EM LÀ NHÀ
Đây là lần thứ 3 mình đọc chuyện này, cả ba lần của mình đều có cảm giác khác nhau. Không biết do mình trở nên khó tính, càu nhàu nên mình đọc cuốn này không quá thoải mái lắm. Có lẽ câu chuyện về yêu đương của mình có quá nhiều thứ khiến mình mất niềm tin, hoặc có lẽ bây giờ tình yêu chưa phải mối bận tâm của mình. Hiện tại mình muốn cho bản thân được nghỉ ngơi sau 4 năm dài học đến mức điên người, yêu thành điên người, không hề cho bản thân một lúc nào nghỉ ngơi. Mình biết rằng mình vẫn lo sợ vì áp lực đồng trang lứa, nhưng nỗi sợ ấy cũng nhỏ thôi. Mình muốn được nghỉ ngơi, cảm nhận nhiều hơn.
Truyện mình đọc cảm giác như một cuốn nhật ký của một cô gái
đi từ những đau khổ, tổn thương bị phản bội cho đến hạnh phúc, an yên. Mình thích
truyện này ở chỗ địa danh nhắc đến trong truyện có thật và ngay trên mảnh đất mình
sinh sống và làm việc. Nên đôi lúc mình bỗng nghĩ có khi nào đi qua phố Huế mình
sẽ bắt gặp quán bánh của Nguyệt hay trường bách khoa có một người tên Trung hay
chăng. Và đâu đó trên phố gặp băng đảng Quốc mặt ngựa.
Nguyệt, cô gái nóng tính có phần bốc đồng nhưng lại là người
biết quan tâm, lo lắng cho người khác. Nóng tính thật đấy, bốc đồng thật đấy nhưng
cô ấy không để sự giận dỗi đi quá xa, không thích nhõng nhẽo hành hạ quá mức. Chính
điều đó khiến cô ấy hơn một người có ăn học tốt nhưng làm đủ thủ đoạn để giành
giật tình yêu về phía mình. Cô ấy cũng có những người bạn, người anh em tốt, có
một gia đình luôn hết mực yêu thương. Mình cũng bước qua tổn thương là sự phản
bội, đến mức mất khá nhiều người, và điều đó khiến mình khép mình lại vì mình sợ
lại phải cố gắng trải qua lần nữa. Nên khi Nguyệt tự hỏi về hành động của Trung
dù hành động ấy thật ân cần dịu dàng đến mức khiến người ta ngã ngay và luôn được,
nhưng bước qua tổn thương ai cũng có quyền hoài nghi.
Trung, thực tế quan tâm và chăm sóc cho Nguyệt. Mình thích
nhất là khi tác giả để hai phần ngoại truyện để nhân vật được giãi bày. Bởi trong
truyện phần lớn là kể qua góc nhìn nhân vật Nguyệt. Nên có thể thấy hình như Trung
chưa có “cơ hội” cho độc giả thấy tình yêu của anh lớn và mãnh liệt thế nào bởi
mình thấy từ đoạn tỏ tình đến cưới, đoạn cứu Nguyệt rồi các đoạn khác nhân vật
chỉ dừng lại ở 1 2 câu. Với người như mình thì thấy chưa đã lắm, và đã đời thực
sự khi có hai phần ngoại truyện. Rõ ràng đoạn “có lỗi” với Mai, đoạn này Nguyệt
khổ lắm, mình thấy Nguyệt khổ lắm và đoạn Trung hơi ít so với mình. Sự dịu dàng,
kiên nhẫn của Trung đã phá bỏ đi sự hoài nghi của Nguyệt và cái kết là một mái ấm.
Tùng, có lẽ nhân vật cũng chịu tổn thương thật nhiều nhưng với
cậu ấy có lẽ yêu là để cho người ấy chọn lựa chứ không phải ép buộc, Thứ gì không
thuộc về mình có cố cũng không được, không biết cậu ấy lấy lại hẳn được trí nhớ
hay chưa. Nhưng trong câu chuyện đầy biến cố đau khổ lên xuống của Nguyệt, cậu ấy
góp phần làm cho bức tranh ấy có màu sắc hơn.
Vi, Mai – những người bạn “thân”. Có lẽ khi đọc hai nhân vật
mình không lạ vì chính mình cũng một phần trải qua những người bạn đểu không chân
thành. Vi mình thấy đáng thương bởi rõ ràng là quá khứ bị vứt bỏ, không được nuôi
dạy đúng cách. Còn Mai, một cô gái nếu không vì sự toan tính nhỏ nhen ích kỉ có
lẽ đã có cuộc sống trong mơ vì rõ ràng là người xinh đẹp, giỏi giang.
Em là nhà, đúng là người con gái xây tổ ấm nhưng rõ ràng mình
nhận thấy ánh lửa trong nhà là cả người con trai con gái cùng thắp. Biến cố là điều
khách quan trong cuộc sống, quan trọng rằng hai người có thể bỏ qua cái tôi lớn,
sự giận dỗi không đáng có có thể nắm tay nhau dài lâu trên đường đời. Mình hi vọng
rằng sau này đọc lại cuốn sách này sẽ là một tâm trạng thoải mái, an yên hơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét