CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN
Tôi đọc “Cánh đồng bất tận của
Nguyễn Ngọc Tư. Hiếm khi nào tôi lại để ý trang sách văn học hiện đại, giọng
văn miền trong, mẩu chuyện đời thường, tôi nhận ra câu chuyện nào cũng day dứt
về những kiếp người bé nhỏ, người chăn vịt, người hát rong, những đứa trẻ mục đồng…
Dường như mỗi nhân vật đều có những
kí ức xa xôi, đẹp mà buồn, hay những bi kịch đẩy họ sống mà như đã chết, sống
mà như chỉ tồn tại với trái tim chai sạn với tình yêu chỉ là sự thỏa mãn, là
trò chơi. Cuộc sống đẩy họ đến những bi kịch mà chẳng ngờ tới, đẩy những đứa trẻ
thành bơ vơ thiếu thốn ngay cả khi cạnh cha của mình, những người con gái thủy
chung yêu đau lòng một người hay một chàng trai cố xoa dịu vết thương của một
người bằng sự dịu dàng nhất mình có. Tiếng hát vang lên trong đêm tối, tiếng
hát đi tìm về miền kí ức xa xôi, về thời son, nỗi nhớ nhung, tiếng gọi khắc khoải
của người cha, tình đơn phương nâng đỡ là điểm tựa cho nhiều tâm hồn, là sự đồng
điệu của những con người cô đơn, có người đi hết gần kiếp sống vẫn cô đơn, hay
thậm chí những người trẻ đáng lẽ phải có trái tim căng đầy sức trẻ lại u uất
trong đôi mắt bởi sự dằn vặt day dứt trong quá khứ.
Nguyễn Ngọc Tư viết bằng tấm lòng
yêu thương con người, chỉ có lòng yêu con người mới có thể viết như thế, không
quá đào sâu tâm lí con người nhưng những con chữ mô tả, câu từ lướt qua mắt ta
như nhảy múa, như sự hẫng hụt của tâm hồn, trống trải của con tim nào cũng phải
giật mình...Ta nghĩ rằng cuộc đời này lắm những cuộc hội ngộ chia ly hỉ nộ ái ố,
rong rêu kỉ niệm, thấy rằng ta tồn tại ta sống trên đời có khi vẫn hơn những cuộc
đời khác đang oằn lưng để sống. Nguyễn Ngọc Tư dành một vị trí đặc biệt cho trẻ
em, nâng niu trẻ em, một nhà văn chân chính là con người dám viết những gì người
ta không dám viết, dám đi thẳng vào nỗi đau, dũng cảm viết cả những thứ mình
đau lòng, không ngần ngại viết. Nhà văn khám phá, quan sát, phát hiện những mầm
sống trong tâm hồn trẻ thơ, việc rũ bỏ một đứa trẻ là một tội ác, rũ bỏ chúng
khác nào giết chúng sau này.
“Cải ơi…” tiếng gọi khắc khoải của
người cha ròng rã đi tìm người con gái mất tích, đau lòng thay mái tóc điểm bạc,
tuổi xế bóng kia lẽ ra phải được hưởng sự hạnh phúc sum vầy thì vẫn ròng rã đi
tìm vô vọng, người cha tranh truyền hình tìm con, và trong câu chuyện cũng có đứa
con gái tha thiết được một lần nghe cha gọi tên.
Tập sách không có cái tên thân
thương như Thôn Đoài, Thôn Đông gần gũi mà lại là những vùng tên gọi gợi sự xa
xôi như Mút Cà Tha trong “Thương quá rau răm”, gợi sự hoang sơ xa vắng, như một
phông nền ảm đạm cho những câu chuyện là con kênh, cù lao, cánh đồng bát ngát
như sự chới với một kiếp người trước bể đời rộng lớn. “Buồn từ mùi ổi chín phảng
phất trong vườn, từ giọng người ới lên một tiếng rồi bặt, dư âm còn thâm u trên
các ngọn cây, tiếng cạo cơm cháy xa vắng trong nắng chiều…”, về mảnh đất Mút Cà
Tha “bất cứ người xứ lạ nào đến làm việc ở đất cù lao đều quý…” ừ mến khách vì
một mong ước cho dân nghèo được chữa bệnh, khốn khổ thay sự mến khách lại không
níu kéo được bước chân người khách ấy, để lại sự hẫng hụt trách làm sao được vì
sự đìu hiu chết người này, một bi kịch khi tình người không níu kéo được, cuộc
đời tuổi trẻ dài rộng sao có thể chết ở nơi này, trách cái gì đây, vì miếng cơm
manh áo hay sự bòn rút tâm hồn cô đơn, hay cảnh nghèo có thoát ra có thay đổi
được đâu. Nguyễn Ngọc Tư đã phát hiện đâu đó trên dải đất chữ S này vẫn còn những
cơ cực vẫn còn cái nghèo ghì sát đất.
"Tôi thường đón gió chướng về
với một tâm trạng lộn xộn, ngổn ngang. Mừng đó rồi bực đó. Sao tôi lại chờ đợi
nó, chẳng phải năm nào cũng vậy, lúc cầm cây chổi ra quét sân, đứng trong gió đầm
đìa tôi cũng buồn. Trời ơi, gió nầy là hết năm đây, già thêm một tuổi đây, mình
đã kịp sống gì đâu, tay mình vẫn trắng như vầy...Mỗi lần gió về lại cảm giác
mình mất một cái gì đó không rõ ràng, không giải thích được, như ai đó đuổi
theo đằng sau, tôi gấp rãi ăn gấp rãi nói, gấp rãi cười, gấp rãi khi ngày bắt đầu
rụng xuống....", rồi những tình yêu không thể đến với nhau, phải tự làm xấu
mình để đẩy người kia đi tìm hạnh phúc khác, người cha đánh con để giúp con “trả
nợ đời”, phải tự làm xấu mặt mình cho người con gái kia thôi không bịn rịn gắn
bó vì biết bản thân mình không thể đem đến hạnh phúc cho người ta cũng vì cái
nghèo, vì đồng tiền, vì sự nghiệp. Ừ thì “người ta yêu không ngại ngần, không e
dè”, hai người đến với nhau không vì chữ cao sang, vì địa vị đấy nhưng làm sao
tới vì đồng tiền vẫn chôn vùi một cuộc tình.
Hay người con gái lòng vẫn yêu
nhưng phải tỏ ra bình thường, về cuộc tình bị gài mất. Ừ thì trên đời, lắm lúc
cứ tưởng viên mãn đã gần nhưng kết cục cuối cùng chỉ là dĩ vãng.
Hay một bức ảnh rũ bỏ đi hết còn
lại gam màu đen trắng là cái nhìn khắc khoải của một người già cô đơn, một ông
lão chăn vịt làm bạn với con vịt tên là Cộc, cuộc sống nhạt nhẽo một người một
con vật cứ trôi khi một người xuất hiện nhưng chẳng thể nào dứt ra được người
kia, rốt cục ông lão già vẫn ôm lấy cô đơn.
“Tôi thích những mối tình câm
, tình thầm. Tôi tưởng tượng đó là những mối tình da diết, sâu sắc. Mãi mãi chẳng
dám nói thật lòng, cho đến cuối đời, tình ấy vẫn bàng bạc, rập rờn và mỗi khi
có dịp (như đi qua chỗ ngồi cũ, con đường cũ, gương mặt cũ…), ta bỗng thấy nhói
ran.”
Và….
“Chiến tranh theo tôi biết, có
nhiều người nhói đau khi nhắc về nó. Những huân chương, huy chương chỉ làm ấm
ngực, niềm đau khuất ở một góc lòng, có kẻ nhìn thấy có người không….”
Chiến tranh qua đi ta tung hô những
chiến thắng, tôi đọc “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh tôi biết thêm bi kịch
của những người lính chứng kiến những người đồng đội chết trong tay mình để rồi
thành những ám ảnh khôn nguôi, và ở đây một câu chuyện tôi biết thêm về người
phụ nữ lòng đau đáu giấu nỗi đau và khô cạn nước mắt, ừ thì làm phim đấy về một
người anh hùng nhưng người chồng kia lại không muốn, bởi không muốn gương mặt
người phụ nữ mình đã cố xoa dịu nỗi đau bằng sự vụng về dịu dàng nhất mà mình
có để nước mắt không vương trên khuôn mặt ấy. Và rồi cũng chấp nhận để nhìn giọt
nước mắt kia, để lau đi giọt nước mắt đấy. Nhưng có những cảnh chẳng lên phim
chỉ có người xung quanh hiểu được chỉ có con mắt người con bấy lâu nay trách một
người cha lạnh lùng….”một chiếc khăn, một bàn tay thô, một tấm lưng rộng…”
Tập sách cũng viết về những tiếng
hát, tiếng hát của những con người đeo đuổi nghiệp hát, những con người bất chấp
để đi theo đam mê, tiếng hát của những con người xế bóng. “Cuối mùa nhan sắc”...với
Nhà “Buổi chiều” của những con người xế bóng, về Đào Hồng đau đáu một tình yêu,
ai ngờ cuộc gặp gỡ hội ngộ có phải cái kết đẹp đâu mà là sự vô tình vì vẻ đẹp
trẻ trung kia đã phai mờ theo năm tháng, bị thời gian bào mòn và người kia gặp
lại chỉ là sự bẽ bàng bởi tồn tại trong kí ức người đó là nét đẹp xuân sắc, vô
tư không âu lo nhiều chứ đâu phải tuổi già này đã làm ít nhiều tiều tụy đi, có
nên trách người vô tình không hay đời thật bạc khu duyên gặp lại vẫn chỉ là hư
vô. Bà Hồng “như trái bầu khô chỉ còn nhờ vào nhờ chút chờ đợi mỏng manh của
tình yêu thời son trẻ làm cái vỏ cứng cáp ở bên ngoài, rồi cùng tới ngày thất vọng
xui cái vỏ thấm mưa nắng mục ruỗng đi”... Tình yêu có thể là động lực, nhưng
cũng có thể khiến người ta chết mòn không thể gượng dậy.
Hay cái nơi So Le nghe cái tên đã là sự cô quạnh, duyên phận so le, về câu chuyện buồn nhất của ai nơi này, về sự dứt áo ra đi, vì sự bịn rịn nơi này mà để người mình yêu ra đi...chấp nhận những đìu hiu nơi này.
Câu chuyện cuối cùng “Cánh đồng bất
tận” có lẽ tôi dành rất nhiều câu chữ cho những câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư,
về người đàn bà làm đĩ sống cuộc đời mà cái đau sự nhục nhã như một thói quen,
rồi có những câu hỏi mở ra một niềm đau, một kí ức, một vết thương trong lòng
hai đứa trẻ, ừ thì má hai đứa đã ra đi, trời ơi đau làm sao khi con mắt ngây
thơ thấy người mà chúng yêu nhất lại đang lõa với một người đàn ông. Bi kịch với
người cha nghĩ rằng sự chân thành của mình sẽ được đền đáp, một cú sốc ấy đã
chà đạp vụn vỡ tiềm thức và con tim để rồi sau đó người cha càng lún sâu để
thành người ác mười....người cha coi tình yêu không còn là sự chân thành, coi
tình yêu là trò chơi tự u uất để bỏ mặc hai đứa trẻ đáng lẽ phải đủ tình yêu
cha mẹ che chở, ôm ấp, vỗ về lại phải tự bơ vơ trưởng thành, tự trưởng thành
ngay từ khi còn nhỏ. Đáng lẽ gương mặt chúng phải là nụ cười vô tư nhưng lại cô
đơn, cô đơn trong chiếc thuyền ghe này, cô đơn khi người cha không là điểm tựa
của chính những đứa con. Khi ông sống u uất nhưng trời ơi, mình tổn thương
nhưng không có nghĩa mình lôi theo những người khác cùng tổn thương nhất là những
đứa trẻ, những đứa trẻ lớn lên ở những cánh đồng. Ta thương thấy cánh đồng bát
ngát thôi nhưng có để ý đâu được có những đứa trẻ mục đồng nay đây mai đó, con
mắt tinh tường của Nguyễn Ngọc Tư đã nhìn thấy những điều đó, không phải ngẫu
nhiên mà tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng như vậy. Rồi bi kịch đã đẩy lên
khi Điền đã chạy đi còn lại người chị và người cha. Phải chăng sự nhận ra của
người cha đã muộn màng?
“Những cánh đồng trở thành đô
thị, những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát, những
cánh đồng vắng bóng người, và lúa rầy mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa
nghén trong bùn quanh…”
Những bi kịch cứ luẩn quẩn, vờn
mãi không tha. Rồi là những khi nhìn gia tài phải chôn chặt xuống đất là đàn vịt,
sự bơ vơ của hai đứa dẫn đến sự kì cục trong mắt người ngoài nhưng chúng đã dựa
vào nhau để sống, ít nhất thì Điền không mang chữ hận chữ thù, nhưng chạy đi mù
mịt chưa biết bến ghe cuộc đời kia đưa đẩy về dâu, rồi người chị, Nguyễn Ngọc
Tư chỉ ra rằng Giáo dục rất quan trọng với mỗi đứa trẻ về nhận thức…
Cái kết có thể là bi kịch, Nguyễn
Ngọc Tư không để nhân vật của mình chết trên trang giấy, chao ôi sống tiếp thật
khó, chết thì thật dễ trong câu chuyện này, nhưng mà ít nhất cái kết sẽ là cái
tên Dịu ngọt ra đời, sự mịt mù vẫn còn bóng tối vẫn còn nhưng không thể bao
trùm lấy đi ánh sáng của hi vọng trong nhân vật và trong mỗi chúng ta
(Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Trẻ)
Viết hay lắm Cô gái :) Mong em sẽ viết nhiều hơn nữa...
Trả lờiXóa