[2023] 54.1/35 - GIAMILIA

Không một bản nhạc nào, cũng chả cần một bản nhạc nào như mọi khi để dẫn đưa tôi vào thế giới của quyển sách. Mà chính quyển sách này – bản thân nó đã là một bản nhạc. Từng câu từng chữ tuôn như suối chảy khi rạo rực, khi đê mê, khi trầm lắng tựa một khúc nhạc rót vào tâm hồn. Và cái tên Giamilia – tôi không biết rằng tôi sẽ viết nó là một cái tên về tình yêu, niềm khát khao tự do hay cái tên là một bản nhạc vang vọng trên thảo nguyên bát ngát và rộng lớn. 

Ba câu chuyện trong một cuốn sách và hình ảnh tượng trưng cho ba câu chuyện là khác nhau. Câu chuyện Giamilia với hình ảnh trở đi trở lại là con sông Kurkureu dữ dội ôm trọn mảnh đất du mục, chảy dọc những thảo nguyên bao la và rộng lớn. Ngày trước kia, với tôi khung cảnh rung động đến rợn người có lẽ hình ảnh chàng nhân mã ôm cây đàn đàn lên những khúc nhạc xung quanh là khu vườn cỏ xanh hoa trái. Ấy vậy bước qua một giọng văn da diết và tha thiết một tình yêu quê hương trút hết từng con chữ, ngập tràn trong hương thơm cỏ cây và hoa lá lại thêm những con người hiền hòa, phút chốc tôi tưởng lại ở giấc chiêm bao đắm mình trong miền đất lành, một giấc chiêm bao khiến tôi muốn níu lại trên từng trang sách để cảm giác đẫm mình trong đó. Một bức tranh thực sự được viết bằng ngôn từ hay từng câu từng chữ tựa lướt trên một khuông nhạc đồng quê da diết.

Gấp sách lại, tôi vẫn tưởng tượng đến bờ sông với con sông Kurkureu, nếu với người khác là sự rợn ngợp nhưng với chàng thanh niên nào đó trong sách, nó lại là tiếng lòng của một người luôn sục sôi. Và chính con sông ấy tựa như một nguồn sống mãnh liệt, một nguồn sống như người nông dân nơi đây, chất phác, yêu lao động. Và chính cái không gian bao la rợn ngợp ấy, tôi lại càng hiểu thế nào là lao động, thế nào là góp từng bông lúa. Tôi cũng hiểu câu chuyện ăn bánh mì chấm muối của bố tôi những thuở xuất khẩu lao động. Chính năm tháng tuổi trẻ của bố tôi là nguồn cảm hứng lớn dẫn đưa tôi đọc cuốn sách này, khi bánh mì là xương máu của nhân dân. Đúng vậy, cảnh thiên nhiên rộng lớn, với núi hùng vĩ với đám mây bồng bềnh và hư ảo, trên mảnh đất tựa nên thơ ấy là những người nông dân hiền hậu và chất phác.

Tuy thế, trên nền thiên nhiên đẹp đẽ ấy, nếu nhìn kĩ ta sẽ thấy những người lao động oằn mình trên cánh đồng, trút hết tâm tư mồ hôi và nước mắt để chắt chiu được bông lúa của đất trời. “Trên đồng ruộng, phụ nữ, ông già và trẻ em đã trồng lên cây lúa rồi lại hái lượm từng hạt một; Ở đấy, giờ đây, trong vụ mùa khẩn trương, người thợ lái máy liên hợp vẫn đang đánh vật với chiếc máy cọc cạch của mình, chiếc máy đáng phải loại bỏ từ lâu, ở đấy phụ nữ suốt ngày gò lưng xuống với những chiếc liềm nóng bỏng, và bàn tay bé bỏng của trẻ em vẫn đang chắt chiu lượm lặt từng bông lúa rơi”. Không nói chiến tranh, nhưng hơi thở lạnh lẽo của nó vẫn thấm đượm vào không khí qua dải núi và thấm vào mảnh đất hiền lành ấy. Không nói đạn bom nhưng hình ảnh những người phụ nữ vợ những người lính đen nhẻm, xống áo bạc phếch, chân đi đất rách toạc vì vấp vào đá, môi rớm máu nứt nẻ. Say mê về vẻ đẹp nhưng không ngủ quên trên nét đẹp đó mà bỏ qua lớp hiện thực của những năm tháng ấy, khi những chàng trai trong làng phải đi lính, người ở nhà nhớ mong. Không nói đến lửa đạn nhưng cảnh chờ thư, một dấu hiệu của sự sống cũng đủ khiến ta đau lòng. Ta say mê vẻ đẹp của thiên nhiên, ta đắm mình trong màu xanh non biếc rờn, đắm mình trong sắc vàng hương lúa nhưng lòng ta cũng thấm trong tim nỗi khắc khoải bởi hai từ chiến tranh. Bởi chiến tranh nào phải trò đùa. “Chiến tranh đọng lại thành máu sâu thẳm trong trái tim sâu thẳm của con người”.

Trên nền thiên nhiên, trong không gian rộng lớn của đất trời, thu nhỏ tầm nhìn ta sẽ hướng về một ngôi làng. Một ngôi làng bình yên, với lao động sản xuất. Một ngôi làng với những người phụ nữ, những người mẹ, người bà tần tảo sớm hôm. Những người phụ nữ nhỏ bé, đảm đương việc nhà, quán xuyến công việc, khi người phụ nữ chia nửa nỗi lo. Một nỗi lo là nhà cửa, là hậu phương; một nửa là nỗi nhớ mong khắc khoải của người mẹ có những đứa con đi lính xa xôi. Trong không gian mênh mông ấy, hiển hiện một lớp nền hiện thực, lá thư người chồng gửi về chỉ chừa một chỗ xó xỉnh cuối thư viết vội cho người vợ, khi “hạnh phúc của người đàn bà là sinh con đẻ cái, trong nhà dư dật”. Thực sự thì tư tưởng ấy có sai không, có đúng không thật khó để đưa ra câu trả lời vì nó là quan điểm. Có sai không khi tư tưởng ấy đã là thâm căn cố đế, ta tự hỏi vậy thực sự hạnh phúc với một người phụ nữ là gì. Là tình yêu sự tự do hay trách nhiệm, hay còn cụm tử nào khác.

Giamilia – một cô con dâu hiện thân của vẻ đẹp nữ tính, hoang dã và khỏe khoắn, là một người con gái đẹp trong mắt các chàng trai nhưng cô biết điểm dừng của mình. Cô cũng là một người vợ tốt, một nàng dâu thảo, một người có tính cách hào sảng và thẳng thắn. Một cô gái không cần son phấn nhưng vẫn là một người con gái đẹp, bởi cô đẹp từ đôi tay lao động, từ nụ cười và tiếng hát, hay nói cách khác nó xuất phát từ tâm hồn trong trẻo biếc rờn. Thực ra khi đọc tôi chưa thể đưa ra lời khẳng định rằng truyện là về cô gái này, hay là một câu chuyện tình yêu, hay là một câu chuyện chan chứa tình yêu quê hương đất nước, hay là tiếng lòng của một người viết về tuổi thơ mình, viết về thay đổi trưởng thành trong nhận thức hay là con đường đến nghệ thuật từ cảm hứng là Giamilia.

Con sông Kurkureu không hề ngừng nghỉ xô sóng ầm ầm, tưởng chừng mọi thứ lặng yên theo sự sắp đặt của số phận, nhưng không số phận vẫn âm thầm từng chút một thay đổi từ trong những trái tim khát khao tự do, Giamilia sống luôn vui vẻ yêu lao động, chỉ ngắm nhìn cảnh vật của làng quê chị lại quên đi sự bực dọc ấy có thật sự chấp nhận cuộc sống hiện tại của chị hay không. Đaniya là một thương binh, cả một đời phiêu bạt, khi con người ta hướng đến sự bình ổn tìm những người bạn thì Đaniya lại cô độc (trong mắt mọi người) và người ta nhìn anh bằng con mắt thương hại. Nhưng có ai lắng nghe được thanh âm của đời nhiều được như anh, có ai có thể tâm lặng mà nằm cạnh con sông dữ dội của quê hương, ngày đêm xô sóng. Có lẽ ẩn mình trong con người bước ra từ cuộc đời phiêu bạt, bước ra từ đạn bom và sống sót là một thế giới tinh thần phong phú. Một con người mạnh mẽ, điềm tĩnh và ấn tượng của tôi đầu tiên lại chẳng phải giọng hát mà lay động thức tỉnh nghệ thuật của một người mà là khi anh vác bao thóc lê lết trên đôi chân bị thương mà không chịu gục ngã. Sự lì lợm của anh khiến người khác nể phục và cũng khiến người khác xấu hổ.

Một người tưởng chừng sống câm lặng nhưng khi cất tiếng hát, tiếng hát ấy khiến người nghe như thức tỉnh. Tiếng hát – hay thanh âm của điệu nhạc cất lên từ trái tim một người yêu đời, yêu cuộc sống và quê hương, trân trọng đất mẹ và cỏ cây. “Đây là một con người yêu say đắm. Anh đang yêu say đắm…không phải chỉ là yêu mê một người khác đấy là thứ tình yêu khác, hết sức lớn lao: yêu cuộc sống, yêu cõi đất này. Tiếng hát hoặc giai điệu cất lên từ tâm hồn như thế là bài ca của núi đồi và thảo nguyên, âm thanh xốn xang cất lên từ lồng ngực của chàng thanh niên ấy đánh thức những cánh đồng say ngủ, đánh thức những hát lúa mì xanh biếc, đánh thức cả những hương thơm của cây trái. Giống như một người nghệ sĩ đặc biệt hay là một thiên thần khoác lên mình chiếc áo bộ đội với cái chân tập tễnh cất lên khúc nhạc nghệ thuật. Và hơn hết khi đánh thức cả một không gian thiên nhiên êm đềm, tiếng hát ấy đánh thức một cánh đồng nghệ thuật ngủ quên trong tâm trí nhân vật “tôi” khi nó đã bị ngủ quên bởi sự thất học và nghèo, đánh thức tâm trạng của một người đàn bà. Tiếng hát ấy hóa ra lại là bước ngoặt, bước ngoặt để một người đàn bà dám bỏ qua những tư tưởng thâm căn cố đế để đến với chàng trai dường như không có gì trong mắt mọi người, bỏ qua để tìm đến hạnh phúc khó khăn của mình, để rồi trong đêm mưa bão bùng họ đã trao tình yêu cho nhau không cần qua lá thư trang giấy chỉ đơn thuần là sự kết nối (không viết những tình tiết trong đêm mưa để khiến người ta chú ý nhưng cũng cảm nhận sự rạo rực của tình yêu trong không gian là rơm và ngoài trời thì mưa bão). Tiếng hát ấy sau này lại là tiếng hát đánh dấu giã từ tuổi thơ của nhân vật “tôi” khắc khoải và ám ảnh. Tiếng gọi ấy vang khắp triền núi và con sông, tiếng gọi nứt vỡ của trái tim trẻ tuổi.

Rồi còn những người ở lại sau cuộc đào tẩu kia, khi người ta còn bận bàn tán chửi rủa thì chỉ một người hiểu là chân lý của sống của những kẻ gọi là đào tẩu ấy, chỉ có một người mới hiểu giá trị của sự giàu có về tâm hồn. Trong câu chuyện này, chẳng thể đưa ra ý kiến về trách nhiệm, về đúng sai bởi nếu cố gắng căn ke về việc đó thì xuyên suốt trong câu chuyện này có những kẻ coi thường phụ nữ, coi phụ nữ là trò chơi đại biểu là tên Oxmon lại rao giảng triết lý trong khi gã mới chính là kẻ phải được dạy dỗ thì lại chẳng có ai dạy dỗ gã, hay tục đa thê - người đàn ông cưới vợ góa của người anh em mất sớm và hình thành “nhà bé” hay những đứa trẻ thất học thành trụ cột trong gia đình. Trên nền thiên nhiên biếc rờn với tiếng ca ấy, hiện thực vẫn sống động song song.

Bên cạnh tiếng ầm ầm của con sông không nghỉ, có tiếng ầm ầm của những con tàu. Khai hoang, khai phá đã lần bước đến mảnh đất này và có lẽ khai khẩn đất hoang một mảnh đất văn học cũng vậy, “thay vì lắng nghe tiếng vang của chính tâm hồn mình, nhà văn phải tự mình trở thành một tiếng vang cho thế giới”, để rồi ta có một câu chuyện vượt qua chuẩn mực và lẽ thường khi Giamilia đã bỏ lại phía sau đi theo một người trong mắt người khác là kẻ chẳng có gì. Không phải cuộc chạy trốn cắt dây mây cởi trói trong đêm lạnh, không phải chạy vào vùng trời tăm tối không thoát ra được, cái kết ta tạm quay lại đầu chuyện là bức tranh thiên nhiên, trên đó có hai người đi cùng nhau “chỉ cần bước thêm một bước nữa là ra khỏi tấm khung của bức tranh”. Rũ bỏ đi lớp nền màu sắc, ta sẽ còn nhìn thấy gì trong từng lớp cắt của hiện thực. Có lẽ câu chuyện mà Louis Aragon, nhà thơ Pháp nổi tiếng với nhận xét rằng: "Câu chuyện tình yêu đẹp nhất thế giới" không chỉ dừng lại tình yêu nam nữ, mà còn là một tình yêu sâu sắc thiêng liêng hơn cả - tình yêu dành cho vùng đất, cho truyền thống, cho âm nhạc, cho nghệ thuật, cho chính cuộc sống.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ