhiều đoạn vượt quá tiêu chuẩn bình thường của ta…hoặc là cái ta không
hề nghĩ đến bao giờ.
Nhận xét
Đăng nhận xét