MÙA THU CỦA CÂY DƯƠNG
Mùa thu của cây dương
Mùa Xuân thì đọc sách Xuân cho nó đúng nhưng mình đã chọn Mùa thu của cây dương. Mùa xuân của sự sinh sôi, mình lại chọn Mùa thu - ngã ba ngã tư cuộc đời, suy tư. Nhưng mình nghĩ kết thúc không phải là tất cả nó là tiền đề để sinh ra cái mới mà thôi. Như nguồn sống đã quay trở lại chẳng hạn.
Mình không định nói ra câu chuyện đầy sự riêng tư này của mình nhưng mình vẫn nói trước khi viết. Hồi nhỏ mình sống với một người bà, và bẵng đi một thời gian mình không gặp nữa và cho đến hôm nay mình nghe tin - một cái tin không hề mong muốn, đó chính là người đó mất vì dịch bệnh. Lần cuối mình gặp, người đó khốn khổ vì nghèo, không có tiền thế nhưng mà cái nghèo đói lại không quật ngã sức sống của người đó mà dịch bệnh lại cướp đi. Thâm tâm mà nói để so sánh với người trong sách này thì đó là một sự hơi khập khiễng nhưng không hiểu sao mình lại cầm cuốn sách này. Câu chuyện người bà kia trên chỉ là một cái cớ chứ thực ra cuốn sách là cơ hội để mình khám phá tâm sự của chính mình.
Chiaki cô bé nhạy cảm, mất cha - mất một chỗ dựa vững chắc tinh thần. Cả mẹ và cô đều đã bỏ lại sau lưng tất cả để chuyển đến trang viên Cây Dương. Hình như có sự trùng hợp khi Chiaki cũng có nỗi sợ về cái hố như mình, cái mình sợ là mình sẽ tự tay chôn mình xuống, Mình sợ mình sẽ tự tay chôn những tình cảm đẹp nhất của mình, để dành chỗ cho những dòng cảm xúc tích cực nhất để rồi để lại trong mình là một cô bé khó tính, không tình yêu mà đối với mình nếu sống không tình yêu thì không khác gì bạn đã chết.
Chiaki sống với những nỗi sợ
Mình đã trộm nghĩ cứ sợ cái gì thì hình như cái đó sẽ đến và những nỗi sợ trong cô bé như một cơn thủy triều hết cơn này lại đến cơn khác và chẳng dứt. Và rồi trận ốm không tưởng đã cho cơ hội ở gần bà cụ và biết đến việc viết thư. Mình đã nghĩ chúng ta khó chịu buồn bã vì có lẽ trong chúng ta đã cố gắng nắm giữ một dòng cảm xúc nào đó mà chúng ta không thoát ra được. Tuy vậy sự khó chịu đấy trong bản thân mình - chúng ta đã bỏ qua chúng ta, không để ý đến vì rất nhiều lý do. Chúng ta chưa thực sự bình tĩnh để đối diện với bản thân mình, và việc này quá đỗi lớn đối với một đứa trẻ. Và người chủ trang viên đó bằng một sự nhạy cảm nhất định đã nhìn ra, và cho cơ hội để Chiaki có thể nới dần những dòng cảm xúc đó. Không chỉ Những lá thư mà cô bé ấy cũng có những năm tháng trong trẻo nhất ở trang viên đó, nơi có cây dương dù qua rất nhiều lớp bụi thời gian vẫn đứng đó thật vững vàng, như nơi chôn giấu kỉ niệm vẫn còn đó.
Và đâu chỉ cuốn sách viết về những dòng cảm xúc tiêu cực, về những nỗi sợ của bé đâu, vẫn viết về những gì nhạy cảm nhất ở trong em: như em lo lắng vì bà cụ sẽ biến mất, em lo lắng sợ rằng tủ đựng thư thư đầy quá, lo mình ích kỷ quá sẽ không còn chỗ trống cho người khác cùng viết. Và em đã dành ước nguyện cho cuộc gọi của em rằng bà cụ sẽ khoẻ. Cứ như vậy, con số 3 năm tuy ngắn nhưng nó đã nâng đỡ và cho em khoảng thời gian ngọt ngào.
Tuổi trưởng thành với những bộn bề lo toan khác, lại kéo Chiaki vào những hố sâu, và cuộc gọi về người bà cụ năm xưa ấy lại reo vào lòng Chiaki một lần nữa - một mầm sống tốt đẹp cho năm tháng về sau, và cô biết được sự thật và những gì mẹ cô đã trải qua. Mẹ cô đã trải qua năm tháng đó thật không dễ dàng.
Gấp lại cuốn sách, nhìn lại nhan đề. Trước đây năm 17 tuổi, mình nghĩ là câu chuyện buồn, là nhan đề thật buồn. Nhưng hiện tại mình thấy đây giống như một ly trà buổi sớm mai, thanh lọc lại tâm hồn. Thật sự rất muốn viết nữa, viết nữa, viết thật dài về những lá thư được đề cập trong sách nhưng có lẽ cuốn sách nên để cho mọi người tự khám phá thì mỗi người sẽ có chứ không phải của riêng mình. Ngày trước mình đã từng viết về cuốn sách nhưng có lẽ…chưa trải qua những cú ngã, biến cố cũng chưa đủ sự tinh tế, nhạy cảm, và suy nghĩ thấu đáo để viết về cuốn sách.
Nhận xét
Đăng nhận xét