[2023] 52/35 - CƠN CUỒNG SI
Khi đọc cuốn sách này, lật bìa sau tôi có hơi ý ngần ngại mua. Một câu chuyện tình với người đàn ông có vợ, câu chuyện này tôi ngại vì tôi chưa thể biết làm thế nào để viết về nó một cách đủ khéo léo và sâu sắc. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng đã mua, và đã đọc. Gấp cuốn sách này lại, tôi chỉ hiểu đơn giản nó là một câu chuyện kể của một người, và tôi không ấn tượng cũng không bình luận nó hay hay dở, dại hay khôn, đúng hay sai. Bởi khi đọc những câu văn của tác giả, tôi cảm thấy rằng câu chuyện không phải đưa ra để phán xét, cũng không phải đưa ra bài học đạo đức mà đơn giản ta nghe một người kể chuyện.
Vẫn như mọi khi, cụm từ tôi có thể
nghĩ ra về giọng văn của nữ văn sĩ đó là trần tục. Một câu chuyện tình cảm bình
thường dưới con mắt của tôi, tôi thường chỉ chia sẻ khi tôi tin một ai đó hoặc
tôi sẽ chỉ mấy kiểu câu đơn giản, vô thưởng vô phạt. Ấy vậy câu chuyện của tác
giả, dường như không giấu giếm, lại được lồ lộ ra dưới những trang giấy. Một câu
chuyện trần tục mang màu sắc dục vọng, hân hoan, nỗi nhớ, đau khổ, chờ đợi - không
che giấu, không cố gắng lên gân, cũng không cố gắng đưa ra sự phán xét, không có
sự mỉa mai. Chỉ đơn giản là kể.
Một câu chuyện tình với một người
đàn ông đã có vợ, và cái kết dĩ nhiên như được báo trước không đi đến đâu cả. Tưởng
chừng đơn giản có vấn đề và có cái kết, nhưng quá trình để đến cái kết đó – là một
thử thách khi ta đọc. Vì đó là câu chuyện của tác giả, khi kể chuyện nhất là tự
truyện, rất khó tránh việc chủ quan, đan xen cảm xúc. Nhưng nhà văn đã làm rất
tốt một điều theo tôi thấy, đó là kể chuyện nhưng không khiến tôi nghĩ rằng đó
là chuyện của tác giả, không phải là sự cố gắng phơi bày sự thật để thể hiện điều
gì, mà đơn giản là đó là sự đối mặt nghiêm túc với chính mình – với quá khứ của
mình. Nếu để chính tôi viết về những gì của tôi trước kia, như nhật ký chẳng hạn,
những thứ đó vốn hiện tại chỉ nằm trong một góc nhà kho, phần quá khứ vẫn nằm lại
còn tôi sống tiếp và có thể lãng quên nó luôn. Tôi thấy sự nghiêm túc ấy qua đoạn
này: “Thường thì, tôi có cảm giác mình trải qua cơn cuồng si ấy như lúc đang viết
một cuốn sách: vẫn cùng cái đòi hỏi phải thành công ở mỗi cảnh, vẫn cùng mối bận
lòng vì chi tiết. Và cho đến cả ý nghĩ rẳng nếu có chết sau khi đi được tới cùng
cơn cuồng si ấy – mà không đưa ra nghĩa cụ thể nào cho “đi được tới cùng” – như
hẳn tôi có thể chết sau khi viết xong trong vài tháng nữa, tôi cũng thây kệ”
Nhà văn đi đến tận cùng từ đầu chí
cuối cuộc tình đó, từ những giây phút chờ đợi, từ những nỗi nhớ đến điên cuồng
và ngây dại, từ những khoảnh khắc hai thân xác hòa mình vào nhau và rồi những
giây phút phải tạm biệt và lại chờ một cuộc gọi. Dường như mọi thứ về anh không
chỉ tan chảy trong giây phút hai người quấn lấy nhau mà là sau đó những gì về
anh, đôi mắt, mái tóc làn da và tỷ thứ khác đều gần như hiện hữu trong từng cuộc
gặp gỡ, sự kiện qua con mắt của người phụ nữ. Trong tình cảm đó, người đàn ông lại chiếm
thế thượng phong chủ động còn người phụ nữ lại ở thế bị động, phải tự lánh mình
tránh gặp mặt và chờ đợi. Nỗi nhớ ấy choán lấy tâm trí người phụ nữ, cơn cuồng
si tựa một cảm xúc mê say nhưng lại là chất làm mòn tâm trí con người khi cuộc
tình chỉ lặp đi lặp lại và chỉ bắt đầu bằng cuộc gọi. Một cuộc tình kiệm lời,
ta vẫn luôn nói rằng tình yêu là sự chủ động của hai phía. Vậy nếu theo kiểu định
nghĩa như vậy, thì cuộc tình trong truyện này là gì nhỉ. Và có thật rằng, chính
ta cũng là người chưa bao giờ bị động trong mối quan hệ, bị dày vò trong đó nhưng
nhất quyết không thoát ra. Khi đọc vài trang đầu cuốn sách, tôi tự hỏi người đàn
ông này đến với người phụ nữ này, bất chấp đã có một người vợ - một ràng buộc về
mặt pháp lý rồi tìm đến cô ấy làm gì, vì hương vị mới mẻ cô ấy mang tới, hay vì
những rung động về tâm hồn hoặc sự hòa hợp về thể xác hay bất cứ điều gì. Tất cả
điều này không thể giải nghĩa trong cuốn sách, tất cả điều tôi thấy là sự mệt mỏi
thậm chí tự cách biệt với thế giới của một người. Thậm chí đã có lúc người phụ nữ ấy đã nghĩ vô số lần đến viễn cảnh bị bỏ rơi hoặc cố gắng nghĩ rằng thà anh có người phụ nữ khác, nhưng bỗng dưng tôi nghĩ rằng có phải ngay từ đầu trong câu chuyện này, vốn dĩ người phụ nữ vốn bị bỏ rơi rồi hay không. Và nếu hiểu điều đó, người phụ nữ sẽ tiếp tục hay lại vẫn sẽ tiếp tục và hoặc vì tình cảm mãnh liệt đó mà chấp nhận những khổ đau nhung nhớ dày vò.
Một cơn cuồng si tựa một ngọn lửa
luôn âm ỉ và khó lòng dập tắt, mà cũng thật đau khổ. Nhưng tác giả đã lật lại
những mảnh quá khứ đó, lật lại những cảm xúc ngân rung đó để mà đi đến tận cùng
những xúc cảm của trước kia, đi đến tận cùng lại đoạn tình cảm có lẽ đầy khổ đau
và nhung nhớ để rồi trên tay ta là cuốn sách chứa một câu chuyện câu chuyện có
một cái nhìn đầy thực tế và vượt qua mọi chuẩn mực. Và dĩ nhiên sự thật, thực tế
thì luôn nhức nhối vì đôi lúc nó không phải là thứ ta muốn thấy.
Sai lầm không, đúng đắn không, tôi không đưa ra câu trả lời cho cuốn sách bởi chính trong câu chuyện của mình, nhà văn cũng đã khẳng định đơn giản là bày nó ra, nhà văn không bào chữa, không biện minh và gieo rắc bất cứ một bài học. Nên bằng một sự tôn trọng, tôi thấy đằng sau ngòi bút tưởng chừng sắc lạnh là cả một sự dũng cảm vì đã viết ra. “Tôi không muốn giải thích cơn cuồng si của mình – hẳn điều đó cũng đồng nghĩa với việc coi nó là một sai lầm hay một rối loạn cần được bào chữa – mà chỉ đơn giản là bày nó ra”.
Nhận xét
Đăng nhận xét