[2023] 58/35 - CÂY CAM NGỌT CỦA TÔI
Mình thực sự vẫn chưa hiểu mình sẽ
bắt đầu viết về câu chuyện này ra sao, trước đây mình luôn thấy rằng mình không
sợ cái chết nhưng có vẻ qua trang sách này, vẫn là sự ớn lạnh trong lòng mình. Và
một phần câu chuyện này nó rất gần với tuổi
thơ của mình nên từng trang, và thậm chí cả lời mắng mỏ trút lên người cậu
bé Zeze và cả lời nói mà Zeze nói ra khi bị đòn, mình thấy rùng mình.
Khi đọc câu chuyện này, mình biết,
mình biết rằng nó sẽ buồn nhưng thực sự mình vẫn không thể kiểm soát được sự bi
thương của câu chuyện này, nó dường như là sự rung động cực điểm của một tâm hồn
trẻ dại – cụm từ này mình lặp lại lần hai khi mình đã từng đọc “Những ngày thơ ấu”
của nhà văn Nguyên Hồng.
Cái nghèo, hiển hiện trong
câu chuyện này, không nhắc đến cái đói, nhưng mình cảm nhận sự nghèo đói và bất
lực đang liên tục bủa vậy gia đình của Zeze, nó hiển hiện qua sự bất lực với ánh
nhìn như rạp chiếu bóng của người cha khi không thể có việc làm, khi người ta cố
sống và mong muốn đem đến hạnh phúc hay sự đủ đầy cho gia đình mà không được. Nó
thể hiện qua đôi giày trống không của giáng sinh, nó thể hiện như một vết đau
trong lòng người đọc khi xe đồ chơi chẳng còn một món nào cho hai cậu bé nhà
Paulo. Cái nghèo là khi những đứa trẻ buộc phải trưởng thành, nghèo là khi người
mẹ mệt đến nỗi không thể nào nói nổi lời yêu thương khi về nhà. Cái nghèo là ánh
nhìn vô tận nhìn vào hư không của người cha.
Và chính từ cái nghèo, trong câu
chuyện ấy ta nhìn thấy bạo lực, một bạo lực không đến từ đạn bom, mà lại
từ chiến tranh để giành giật và tồn tại trên cuộc đời này, bạo lực hiển hiện trên
con chữ - và dường như nó bám chặt lấy trái tim người đọc. Với một đứa trẻ không
thể chỉ giới hạn trong vật chất là một bữa ăn đầy đủ hay một đôi giày không bị
bỏ trống, mà thế giới cần tình yêu thương. Những trận đòn roi đôi khi không phải
cách để một đứa trẻ biết mình sai ở đâu, và sẽ thật xót xa khi đứa trẻ có nhận
ra sự sai lầm là: sai lầm khi nó được sinh ra. Và bạo lực không chỉ đến từ đánh
đập, bạo lực đến từ ngôn từ. Chính từ ngôn từ vô tình của người lớn, trái tim nhỏ
bé nhạy cảm của Zeze luôn nghĩ rằng cậu là một con quỷ. Trong câu chuyện này,
ai mới là ác quỷ, cậu bé nhạy cảm Zeze hay một người không kiểm soát được hành động
và cảm xúc của mình đánh cậu bé như một con vật. À không, mình chẳng nghĩ một con
vật trong câu chuyện này bị đánh như thế. Dù Zeze là một đứa bé nghịch ngợm nhưng
sự thật đau xót rằng trong câu chuyện này, cậu bé không hề có khả năng phản kháng.
Dù cậu có từng nói rằng Lớn lên cậu sẽ giết ông Bồ hay bố của mình. Mình bỗng
nghĩ rằng đánh vì cậu bé nghịch thật hay đánh vì thực sự cậu bé không thể phản
kháng? Khi cậu bé gào lên nói những lời lẽ thô tục với chị mình, mình đã nhắm mắt
lại không dám đọc tiếp vì chính mình cũng từng như vậy. Như một sự gợi lại quá
khứ của ngày tháng khó khăn của gia đình trước kia, mình chẳng kìm được nước mắt
khi đọc cả. Cậu bị giày xéo, giày xéo cả niềm vui nho nhỏ của mình là làm một
quả cầu. Một quả cầu đơn giản nhưng kéo theo một trận đòn, có lẽ trái tim nhỏ bé
đã bị giày xéo ghê lắm. Và chính đọc những dòng ấy, hình ảnh của tuổi thơ mình
hiện lên trước kia và đồng cảm xiết bao khi chính mình cũng tạm biệt chính mình
như vậy. Nhưng dẫu sao cũng thật êm dịu khi đọc cuốn sách này mình hiểu rằng con
chim trong lòng mình được ai đó đem đi đặt vào trái tim của đứa trẻ khác. Mình
luôn dằn vặt đau khổ vì sự vô tư của mình cứ dần vuột mất, và đâu chỉ có tạm biệt
người khác, mình còn tạm biệt cả chính mình. Mình đã phải mất rất lâu để đọc tiếp
và trái tim của lại tiếp tục đau xót khi Zeze luôn miệng nói rằng thằng bé không
đáng được sinh ra, và trong tâm trí non nớt của cậu bé lại muốn tìm cách kết liễu
cuộc đời mình. Phải ảnh hưởng ghê gớm lắm mới làm một đứa trẻ không còn một nụ
cười trên môi, không còn một chút ham thích nào với những trò chơi nghịch ngợm
thường ngày. Khoảnh khắc cậu bé đứng dưới trời xanh, cạnh cây cam nhỏ và tạm biệt
con chim trong lồng ngực, dẫu biết khoảnh khắc ấy thật đẹp nhưng mang mác buồn.
Dẫu biết cuộc sống luôn có những biến
cố, sau những biến cố ấy ừ thì học bài học mới nhưng có cần nhất thiết phải để
một đứa bé như Zeze phải trải qua những điều như vậy liên tục hay không. Khi mọi
người xung quanh và thậm chí cả những người thân chỉ nhìn nhận cậu là một cậu bé
nghịch ngợm, cây cam trong vườn nho nhỏ - một người bạn trong vườn lại là người
lắng nghe nhưng tâm sự sâu thẳm nhất trong trái tim của Zeze, là người bạn đồng
hành cùng trí tưởng tượng bay xa của cậu bé. Ngoài cây cam ra cậu có người bạn
là ông Bồ. Ông Bồ sống một mình và có một chiếc xe rất oách, một người sống cô độc
nhưng rồi trái tim của một người khó tính đã tan chảy vì sự ngây thơ và trong
trẻo của Zeze. Ông Bồ là người đã đưa Zezé vào một thế giới hoàn toàn mới lạ và
đặc sắc. Chính những chuyến xe, những lần ghe nhà ông Bồ, cậu đã biết được nhiều
kiến thức hơn về thế giới này, biết nhiều hơn đến tình yêu thương, tình bạn. Ông
Bồ từ ban đầu là một người đáng chết trong tim cậu bé dần dần lại thành một người
bạn. Nhưng lạ nhỉ, trên đời đã rất ít người là người bạn của Zeze nhưng tại sao
khi chọn ra đi, có những người lại lựa chọn ra đi theo cách làm cho người ở lại
thống khổ tột cùng, chết nửa con người vậy nhỉ. Có những người có thể bước vào trái
tim của ta và ngự trị ở đó nhưng sự tồn tại của họ lại giống như nắng mai và biến
mất rất nhanh. Dẫu biết Zeze sẽ lớn lên thành một quý ông nhưng tại sao trên
con đường trưởng thành ấy, cứ mỗi bước cậu bé đi, câu lại tạm biệt nhiều thứ đến
thế. Phải thật tàn nhẫn lắm, một đứa bé mới dần mất đi sự tin tưởng trong chính
ngôi nhà của mình, dần mất đi sự sẻ chia, tiếng cười như vậy. Mình đọc câu chuyện
này, mình đồng cảm nhiều hơn vì mình cũng phải tạm biệt một người – cả một thế
giới và cả một phần trong chính trái tim mình theo cái cách gần như vậy, và
trong đầu mình cứ liên tục nhớ đến ý nghĩ đau lòng của Zeze (sao ai lại tin cậu
bé sẽ giết cha mình chứ, tình yêu của một đứa trẻ sẽ không để cậu làm như vậy) đó
là để cha chết trong trái tim của mình. Mọi thứ xung quanh cậu bé tưởng chừng cứ
chết dần như thế nhưng trong câu chuyện này mình luôn cảm giác rằng tình yêu và
khát khao được yêu thương luôn là một ngọc lửa nhỏ dai dẳng trong trái tim của
cậu bé.
Thực ra còn một người nữa luôn tin
tưởng vào sự đáng yêu của Zeze chính là cô giáo của cậu, một người cô giáo không
có một nụ hoa trong lọ, nhưng chính tình yêu của cô đã vun xới cho một mầm cây nhỏ
bé là Zeze. Cô giáo chỉ quan tâm đến những gì cô nhìn thấy, cô kiên nhẫn lắng
nghe cậu bé và cô luôn tin tưởng cậu là một đứa trẻ ngon. Chẳng có đứa trẻ nào
là quỷ cả bởi những gì Zeze làm – đó là những công việc của một thiên thần. Một
chi tiết nữa mình để ý đó là chị gái của Zeze đã (dường như) cố tình lược bỏ phần
họ - điều quen thuộc của những người da đỏ đi. Nhưng Zeze đã bằng tất cả sự kiêu
hãnh của một đứa trẻ đọc phần họ đó, sự kiêu hãnh ngây thơ ấy không thể là một
con quỷ.
Cây cam ngọt của tôi chứa cả những
cay đắng lẫn ngọt ngào. Chẳng có gì đáng buồn hơn một đứa trẻ nghĩ rằng nó
không được yêu, chẳng ai cần nó hoặc không đáng để sinh ra. Thậm chí cậu bé nghĩ
rằng nếu chẳng tồn tại, nhà sẽ bớt đi một miệng ăn thậm chí vô tư nghĩ cha nó sẽ
sẵn sàng bán nó. Và rồi đau xót thế nào khi một đứa trẻ luôn tìm được niềm vui
mỗi ngày, luôn có những thú vui không giống của ngày hôm qua lại sẵn sàng quăng
mình dưới đoàn tàu để bị nghiến nát. Và tại sao phải đến con người ta phải qua
sự thống khổ về thể xác với vết thương chẳng chịt trên người ta mới để ý đến vết
thương vốn đã khắc sâu trong trái tim của một đứa trẻ. Phải đến khi đã trải qua
đau đớn, máu và nước mắt, mới được bao bọc trong sự quan tâm và yêu thương.
Và thật đau buồn khi cứ tiễn biệt
dần những gì trong trẻo nhất trong trái tim mình nhất là khi điều đó xảy ra trong
trái tim của một đứa bé chưa đầy 6 tuổi. Mở đầu bằng những thanh âm trong sáng
và dần dà, theo cách nào đó, kết thúc là một nốt trầm và tay mình lại lần dở những
trang đầu – bởi chưa có cuốn sách nào bìa lại có nhiều cái tên như thế. Cây cam
ngọt của tôi khiến ta nhận ra vẻ đẹp thực sự đến từ những bông hoa trắng của
cái cây sau nhà, và rằng cuộc đời sẽ thật khốn khổ nếu thiếu đi lòng yêu thương
và niềm trắc ẩn.
Nhận xét
Đăng nhận xét