[2023] 38/35 - TRẮNG

 Trắng – Han Kang

Mình đọc vào sáng chủ nhật,

Cùng bản Sonata số 14

Và một tâm hồn rỗng

Thực ra mình đã muốn đọc cuốn này lâu hơn rồi nhưng chẳng hiểu sao lúc ấy đọc mấy lời giới thiệu đằng sau rồi đọc một vài đoạn đầu, mình lại không thể đọc nổi vì mình không sẵn sàng nhìn thấu lại mình, cũng không sẵn sàng đối mặt nếu những kí ức lại quay về hoặc những bất ổn trong cơ thể của mình đã cố giấu đi bằng công việc và tự lừa dối bản thân lại hiện rõ lên. Khi bác sĩ lấy ven, mình bị tím. Trông cũng buồn cười, và da mình trắng nên cái mạch rất nhỏ điểm đến của nó là chỗ lấy ven hiện lên rất rõ. Một màu trắng kèm cái mạch xanh kia là mình vẫn còn sống hay da thịt mình đã tan dần vì cái ch.ế.t. Mình đã linh tinh nghĩ vậy và bỗng chốc như một sự vô thức, mình đọc cuốn này. Tốt nhất là đừng có cố gắng gợi xem cái câu từ này là sao, cố gắng nghĩ xem tác giả dùng cái nghệ thuật gì để tả làm cái gì cả, đọc thôi. Và đây là cuốn sách mình chẳng biết sẽ lấy trích đoạn nào, cũng không có ý định viết xem tác giả dùng cái nghệ thuật gì. Bởi cuốn sách đã là cuộc đời rồi còn gì. 

Cuốn sách là một bản danh sách, mọi thứ hiện dần lên có vẻ chẳng ăn nhập gì với nhau cả, đang xuôi theo những bông tuyết thì lại đến sóng biển rồi lại đến con chim, rồi lại đến cái màu da người, rồi đến hơi thở. Đúng, chả ăn nhập gì cả đúng không nhưng mỗi thứ đó đều có những câu chuyện, và từ những câu chuyện ấy bằng tất cả sự nhạy cảm trước những thay đổi nhỏ nhất của thời thế, những thứ ấy kết hợp lại thành câu chuyện, thành nỗi sợ, thành ám ảnh. Nghe có vẻ hơi tăm tối nhỉ, nhưng sự thật luồng không khí này lại khiến mình thấy rất tích cực. Bởi nhà văn đã đặt cây bút lên mà viết, từng sự vật từ kí ức từ những gì xảy ra hằng ngày đã chà sát lên cái sự nhạy cảm đó để nó có linh hồn và có câu chuyện. Mình đã tự hỏi rằng nếu cũng chà sát như vậy, từ trái tim mình có ngân vang được bài ca bàng bạc hay trang văn nào hay không, dĩ nhiên trả lại mình giữa căn phòng có nắng cùng bản nhạc Sonata cũng chỉ là sự im lặng. Han Kang không viết cái gì quá thống khổ, đơn giản là kể và tự thuật, nhưng cảm giác khi mình đọc mình đã tưởng tượng mình đang ngồi trò chuyện với chính nhà văn trong một căn phòng nào đó cách biệt với thế giới, và nói với nhau không phải tiếng Hàn Quốc hay tiếng Việt đơn giản là tiếng nói của sự gặp gỡ tâm hồn một chút.

Chảy dọc suốt cuốn sách, từng chi tiết nhỏ về người chị đã mất trong vòng 2 tiếng đồng hồ từ khi sinh ra qua lời kể của cha, của mẹ và qua những chi tiết tại thành phố nọ đã hiển hiện lên. Một cuộc đời của người sống hai tiếng nhưng qua cái trang sách vỏn vẹn chưa đầy 100 trang, hình như sinh thể ấy vẫn tồn tại và sống, sống trong tâm trí của người em gái (chính nhà văn). “Một người mang số phận giống với thành phố này. Người từng một lần ch.ết hoặc bị hủy hoại. Người kiên trì tự hồi sinh chính mình trên đống tàn tích cháy đen. Và bởi vậy, vẫn là một người mới”. Tự dưng mình nhớ chuyến đi biển Quy Nhơn vừa rồi, sáng mình – một đứa lười cả chuyến đi không dám tiêu một xu lại dám quất luôn trăm nghìn để đạp xe quanh cái khách sạn, và rồi đi vào chỗ rừng thông, dưới nền trời trong vắt nhưng nắng như đổ lửa, hàng cây xanh và thẳng tắp đón ánh nắng ấy trong mắt mình lại hóa giống hàng cây đầy sương ở Moscow mà lần cuối mình nhìn thấy là năm 8 tuổi. Thì ra cái kí ức này vẫn còn, nỗi đau hiển hiện rõ dù theo nếp gấp của thời gian và niềm vui cũng vậy. Tự dưng tự hỏi liệu sống đến ngần ấy năm mình đã bao giờ ch.ết hay chưa hay chính mình chỉ đang lập lờ như một linh h.ồn vất vưởng. Và rồi những sắc trắng hiện ra dần qua những trang văn của Han Kang như hơi thở của thời gian, như một con sông vắt qua lịch sử - hiện tại, những người đã ch.ết, những người còn sống, nhịp sống của thời gian tiếp tục trôi vào miền miên viễn. Phần II – Cô ấy, mình đã trộm nghĩ cái phần dài nhất ấy là chính là cái phần của chị gái đã mất mà qua ngòi bút của Han Kang đã sống lại hay đơn thuần là chính cô ấy. Và rồi cả trang sách, có phải là lời cố gắng tiễn biệt với một phần quan trọng trong mình. Cá nhân mình không thích từ cố gắng tiễn biệt lắm, bởi cố gắng tiễn biệt thì rất khó, và thực lòng kí ức về người chị chưa một lần gặp mặt, về người mẹ, về những căn bệnh trong cơ thể, về bức tường gạch – những kí ức trông có vẻ buồn buồn ấy bỗng thấy rất đẹp, và như nâng đỡ tâm hồn mình vậy. Vì vậy với mình, những đoạn đó không phải cố gắng tiễn biệt mà đơn thuần là vuốt ve nó mà thôi.

Và khi tiếp tục đọc về làn da trắng bợt, cùng hơi thở, cái tã -  tự dưng mình nhìn ngắm cơ thể mình, da mình trắng và thấy vài ba vết tím do sự cẩu thả của mình. Bỗng tự hỏi, thời gian mình bệnh tổng hết bao nhiêu, tự gây cho mình bệnh, tự làm tổn thương mình bao lâu. Và những cái vật thể trắng mà mình lúc nào cũng nói nào là trắng tinh khôi và thuần khiết từ áo trắng váy trắng rốt cục mình có thực sự thích nó hay không, rốt cục mình có phải mình nghĩ sắc trắng khiến mình tinh khôi và trong trẻo thực ra mình đang cố ẩn mình trong sắc trắng che đi chóc lở trong tâm trí. Trắng có nhiều từ nói: trắng đục, trắng phớ, trắng tinh, trắng bong, trắng gì đó nữa nhưng đó là khi ta tả những gì ta có thể thấy khi làm văn miêu tả vậy những sự vật mà tự dưng nhìn nó ta lại hình như nhớ ra cái gì đó, trong tâm trí ta nó sẽ thành trắng gì. Trắng cũng có thể đoạn kí ức vui, một niềm vui trong tâm trí đủ đi kèm ánh sáng thành một trắng tinh khôi, trắng cũng có thể là vết gạc mà đang cố đắp lên một nỗi đau chưa lành, lờ mờ không thể tinh khôi trọn vẹn cũng không đủ đau đến mức gi.ết ta ngay trong tức khắc. Nói chung nhiều kiểu để định nghĩa về trắng, và định nghĩa ra sao là mình.

Có lẽ câu từ của mình cũng không được đỡ ảm đạm cho lắm, cũng không được mang đến sự tích cực cho lắm nhưng cảm tưởng giống như đi xoa bóp vậy, các cơ căng cứng, người xoa bóp rất mạnh, đau thật đau lúc ấy nhưng lúc kết thúc lại thấy rất nhẹ người. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ