[2023] 54.3/35 - NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN
Nhà văn luôn khiến những câu chuyện mở đầu đầy dịu êm và day dứt. Những câu văn luôn thấm đẫm chất thơ, tình yêu và hi vọng cho đến cuối cùng, thậm chí gấp sách này đặt tay lên lồng ngực, trong tâm trí ta vẫn vang vọng những thanh âm trong trẻo của núi rừng, của những con người bé nhỏ nơi ấy. Nếu Giamilla, tâm trí ta như được thỏa thuê say sưa ở núi rừng, những đám mây và bầu trời xanh cao vời vợi, hay với câu chuyện Cây phong non trùm khăn đỏ, hiện ra trước mắt ta là những con đèo hiểm trở, những con người say sưa lao động thì tại đây tầm nhìn của ta dường như thu nhỏ lại, in đậm trong tâm trí là hình ảnh hai cây phong.
Câu chuyện bắt đầu với đoạn văn mộc
mạc và dung dị thế này: “Làng Kurkurêu chúng tôi nằm ven chân núi, trên một cao
nguyên rộng có những khe nước ào ào từ nhiều ngách đá đổ xuống. Phía dưới làng
tôi là thung lũng Hoàng Thổ, là cánh thảo nguyên Karakh mênh mông nằm giữa các
nhánh của rặng núi Đen và con đường sắt làm thành một cái thảm màu băng qua đồng
bằng chạy tít đến chân trời phía tây.” Và từ khung cảnh đó tầm nhìn của ta thu
bé dần lại mang đậm dấu ấn kí ức tuổi thơ: hình ảnh hai cây phong đung đưa trên
ngọn đồi cao.
Hai cây phong, kí ức của tuổi
thơ. Cây phong vẫn vậy, trụ vững trên ngọn đồi cao dường như là linh hồn của
ngôi làng bé nhỏ, “chúng có tiếng nói riêng và hẳn phải có một tâm hồn riêng, một
tâm hồn chan chứa những lời ca êm dịu. Dù ta có tới đây vào lúc nào, ban ngày
hay ban đêm, chúng vẫn nghiêng ngả thân cây, lay động lá cành, không ngớt tiếng
rì rào theo nhiều cung bậc khác nhau.” Có lẽ rằng thời gian cứ thế trôi đi ta
chẳng thể sống lại những giây phút đã qua, nhưng có những thứ dường như vẫn vẹn
nguyên gợi nhắc trong tim ta những kí ức của ngày đó, ngọt ngào và tươi đẹp, gợi
lại trong ta những xúc cảm mãnh liệt, vượt qua những lo toan và toan tính. Hai
cây phong qua con mắt của nhân vật tôi dường như giống một cố nhân, và qua nỗi
niềm của một người xa xứ gặp lại cố nhân – chứng nhân lặng lẽ ấy, lại thêm những
phát hiện. Thú thực, tôi thấy rất vui khi nhân vật tôi có những phát hiện mới,
bởi phải yêu lắm người ta mới luôn tìm thấy những gì mới mẻ ở người ta yêu. Phải
thương lắm, nhớ lắm và trân trọng lắm ta mới luôn thấy xúc cảm vẹn nguyên, không
vơi cạn. Và rồi, xuôi theo chiều sâu của cảm xúc ấy, những kí ức tuổi thơ dần hiện
ra, phóng tầm mắt từ ngọn đồi cao bao trọn trong không gian mênh mang và rộng lớn,
có lẽ có những người sẽ thấy rợn ngợp và cô đơn, thế nhưng trong câu chuyện này,
cái không gian mênh mang ấy là làng quê gần gũi qua con mắt của trẻ thơ và cái
nhìn ấy vẫn vẹn nguyên. Đôi khi trên bước đường trưởng thành, ta trở nên gai góc
và nhiều lúc ta mất đi sự trong trẻo và sự tích cực, hoặc đôi khi trên bước đường
mỏi mệt, kí ức chính là một bến đỗ, một lựa chọn êm đềm để ta làm điểm tựa. Hai
cây phong tựa một ánh trăng trong trẻo của tuổi trẻ “Tuổi trẻ của tôi đã để lại
nơi ấy, bên cạnh chúng như một mảnh vỡ của chiếc gương thần xanh…”
Cứ thế, cứ thể hai cây phong ấy tựa
một người bạn lặng thầm hiền hòa và ấp ôm những mái đầu trẻ thơ, và ấp ôm những
trái tim trưởng thành. Và rồi chính nó là nơi để tầm mắt phóng ra xa, để tâm hồn
được rộng mở. Tuy nhiên dưới góc nhìn đầy trìu mến của nhân vật tôi, hai cây phong
đứng trên ngọn đồi cao cũng có một nét kiên cường và bất khuất. Tự dưng lại nghĩ,
thật giống nhưng con người của những năm tháng lao động ấy, đôn hậu bình dị, hòa
mình vào nhịp chảy đổi mới, dám bước ra khỏi lối mòn, dám bảo vệ lẽ phải, dám đấu
tranh, dần dà qua từng trang văn mềm mại uyển chuyển, ta sẽ bắt gặp con người ấy.
Hai cây phong, và ngôi trường.
Trên ngọn đồi cao nơi có hai cây phong vẫn lặng thầm đứng vững qua thời
gian, chứng kiến bao đứa trẻ lớn lên và trưởng thành, chứng kiến xuân qua, hè tới,
thu về và đến đông chuyển mình qua những năm tháng. Có dòng sông lấp lánh ánh bạc
vắt qua ngôi làng bé nhỏ thì cũng có một con sông vắt qua thời gian, vắt qua những
năm tháng chiến tranh, vắt qua những năm tháng với những đổi mới về với ngôi làng,
điển hình cho đổi mới chính là con chữ. Có
những thứ dường như chỉ tồn tại qua lời kể, chính là ngôi trường Đuysen. Có những
thứ chẳng thể còn hiện hữu dường như xóa sổ vì thay đổi theo năm tháng, chỉ còn
lại trong kí ức của những người còn sống. Nhưng có lẽ nào, nhà văn lại để nơi ấy
chết trên trang sách, trên ngòi bút của mình. Một nơi in đậm kí ức như thế, một
nơi tồn tại như một kì lạ trong mắt người đời của năm tháng ấy, một nơi đã từng
có một lớp học đặc biệt như thế sẽ chẳng thể chết được. Nó sẽ sống lại, được gây
dựng lại qua thước phim của hồi ức, và những xúc cảm mãnh liệt của một người nặng
lòng đầy ân nghĩa. Và từ ngôi trường đặc biệt ấy, có dáng vẻ của người thầy đặc
biệt theo một cách kể đặc biệt. Tôi luôn ghét những sự vòng vèo, nhưng tại trang
sách của nhà văn, tôi lại thích sự chùng chình ấy, tôi thích những câu chuyện
hiện ra từ lá thư, tôi thích cả một đoạn kí ức hiện ra từ bức tranh, tựa như rằng
dưới những lá thư những bức tranh là cả một khoảng thời gian, thế giới đầy bí ẩn.
Người thầy đặc biệt – Đuysen,
khi đọc đến người thầy này, theo kí ức của tôi lại nhớ về người thầy dạy văn đặc
biệt trong mắt tôi, dáng vẻ ung dùng bàn chính trị kèm tẩu thuốc lá thơm dẫu trông
có vẻ dửng dưng nhưng kì thực thầy luôn nặng lòng, và tôi lại nhớ dáng vẻ chắp
tay đằng sau lưng nói rằng: Cố gắng sống thật tốt, đôi khi không phải lúc nào cũng
có thể nhìn bằng con mắt tích cực và thơ ngây. Hay người người thầy dạy xác suất
của tôi là bộ đội và thầy tự hào rằng thầy là một người bộ đội cụ Hồ, qua lời kể
của thầy năm tháng của đất nước hiện ra như một thước phim tràn đầy cảm hứng
qua giọng kể hào sảng của thầy. Đuysen – một đoàn viên Cômxômôn vào buổi đầu của
Cách mạng tháng Mười đã quay lại quê hương – một vùng quê heo hút, hẻo lánh xứ
núi để gieo lên những hạt mầm ánh sáng đầu tiên cho lớp trẻ. Nhưng để thay đổi nhận
thức thì đó là một sự đấu tranh dai dẳng, nhất là thay đổi những tư tưởng đã ăn
mòn tâm trí bao đời thâm căn cố đế, những người sống luẩn quẩn trong kiếp nghèo
lao động miếng cơm manh áo họ chẳng thể nào giành chỗ để suy nghĩ về sự đổi
thay cả. Bỗng dưng nhớ phiên tòa đặc biệt của người đàn bà hàng chài, với lo
toan in hằn lên khuôn mặt, người đàn bà thất học nhưng lại có những lí lẽ để thức
tỉnh đối với người cán bộ, sau phiên tòa rốt cục vẫn chưa có giải pháp cho người
đàn bà ấy, và còn vô vàn những con người nữa, việc đấu tranh để thay đổi luôn lắt
léo như thế. Soi chiếu lại câu chuyện này, những người không thể tìm thấy lí lẽ
tích cực nào, cũng không muốn thay đổi cho những đứa con của họ đáng trách hay đáng
thương, đáng trách rằng họ đã để những đứa trẻ buộc phải lớn buộc phải lăn lộn
hoặc thậm chí được coi như món hàng, hay đáng thương bởi chính họ cũng là những
người sống vắt vả lăn lộn và họ cũng chưa có cơ hội tiếp cận con chữ. Và tiếp tục
vấn đề đặt ra rằng, ai sẽ ở đây, ai sẽ nhận một công việc dạy học đến danh xưng
cũng nhiều người bàn tán và mỉa mai trong khi nó là một công việc thiêng liêng
và cao cả, ai sẽ nhận một công việc có lẽ sẽ chẳng có đồng lương nào cả. Nhưng
bằng tất cả sự nhiệt huyết, bằng tất cả vốn kiến thức ít ỏi thu lượm được cùng
với giáo cụ là bức hình Lenin, lớp học ấy đã có, lớp học dù ngày hè oi ả hay ngày
đông khủng khiếp, nó vẫn đã diễn ra. Cái lạnh chết người cứa mạnh vào da thịt,
dường như không thể dập tắt được ngọn lửa của người thầy, ngọn lửa của những đứa
trẻ. Cái lạnh của bão tuyết ấy dường như cứa vào lòng tôi một vết đau, bởi tôi cứ
nơm nớp rằng lớp học ấy có vì thế mà tạm dừng, lớp học ấy có khi nào ai đó sẽ đến
dẹp bỏ nó hay không, chẳng có một chi tiết lên gân nào nhưng tôi cứ hồi hộp như
thế, cứ sợ như thế…
Người thầy nhỏ bé ấy, dù vốn kiến
thức vỡ lòng nhưng đã là một người hùng thầm lặng cứu lấy những đứa trẻ, và điều
đó rất rõ qua cô bé Antunai. Có lẽ Antunai sẽ sống rất bình thường như sự sắp đặt
có vẻ nhẫn tâm của số phận nhưng cuộc đời cô bé đã thay đổi khi cô tiến dần hơn
với con chữ, với tri thức. Để rồi từ một cô bé nhút nhát dường như chẳng có lấy
nổi một ước mơ lại dám cả gan bảo vệ lớp học của mình, bảo vệ chính kiến để rồi
có ước mơ và khát vọng, tình người đã cứu lấy cuộc đời của một người như thế: “hay
từ thuở bé mọi ước nguyện, mọi ý muốn của tôi đều bị chôn vùi dưới những lời mắng
chửi, những cái bạt tai của những con người phũ phàng, chỉ biết là tôi vẫn thấy
muốn làm việc gì để cảm ơn con người thật ra không quen biết ấy, để đền đáp lại
nụ cười đã sưởi ấm lòng tôi, đền đáp lòng tin cậy của người ấy đối với tôi, đền
đáp mấy câu nói nhân từ ấy…”.
Cũng chính người thầy ấy, dù nhỏ
bé và có thể thật cô độc, khi tử thần có lẽ đã chực vồ lấy con người ấy, đòn
roi của bọn quý tộc – tượng trưng cho sự coi thường rẻ rúng người phụ nữ và trẻ
em ấy sẽ thắng hay sự kiên cường xuất phát từ tình yêu vô bờ bến, trách nhiệm của
một người thầy sẽ thắng. Có phút giây nào người ấy trở nên bất lực gục ngã không
đứng dậy nổi và chịu thua vì bi kịch muốn mà không được, đau lòng xót thương những
đứa trẻ hay không, có giây phút nào khi bị đánh ấy đã từng muốn buông xuôi phó
mặc và từ bỏ lời hứa ban đầu hay không. Dường như ta không thể thấy giây phút ấy,
ta chỉ thấy rằng bằng tất cả sức lực kiệt quệ dưới đòn tra tấn ấy, hình như còn
có cả sức nặng của định kiến đè lên đôi vai người thầy hòng khiến thầy gục ngã,
hòng rút cạn năng lượng sống, thì con người đó vẫn đứng dậy bước tiếp và đấu
tranh. Nhưng cuộc đấu tranh cũng không phải lúc nào cũng thành công và dễ dàmh,
khi Antunai bước qua tuổi 15 16 của mình là những ngày khủng khiếp sống cạnh một
gã thô bạo, nhân chứng cho sự tàn ác ấy, hệ quả của sự bất nhân ấy là người đàn
bà không cảm xúc, vô hồn trong túp lều ấy. Dường như, người đàn bà ấy đã chết hẳn
sự thương cảm với đồng loại, và hơn hết mất hẳn đi xót thương chính mình và sự
phản kháng.
Tấm lều tăm tối không có ánh sáng
tựa như ngục thất tinh thần nhưng có lẽ niềm tin và khát khao được gây dựng từng
chút một qua lớp học ấy, đã khiến cô bé vượt qua nỗi sợ, sự nhục nhã đau khổ ê
chề nhơ nhớp và khốn khổ để cào lấy sự sống, tìm lối thoát cho chính mình. Hình
ảnh người đàn bà được đánh thức khỏi miền quên lãng, sống dậy và rít lên ấy tuy
đáng sợ nhưng điều đó cho thấy sự tỉnh táo đã về lại tâm trí đánh thức sự sống
và sự phản kháng. Những trường đoạn tựa như dù không muốn viết nhưng vẫn viết
ra trong nước mắt, tâm trí ta vẫn ám ảnh tiếng thét bất lực và bi thương của thầy
Đuyxen khi không thể bảo vệ được Antunai thật khiến ta đau xót. Khung cảnh ấy đau
lòng day dứt và ám ảnh, nhưng đó là hiện thực, đó mới là đời, để có được chính
nghĩa, để có được sự khai sáng ấy, đã bao người đã hi sinh mồ hôi xương máu của
mình, tuổi trẻ của họ chôn vùi cho những mầm non khác, tuổi trẻ của họ có lẽ nhiều
nằm lại mảnh đất mẹ để cho những cây non cao mãi.
Hai cây phong, tuổi trẻ và hội
ngộ. Hai cây phong đung đưa trong gió tồn tại với thời gian, trong kí ức một
người nó là nơi chôn giấu kho báu tuổi thơ thì với một người khác, nó chôn giấu
câu chuyện về cả một con người. Hai cây phong dường như vốn ban đầu là câu chuyện
của riêng hai người sau đó thành câu chuyện của nhiều người, chỉ có điều năm tháng
đã thay đổi, con chữ cũng đã đến mà người khai hoang cho mảnh đất tri thức lại cô
độc. Con người chấp nhận là một người hùng lặng lẽ, không một dấu huân chương trên
ngực, chỉ có hai cây phong cao lớn ấy là chứng nhân cho một cuộc cách mạng con
chữ của người đó, là ân nghĩa sâu nặng trong lòng Antunai. Day dứt trong tâm trí
tôi là cuộc tiễn biệt, với tiếng gọi khắc khoải Antunai như vỡ tung cả lồng ngực
của thầy Đuysen, tiếng gọi chới với và khắc khoải ấy cứ reo mãi trong lòng, đủ
khiến ta xúc động. Nơi sân ga, người ta mong ngày gặp gỡ, tiếng gọi ấy sao lại
giống một lời tiễn biệt, một lời từ biệt của người thầy đến vậy, tiễn biệt chính
mình, tiễn biệt người học trò đến với trí thức và con đường mới, trong tiếng gọi
chấp chới ấy có khi nào cũng có ý nghĩa rằng Antunai đừng quên những năm tháng nơi
đây, quên đi nơi em bắt đầu con chữ ra sao, và đừng quên đi người thầy này. Và
rồi tại nơi sân ga, hai cây phong cùng chung một chỗ nhưng người thì rẽ hướng và
hội ngộ không lời, không gặp mặt, một mối tình có lẽ chôn chặt tại khoảnh khắc ấy.
Antunai đã có một tương lai tốt đẹp còn người thầy sống lặng lẽ, chiến tranh ra
trận, thời bình làm người đưa thư, tựa như một người bị quên lãng. Một người xứng
đáng được biết đến và trân trọng nhiều hơn thế, một con người mang dáng dấp của
thời gian – cả một khoảng thời gian lịch sử, cả một nền cách mạng vĩ đại.
Có lẽ cái kết đã xoa dịu nỗi lòng
ta được chút nào, khi nhân vật tôi lựa chọn có một bức tranh viết về câu chuyện
ấy, dường như nghệ thuật là vậy, đó chính là bằng tất cả sự tinh tế, chân chính
mà dựng lại một câu chuyện như thế, dựng lại về những con người vĩ đại năm ấy để những giá trị tốt đẹp ấy trường tồn với thời gian. Một
câu chuyện buồn nhưng lộng lẫy, có niềm tin và có sự hy sinh, mang đầy hi vọng
kết thúc ở đó tựa một bài ca với nốt ngân dài không dứt. Chẳng có một câu chữ nào
về tình yêu bởi nó còn hơn thế, là tình yêu sự chân thành đã cứu lấy cả một đời
người, cứu lấy tính người và vượt qua số phận. Tác phẩm mang một tầng nghĩa về
những giá trị không thể bị khuất phục dù được đặt trong bối cảnh khắc nghiệt vô
cùng.
Nhận xét
Đăng nhận xét