[2023] 47/35 - CHARLIE VÀ CHIẾC THANG MÁY BẰNG KÍNH

Mình thấy lạ rằng sao phần này lại chưa được lên màn ảnh, hay tại phần 1 đã quá trọn vẹn về phim rồi. Mình mất nhiều thời gian đọc hơn mình tưởng, quả đúng là nếu không thực sự thoải mái không thể bắt đầu một cuốn sách được. Mình đọc nó vào ngày nghỉ lễ cuối cùng, đọc lúc chờ bảo dưỡng xe, đọc lúc buổi tối ngẫm nghĩ sau kỳ nghỉ lễ. Kỳ nghỉ lễ này mình ra ngoài nhiều hơn mình tưởng nhưng rất vui, tự dưng khám phá được mấy cuốn sách đã được phát hành trở lại. Mình tự dưng nghĩ theo hướng thế này, có thể rằng mình may mắn được tiết lộ một câu chuyện ngoài lề khác của Charlie và nhà máy socola.

Nếu trong phần 1, giáo dục trẻ em rất quan trọng bởi chỉ một phút lơ là và nuông chiều có thể đi đến những sai lệch về nhận thức. Còn phần này, mình thấy rằng kể cả khi lớn lên rồi, thậm chí qua con dốc cuộc đời ta vẫn luôn cần soi lại mình. Bởi con người mà, cũng có những lúc không tỉnh táo, ta đi trên sợi dây cheo leo hai vách đá tốt và xấu xây xẩm thế nào ta có thể bước hẳn ra ranh giới là một người xấu. Tuổi trẻ luôn là một mĩ vị gì đó mà người đang ở giai đoạn đó thì không hiểu, còn người bước qua rồi mới thèm khát. Lúc mình mười lăm, mười bảy mình chẳng hiểu gì cả, mình không hiểu vì sao tuổi trẻ lại quan trọng và nhiều người dùng bao ca từ nói về nó đến thế. Cho đến bây giờ ở độ tuổi hai mấy, cũng chưa quá già cỗi nhưng ngẫm nghĩ lại tại cái thời điểm này, mọi thứ đã khác đi. Bây giờ đi làm, mình đã có thói quen dùng máy tính cân đo đong đếm xem món này với món kia, dung lượng món này với món kia cái nào rẻ hơn, cái nào vẫn giá hợp lý mà giá trị sử dụng vẫn vậy chứ không còn như trước kia – mình thích là được (dù trước kia mình cũng chỉ quan tâm đến sách) hoặc thế giới chỉ đơn giản là có sách là đủ toàn bộ cả. Nhưng lo lắng là tốt, ngẫm nghĩ là tốt nhưng để suy nghĩ hướng về quá khứ xa xăm ấy để thui chột đi ý chí của hiện tại, rốt cục mình vẫn chỉ nằm trong vòng xoáy thất bại. Ông bà ngoại Charlie nhất quyết không rời khỏi giường, suy nghĩ già nua và không thay đổi khiến họ tự trói buộc họ trên giường. Không phải tuổi già trói buộc họ mà là tự chính suy nghĩ của họ trói buộc họ lại. Và chính ham muốn được trẻ lại khiến họ trở thành những người ích kỉ, họ ích kỉ luôn với những đứa con của mình. Như vậy, tại phần này chẳng có đứa trẻ nào bị trừng phạt, chỉ có người lớn ở đây – hình thức trừng phạt là thời gian.

Vậy đó chúng ta ở độ tuổi nào vẫn luôn cần phải học, và luôn sống, chứ không thể lấy thước đo của tuổi trẻ để làm cớ cho bản thân mình. Tuổi trẻ qua đi rồi với mình đơn giản là việc mình cố gắng bào chữa cho những hành động của mình, hoặc những nghịch cảnh hiện tại của mình, nhưng mình vẫn phải sống cho hiện tại. Nếu mình thui chột ngay từ bây giờ sự cố gắng và nỗ lực, thay đổi những gì hiện tại thì thực lòng mình mới thực sự là người già cỗi. Và nhớ không nhầm, người bố của Charlie từ một người nhút nhát bỗng chốc hoạt ngôn và bạo dạn, mà chẳng cần viên thuốc nào, đôi khi “trẻ ra” chính là như vậy – thành một phiên bản tốt hơn.

Tiếp nữa tại phần này, thế giới tưởng tượng được mở ra hết cỡ, khám phá hết cỡ, giải pháp lại đến từ những đứa trẻ. Thế giới của ông bà là cái giường nên họ chẳng thế chấp nhận những gì diễn ra trước mắt, thế giới của thang máy kính, nhà máy socola dù lớn nhất toàn cầu qua con mắt khoa học ngoài vũ trụ là người ngoài hành tinh. 136 người thử nghiệm, 136 phi hành đoàn được cứu, tự dưng nghĩ sao có sự trùng hợp này nhỉ, không gian vũ trụ rộng lớn bao la – thời gian cũng vô tận và không ai đong đếm được – và cả thế giới tưởng tượng cũng không thể cho biết giới hạn là ở đâu. Thực lòng người có biệt tài luôn biết cách vẽ bức tranh bằng ngôn từ, dùng câu từ duyên dáng để tô điểm sắc màu. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ