[2023] 55/35 - OSCAR VÀ BÀ ÁO HỒNG

Năm 7 tuổi, mình bắt đầu mơ hồ tự hỏi cái chết là gì, khi nghe âm thanh buồn buồn của một đám tang, khi nghe ông ngoại nói rằng chờ mình cho đi chơi khắp nơi thì chắc đã về linh hải. Lúc ấy, cái chết với mình thật đáng sợ nhưng lại đầy bí ẩn.

Năm 9 tuổi, mẹ mình khi mắng cũng sẽ nhắc đến cái chết, khi ấy mình cũng hay xem Phạm Công Cúc Hoa nhìn thấy cảnh địa ngục. Lúc ấy mình nghĩ rằng tuồng như cái chết không hẳn từ bệnh tật về thể xác mà có vẻ như cái chết cũng có thể đến khi trái tim nhiều tổn thương. Mình cũng chẳng ngờ rằng sau này chính mình luôn ám ảnh về cái chết nhiều như thế

Những năm tiếp theo, mình luôn bắt đầu mơ những ác mộng, lúc ấy mình cảm giác số phận con người mỏng mảnh thật. Tầm 15 tuổi, mình bắt đầu đọc lần đầu cuốn sách Oscar và bà áo hồng, lúc ấy dường như mình vẫn còn tin vào những điều tốt đẹp, hay buồn vu vơ bởi đơn giản đó chính là tâm tư của con gái mười mấy khi ấy. Mình thực lòng khi ấy cũng không đọc thật kĩ cuốn sách này cho lắm, vì khi ấy mình luôn nghĩ rằng bị bệnh rồi chết, rất đáng sợ. Về sau này, khi lên đại học, mình lại thêm một góc nhìn khác về cái chết. Có vẻ như dù cái chết chưa lần mò đến với mình, nhưng nó cũng cứ tồn tại theo cách riêng trong cuộc sống của mình như thế. Mình đọc cuốn sách này lần thứ hai, sau khi đã bước qua một khoảng thời gian sống không có niềm tin, luôn ngờ vực và đau buồn vì nhiều thứ xảy ra và cũng từ năng lượng của chính mình.

Cái chết – đáng sợ?.  Có lẽ rằng con người ta sợ chết vì thực lòng nếu trải qua điều đó thì có thể bạn chỉ làm được có 1 lần  thôi, sau khi chết đi sẽ đến với thế giới nào khác nữa thì chẳng ai trả lời được cả. Trong cuốn sách này là không gian bệnh viện, không nói đến hóa trị, cũng chẳng nói đến tiếng thét, tiếng gào và tiếng khóc. Nhưng cái chết hiển hiện sự đáng sợ ấy qua ánh mắt buồn của người bác sĩ khi không thể chữa được bệnh, đó là sự bất lực. Cái chết cũng hiển hiện khi bố mẹ không thể nói chuyện được với con mình khi bản thân họ cũng đang sợ hãi bất lực khi nhìn đứa con của họ ra đi. Trong không gian bệnh viện ấy, còn có những đứa trẻ khác, chúng sống những ngày tháng gắn liền với giường bệnh. Đối với mình có lẽ ngày chết của mình sẽ bắt đầu từ khi đó, nhưng trong truyện, dường như qua câu văn hài hước, qua ngòi bút ngây thơ của cậu bé Sọ Trứng, mình lại thấy mình có thể nhìn theo góc nhìn khác, bệnh viện là một thế giới khác, một thế giới mà sự sống – cái chết rõ rệt và mong manh, một nơi ta có thể nhìn thấy rõ và hiểu được thế nào là niềm vui tột bậc, thế nào là hi vọng, thế nào là sự khắc khoải đợi chờ, thế nào là đau lòng, thế nào là thất vọng. Dường như cái chết lướt qua thân xác, qua những cơn đau qua con mắt của trẻ thơ lại là lũ ma hư hỏng.

Và trong những lá thư ấy, ta còn biết đến thứ gọi là cơn đau xuất phát từ tâm trí. Có vẻ như sau cuốn sách mình vẫn chưa định nghĩa được cái chết một cách rõ ràng, mình không định nghĩa được nhưng khác với lần trước, mình nghĩ rằng, đơn giản chủ đề về nó luôn thú vị đầy bí ẩn và ma mị. Chủ đề mà có câu trả lời ngay tức khắc có thể người ta sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến nữa. Nhưng dù đáng sợ thì cái chết, cũng vẫn tồn tại. Phải ra đi đó là một điều tiếc nuối nhất là khi mới chỉ là một đứa trẻ. Tự dưng nhận ra khi ta còn sống, có lẽ ta sẽ chưa mảy may nghĩ đến cái chết, đôi khi có thể ta sẽ chưa trân trọng được sự sống. Nhưng khi tiệm gần đến cái chết, con người đôi khi mới thực sự trân trọng về sự sống. Nhiều khi nghịch lý là như thế, dù cái chết đáng sợ thật đấy nhưng rồi cũng sẽ trải qua, sự sống tiếp tục sau cái chết của chúng ta chính là kỉ niệm trong tâm trí người ở lại.

Tự dưng đọc những lá thư ấy, cái chết trong tâm trí mình bỗng nhẹ nhàng bởi điều này rất đơn giản, rất hiển nhiên nhưng mình lại chưa thể nhận ra ngay, ấy là Oscar chỉ đơn giản là ra đi trước. Hình như mình đã tìm được một lối thoát cho trái tim nặng lòng của mình về những năm tháng qua đi chứng kiến người mình yêu ra đi. Điều tiếc nuối là ta chưa kịp mở lòng và đón nhận, cũng như chấp nhận bỏ qua hiểu lầm. Oscar đã rất thông minh khi hiểu rằng, mình sẽ đón nhận cái chết. Nhưng có điều cậu đã vô tình để bố mẹ mình sống dằn vặt và đau khổ. Thực ra cậu bé suy nghĩ cũng chẳng sai, vì nếu mình là cậu bé mình cũng rất buồn, vì mình hiểu những người xung quanh đã rất cố gắng, đã yêu thương mình rất nhiều. Chẳng thể khỏi bệnh dù tất cả đã cố gắng, bản thân cậu bé dằn vặt và chính bố mẹ, bác sĩ cũng dằn vặt. Mỗi bên một suy nghĩ riêng, nhưng chưa thể chia sẻ với nhau để xoa dịu tâm trạng ấy. Và để rồi từ bà Hoa hồng, một người bạn thân thiết của Oscar đã dần cho cậu bé hiểu thế nào là nỗi đau, thế nào là cái chết theo một cách súc tích nhất, thế nào là tình yêu. Và hơn hết, bà bằng tất cả tình yêu thương của mình cho cậu bé có một trải nghiệm sống một đời người theo cách rất riêng. Sự thật rằng đúng là cậu bé sẽ ra đi năm 11 tuổi nhưng cậu bé có thể tự tạo ra cuộc đời, tự tạo ra niềm tin, tự có Đức tin của mình.

Nỗi đau, “đau đơn thể xác, ta phải chấp nhận. Đau đớn tinh thần, ta lựa chọn được”. Gần trăm trang sách, cái chết và sự sống, buồn vui, niềm hy vọng, và cái chết tựa chất thơ như thế. Nhiều khi, bệnh tật khiến ta đáng sợ và ám ảnh nhưng nếu theo một khía cạnh nào đó, nó chỉ là sự việc. Ta ám ảnh về nó đơn giản ta tách biệt nó thành một hình phạt. Khi mình đọc cuốn sách này, mình nhớ một người em học Y có một suy nghĩ đơn giản: chỉ quan tâm chữa bệnh. Điều đó chẳng sai, dù hơi gở mồm nhưng mình chỉ mong rằng nếu như chính mình hay người khác mà em chẳng thể chữa được, chỉ mong em cũng không dằn vặt, chỉ mong rằng khi trải qua bước từng bước đến cái chết, ta cùng đối mặt chứ không phải né tránh. Gần 100 trang, thời khắc sinh tử lại không phải tiếng khóc, sự mệt mỏi chập chờn, không phải điều gì thê lương, nó đơn thuần là lời tạm biệt của một cậu bé… một lời tạm biệt đầy chất thơ, dư âm mãi trong lòng. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ