[2023] 51/35 - MÓN HÀNG QUÝ GIÁ NHẤT

 Một sớm chủ nhật

Một bài hát mang tên Kukuska

Một cuốn sách mở đầu là Ngày xửa ngày xưa với tông bìa trắng

Trắng như một tâm hồn của một đứa trẻ thơ, trắng như một màu tang tóc bàng bạc phủ khắp các con phố nơi có những kẻ sống khốn khổ, trắng như lớp tuyết dày phủ lên những con tàu, phủ lên đầu người. Và có lẽ trắng như những cái x.á.c lõa lồ nằm trôi nổi, không người thân nơi c.h.i.ế.n tranh, hay trắng như những cái đ.ầ.u trọc lóc đầy ảm ảnh chăng. Nếu nó là câu chuyện cổ tích, vẫn sẽ tin rằng nó là câu chuyện cổ tích. Nhưng cổ tích nào không vun trồng từ mảnh đất của hiện thực, vì cổ tích cũng từ con người – từ sâu thẳm tâm trí con người mà vun nó lên. Và đôi khi người ta viết về chính nỗi đau, hồi ức sâu thẳm đau đáu của mình qua câu chuyện cổ tích, ấy là Jean-Claude Grumberg.

Cái hiện thực mà là mảnh đất vun trồng cho câu chuyện cổ tích này, được khéo léo tạo ra dưới hình ảnh con tàu – một bức tường của hai thế giới. Trong khi trên chuyến tàu ấy là người đàn ông mang theo kí ức về những giờ cắt tóc, những ngôi sao vàng, chiếc khăn thêu và phòng hơi ngạt; trong đầu anh là sự hấp hối vươn đến sự sống; thì người đàn bà bên ngoài ranh giới là cái đói, cái nghèo và những suy nghĩ độc hại bị nhồi nhét vào đầu óc con người, họ dường như bị thối rữa trong không khí đó. Ở đó cũng có một người thiện lương mang bộ mặt quỷ dữ, và loài quỷ dữ mang bộ mặt người. Nhưng cái biến chất này xuất phát từ đâu cũng chẳng ai lí giải thật rõ, giống như con tàu chở nghìn người không có bến chỉ có cái ch.ết.

Câu chuyện dẫn dắt ta vào một khu rừng, khu rừng giống bao chuyện cổ tích khác, mang bao vẻ u tịch bí ẩn. Và trong không gian rừng già ấy, một mảnh đất như thể bị bỏ quên bên lề thế giới, có đôi vợ chồng già nghèo khổ. Cái nghèo khổ khiến cho một người đàn ông tưởng là có tim nhưng là không phải, cái nghèo vì vài cắc bạc rách làm việc trâu chó khiến lão ta chỉ cắm đầu xuống đất, và cũng chả tin vào phép màu. Và chính lão vì nghèo rách chẳng thể có một nụ cười. Còn vợ hắn – bà tiều phu già ngày ngày nhặt nhạnh những nhánh củi khô, bà nhặt làm gì nhỉ, vì chính cái việc ấy cũng đâu khiến bà ấm no, bà nhặt nhạnh và sống trong vòng xoáy luẩn quẩn và sâu thẳm trong trái tim người phụ nữ ấy luôn mong ngóng một đứa con – bởi cái thân thể của bà không thể nào có con. Bà chẳng thể nào như một người phụ nữ khác được thực hiện sứ mệnh cao cả và thiêng liêng ấy. Dù rừng già có rộng lớn u tịch và choáng ngợp nhưng vài góc của khu rừng ấy vẫn có một vài góc của nanh vuốt c.h.i.ế.n tranh – có lẽ rằng c.h.i.ế.n tranh là một con quỷ ma mãnh – hắn ta có con mắt theo dõi ở mọi nơi và chực chờ nuốt chửng.

 

Và ở không gian khác, tại một nơi không có rừng già, có mái nhà, và đông người sinh sống lại là mồ chôn khủng khiếp của xác người. Những con người bị đánh dấu, bị đánh đập bị coi là những kẻ không tin, những kẻ hủy diệt chúa, những kẻ bẩn thỉu khốn nạn và bị xếp vào trại tập trung, bị coi như súc vật – không có quyền sống, không có quyền làm người tử tế. Nanh vuốt của c.h.i.ế.n tranh, hay nanh vuốt của những người tạo ra c.h.i.ế.n tranh đã vô tình bóp nghẹt những sinh linh ấy, hẳn rằng tiếng kêu khóc của những kẻ tội nghiệp ấy dường như là thứ ma lực với bàn tay dã man ấy khiến hắn ta trở nên mạnh hơn? Tại cái tưởng có nhà, lại chỉ thấy nước mắt không thấy nổi nụ cười, chỉ thấy đòn roi và biết bao người mất đi gia đình, quê hương, mất đi văn hóa của mình. Nhưng tại chính cái nơi ấy, đã sinh ra hai sinh linh xinh xắn và kháu khỉnh.

Người đàn bà tiều phu nghèo, hàng ngày đi kiếm ăn và xuyên dọc cánh rừng già ấy là con tàu chở người. Con tàu không quá đẹp nhưng âm thanh của nó khiến bà xao xuyến, âm thanh ấy khiến bà sống ở thế giới khác tạm quên cái kiếp sống rách nát, và càng lúc gieo rắc vào lòng bà những hi vọng thay đổi. Con tàu mang ánh sáng cho người đàn bà nhà quê ấy, con tàu là ranh giới mơ và thực, ánh sáng và bóng tối, rừng già rộng lớn mà u tịch và không gian đầy những người. Nhưng bà đâu biết rằng trên con tàu mà bà cho rằng có cuộc sống khác với bà ấy lại là những con người bị dồn ép như súc vật vào chuồng, nhưng ô toa tàu ấy là ngục thất cuối cùng đẩy họ đến bến cuối cùng là cái c.h.ế.t, thậm chí c.h.ế.t không toàn thây, c.h.ế.t không một chỗ dung thân, c.h.ế.t mất nhà mất cửa, thất lạc người thân. Bến đợi họ chỉ một từ là cầm cự hoặc c.h.ế.t chứ không hề đến một bến bờ hạnh phúc nào hết. Ranh giới đường sắt tựa như ranh giới mập mờ mà đau lòng, một bên khắc khoải nhìn con tàu như một sự cứu rỗi còn một bên là muốn thoát ra khỏi kiếp sống này. Và rồi, trong cái sự túng quẫn tột cùng của người cha, trong cái sự bất lực ấy, người cha đã ném vội một đứa trẻ qua cửa sổ và người đàn bà ấy đã nhặt được. Bà nhặt như một món quà của chúa nhưng bà cũng vô tình không biết rằng ấy là sự trừng phạt sau này giáng lên lương tâm của người cha ấy.

Sự xuất hiện của đứa trẻ, trong mắt người đàn bà ngập tràn yêu thương là sự cảm tạ trời đất, và sau đó từ một người đàn bà lầm lũi như cái bóng nơi rừng già, thành một người đàn bà dũng cảm bảo vệ món quà, từ sâu thẳm trái tim của bà – một người phụ nữ, và cũng thành người mẹ đã bảo vệ đứa con ấy, bước qua cả nỗi sợ để bảo vệ. Cũng chính sự xuất hiện của đứa trẻ, đã nảy mầm lên trong lòng lão chồng bà một tình yêu khó tả, một mầm sống khó tả. Từ một lão rượu chè be bét, trong cái giây phút chạm vào làn da đỏ hỏn của cái sinh linh nhỏ bé ấy, hắn ta đã được thức tỉnh. Một lão già nhà quê thất học lại hiểu chân lý rằng: những kẻ mà bị cho là không tim ấy thực ra là có trái tim. Một câu hỏi khẳng định nhưng cũng gieo vào lòng chúng ta một câu hỏi nghi vấn rằng: có những người tự cho rằng họ có trái tim, vậy bàn tay của họ là giết người, đánh đập, hủy hoại cuộc sống, làm chảy máu và nước mắt của bao người, thẳng tay chia rẽ cha mẹ và con cái thì hành động này có thuộc về hành động của một người có trái tim hay không. Vậy những người mà bị săn đuổi ấy là người không trái tim hay người làm hành động đi ngược lại với sự nhân đạo là có trái tim?. Và chính người đàn ông tiều phu nghèo ấy, dù cuối cùng hắn c.h.ế.t trong cái tư thế đau đớn nhất nhưng trong bốn cái thi thể c.h.ế.t trong vũng máu đỏ giữa rừng già ấy chỉ duy nhất một người đã thực sự làm người.

 

Và còn người đàn ông có khuôn mặt nát bấy đến mất nhân hình, nhưng nhân tính của hắn ta vẫn còn. Ấy vậy hắn lại bị hiểu lầm là một trong những kẻ man rợ vì gương mắt c.h.i.ế.n tranh hủy hoại của hắn chăng. Hắn từng nói rằng; “Chẳng ai ở cái chốn trần thế này giành được thứ gì mà không phải chấp nhận đánh mất một thứ nhỏ nhoi nào đó, có thể là mạng sống của một người thân thiết, hoặc mạng sống của chính mình”. Vậy trong c.h.i.ế.n tranh chúng ta đánh đổi được gì, là xương máu của những người vô tội? là những nghịch lý người cha quẫn quá phải vứt bỏ đứa con của mình, là li tán, là người đàn ông khổ quá nên chẳng tin vào món quà nào. Quả thực c.h.i.ế.n tranh ấy là thứ làm hiển hiện rõ nhất thế nào là đánh đổi, nó ám ảnh những ai còn sống, những ai chứng kiến và đã ra đi nằm xuống nơi đất lạnh hoặc ra đi trong sự đau đớn tại phòng hơi ngạt. Cái mầm mống mất mát, hi sinh ấy song hành cùng hi vọng và khát khao sống có phần đau đớn, và cho dù vậy, sự sống không thể hủy diệt, tình yêu vẫn không ngừng vươn lên mạnh mẽ dù có bị dìm sâu cay đắng.

 

Và còn người cha vứt bỏ người con của mình, sau c.h.i.ế.n tranh hòa bình đã lập, phấp phới lá cờ, nhộn nhịp bài ca và bài phát biểu nhưng anh hay những người sống sót vẫn còn cuộc c.h.i.ế.n khác, cuộc c.h.i.ế.n trong chính mình, cuộc c.h.i.ế.n sinh tồn khi đã chả còn nhà, khi lớp bụi, súng và bom đã vùi lấy thân xác của người thân anh vào đất lạnh. Bước qua c.h.i.ế.n tranh còn gì ngoài thân xác cô độc, nước mắt cạn khô và trái tim đã c.h.ế.t; nếu lúc ấy anh vẫn cùng người vợ của mình cùng vượt qua thay vì vứt bỏ đứa con đỏ hỏn của anh ra ngoài khung tàu lạnh ấy, biết đâu một là c.h.ế.t cùng nhau hai là tất cả cùng sống? hay kể cả không vứt bỏ con anh trong khói súng bụi mù ấy, tất cả vẫn lạc nhau. Những câu hỏi luẩn quẩn và đau lòng bởi một hiện thực rằng, những người này đã bị tước luôn cả quyền được sống hạnh phúc vì c.h.i.ế.n tranh, hay vì lòng ích kỉ vô tình của một số người? Ai mới là người sai?

Chỉ gần một trăm trang nhưng Grumberg đã viết một câu chuyện cổ tích – một câu chuyện cổ tích không có nàng tiên ban đến phép màu, mà câu chuyện chính con người là thần c.h.ế.t cho chính đồng loại của mình. Hiện thực của một thời đại đã được vạch trần một cách nên thơ, nhưng ẩn sau đó là những sóng ngầm không thôi rung động. Từ “Hai đứa trẻ đã bị ra rìa, bị xếp hạng tồi, bị tìm kiếm, bị truy bắt, một bé gái và một bé trai, đồng thanh khóc thét như thể chúng đã biết, như thể chúng đã hiểu”, cho đến nạn đói hoành hành loài người, nơi để nuôi sống một đứa trẻ nhỏ, người ta phải đổi tất cả những gì mình có. Và thậm chí để bảo vệ cho niềm tin của mình, bảo vệ cho tình yêu của mình người ta hi sinh cả thân xác.

Dĩ nhiên rằng mọi thứ rốt cục cũng sẽ có cái kết của nó, tựa như một vòng tròn nghiệt ngã, công lý đã thực thi, rốt cục con người cũng bước ra khỏi đống hoang tàn, phải cầm cự và rồi chấp nhận những thứ bị bỏ lại. Mình cũng không muốn viết một câu khẳng định rằng, câu chuyện này là riêng với nhà văn, viết riêng về những gì ám ảnh thời thơ ấu; bởi chính người cha người ông của nhà văn cũng bị chất lên con tàu ấy; mà đối với mình, ông vượt qua nỗi đau và sự ám ảnh của chính mình để dùng chính ngòi bút của mình viết về khoảng thời gian đau khổ của nhiều người. Có điều chuyện cổ tích người ta tìm được một cái kết hạnh phúc mãi mãi về sau, nhưng nhân vật – cựu thợ cắt tóc, cựu người cha, cựu người chồng oằn mình với những kí ức khủng khiếp, sau đau thương này đến đau thương khác, bất khả vãn hồi. Tuy cái không khí bao trùm là không gian lạnh lẽo của rừng già và đạn bom, cũng của chính lòng người thì trong câu chuyện này, tình yêu vẫn bất diệt. “Tình yêu khiến cho, mặc cho mọi thứ tồn tại, và mọi thứ không tồn tại, tình yêu khiến cho cuộc sống được tiếp diễn”. 




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ