[2023] 53/35 - DÒNG MÁU CAO QUÝ
Khi kết thúc trang sách này, kể cả
khi cái kết mình hiểu rằng đây là câu chuyện chứa sự kiện có thật, sau đó mình
vội vàng tìm kiếm, những kết quả tìm kiếm gõ một cái đầu mình và nói rằng: đây
là nhân vật có thật đó, thì mình vẫn trong trạng thái bồng bềnh giữa hư và thực.
Đó là cảm giác mình chưa bao giờ có khi đọc những cuốn sách trước kia hay nói cách
khác đây là một trải nghiệm rất rất rất mới khi mình đọc một cuốn sách. Và mình
thực sự thích điều này.
Hồi kí nhưng không phải hồi kí, truyện có sự kiện thật nhưng bồng bềnh giữa hai lớp nền hư ảo, dù câu chuyện ấy kí ức của đứa trẻ 6 tuổi sống thiếu vắng tình yêu của cha mẹ, trong bất đồng quan điểm của ông bà, nhưng hiển hiện trên từng trang văn đó vẫn là một con suối dịu dàng, nồng ấm. Được tờ nhật báo Le Parisien miêu tả “như một viên ngọc quý”, Dòng máu cao quý kể về những năm đầu cuộc đời của ngài Đại sứ Bỉ Patrick Nothomb, cha của nhà văn Amélie Nothomb. Và mình được biết tác giả đã không thể nói lời tạm biệt với người cha của mình trong những năm tháng cuối đời của cha mình. Qua giọng văn nữ tính, chú gì đó hài hước, hoang dã mình không nhìn nhận cuốn sách là một món quà đầy thương nhớ đau xót hay bất cứ cảm giác bi lụy nào, mà đơn giản là một lời kể đầy tự hào của một người con gái yêu thương trân trọng người cha của mình.
Nhà phê bình văn học Olivia de
Lamberterie đã nhận định, Dòng máu cao quý là “một tác phẩm lôi cuốn”, và quả
thực lôi cuốn khi được bắt đầu đầy kịch tính bằng chi tiết Patrick Nothomb những
tưởng mình sẽ chết trẻ như người cha mà ông chưa từng được gặp, khi đang cận kề
bên bờ vực sinh tử. Không gian là cảnh pháp trường, nơi sự sống – cái chết mong
manh hơn sợi tóc và quan trọng hơn là người đứng trên pháp trường là một nhà
ngoại giao, lời nói của ngài có thể một là đem đến cái chết, sự cuồng nộ của
phe đối lập hoặc là tránh một vụ thảm sát. Và trên pháp trường ấy, là sự đối mặt
với cái chết, sự đối mặt với cuộc chiến trong chính tâm trí – “cuộc nổi loạn của
con người bên trong tôi”. “tôi còn sống. Mỗi thời khắc đều có thể cắt nhỏ đến vô
tận, cái chết sẽ không thể bắt kịp tôi, tôi chìm trong cái cốt của hiện tại”. Và
rồi giữa thời khắc sinh tử ấy, kí ức về năm tháng trước kia dội về trong khoảnh
khắc đứng trước họng súng. Từ khi bắt đầu nhìn thấy ánh mặt trời, Patrick
Nothomb đã mất đi người cha của mình, và sau đó người mẹ có lẽ do quá đau khổ,
luôn vắng mặt hoặc không thể đối mặt với con trai của mình. Trong khoảng gần 100
trang ấy, là khoảng thời gian nhưng cũng quyết định đến phẩm chất tư tưởng của
Patrick khi sống với ông bà ngoại – ông bà nội.
Người mẹ của Patrick,
người mẹ tư sản của Patrick theo đuổi những gì hoa lệ và thường xuyên vắng mặt.
Người mẹ của Patrick chỉ có thể làm vợ được hai năm và đã là một quả phụ. Trong
từng trang văn này, mình cảm giác bà ấy luôn đau đáu nỗi đau, sự ám ảnh đến mức
bà đã quên mất rằng đứa trẻ cũng cần tình yêu của mẹ, đứa trẻ ấy tức Patrick mong
ngóng tình yêu thương của mẹ cỡ nào. Bà từng nghĩ Patrick sẽ là một quân nhân,
hoặc ăn uống không ngấu nghiến mới thực sự là bước vào thế giới thượng lưu. Vậy
mình tự hỏi sự cao quý của một người có phải chăng là từ bỏ đi tiếng nói yêu thương
của đồng bào, chêm những từ được cho là thượng lưu, khoác lên mình xiêm y áo gấm
và những cuộc hẹn hay không. Dù là nhân vật ít khi xuất hiện, vì thực lòng là bà
chủ động ít xuất hiện bên cạnh Patrick nhưng sự hiện hữu của bà, bức tranh về bà
cũng hình thành nên tính cách của cậu bé sau này.
Ông bà ngoại của Patrick,
bà ngoại của cậu mình cảm giác luôn nhìn nhận Patrick là đứa trẻ đáng thương, ông
ngoại của cậu nghiêm khắc và luôn muốn cậu dày dặn hơn bằng cách cho cậu đến nhà
ông bà nội. Thực lòng tư tưởng của ông ngoại nghĩ rằng nơi khổ đau mới tôi rèn được
sự cứng cáp, nhưng sự thật là trong mắt cậu bé Patrick nơi ấy lại là một thiên đường.
Dù nghiêm khắc, nhưng mình để ý rằng xuyên suốt cuốn sách khi phát hiện ra điểm
yếu của đứa cháu ngoại, chưa một lần mình thấy người ông này hắt hủi đứa cháu của
mình. Và mình lại càng cảm thấy tình yêu trong vắt hơn khi người bà ngoại hết mực
yêu thương của Patrick không nhìn nhận điểm yếu sẽ giết chết sự nghiệp của đứa
cháu, mà với bà sẽ có cảnh cửa khác phù hợp. Không nhất thiết phải cầm súng trên
mặt trận, không nhất thiết phải xông pha ra chiến trận đạn bom mới chứng minh là
người cao quý, hay nói cách khác xung đột không chỉ giải quyết trên sa trường mà
còn giải quyết trên mặt trận tư tưởng. Cuộc chiến của con người không thể nhất
quyết chỉ giải quyết bằng súng và đạn bom, mà còn phải giải quyết bằng tư tưởng,
mà để giải quyết được vấn đề tư tưởng thì ta cần lí lẽ từ một đầu óc nhạy bén,
lòng quả cảm – mà người trực tiếp ra mặt trận đó là những nhà ngoại giao – không
chỉ cứu chính mình mà còn cứu những người dân vô tội khác. Và kể cả Patrick không
là nhà ngoại giao, thì không thiếu những con đường để trở thành một người cao quý,
cốt yếu vẫn đến từ tư chất, tư tưởng.
Ông bà nội của Patrick,
là những nhà quý tộc hết thời, sống trong một tòa lâu đài to lớn kì vĩ nhưng tiêu
điều vì vết tích thời gian, đến cái ăn cũng thiếu. Ông nội Patrick là một thi sĩ
với đời sống tinh thần hào sảng, nhưng thế giới nghệ thuật của ông dường như bỏ
qua mất hiện thực rằng, tòa lâu đài đang sống cầm cự với cái đói cái rét, sống
cầm cự với sự lãng quên. Có lẽ nó đã từng là tòa lâu đài kì vĩ với màu sắc hoa
lệ của hoàng gia nhưng hiện tại mái nhà vẫn to lớn nhưng đằng trong nó rễu rã và
nghèo. Khi phần ăn chia đôi sẻ nửa, ngược đời là những đứa trẻ cần được lớn thì
lại sống hoang dã, thậm chí bị bỏ đói. Khi đến nhà ông bà nội, không phải là bữa
tiệc có nhạc có rượu mà là một chiến tranh giành sự sống của những đứa trẻ, những
u uất của người cậu về chính cha mình. Nhưng mình nghĩ đến một câu này: "Nghệ
thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa
dối. Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm
than”. Mình biết rằng ông nội của Patrick là một nam tước, một nam tước đáng kính
với thế giới tinh thần nghệ thuật phong phú và hào sảng, và kể cả rằng khi đó
thời thế đã chuyển mình đổi thay nhưng tư tưởng tinh thần ấy vẫn tựa như một ngọn
lửu, tựa như một dòng sông không ngừng chảy. Trái ngược với ông bà ngoại, một
người ông có tâm hồn thi ca tráng lệ và đánh kính, người bà nội đôn hậu sống chấp
chới trong hiện thực nghiệt ngã nhưng không thể giết chết được tâm hồn yêu nghệ
thuật. Thực lòng mình hiểu đó là điều tốt, có ai làm được điều này, có ai mà thời
thế thay đổi vẫn giữ cốt cách vốn có của mình mà không hòa tan vào dòng đời.
Nhưng mình không thể vì điều này mà thấy nó tốt, bởi thực lòng sống trong thế
giới tư tưởng tráng lệ ấy, người ông hình như quên đi rằng những đứa con của ông
đang ăn mặc rách rưới, từ thuở tấm bé đã vì miếng cơm manh áo ghì sát đất mà chai
sạn đi sự ngây thơ, và cũng không thể cảm thụ được nghệ thuật là mấy. Chúng làm
sao dành hết tâm trí để cảm nhận được trong khi cái đói cồn cào hành hạ, và dù
có cố thế nào thì cũng không thể lẩn trốn được hiện thực.
Tưởng chừng những năm tháng mùa hè
của Patrick trong mắt ông ngoại là dịp rèn luyện trong cái khổ, trong mắt bà
ngoại thì là đi đày nhưng dưới ánh mắt của đứa trẻ 6 tuổi ấy, lại là năm tháng
có những trải nghiệm mới, và chính năm tháng tưởng chừng ngắn ngủi ấy lại là một
trong những yếu tố quan trọng hình thành nên tính cách và tư tưởng của cậu bé Patrick.
Cậu bé cứ thế lớn lên vắng mặt tình
yêu của người đàn bà hình như bỏ quên chìa khóa mở cánh cửa trách nhiệm của người
mẹ, vắng mặt đi tình yêu của cha, luôn mong ước có một người cha mạnh mẽ, và lớn
lên dưới tình yêu của ông bà ngoại – ông bà nội. Và rồi có những thay đổi trong
tâm trí của chàng thiếu niên, làm sao lại thiếu đi tình yêu được, nhất là với
người trẻ tuổi. Patrick bảo vệ tình yêu của mình một cách trọn vẹn và tại đây
người ông của cậu rốt cục cũng có một lần trong đời phải đồng ý thay đổi, bởi
theo thời gian, tình yêu đâu thế nhất thiết vin vào sự xuất thân mà bỏ qua tư
chất của một người. Làm sao có thể đánh giá tư chất, phẩm cách, tâm hồn cũng
như tư tưởng của một người chỉ qua hai chữ xuất thân. Sau đó là khoảnh khắc
sinh tử, đứng trước đòn cân về ngôn từ - bởi sai một từ cậu có thể lôi theo một
cuộc chiến đẫm máu hoặc sự thịnh nộ hay bất cứ điều khủng khiếp nào khác. Từng
câu, từng chữ, từng trang, người đọc hồi hộp theo dõi những cuộc đấu trí căng
thẳng, những màn đối đáp khéo léo của chàng nhân viên lãnh sự trẻ tuổi Patrick
Nothomb với Tổng thống Gbenye trong nỗ lực cứu sống bản thân và những người dân
Bỉ đang bị giam giữ. Trong cuộc chiến mặt trận tư tưởng đó, cậu không phải nhân
danh chính mình nữa, mà là một nhân danh một quốc gia, không phải chỉ bảo vệ mạng
của mình mà còn bảo vệ cho những người khác. Đứng trước người khác, bắt buộc phải
khéo léo che đi điểm yếu của bản thân, đứng trước một mặt trận tư tưởng không
thể có giây phút lơ là bỏ trống, thậm chí bị nhốt vào tù không thể yếu đuối để
thua cuộc. Cuộc chiến không phải xem bên nào nhiều đạn bom mà là cuộc chiến giành
giật sự sống qua ngôn từ.
Cho đến khi chốt đến cuối lời bạt,
mình phải khẳng định rằng lúc ấy mình mới tỉnh mộng và giật mình hóa ra đây là
câu chuyện dựa trên những gì có thật, cảm giác chênh vênh giữa tự thuật, sự hóa
thân dường như mập mờ trong thế giới con chữ của tác giả. Cuối cùng đó đơn thuần
là sống sót, quãng thời gian ấu thơ, thời
niên thiếu của một con người được đặc tả dung dị qua dung lượng chưa đến 200
trang, nhà văn không đưa ra định nghĩa nào về dòng máu cao quý hoặc thế nào là dòng
máu cao quý, cũng không khẳng định người cha tôn kính là hiện thân của dòng máu
cao quý. Đơn thuần, xuyên suốt câu chuyện ấy là hành trình tìm tòi, phát hiện về
bản thân của một người, một hành trình có lẽ có đau thương, sợ hãi nhưng cũng đầy
gan dạ, đầy tình yêu, và nhiệt huyết, sự bình tĩnh và đối mặt với sự sống – cái
chết.
Nhận xét
Đăng nhận xét