[2024] 1/35 - OLIVER TWIST

Đây là lần thứ hai mình đọc tác phẩm này, mình biết đến tác phẩm và tác giả là nhờ quyển truyện tranh của nhà xuất bản Kim Đồng. Dĩ nhiên quyển truyện tranh sẽ dễ hiểu, đủ cốt truyện và được trình bày theo lối diễn đạt sẽ gần gũi với đời sống hiện nay hơn, tuy nhiên mình cảm thấy điều đó là chưa đủ nên đã mua quyển sách về. Và dĩ nhiên cuốn sách làm mình – một cô nhóc mười bốn tuổi khi ấy choáng ngợp vì độ dày và lúc ấy cũng chưa thực sự đủ kiên nhẫn để đọc nó.

Bàn về cốt truyện, mình nghĩ rằng trên wiki hay nhiều trang khác sẽ có một cái tóm tắt rất đầy đủ, bạn không cần đọc kĩ truyện cũng có thể vanh vách kể ra truyện này như thế nào. Cốt truyện theo mình thấy khá đơn giản, và thậm chí có những chi tiết cảm giác trùng hợp đến khó tin, điều này gặp rất nhiều trong các câu chuyện cổ tích. Khác biệt ở đây, cổ tích này được vun trồng trên mảnh đất hiện thực cằn cỗi, mảnh đất này dường như nếu đứng trên cầu ở sông Thames hay đứng từ cung điện hoàng gia hoặc kể cả đứng trên tháp đồng hồ Big ben cũng không thấy được. Mảnh đất này c.h.ế.t dí dưới đáy xã hội, một thế giới trong ngóc ngách, bí ẩn nanh ác – phát ra một thứ mùi vừa sợ vừa ghê tởm, bám chặt lấy thần kinh của ai nếu đó là một là tay đọc yếu tim. Mảnh đất hiện thực ấy là trộm cắp, những thói đời vặt vãnh, lủng lẳng giá treo cổ. Đứng trên mảnh đất ấy là sự đung đưa giữa ranh giới thực và ác, nhiều khi ranh giới ấy dễ bị xóa nhòa. Đó là cái hay thứ nhất theo mình thấy ở cốt truyện. Tiếp đến nữa, có cốt truyện có không gian nhưng phải có tài năng, bởi không phải ai cũng có thể trở thành nhà văn, và câu chuyện Oliver Twist này chỉ riêng Charles Dickens kể mà không phải ai khác. Mãi đến bây giờ khi đọc lại, mình mới nhận ra cái tích xốc nổi nông cạn của mình đã bỏ qua những trường đoạn miên man dẫn dắt vào sự việc rất hấp dẫn của tác giả, vừa kể vừa bàn đến những vấn đề xã hội một cách thực nhuần nhuyễn. Giống như một người phu trên cánh đồng con chữ, Dickens kể chuyện vừa dẫn dắt vừa chỉ cho ta thấy trong cái cử chỉ này toát lên cái gì, có thể liên tưởng đến cái gì.

Ví như cái hiện thực về ông Bumbles -một ông tư tế cao cao tại thượng, không nói rằng vẻ mặt ra sao nhưng ta lại có thể tưởng tượng cái vẻ mặt thô bỉ, tưởng chừng là một gã làm lớn nhưng hóa ra cũng chỉ là một tên nhát gan núp dưới cái áo và cái mũ. Và hình ảnh này trở đi trở lại trong trang văn của Dickerns bởi hai vật đó tượng trưng cho cả một tầng lớp, cho cả một chế độ. Một tầng lớp giày xéo và tồn tại dựa trên những kẻ c.h.ế.t đói, những kẻ vì miếng cơm manh áo ghì sát đất và trên hết dựa trên những sinh linh như Dick, Oliver. Những kẻ tồn tại trên thân xác, m.á.u và nước mắt nhưng lại rêu rao một bài ca về lòng từ bi, nhân đạo. Những cũng chỉ từ gã Bumbles, chỉ vài nét chấm phá, ta lại thấy ngay một tên Bumbles – chủ trại tế bần luẩn quẩn, núp dưới váy vợ khác hẳn với ai đó rủa xả những người nghèo ở trang trước. Thậm chí lão Fagin, kể cả có qua cái nhìn của đồng bọn lão là Bill Sikes cũng mang gương mặt đáng sợ của tên quỷ sứ tóc đỏ, lão nhấn chìm tụi trẻ vào con đường ăn cắp nhưng cũng đồng thời lôi chúng lên vỗ về chúng cho rằng chúng đã được sống như người, và nghề này cho chúng tồn tại, lão bắt tay với Sikes nhưng thâm tâm lại tìm cách trừ khử hắn và thậm chí hắn trừ khử cả những đứa trẻ mang tiền về cho lão. Như vậy, không khẳng định gã là một tên khốn, nhưng Dickens cho ta biết thế nào là một người ích kỉ đến kinh tởm, vì rõ ràng Fagin trước sau hắn chỉ nghĩ đến bản thân mình đồng thời đây cũng là định nghĩa thế nào là lợi dụng. Bút lực của Dickens là chỗ đó, và chỉ thấy được khi ta cầm trên tay cuốn sách này. Và đồng thời kể cả lão ta có c.h.ế.t thì cuối truyện cũng có một câu văn có thể khiến chúng ta suy nghĩ đó là chính là lão đã đào tạo ra Cáo, Cáo vào tù nhưng cũng chưa biết được liệu nó sẽ đi theo con đường nào. Như vậy ở đây chỉ ra rằng, cái ác vẫn sẽ đang nhởn nhơ tồn tại một cách tiềm ẩn và có sự kế thừa như thế.

Khi Dickens nêu định nghĩa thế nào là lợi dụng thì cũng xây dựng một hình tượng nhân vật mang tính biểu trưng là Bill Sikes, Bill Sikes sẽ cho biết thế nào là hiện thực nhớp nhúa, bạo lực, tội phạm, mất hết liêm sỉ khi đứng trước vật chất và đắm mình trong tệ nạn cùng một lúc xuất hiện trên người Bill Sikes. Hắn là tên đáng c.h.ế.t và cũng đáng thương, đáng c.h.ế.t cho những gì hắn làm, cho tội ác của hắn, tội ác tạo nên sự đáng thương của hắn, đó chính là hắn đã tự tay bỏ đi người mà yêu thương hắn thực sự. Cho đến c.h.ế.t hắn vẫn không biết rằng hắn chỉ là một con cờ chờ ngày bị hất khỏi bàn cờ dưới tay lão già Fagin. Cho đến c.h.ế.t hắn vẫn không biết rằng có người yêu thương hắn đến mức chối bỏ cơ hội làm người. Người yêu thương nhưng bị vùi dập cũng đáng thương, và cũng đáng thương cho người không thể tiếp nhận tình yêu.

Dĩ nhiên bên cạnh lối kể chuyện khi trầm bổng như một bản nhạc dương cầm hay đanh thép, châm biếm thì không thể bỏ qua ngòi bút miêu tả. Từng góc phố của nước Anh được hiện ra một màu sắc chân thực và u tối. Có ai biết được rằng dưới những hào hoa giàu có đâu đó có một nơi là trại tế bần – ngục thất trần gian, chôn chặt sự ngây thơ trong trắng của các em, khi miếng cơm miếng cháo thành giành giật và từ đó mầm mống của tội ác. Dường như dưới ban ngày, sự hào hoa nhộn nhịp khiến ta mê đắm thì đến màn đêm hiện thực thực tế nơi sương mù giăng giăng lại là thời điểm để tội ác bắt đầu ngoi lên, sống dậy. Một thế giới khác, một mặt khác của nước Anh mới thực sự lộ diện. Khi tiếng chuông điểm lại là ám ảnh với một cô gái, khi đêm lại là tội ác thi nhau sống dậy, và lách qua từng con ngách dường như bị che phủ bởi sự hào hoa, sáng loáng lại là những quán rượu tụ tập của tội ác. Và rồi có lẽ ai quên được cửa hàng quan tài của lão Sowerberry, và tại đây Dickens cho chúng ta biết thế nào để định giá con người, không cần phân biệt đâu là trẻ thơ, đâu là đúng sai, kể cả cái c.h.ế.t cũng là đem đến tiền bạc và của cải. Kể cả cái c.h.ế.t cũng có thể mầm mống cho sự gian dối, lợi dụng sự ngây thơ của trẻ em để làm lợi cho mình.

Bàn về hiện thực, Charles Dickens đã xây dựng nên một thế giới của riêng mình, hiển hiện qua trang văn của ông trở đi trở lại có quan tòa, là quan tòa nhưng có lẽ nó bảo vệ nhiều hơn cho cái ác và để lại bất công cho những con người tội nghiệp, nơi thật giả chưa thực sự phân minh. Và cũng chính tại đây, nhà văn chỉ rõ rằng đồng tiền đi trước nó khôn thế nào, khi đứa trẻ được định giá mấy đồng bạc chưa kể thêm bớt, khi liêm sỉ và nhân cách nhường chỗ cho vật chất lên ngôi, thậm chí bán rẻ lương tâm để có được vật chất. Khi ấy, ta mới thấy rõ sự ích kỉ của con người được phô bày rõ ra thế nào. Quả thực, tại đây hiện thực là thuốc a xít để làm rõ về con người. Cũng tại đây, lại thấy rõ tự do chưa chắc đã là tất cả, bởi khi Oliver đã vượt qua được song sắt của trại tế bần thì tại đây nó đối diện với một thế giới khác, một thế giới đã nhấn chìm nó vào tội ác rất nhiều lần là đằng khác, và cái kết là một song sắt khác được xây dựng bởi tham vọng của người lớn và toan tính từ chính ruột thịt.

Chưa kể đến giá trị vật chất, quyền lực cũng nhúng tay cả, nó có thể điều khiển cả tình yêu, ngăn cách hai trái tim giữa Rose và Harry. Dẫu biết sau này quyền lực ấy cũng lùi bước cho tình yêu chân thành nhưng mình bỗng nhớ đến tác phẩm Con hủi, tình yêu có thắng trước định kiến và quyền lực đâu khi nàng – đóa hoa trắng trinh bạch lại bị nhấm chìm trong đau khổ từ ánh mắt người đời. Và bàn về định kiến, khi đọc cuốn sách này mình cũng nhận thấy sự thiếu suy xét khi chỉ nhìn vẻ bề ngoài để đánh giá cả về một con người, khi Oliver bị đánh suýt c.h.ế.t trong khi nó không ăn cắp và nó cũng đã bị hiểu lầm là một đứa đầu trộm đuôi cướp một thời gian trong mắt cụ Browlow – người có vẻ là tinh tường và tỉnh táo nhất.

Bàn về chất thơ, dưới lớp nền hiện thực đen tối tưởng chừng không thoát ra được, câu chuyện cũng thấm đẫm chất thơ. Dù đôi khi chất thơ ấy cũng nhuốm màu đau đớn khi Nancy sống trong bè lũ tay sai của Fagin, sống trong bạo lực, nói dối đến mức thành thói quen và nói dối đến mức tin nó là sự thật thì Nancy vẫn nhận thức sống là một con người tử tế, dù cho việc sống tử tế ấy phải đổi lấy mạng sống của mình. Khi cô chỉ còn là một hơi tàn, trong tư thế đau đớn nhất, ánh nắng rọi chiếu như một sự ru vỗ cuối cùng cho con người tội nghiệp.

Chất thơ ấy là khi, khi Dick chỉ còn là hơi tàn cậu vẫn mong người bạn Oliver của mình những gì tốt đẹp nhất, chắt chiu có khi cả điều ước cuối cùng của mình để Oliver được sống và sống cả cho mình. Có lẽ không gian nhà tù ấy không thể bóp nghiến lấy ý thức của một đứa trẻ thế nào là thế giới mà chúng nên sống và hiểu thế nào là màu sắc.

Chất thơ thể hiện rõ qua lòng tin của cô Roses với Oliver, khi cô lắng nghe những gì Oliver nói, chị chỉ quan tâm rằng trước mặt chị là một người cần giúp đỡ chứ không phải là một tên ăn cắp, hay cụ Browlow đã kịp thời cứu lấy Oliver khi cậu bé đã từng bước bị đẩy vào tội ác. Và làm sao có thể quên không gian có hoa khoe sắc và cỏ xanh non khi cậu bé Oliver được sống trong sự yêu thương, nó đối lập gay gắt với căn gác tù mù tối, ẩm mốc bẩn thỉu xào huyệt của gã Fagin.

Bàn về tình yêu, có lẽ chưa có câu chuyện nào mình thấy tình yêu lại muôn màu muôn vẻ như thế, tình yêu đi kèm với phép màu của cuộc đời khi hội ngộ giữa Oliver và cô Roses hay với cụ Browlow. Nhưng cũng có sự hội ngộ không hề mong muốn đó là gã Monks và Oliver, đơn phương độc mã từng bước toan tính nhưng cuối cùng chịu thua trước cái thiện. Tình yêu chân thành giữa Harry và cô Roses, nơi quyền lực đã nhường bước và chắp cánh cho tình yêu của họ. Tình yêu pha lẫn sự tin tưởng giữa cô Rose, mà Maylie với Oliver Twist, nhưng lắm lúc mình trộm nghĩ có lẽ điều này hợp lý nhưng cũng rất đỗi bất hợp lý bởi hiện thực cuộc sống luôn đầy rẫy nhưng cạm bẫy và chúng nhăm nhe đến niềm tin và tình yêu của con người.

Tình yêu được thể hiện một cách châm biếm và giả dối trong xào huyệt của gã Fagin, mang tiếng là cưu mang những đứa trẻ thực chất là lợi dụng chúng, hoặc thậm chí đẩy chúng vào nhà lao. Hoặc tình yêu một cách lố bịch giữa ông Bumbles, khi khởi đầu là một tình yêu tưởng chừng lâm li nhưng c.h.ế.t yểu vì vật chất lên ngôi.

Tình yêu cũng có thể đẩy người ta đến cái c.h.ế.t đau khổ đối với Nancy. Tình yêu khởi đầu cho bi kịch ở đầu câu chuyện, nhưng cũng chính nó là nơi hóa giải tất cả, và rốt cục theo khía cạnh nào đó, nó vẫn là cứu rỗi của tính người.

Và cứ thế, cuốn sách tựa một cuốn phiêu lưu không ngừng nghỉ đấu tranh giữa cái thiện – các ác, Oliver một cậu bé mồ côi lớn lên trong sự đánh đập, bao lần bước qua cửa tử, tha hóa của nhân cách, những vẫn giữ được trái tim trong sáng và thiện lương. Trên những bước đi phiêu lưu của Oliver, nhà văn đã dựng lên cả một xã hội thời ấy hào hoa sáng loáng chỉ là bề nổi, nhà văn cúi xuống dùng bút lực của mình bước qua từng con ngõ của nước Anh để lôi ra cho kì được một hiện thực tội ác u tối luẩn khuất mà không phải ai cũng phát hiện ra. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[2023] 18/35 - HẮT XÌ

[2023] 12/35 - THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - TẢN MẠN

[2023] 8/35 - ĐẢO MỘNG MƠ